Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Ấn tượng áo dài: Chiếc áo dài của phu nhân ông Nguyễn An Ninh

Bà Trương Thị Sáu, chủ tiệm may Cầu Ông Lãnh năm 1922ẢNH: TƯ LIỆU BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ\
Bà Nguyễn Thị Minh, người con thứ 5 của ông Nguyễn An Ninh, không chỉ dày công sưu tầm tư liệu, các bài viết trên báo của cha để in thành sách mà còn là người giữ những kỷ vật mang hồn cốt gia tộc Nguyễn An Ninh. Một trong những vật kỷ niệm quý giá là chiếc áo dài do bà Trương Thị Sáu tự cắt, may bằng tay trong những ngày sống và làm việc ở miền Bắc.
Theo chồng giã từ nghề may
Bà Nguyễn Thị Minh kể: “Trước khi về làm vợ của nhà trí thức yêu nước nổi tiếng đất Nam kỳ, mẹ tôi là cô chủ tiệm may nhiều người biết đến ở Cầu Ông Lãnh, đất Sài Gòn xưa. Quần áo mẹ tôi mặc thời đó toàn thứ đắt tiền. Ngày ba buổi, bà mặc ba màu áo khác nhau. Cổ bà đeo 3 chiếc dây chuyền, mỗi bên tay đeo vài chiếc vòng, nhẫn đeo ở 8 ngón. Bà biết cách trang điểm thanh tú, lịch sự nên nhan sắc được tôn lên nhiều lần. Nhiều quan chức, trí thức, thương gia đánh tiếng cưới cô sáu Cầu Ông Lãnh. Vậy mà mẹ tôi chẳng ưng ai. Sau này, vì mến phục ông chủ báo Tiếng chuông rè dám chống lại nhà cầm quyền Pháp công khai trên báo mà bà chấp nhận làm vợ ông. Bà bán hết cửa hàng, tài sản, giã từ nghề may về sống tại Hóc Môn. Từ năm 1924, bà không chỉ là người vợ mà còn làm người bạn đồng hành cùng cha tôi, cho đến suốt cuộc đời, ngay khi ông đã hy sinh ngoài Côn Đảo”.
Phải rất yêu ông Ninh, bà mới từ bỏ khát vọng làm giàu luôn nung nấu trong lòng một cô gái mang dòng máu Hoa lai Việt để gánh lấy “giang sơn nhà chồng”. Xếp lại những chiếc áo dài thướt tha mặc thường ngày, bà Ninh hòa nhập nhanh chóng đời sống nông dân lam lũ. Đôi bàn tay từng đeo tám chiếc nhẫn nuột nà thời con gái đã biết trồng xoài, nuôi bò, ngựa, gà... Sau chuyến đi Pháp về, ông Ninh cám ơn biết bao đôi bàn tay chai cứng ấy của người vợ trẻ. Cực khổ, nguy hiểm mà bà thấy vui, tràn ngập hạnh phúc, mãn nguyện như bà tâm sự trong hồi ký: “Sống với anh, tôi vừa chăm sóc cha vừa làm bạn đồng hành suốt cuộc đời anh. Anh nói không bao giờ quên ơn tôi. Tôi chỉ im lặng và rơi nước mắt!”.
Trên con đường làm “quốc sự” đầy gian nguy, bất trắc của chồng, bà là người bạn đồng hành, kiên định, quả cảm. Ông Ninh ngồi tù, bà thay ông nối dài lý tưởng, ước mơ của ông bằng cách làm kinh tế đóng góp cho tổ chức cách mạng, đi diễn thuyết, vận động quyên góp cho sự phát triển của phong trào quần chúng, xuất bản sách, giữ gìn từng quyển sách, trang viết của ông Ninh, nuôi đàn con năm đứa còn thơ dại…
Ấn tượng áo dài: Chiếc áo dài của phu nhân ông Nguyễn An Ninh - ảnh 1
Phu nhân nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và con trai đầu Nguyễn An ĐịnhẢNH: TƯ LIỆU BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ
Mặc áo dài để thể hiện tâm hồn Việt
Gần cuối năm 1943, bà nhận được tin chồng đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Sau nỗi đau quá lớn, bà tự nhủ phải thay ông gánh vác việc non nước. Sau hiệp định sơ bộ, bà nhận làm chủ nhiệm tờ báo Phụ Nữ - một công việc đầy nguy hiểm lúc ấy, chịu trách nhiệm vận động thành lập Hội Phụ nữ VN, Hội Công thương gia, Hội Liên - Việt TP Sài Gòn - Chợ Lớn. Bà trở thành Hội trưởng Hội Phụ nữ và Ủy viên Thường vụ Hội Liên Việt. Những năm tháng ấy, bà khoác chiếc áo dài đĩnh đạc xuất hiện trước công chúng, tạo nên hình ảnh bà quả phụ một nhà yêu nước quả cảm, có sức thuyết phục rất lớn trong lòng quần chúng Sài Gòn và Nam kỳ. Đến lúc bị lộ, bà lại một lần nữa xếp lại những chiếc áo dài, thoát ly ra chiến khu…
Với công lao và phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Nam bộ, bà được bầu đại biểu Quốc hội khóa 2 và 3 trên đất bắc. Những năm tháng dầu sôi lửa bỏng, lao vào nhiệm vụ cách mạng, có lúc bà đành rời bỏ tà áo dài truyền thống nhưng tình yêu chiếc áo dài vẫn âm ỉ trong lòng bà. Những dịp gặp Bác Hồ, gặp những lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đoàn khách đặc biệt hoặc ra nước ngoài công tác, bà vẫn có ý thức mặc chiếc áo dài Việt, cho dù để có được áo dài phải mượn quần áo tại kho của trung ương, rất phiền phức. Ý thích có riêng cho mình bộ áo dài mặc trong những ngày họp Quốc hội và lễ hội quan trọng của Mặt trận Tổ quốc luôn nung nấu trong ý nghĩ của bà. Thời bao cấp phải dùng tem phiếu, để có được tấm vải may áo dài thật không dễ dàng. Thợ may áo dài Nam bộ trên miền Bắc rất hiếm, nên dù rất bận rộn, bà vẫn dành thời gian âm thầm tự may cho mình chiếc áo dài.
Lúc tập kết, một người bạn tặng bà một cây vải lãnh Mỹ A, khi tham quan nước bạn, bà mua một khúc lụa. Có đủ vải, bà tự cắt và may áo dài cho mình. Không có máy khâu, bà may tay, thích thú được gửi tâm tình vào từng đường kim mũi chỉ. Bộ áo dài này được bà nâng niu cho đến ngày thống nhất đất nước. Bà mặc chiếc áo dài này lần cuối cùng khi dự Đại hội Đảng lần thứ 4 tại Hà Nội. Bà Sáu mất năm 1983. Bộ áo dài này được gia đình gìn giữ cẩn trọng. Các con bà mỗi khi nhìn lại bộ áo dài, thấy rõ sự khéo léo của đôi tay cô chủ tiệm may nổi tiếng năm xưa, qua từng mũi kim rất nhỏ, rất đều đặn, thẳng tắp. Theo thời gian, chiếc áo có nhiều chỗ rách. Bà đã mạng lại từng lỗ rách rất khéo, rất đẹp, rất hài hòa.
Hồn chiếc áo dài của bà Nguyễn An Ninh gửi lại cho thế hệ mai sau thật vô cùng quý báu, như chính phẩm chất của người phụ nữ VN với tình yêu thủy chung, lòng kiên trung với đất nước...
Trầm Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét