Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Chùa Đa Bảo - Cõi thiền bình yên trước biển

Sân chùa Đa Bảo "ôm trọn" thắng cảnh vịnh Nha Trang. Ảnh: B.C
Hơn 20 năm trước, sư Thích Giác Mai quyết định rời khỏi dòng tu khất sĩ, bước chân âm thầm đi theo sự dẫn dắt của tuệ giác. Từ biển lên núi tìm nơi nương náu, trưởng dưỡng thân tâm. Theo thời gian, hơi thở của thiền sư thấm vào từng thớ đá. Vượt lên tất thảy gian khó, hiểm nguy…, tấm lòng của người chân tu ngày càng mở rộng.
    Tiếng lành đồn xa, giờ đây Đa Bảo tự nổi tiếng là cõi thiền bát ngát trên đỉnh Hòn Xện, tầm nhìn bao quát khắp vịnh Nha Trang.
    Từ trung thâm thành phố, qua cầu Trần Phú, theo đại lộ Phạm Văn Đồng đi về phía Bắc khoảng 5 cây số, có một khu dân cư mới hình thành dưới chân Hòn Xệnn. Dừng ở đó, ngó lên mạch núi Cô Tiên, dõi theo bóng cờ ngũ sắc, bạn sẽ nhìn thấy con đường độc đạo dẫn đến sân chùa Đa Bảo. Từ bờ vịnh đến cõi thiền, khoảng 15 phúc đi bộ, 5 phút đi xe máy nhưng không thể đẩy xe đạp dốc ngược đỉnh đồi. Nếu chọn ô tô làm phương tiện di chuyển, bạn yên tâm, bây giờ đường lên chùa đã đủ rộng cho 2 làn xe lên xuống.
    Ngày thường, rất đông khách du lịch dập dìu vãn cảnh. Dịp trăng tròn hay mùa Phật Đản, Vu Lan…, Phật tử khắp nơi rộn ràng hành hương lên chùa, cúng dường Tam Bảo. Chính điện mở cửa thông ra biển, hào quang tỏa sáng muôn phương. Tọa thiền trước sân chùa, mọi phiền não, bệnh hoạn, cầu uế…theo hơi thở trôi ra biển, thân tâm nhẹ nhàng…rỗng rang chưa từng thấy.
    Sư Thích Giác Mai nhớ lại: “Ngày ấy, một mình mở đường lên núi, tựa bên vách đá dựng chòi, làm chỗ nương thân. Hành trang toàn là dụng cụ lao động của nhà nông, nhưng lòng tràn đầy hy vọng. Thức ăn chỉ có cơm, chao với rau luộc, nước uống dè dặt từng bữa, vậy mà an lạc lạ thường. Mỗi buổi ngồi thiền, nhìn xuống biển Đông, màu xanh tràn ngập… Người tu hành không cảm thấy vất vả, cũng chẳng ngại nắng mưa, lặng lẽ dốc tâm dựng thất, khai khẩn đất hoang, rồi khoét núi tìm nước và tạo dựng sân vườn. Được bậc trưởng lão Thích Giác Định động viên, khuyến khích và Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm định hướng tư tưởng rồi chọn pháp hiệu Phật Đa Bảo trong Kinh Pháp Hoa để đặt tên chùa trong tương lai; duyên lành từ nhiều đời, nhiều kiếp…nương theo đó mà đơm hoa, kết quả theo đúng tinh thần Kim Cang Bát Nhã... ”
    Đất không bao giờ phụ lòng người. Thủa xa xưa, khi Đức Thế Tôn thuyết pháp, tháp Đa Bảo từ lòng đất trồi lên. Ngày nay, trên đỉnh đồi hoang, công sức và tâm huyết của người tu hành đã biến tịnh thất Đa Bảo thành một cơ sở tôn giáo uy tín, với đầy đủ điều kiện cho tăng sinh chuyên tâm tu học và là chốn nương tựa bình yên của Phật tử thuần thành.
    Cảm thán về Đa bảo tự, ngày ngày, sau giờ hành pháp, sư Thích Giác Mai phấn chấn gửi lòng mình trong bài kệ “Mái chùa Đa Bảo” mênh mang tình biển, tình người..., đồng vọng tiếng mõ, tiếng chuông…lẫn hơi thở ấp áp của thiền sư.
    Núi đá cheo leo dựng mái chùa
    Đơn sơ nếp lá đủ che mưa
    Mai xuân pháp hiệu tên thầy đặt
    Đa bảo-Vĩnh Hoa ngày tháng đưa
    Tinh tấn một lòng vui với đạo
    Nhất tâm tất dạ mừng hơn xưa
    Bao năm khổ hạnh không xao lãng
    Chí khí vững vàng dẫu muối dưa.
    Chùa Đa Bảo - Cõi thiền bình yên trước biển   ảnh 1
    Chính điện đơn sơ mà trang nghiêm, ấm cúng... Ảnh: B.C
    Chùa Đa Bảo - Cõi thiền bình yên trước biển   ảnh 2
    Chính điện đơn sơ mà trang nghiêm, ấm cúng... Ảnh: B.C
    Chùa Đa Bảo - Cõi thiền bình yên trước biển   ảnh 3
    Vườn tượng và cõi thiền. Ảnh: B.C
    Chùa Đa Bảo - Cõi thiền bình yên trước biển   ảnh 4
    Vườn tượng và cõi thiền. Ảnh: B.C
    Chùa Đa Bảo - Cõi thiền bình yên trước biển   ảnh 5
    Thiền sư Thích Giác Mai lắng nghe Phật tử. Ảnh: B.C
    LĐO BẢO CHÂN

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét