Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Danh thần phải bỏ mạng vì tự ý sửa điểm bài thi để lấy lòng cấp trên

Mặc dù là người đỗ đại khoa, lại lập được nhiều công trạng cho triều đình trước đó nhưng vì tội sửa điểm bài thi mà ông bị khép vào tội chết. Đây có lẽ là hình phạt nặng nhất, hiếm thấy trong lịch sử.

Như đã đề cập ở kỳ trước trong bài Nghi án nhà bác học Lê Quý Đôn từng khiến thần đồng Việt chết yểu?, nhân vật thứ hai mà chúng tôi muốn nhắc đến trong loạt bài về những vụ gian lận chấn động nền khoa cử thời phong kiến là tiến sĩ Ngô Sách Tuân.
Mặc dù là người đỗ đại khoa, lại lập được nhiều công trạng cho triều đình trước đó nhưng vì tội sửa điểm bài thi mà ông bị khép vào tội chết. Đây được xem là hình phạt nặng nhất, hiếm thấy trong lịch sử khoa cử thời phong kiến Việt Nam.
Bỏ mạng vì muốn nịnh cấp trên
Ngô Sách Tuân (1648-1697) là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng bậc nhất lúc bấy giờ. Bản thân gia đình Ngô Sách Tuân có cha và anh trai cùng đỗ tiến sĩ và làm quan to trong triều.
Ông đỗ tiến sĩ năm Bính Thìn (1676) đời Lê Hy Tông khi 29 tuổi, làm quan tới chức Lại bộ Hữu thị lang. Ấy vậy nhưng chỉ vì một sai lầm trong việc chấm bài thi mà cuộc đời cũng như danh tiếng của ông đã tiêu tan thành bọt nước. Không những phải mất mạng, Ngô Sách Tuân còn để lại một “vết đen” trong lịch sử khoa bảng nước nhà. Câu chuyện này đã được sử sách ghi lại khá tỉ mỉ.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34) chép lại nội dung câu chuyện này như sau: Lúc bấy giờ (tức năm 1696 – PV) Ngô Sách Tuân đương giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hóa, Ngô Sách Tuân có đến gặp quan Tham tụng Lê Hy (ông này là người Thanh Hóa) để chào từ biệt.
Trong buổi gặp gỡ đó thì Ngô Sách Tuân mới biết trong đợt thi này, các con của quan Tham tụng cũng tham gia. Lê Hy bèn đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho Ngô Sách Tuân biết và có ý nhờ giúp đỡ. Vốn là người có hiềm khích với Lê Hy trước đây nên Ngô Sách Tuân cũng muốn nhân dịp này để xóa bỏ ân oán nên đã nhận lời.
Số là tháng 7/1694 Ngô Sách Tuân tố cáo Lê Hy lên triều đình về chuyện ông này lén lút đưa người con là Lê Thuyên và học trò là Tô Hinh vốn không có năng lực vào quan trường. Sự việc được tấu trình lên nhưng nhà vua xét thấy không đủ bằng cớ để kết tội Lê Hy nên đã giáng chức Ngô Sách Tuân. Hai người giữ mối hiềm khích kể từ đó.
Chính vì thế khi nhận được sự “gửi gắm” của quan Tham tụng, ông cũng muốn dựa vào việc này để hóa giải hận thù giữa hai bên. Tuy nhiên, trong kỳ thi đó các con Lê Hy không đỗ nên ông đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng đó đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ. Sự việc này không qua mắt được quan Đề điệu trường thi (tức quan chủ khảo - PV) là Phó đô ngự sử Ngô Hải. Tuy nhiên, ông này hứa sẽ giấu kín chuyện.
Thế nhưng việc này bị quan Tham chính là Phan Tự Cường phát giác bèn tâu lên. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (nghĩa là bắt phải thắt cổ mà chết), Ngô Hải vì không biết lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.

Nhà thờ họ Ngô Nguyễn làng Tam Sơn hiện nay, trong đó có thờ tiến sĩ Ngô Sách Tuân.

Rõ ràng kết cục đau lòng của vị tiến sĩ trên không khỏi khiến hậu thế dấy lên những niềm bi cảm. Người ta trách ông thì ít mà thương ông thì nhiều. Ông Ngô Sách Viện, người trông nom nhà thờ dòng họ Ngô Nguyễn làng Tam Sơn hiện nay cho biết: “Làng Tam Sơn chúng tôi có 17 người đỗ đại khoa từ phó bảng cho đến trạng nguyên. Trong số đó có 8 người họ Nguyễn và 9 người họ Ngô.
Làng có trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu và tiến sĩ Nguyễn Gia Mưu là rất nổi tiếng. Cụ Ngô Miễn Thiệu là người có công dìu dắt cụ Nguyễn Gia Mưu trên con đường học vấn, sau lại gả con gái cho làm vợ. Vì thế sau khi thành đạt, cụ Mưu muốn tưởng nhớ công ơn của người cha vợ nên con cái đều được đổi sang họ Ngô. Từ đó mà họ Ngô làng Tam Sơn có hai chi nhánh lớn là Ngô Nguyễn và Ngô Sách. Cụ Ngô Sách Tuân thuộc chi họ Ngô Sách chúng tôi.
Riêng về câu chuyện của cụ Ngô Sách Tuân thì chúng tôi cũng được nghe kể lại ít nhiều. Tôi không rõ người đời sau đánh giá về cụ như thế nào nhưng với con cháu chúng tôi, cụ vẫn là một tấm gương sáng ngời cho tinh thần hiếu học và thành đạt”.
Tội nhân hay chỉ là nạn nhân của trò chơi quyền lực?
Thực tế là các sử gia phong kiến đã có những nhận định khá sắc sảo về trường hợp của tiến sĩ Ngô Sách Tuân. Họ không bênh vực cho hành vi gian lận của ông nhưng rõ ràng, cái nhìn của họ vẫn có nét đồng cảm, thậm chí là thông cảm.
Các sử gia nhà Nguyễn sau khi chép lại sự việc trên có bàn như sau: “Lê Hy làm Tể tướng một nước, thế mà lại gởi gắm con mình cho viên quan giữ việc chấm thi và (Ngô) Sách Tuân xu nịnh với riêng bậc đại thần mà mình nhận lời kí thác, đặt trong phép nước mà xét thì tội hai người như nhau. Vậy mà chỉ mình (Ngô) Sách Tuân bị trị còn cha con Lê Hy thì không ai xét hỏi gì đến, như thế thì còn gọi là phép nước làm sao được nữa! Phan Tự Cường biết hạch tội (Ngô) Sách Tuân mà không một lời nào đả động đến Lê Hy, thế thì so với người nịnh hót Lê Hy cũng chẳng hơn kém nhau bao nhiêu. Vậy (Phan) Tự Cường cũng cùng một loại với (Ngô) Sách Tuân mà thôi”.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường đại học Bình Dương đã từng viết những lời nhận xét tâm huyết về trường hợp của tiến sĩ Ngô Sách Tuân. Ông cho rằng kỳ thi Hương năm đó (tức năm 1696) kẻ đỗ cao nhất cũng chỉ là Cử nhân nhưng mà nó lại đánh hỏng một cách thảm hại nhân cách của bốn vị tiến sĩ lừng danh là: Lê Hy, Ngô Sách Tuân, Phan Tự Cường và Ngô Hải.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần

Ông viết: “Chư vị sử gia thời Nguyễn, sắc sảo thì quả là thật sắc sảo, song chừng như chư vị chỉ muốn mượn lời cẩn án để kí thác chút tâm sự với thời cuộc đó thôi. Tự cổ, búa rìu của phép nước vẫn giáng từ trên xuống, có đâu lại vung từ dưới lên, vung lên như thế, lỡ bay đầu Tể tướng, bay luôn đầu cả Chúa lẫn Vua, thiên hạ như gà con mất mẹ, biết nương tựa vào đâu.
Vả chăng, vung lên lâu ngày quen tay thành tật, chư vị ngồi trong kinh thành, nhỡ bị họa lây thì lấy ai mà viết sử? Kẻ hậu sinh này viết tới đây, ngẩn ngơ mà tình cờ dừng lại, ngắm mãi cái gì đen đen trong trang sử cũ, một lúc sau mới chợt nhận ra đó chính là xác tiến sĩ Ngô Sách Tuân đang treo lủng lẳng, khô như một nét sổ của trang chữ Hán lạnh lùng”.
Bày tỏ lòng thương cảm cho số phận của một danh sĩ, nhà sử học này tuy không trực tiếp nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng, lỗi của tiến sĩ Ngô Sách Tuân không hẳn chỉ là việc tự sửa điểm mà thôi. Trò chơi quyền lực cũng như những đấu đá chính trị và những thăng trầm của thời cuộc đã biến ông thành nạn nhân, phải “giơ đầu chịu báng”.
Chính vì thế nếu cái chết của ông đáng trách một thì hậu thế lại thương cảm gấp mười. Trong lời nhận xét của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, chúng ta đều có thể nhận ra niềm bi cảm đó. Ông viết: “Mạo muội dịch ra quốc ngữ, lại nhìn kĩ lần nữa, thì chao ôi, cái xác treo lủng lẳng ấy bay vào trang đánh máy, chẳng khác gì cái dấu chấm than. Hóa ra, dấu chấm hết cuộc đời của tiến sĩ Ngô Sách Tuân lại là dấu chấm than”.
Tiến sĩ Ngô Sách Tuân sinh ra trong một gia đình khoa bảng bậc nhất
Ông Ngô Sách Viện, người trông nom đền thờ họ Ngô Nguyễn làng Tam Sơn cho biết: “Gia đình của cụ Ngô Sách Tuân là một gia đình khoa bảng hiếm có. Cha của cụ Tuân là cụ Ngô Sách Thí, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hợi năm 1659 đời Lê Thần Tông. Người anh trai là cụ Ngô Sách Dụ cũng đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn năm 1664 đời Lê Huyền Tông khi mới 25 tuổi. Sau này, người con trai của cụ Tuân là cụ Ngô Sách Hân tiếp tục đỗ Thám hoa, khoa Tân Sửu năm 1721 đời Lê Dụ Tông khi mới 32 tuổi”.

Phạm Thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét