Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu

(LV) - Đến huyện lỵ Kỳ Anh, đi về hướng đông theo con đường liên xã, hay xuôi theo dòng sông Trí khoảng 7 - 8km, tới thôn Hải Khẩu (xã Kỳ Ninh), sẽ thấy một ngôi đền cổ kính. Ðó là đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu, còn gọi là đền Bà Hải, đền Hải Khẩu, hay đền Chế Thắng phu nhân, cung phi vua Trần Duệ Tông, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.

Lịch sử hình thành đền
Nguyễn Bích Châu quê ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định con gái đại thần Nguyễn Tướng Công một ông quan rất mực thanh liêm. Từ nhỏ được sự dạy dỗ chu đáo nên khi trưởng thành đã trở thành người văn võ toàn tài. Năm Long Khánh thứ nhất (1373) nàng được Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi, nhưng lúc bấy giờ chế độ phong kiến nhà Trần suy vong chính sự đổ nát nhân tài không được trọng dụng, cung phi Nguyễn Thị Bích Châu bèn thảo bản “ Kê minh thập sách” dâng lên nhà vua và được vua khen là thông tuệ.
Tượng thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu
Tượng thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.
Năm 1377 nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, trước khi đi Bích Châu làm tờ biểu can ngăn nhưng vua không nghe nên nàng xin theo hộ giá. Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn) vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới quan quân ta để trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Quân của Trần Duệ Tông bị tấn công bất ngờ, long thể nhà vua lại bất an, Nguyễn Thị Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận và không may bị trúng tên độc sau đó từ trần. Ba ngày sau vì bệnh quá nặng nhà vua cũng băng hà, quân nhà Trần rút về kinh đô khi tới địa điểm Châu Hoan vì sóng to gió lớn tàu thuyền phải ghé vào vũng Ô Tôn (Vũng Áng).
Lúc này vua Trần Đế mới lên ngôi nghe tin liền xuống chiếu rước linh cữu nhà vua về bằng đường bộ còn linh cửu quý phi đi bằng đường biển. Sau mấy ngày thời tiết không thuận lợi triều đình xuống chiếu cho an táng Quý phi tại Cửa Khẩu, bến Kỳ La huyện Kỳ Hoa thuộc Châu Hoan. Năm 1470 trong lần đem quân đi đánh Chiêm Thành giành chiến thắng trở về vua Lê Thánh Tông cho quân dừng lại nơi đây và sai người chặt gỗ, gọt đá xây dựng ba toà điện thờ bà và sắc phong cho bà là: “ Chế Thắng phu nhân”
Kiến trúc của đền
Đền Bích Châu được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m2, quay về hướng đông nam. Phía trước đền, từ trái sang phải là núi Ô Tôn có đền Eo Bạch được xây dựng cuối đời Trần. Vũng Áng còn gọi là "Cửa Cá" nổi tiếng với nhiều hải sản quý như tôm hùm, mực, yến sào... Núi Cao Vọng có hang nhỏ tương truyền là nơi ẩn náu của Hồ Hán Thương vào năm 1407. Sau lưng đền, xa xa là núi Bàn Độ có đầm Tiên nữ, có bàn cờ tiên, xưa là nơi có rất nhiều hươu sao. Đỉnh núi bằng phẳng giống như cái mâm vàng đặt qua biển (kim bàn đồ hải) nên có tên là núi Bàn Độ.
Tam quan đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu
Tam quan đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.
Đền được xây dựng thời Trần chỉ có tiền miếu hậu lăng, đến năm 1470 đền có 3 toà, trải qua thời gian đền được tu sửa tôn tạo nhiều lần. Nằm trong vùng "cửa gió" nên có những bộ phận đã bị cát vùi lấp chỉ còn một phần như hai cột nanh, cổng Tam quan. Nhân dân địa phương mở cổng phụ để đi vào đền. Toàn bộ khu di tích có thể chia thành hai khu vực: Khu công trình phụ gồm cổng phụ, đường đi, cổng chính và nhà quan tả. Khu công trình chính gồm hạ điện, trung điện và thượng điện nhà tiếp khách, nhà sắc và khu hành lang.
Toàn bộ công trình của đền hiện tại được bao quanh bằng cát bồi lấp thành bức tường tự nhiên. Ba toà điện Hạ điện, Trung điện, Thượng điện và nhà dâng hương là hệ thống nối liền khép kín với nhau kiến trúc theo kiểu chữ Công (I). Phía sau thượng điện tương truyền có mộ của bà Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu.
Lễ hội đền Chế Thắng phu nhân – Nguyễn Thị Bích Châu
Dù lễ hội (quy mô nhỏ) hay lễ hội (quy mô lớn) thì bao giờ cũng cần có một thời gian để chuẩn bị. Thời gian đó dài hay ngắn thùy thuộc vào hội to hay nhỏ. Việc chuẩn bị lễ hội được tiến hành chu đáo hàng tuần trước ngày mở hội.
Trước đây, dân làng thường họp lại để phân công những người vào ban tổ chức và giao công việc cụ thể cho từng giáp. Việc cần chuẩn bị đầu tiên là cần xác định rõ địa điểm mở hội và không gian của lễ hội bởi đó là nơi tập trng quần chúng, nơi tổ chức nghi lễ, nơi tổ chức trò chơi, nơi biểu diễn văn nghệ. Ban tổ chức có trách nhệm điều hành mọi công việc của lễ hội từ khi chuẩn bị tới khi kết thúc.
Người ta phân công nhau sửa sang lại đền, chùa, vô sạch sẽ trong khu vực tổ chức lễ hội, lau rửa các đồ thờ phụng (kiệu, ly án, chấp kích, bát bửu). Đền chùa được phong đồ (phơi phóng cờ quạt, tán lọng, quần áo). Các giáp cửu lực lượng tham gia hội (người khiêng kiệu, đội diễn xướng và trò diễn, người đóng các nhân vật lịch sử, người cầm cở đánh trống, người làm cỗ thờ, đặc biệt là người trong ban tế, nhất là ông chủ tế). Lễ phục thờ thánh, trang phục của những người tham gia. Các tục hèm được giữ gìn nghiêm ngặt trước ngày hội.Tất cả mọi việc chuẩn bị phải đảm bảo cho ngày hội được tổ chức nghiêm túc, tạo nên không khí trang nghiêm tôn kính.
Thanh Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét