Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Vị thần 'trấn Bắc' của kinh thành Thăng Long xưa

Dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cho xây đền, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ ở phía Bắc để xua tà khí, thu phục lòng dân và củng cố nền thống trị phong kiến.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và cho xây dựng bốn ngôi đền thờ những vị phúc thần trấn bốn hướng đông, tây, nam, bắc của kinh thành, người xưa quen gọi là Thăng Long tứ trấn.
Đó là thần Long Đỗ thờ ở đền Bạch Mã trấn hướng đông, thần Linh Lang thờ ở đền Voi Phục trấn hướng tây, thần Cao Sơn thờ ở đình Kim Liên trấn hướng nam và thần Trấn Vũ thờ ở đền Quán Thánh trấn hướng bắc. Vua dựng bốn ngôi đền được cho là vừa để trấn tà khí, vừa dùng thần quyền để mê hoặc lòng dân, củng cố nền thống trị phong kiến ở kinh đô mới.
vi-than-tran-bac-cua-kinh-thanh-thang-long-xua
Pho tượng thần trong đền Quán Thánh được công nhận bảo vật quốc gia cuối năm 2016. Ảnh: Thái Mạc.
Trải qua hơn nghìn năm, đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên ngày nay) và phố Quán Thánh trông ra hồ Tây thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Vị thần này có nguồn gốc từ tín ngưỡng và đạo giáo Trung Hoa, được cho là có khả năng trừ tà ma, yêu quái. Khi du nhập vào Việt Nam, biến đổi cùng văn hóa bản địa, thần còn bảo hộ cho cư dân nông nghiệp.
Được người dân sùng tín nên quanh thần Trấn Vũ có nhiều truyền thuyết. Theo tài liệu của Ban quản lý di tích đền Quán Thánh thì tương truyền ở làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) có cáo chín đuôi chuyên làm hại dân. Thần Huyền Thiên Trấn Vũ giáng thế dùng phép thuật giết hồ tinh. Xác cáo quằn lại một chỗ rồi sụp xuống thành hồ Tây ngày nay. Vậy nên Hồ Tây còn có tên gọi khác là đầm Xác Cáo.
Tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ đặt trong hậu cung, được đúc bằng đồng đen, cao 3,96 m, nặng 4 tấn. Tượng ngồi oai nghiêm, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa đằng sau, mình mặc áo đạo sĩ màu đen, chân trần, tay trái bắt quyết, tay phải cầm gươm có rắn quấn quanh chống lên lưng rùa. Rắn và rùa là hai con vật tượng trưng cho sức mạnh và sự trường sinh của thần. Pho tượng được công nhận là bảo vật quốc gia tháng 12/2016.
vi-than-tran-bac-cua-kinh-thanh-thang-long-xua-1
Bản đồ thành Thăng Long năm 1490, tứ trấn ở bốn hướng, trong đó đền quán Thánh nằm ở hướng Bắc. Ảnh chụp lại.
Khi đền mới dựng, tượng thần được làm bằng gỗ. Năm 1677 dưới thời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc sai người trùng tu đền Quán Thánh. Tượng thần Trấn Vũ được các nghệ nhân làng Ngũ Xã đúc lại bằng đồng hun đen. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền tặng một đồng tiền vàng. Sau thêm các hoàng thân dâng cúng, số tiền vàng được đúc thành một cái vòng, dùng sợi dây bạc xâu treo ở cổ tay tượng thần.
Ông Bùi Ngọc Sơn, thủ từ trông coi đền Quán Thánh hơn 10 năm cho biết, cùng với thăng trầm lịch sử, pho tượng cũng trải qua nhiều biến cố. Thời kháng chiến, quân Pháp từng có ý định nấu chảy pho tượng để lấy đồng. Nhờ nhân dân ra sức bảo vệ, cộng thêm yếu tố tâm linh như những người đòi phá tượng có kẻ chết, người điên khiến ý định trên không thành. Pho tượng vì thế trở thành một trong những hiện vật giá trị của ngôi đền.
"Ngày rằm, lễ Tết có nhiều người dân đến thắp hương, có người chỉ thành tâm khấn vái, nhưng cũng có người vì tin vào điều tâm linh mà dùng tay, thậm chí cả khăn mặt xoa lên chân tượng để cầu mong may mắn", ông cho biết.
vi-than-tran-bac-cua-kinh-thanh-thang-long-xua-2
Đền Quán Thánh. Ảnh: Thái Mạc.
Ngoài đền Quán Thánh, thần Huyền Thiên Trấn Vũ còn được thờ ở đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên). Pho tượng ở ngôi đền này được đúc vào cuối thế kỷ 18 dưới thời Tây Sơn, kéo dài đến đầu thế kỷ 19 thời Nguyễn mới xong. Tượng cũng bằng chất liệu đồng, nặng 4 tấn, tay cầm kiếm có rắn quấn quanh chống lên mai rùa, mang nhiều nét tương đồng với tượng thần Trấn Vũ trong đền Quán Thánh. Theo quan niệm dân gian, thần Trấn Vũ thờ ở đây để bảo hộ, ngăn lũ lụt, tai ương cho cả vùng đồng bằng quanh đê sông Hồng.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận định, từ cách thức tạo hình, hình tượng trong quan niệm dân gian, có thể thấy tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ ở hai ngôi đền ngoài trấn giữ phương Bắc, trừ tà còn thể hiện việc trị thủy, mong muốn về một cuộc sống an lành của cư dân nông nghiệp xưa.
Thái Mạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét