Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Người Mông Phjắc Cát đón Tết

(LV) Cứ mỗi độ xuân về, khi những cơn mưa phùn lất phất bay trong tiết trời se lạnh cũng là lúc người Mông xóm Phjắc Cát, xã Dân Chủ (Hòa An) rộn ràng đón Tết, vui xuân.

Thanh niên nam nữ dân tộc Mông, xóm Phjắc Cát, xã Dân Chủ (Hoà An) múa hát đón xuân. Trước đây, do cách tính khác nhau nên Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng, họ đón Tết vào ngày 30/11 âm lịch hằng năm (trước Tết cổ truyền của người Kinh một tháng) và ăn trong 3 ngày. Ngày nay do điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, người Mông nơi đây đã ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Mỗi độ xuân về, người Mông dù làm ăn ở đâu cũng nhớ ngày Tết cổ truyền về thắp hương tổ tiên, họ sửa sang, thay mới bàn thờ. Bàn thờ để chính giữa hướng đường, chỉ với một tờ giấy trắng, dán lên tường cùng các hình thù trang trí, biểu tượng cho sức khỏe. Mỗi lần thắp hương cúng tổ tiên, người Mông nơi đây đem bàn gỗ ra để các vật thờ lên trên đó, ngoài con gà, 2 chiếc bánh dày, bánh chưng, rượu và hoa quả, họ còn thờ cuốc, xẻng, cày…, họ quan niệm những vật dụng nó cũng như con người, cũng phải để nó nghỉ. Ngoài ra, người Mông còn thờ 2 bếp chính, thắp hương liên tục 3 ngày để thần bếp giúp họ luôn giữ ngọn lửa, xua đuổi tà ma.
Tết Nguyên đán có thể coi là ngày hội lớn của người Mông nơi đây, họ chuẩn bị cho những ngày Tết rất chu đáo, cẩn thận. Trong bộ trang phục dân tộc truyền thống, chị Vương Thị Vừ, cùng những người phụ nữ trong gia đình quây quần bên bếp lửa, giúp nhau chuẩn bị gạo nếp, lá dong, cùng gói bánh chưng. Các chàng trai đảm đương phần việc giã bánh dày. Với người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái, bánh dày còn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Nhịp chày giã bánh vang lên từ mỗi căn nhà, dội vào vách núi, làm cho không khí đón Tết thêm rộn ràng, náo nức.
Bàn thờ ngày tết của người Mông
Bàn thờ ngày tết của người Mông.
Ngày Tết không chỉ là ngày nghỉ ngơi, ăn uống thoả thích mà còn là ngày tụ họp, gặp gỡ gia đình, đón người thân đi công tác, học hành, đi làm ăn xa trở về. Ngày của người sống, người chết gặp nhau: Con cháu làm lễ cúng tổ tiên, chào mừng ngày âm dương giao hoà và người Mông cũng như các dân tộc khác coi ngày Tết là những ngày quan trọng để làm tròn nghĩa vụ với anh em, họ hàng, láng giềng, với tổ tiên, với các vị thần mà họ tôn thờ. Người Mông chuẩn bị giấy xanh, đỏ, giấy bản, gà trống, trứng gà, ngô, rượu, nước…, những gia đình khá giả có thể mổ lợn, bò... làm lễ cúng Tết.
Những ngày áp Tết, trong căn nhà gỗ đơn sơ của gia đình ông Vương Văn Tu tràn ngập không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc. Các con, các cháu, dù dựng vợ, gả chồng và ra ở riêng, nhưng theo tập quán của gia đình, ngày Tết, tất cả về sum họp dưới một mái nhà, vui Tết cùng ông bà, cha mẹ. Con lợn ông nuôi từ năm ngoái, chỉ ăn rau, chuối trên rừng, uống nước nguồn khe suối giờ trở thành lễ vật không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên, bày tỏ tấm lòng thành kính, hiếu nghĩa, thảo hiền của các thế hệ con cháu trong gia đình với lớp người đi trước.

Người Mông vui tết
Người Mông vui tết.
Theo tập quán của đồng bào Mông nơi đây, họ không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng 1 mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, họ cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới đem lợn và gà đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Sau giao thừa, người đàn ông mới đi lấy nước, họ cầm 3 thẻ hương, 3 tờ giấy bản, cắm đuốc ở đầu nguồn nước, khấn xin được lấy nước, nước lấy về làm cơm mới, thịt mới, nước mới cúng tổ tiên. Sáng Mùng 1 họ mặc quần áo mới đi chơi. Mùng 2, mùng 3 Tết họ lấy cơm thịt của ngày mùng 1 đi nhét vào các cây ăn quả quanh nhà để lấy phúc cho cây, cây sẽ sai quả cho mùa bội thu.
Nói đến Tết của người Mông không thể không nói đến một lễ hội gọi là Gầu Tào. Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “địa điểm chơi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có cùng hoàn cảnh tổ chức. Lễ hội được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền - mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây để lấy phúc, lấy lộc. Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Hấu Tào phải quay theo hướng đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm, quả đồi Hấu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.
Để tổ chức lễ Gầu Tào, gia chủ phải mời chủ lễ (Trứ Tào) giúp chủ trì lễ hội và một người phụ nữ giúp việc (Nẹ Tào), đều phải là những người có gia cảnh yên ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả; cùng với hai thanh niên, nam nữ, giúp chủ lễ là Tú Tào và Sảy Tào. Lễ hội tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Ngày chặt tre để dựng nêu, chủ nhà bày mâm lễ để chủ lễ và những người giúp việc tiến hành nghi thức cúng và mời chủ lễ uống rượu, sau hai ly rượu, chủ lễ bắt đầu hát bài “sây giể” (xem bói) về lý do làm lễ Gầu Tào. Sau đó, chủ lễ xòe ô, hát bài “sáy dìn sê” (đi tìm cây nêu) và dẫn đoàn người đến chỗ cây tre đã chọn, để chặt tre.
Độc đáo hội còn ngày xuân của người Mông
Độc đáo hội còn ngày xuân của người Mông.
Nghi lễ chặt tre diễn ra ngay tại gốc tre, người chủ lễ làm lễ và cầm ô che, vừa hát bài “chía dìn sê” (chặt cây nêu) vừa đi quanh gốc tre, sau mỗi vòng lại chặt một nhát. Hết bài hát, người ta chặt tiếp để sao cho tre được đổ về phía mặt trời mọc và có người đỡ lên vai để tre không chạm đất. Chủ lễ che ô cho cây, hát bài “cứ dìn sê” (vác cây nêu) để mọi người vác ra bãi hội, gốc hướng phía trước, ngọn phía sau, không chạm đất và không nghỉ giữa đường. Đến bãi hội, người ta đào lỗ cắm cây tre, lúc này được gọi là cây nêu và không trùng với lỗ của các năm trước.
Chủ lễ buộc lên ngọn nêu hai dải vải lanh màu đen (sự tập hợp lực lượng) và màu đỏ (mời tổ tiên về dự hội), một bầu rượu, ba bông lúa nếp (tượng trưng cho tài lộc) và một túm cây “sưi” (họ dương xỉ, tượng trưng cho sự sinh sôi) rồi mọi người cùng nhau dựng nêu, quay ngọn về hướng mặt trời mọc. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài “Tịnh chay” (hẹn ngày) cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu tổ chức lễ tạ ơn (như đã hứa), rồi mọi người hưởng lộc ngay dưới chân cây nêu. Không khí hội hè nhộn nhịp, mọi người cùng nhau hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi, múa khèn, hát hội Gầu Tào… Cuộc vui kéo dài đến tối với các cuộc hát đối chủ - khách, nam - nữ.
Tết đến xuân về, Phjắc Cắt như chìm trong câu hát và những lời yêu thương mà các chàng trai, cô gái trao gửi cho nhau ngân lên giữa ngày xuân ngọt ngào: “Mùa xuân nắng ấm chan hòa/Em được gặp anh thật là hay/Hội xuân còn vui, còn náo nức/Nhưng xin giã bạn, em đi về/Em về anh mượn lời hay/Bao nhiêu tình thắm gửi người yêu thương/ Dù qua dốc núi chập trùng/Lòng anh theo bước với cùng chân em/Hẹn nhau xuân tới lại về/ Gặp nhau ta lại hát hò trao duyên”.
Tố Oanh (Nguồn: Báo Cao Bằng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét