Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Giòn thơm bánh tráng Lạc Đạo

(Baohatinh.vn) - Cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 9 km về phía Đông, vùng Lạc Đạo (nay là thôn Lạc Long, xã Thạch Văn, Thạch Hà) không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, người dân buôn bán trăm nghề mà còn được biết đến là nơi có bánh tráng mịn, giòn thơm. Ở đây có khoảng 30 hộ thường xuyên làm bánh cung cấp cho thị trường.
gion thom banh trang lac dao
Bánh tráng Lạc Đạo
Công việc làm bánh bắt đầu từ khâu chọn gạo, ngâm mềm trong 4-5 giờ rồi tách nước chua trong gạo và để bột tạo được độ kết dính. Trước đây, người làm bánh ở Lạc Long thường dùng gạo chiêm đỏ (vụ chiêm), gạo lúa nhe, lúa ré, cu đỏ (vụ mùa); ngày nay thì dùng các loại gạo xuân mai 12 và khang dân 18.
Khác với bánh tráng các nơi khác, bánh tráng Lạc Long được cho thêm một ít muối và rắc đều trên mặt bánh một loại vừng đen, vì thế, khi ăn sẽ có cảm giác mằn mặn của muối, tăng thêm độ béo và mùi thơm của vừng đen. Có nhiều loại bánh, bánh mỏng để đập với bánh mướt gọi là “bánh cặp”, bánh dày hơn dùng để quạt giòn. Sở dĩ bánh có tên là bánh tráng chính là do các công đoạn sản xuất mà thành.
Bột được pha nước quấy đều, có độ loãng vừa để dạt được đều trên khuôn bánh là một khuôn vải được căng tròn trên một chiếc nồi bung nước sôi. Lớp gạo trắng được làm chín bằng hơi nước bốc lên từ chiếc nồi bên dưới. Người làm phải tính toán thời gian để khi bánh vừa chín, dùng thanh tre mỏng lấy bánh ra, khéo léo trải trên vỉ tre để bánh tráng không rách mà vẫn thẳng, là công đoạn quyết định thành công của một chiếc bánh thành phẩm.
Bánh được đặt trên các vỉ tre được đem ra phơi nắng, nếu trời mưa thì có thể sấy dưới than đen. Bánh dù phơi hay sấy đều phải đảm bảo thời gian, vì bánh quá khô sẽ bị cong vênh, không đẹp, nhưng quá ướt thì bị gãy nát.
Ở Lạc Long không chỉ có bánh tráng khô mà còn có loại bánh tráng ướt, nguyên liệu và công đoạn làm bánh cũng không khác nhau là mấy, riêng bánh tráng ướt phải dùng ngay mới ngon nên không để lâu được. Người làm bánh ở đây cũng không cho thêm các phụ gia thực phẩm nên bánh mịn và thơm. Độ ngon và thơm của bánh tráng Lạc Long được quyết định từ khâu chọn và ngâm gạo, chứ không pha thêm một loại tinh bột nào khác. Khi nướng lên, bánh thơm mùi gạo, mùi vừng đen. Bánh tráng mỏng để cuốn thịt với rau sống hay làm các món nem, bánh tráng nướng được dùng vào các món nộm gỏi. Nhiều món ăn ở Hà Tĩnh nếu không có bánh tráng thì hương vị sẽ giảm đi nhiều phần. Bánh tráng đi vào đời sống ẩm thực của người dân bình dị như thế!
Dương Chí Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét