Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Đầu năm xem rước cộ Lệ Bà

Đua thuyền trong lễ hộiẢNH: T.Đ.T
Lễ hội dân gian rước cộ Bà đã có từ hơn 1 thế kỷ nay. Nhiều người dân đến lăng Bà để cầu lộc cho một năm mới an khang, tài lộc.
Hằng năm cứ vào tối 11 tháng giêng (năm nay nhằm ngày 7.2), lễ rước cộ lăng Bà - Chợ Được (Thăng Bình, Quảng Nam - gọi là Lễ hội Lệ Bà Chợ Được) được tổ chức cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao, thu hút hàng ngàn người dân địa phương cũng như ở các tỉnh miền Trung về tham dự.
“Cộ” có nghĩa là “kiệu”. Rước cộ Bà là dùng kiệu để nghinh Bà, nghinh sắc phong của Bà đi quanh chợ và khu vực lân cận. Bởi vậy, ở khu vực các xã phía đông H.Thăng Bình từ lâu đã có câu ca: Hằng năm mười một tháng giêng/Chưng cộ, hát bộ, đua thuyền tri ân.
Thần nữ trị tội quan tham
Theo tài liệu bằng chữ Hán Thần Nữ Linh Ứng Truyện còn lưu giữ tại lăng, đây là truyền thuyết một nữ thần thuần Việt. Bà tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 11 tháng giêng năm 1799 tại châu Phiếm Ái, tổng Mỹ Hòa, H.Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Đại Cường, H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và mất ngày 25 tháng hai âm lịch năm 1817. Bà là con nhà giàu, sinh nơi khuê các. Lớn lên bà có giọng nói sang sảng, người đẫy đà, da trắng như tuyết, bước đi khác thường, lúc chết bà rất linh thiêng, biến hóa thần thông để trị tội bọn quan tham, giúp kẻ thế cô, người gặp tai họa. Bà mất năm 18 tuổi, một lần đã hiển linh tại làng Phước Ấm (nay là khu vực chợ Được, xã Bình Triều, H.Thăng Bình) và muốn tụ tập dân làng, xây dựng nơi đây thành chợ để mua bán, phát triển thương mại. Bà hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp làm nghề bán nước, đổi trầu; dần dần chợ Được trở thành nơi mua bán sầm uất của cả một vùng, đời sống người dân nhờ vậy ngày thêm no đủ.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương cho biết “Chợ Được” có nghĩa là “Đắc thị” trong chữ Hán đã được Việt hóa. Người dân vùng đông Thăng Bình từ xưa đã coi bà là vị sáng lập ra chợ Được, hay còn gọi là chợ Bà - một trong ba chợ lớn nhất ở xứ Quảng từ xưa và lấy ngày 11 tháng giêng (ngày sinh của bà, cũng là ngày nhận sắc phong đầu tiên dưới thời phong kiến) làm ngày Lệ Bà để tưởng nhớ công đức. Lễ hội rước cộ ngoài bàn kiệu chính là sắc phong và ngai của bà, các nghệ nhân trong vùng còn dựng lên các tích tuồng để lễ hội thêm đa dạng, góp phần giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Vào đêm rước cộ, bên cạnh hàng ngàn hoa đăng thả trên sông Trường Giang, đoàn cộ được hàng vạn người dân đi theo, nghênh đón suốt 10 km từ lăng Bà ở xã Bình Triều đến huyện lỵ Hà Lam. Trong dịp rước cộ năm 2009, Lăng Bà - Chợ Được đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.
Trương Điện Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét