Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Báo xuân Sài Gòn xưa

Cái thú đọc báo xuân của người Sài Gòn từ xưa đã trở thành nét văn hóa, nhắc nhở về khát vọng tươi đẹp, những giá trị nhân văn mà đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng tờ báo đầu tiên trong nam làm báo xuân là Phụ nữ tân văn vào năm 1930. Nhưng trên thực tế, hai năm trước đó, năm 1928, tờ Đông Pháp thời báo đã làm báo xuân. Trong số báo này có in nhiều bài viết về xuân, về tết như bài Chơi xuân của Tản Đà: “Người ta sanh ra ở đời, nếu chẳng chơi thì cũng thiệt, mỗi năm một lần xuân, nếu bỏ qua thì cũng hoài. Vậy chơi xuân cũng là phải, song mà cách chơi thế nào cho lịch sự…”.
Tài liệu ghi chép rành rành nhưng đến nay mọi người vẫn chọn tờ Phụ nữ tân văn, có lẽ vì tờ báo này tràn đầy nét xuân đậm đà hơn so với các ấn phẩm khác. Thật vậy, tờ báo xuân 1930 của Phụ nữ tân văn thật ấn tượng khi ngoài bìa in chữ xuân thật lớn và trình bày bài thơ: “Vui xuân vui khắp xa gần/Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng/Đốt hương nguyện với xuân hoàng/Sao cho nước cũ ngày càng thêm xuân?/Xuân tới xuân đi xuân chẳng ở/Có yêu xuân, xin chớ phụ ngày xuân…”.
Báo xuân Sài Gòn xưa - ảnh 1
Bìa tờ Tin sớm số xuân 1971ẢNH: L.M.Q
Duy trì báo xuân
Vì sao làng báo Sài Gòn đã giữ gìn, phát huy được nét đẹp làm báo xuân? Có lần tôi hỏi nhà văn Sơn Nam, vốn một đời chỉ sống bằng nghề cầm bút, ngần ngừ một lát ông quả quyết, đại khái, ấn phẩm báo xuân ở trong nam tồn tại mãi chính là từ tấm lòng chịu chơi, tính cách hào phóng của dân Sài Gòn.
Cuối năm, sau khi quyết toán xong sổ sách, lời lỗ trong một năm, các vị chủ báo nghĩ rằng mình đã “kiếm cơm” quanh năm thì “năm hết tết đến” cũng phải chia ngọt xẻ bùi cùng cộng sự. Đó là tạo điều kiện cho họ có thể kiếm tiền xúng xính tiêu tết. Các chủ báo cho giấy, tiền công in ấn để các ký giả, công nhân, tạp dịch… trong tòa soạn chủ động thực hiện một ấn phẩm đặc biệt.
Ấn phẩm này có trang in nhiều hơn, dày hơn, hình thức đẹp hơn, tất nhiên giá bán cao hơn thường lệ và muốn bán được thì phải đầu tư chất lượng bài vở. Họ phát hành ấn phẩm đó rồi cùng chia nhau hưởng lợi. Nói cách khác, đây là cách thưởng “lương tháng 13” của chủ báo dành cho những người cộng sự đắc lực của mình trong suốt một năm cộng tác gắn bó.
Báo xuân Sài Gòn xưa - ảnh 2
Bìa tờ Sân khấu truyền hình xuân Nhâm Tý 1972
Lật những trang báo xuân ngày trước
Tờ Tiếng Việt xuân 1971 in hình bìa là ca sĩ Phương Hồng Quế. Ngay trang đầu là dòng chữ “Cung chúc tân xuân” với hình ảnh thiếu nữ đội nón lá tung tăng bên ngàn hoa sắc thắm. Do năm Hợi nên không thể thiếu “Năm heo nói chuyện lợn”, âu cũng là nét chung của báo xuân thuở ấy, tức năm con gì thì bàn về con ấy ở góc độ lịch sử, văn hóa. Và thêm một “đặc sản” không thể thiếu là Sớ Táo quân, năm nào cũng có. Một hình thức sử dụng thể loại vần vè tóm tắt tình hình, chính trị, xã hội, văn hóa trong năm qua.
Tờ Tin sớm số xuân 1971 chọn bìa là tranh vẽ những chú ủn ngộ nghĩnh. Có nhiều cây bút nổi tiếng cộng tác như Bình Nguyên Lộc, Ái Lan, Thiếu Sơn… Trích lại đôi câu “Quẻ đầu năm” cà rỡn thân tình về nghệ sĩ thuở ấy. Chẳng hạn: “Bạch Tuyết: Mua nhà Thủ Đức, khỏe thân ghê/Gánh cũ vừa đi lại trở về/Danh vọng lên như diều gặp gió/Ông chồng còn được đóng xi nê”… Nay, đọc lại cũng vui vui.
Tờ Tin Sáng xuân 1971 ngoài bìa là bàn tay thả cánh chim bồ câu khát vọng hòa bình, có sự cộng tác Lý Chánh Trung, Sơn Nam, Kiên Giang, Hồ Mộng Thu, Cung Văn… Thú vị nhất là 2 trang biếm họa, hài hước Một năm chó đã qua do họa sĩ Diệp Đình vẽ theo dòng tin nổi cộm nhất trong năm qua. Tất nhiên không thể thiếu Tin vịt nghe qua rồi bỏ của cây bút phiếm hàng đầu thuở đó là Tư Trời Biển, theo tôi biết, bút danh này do nhiều người cùng ký.
Báo xuân Sài Gòn xưa - ảnh 3
Bìa tờ Minh tinh xuân 1973
Tờ Thách đố, ca sĩ Thanh Tuyền và Thảo Ly được chọn cho bìa ấn phẩm xuân 1971.
Ngoài các bài xuân từ thể loại thơ, truyện ngắn, bút ký… là loạt bài về nghệ sĩ. Theo nhận định của báo này, trong năm 1970 tại miền Nam có “4 ban thoại kịch ăn khách nhất” là Ban Kim Cương, Ban Thẩm Thúy Hằng, Ban Sống Túy Hồng, Ban Dân Nam. Và họ cũng bình chọn “Diễn viên nổi bật nhứt trong năm”: Ngọc Đức, Khả Năng, Thanh Tú, Diễm Kiều, Tú Trinh, Kiều Phượng Loan; và các phòng trà nổi đình nổi đám…
Tờ Sân khấu truyền hình số xuân năm 1972 là số báo khá độc đáo vì quy tụ các tên tuổi nổi tiếng trong nghệ sĩ. Năm qua, họ đã làm được gì, kế hoạch năm tới ra làm sao. Và đặc biệt là 4 trang in khổ lớn “Hợp soạn của 2 chiêm tinh gia nổi danh Huỳnh Liên - Minh Nguyệt”. Hai ông này cùng xem “Tử vi trọn năm” và “Cho số hên trọn năm để mua số kiến thiết!”. Có thể nói, chiêm tinh gia Huỳnh Liên “hot” nhất thời ấy, không một nhà báo chuyên nghiệp nào có thể “địch lại” mức độ xuất hiện dày đặc của ông trên các báo xuân thuở ấy.
Báo xuân Sài Gòn xưa - ảnh 4
Tờ Minh tinh số xuân 1973, ngoài bìa là hình nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. Ngay trang trong là hình ba thiếu nữ với trang phục bắc - trung - nam. Thú thật, nay đọc lại số báo này đôi lúc tôi tủm tỉm cười vì có nhiều hình ảnh “độc” về nghệ sĩ và cách viết dí dỏm của các ký giả, nhà văn như Hề Ốm, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Hoàng Hương Trang, Phi Sơn... qua các bài như Nghệ sĩ đón tết, Xông đất làng văn nghệ văn gừng…
Ngược lên trước nữa, tờ Ngày mới số xuân 1959 đã “phá cách” là tranh vẽ in một màu cho tươi tắn, bắt mắt. Và quà tặng bạn đọc là “Tử vi năm Kỷ Hợi”. Dù còn có khá nhiều tờ báo xuân khác đã sưu tập được nhưng do khuôn khổ bài báo, tôi tạm dừng và chọn lấy Lời nói đầu trong tờ Phụ nữ diễn đàn xuân 1963 như một lời chúc xuân: “Tin tưởng để phấn khởi. Hy vọng để nỗ lực. Góp sức để thành công. Đó là lý lẽ của mùa xuân tin tưởng vậy”.
Báo xuân VN có tự bao giờ ?
Vinh dự này dành cho tờ Nam phong tạp chí xuất bản trong thời gian 1917 - 1934 tại Hà Nội do nhà văn hóa Phạm Quỳnh chủ bút, ra hằng tháng. Tờ báo này có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức VN những năm đầu thế kỷ 20. Năm 1918, Nam phong tạp chí đã ra thêm một số xuân in toàn thơ văn có giá trị, nhưng không đánh theo số thứ tự, ngoài bìa chỉ ghi “Số Tết 1918”. Đó là tờ báo xuân đầu tiên của làng báo VN.
Lê Minh Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét