Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Khua Luống của người Thái ở bản Tôm

(LV) - Cũng như người Thái ở các bản làng miền Tây Thanh Hóa, người Thái ở bản Tôm, xã Ban Công, huyện Bá Thước còn lưu giữ được nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống của mình. Khua Luống là một nét văn hóa truyền thống điển hình trong kho tàng ấy và đến ngày nay vẫn luôn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống của người Thái nơi đây.

Loại hình nghệ thuật truyền thống bắt nguồn từ lao động
Trong lịch sử, bản Tôm được xem là vị trí trung tâm, mảnh đất lành, tươi đẹp nên người dân đã dồn về thành bản, nơi đây được xem như cửa ngõ để đi đến các bản, làng khác trong vùng. Các “dòng chảy” văn hóa cũng dồn tụ về đây đã góp phần làm nên một bản Tôm không chỉ trong lịch sử mà đến tận ngày nay vẫn còn gìn giữ được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Thái. Trong số ấy, Khua Luống nổi lên như một loại hình nghệ thuật độc đáo, điển hình nhất.
Theo ông Hà Văn Lịch, trưởng bản Tôm kể lại, Khua Luống bắt nguồn từ trong lao động. Giã gạo là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Phụ nữ Thái thường dậy rất sớm, hơn 3h sáng khi mặt trời còn ẩn sau núi, nhưng những bếp than hồng trong từng ngôi nhà sàn đã đỏ lửa. Lúc này tiếng chày giã gạo bắt đầu gõ nhịp, thưa thớt, đều đều... dồn dập như thúc giục mọi người trở dậy để bắt đầu công việc. Hoặc nhiều lúc trong quá trình giã gạo để đỡ nhàm chán, mệt nhọc, người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống (cối giã) hoặc khua chày với nhau, tiếng kêu phát ra rất vui tai. Cứ thế, dần qua thời gian, Khua Luống đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành khúc ca dung dị mà thân thuộc của người dân bản Thái.
Khua Luống được truyền từ đời này sang đời khác. Các bà, các cụ, các chị em lớn lên lúc biết cầm chày giã gạo cũng là lúc biết khua luống. Nhà nào cũng khua, 3, 4 người họ cũng khua được, càng nhiều người hòa nhịp càng vui.
Chất liệu và hình thức của Luống
Luống có thể làm bằng nhiều loại gỗ, trừ gỗ tạp dễ mối mọt và gỗ lim nặng, khó đẽo. Theo kinh nghiệm của bà con bản Tôm, để tiếng nhạc phát ra được thanh và hay, người ta thường dùng gỗ mun, gỗ pào và đặc biệt là gỗ sú. Chọn từ cây gỗ to, thẳng, cắt thành khúc tùy theo kích thước của luống, thường có chiều dài 3m và đường kính khoảng 80cm, được đẽo bớt ruột. Còn chày thì chọn những cây hoặc cành nhỏ, chắc thịt để khi giã tiếng chày vang xa.
Tham gia Khua Luống thường là phụ nữ với số lượng từ 10 người trở lên, chia thành các cặp, trong đó cử ra một người làm cái, một người gõ nhịp và các cặp còn lại dùng những chiếc gậy gỗ gõ vào thành của một cây gỗ đã rỗng ruột, theo nhịp phách do người làm cái gõ, tạo thành một loại âm thanh vừa rộn ràng, chắc gọn lại mộc mạc và giản dị. Đặc biệt Khua Luống thường kết hợp với trống, chiêng. Khi các thành viên khác Khua Luống thì cần một người đánh trống và một người đánh chiêng. Khác với cồng chiêng Tây Nguyên, chiêng của người Thái được đánh bằng dùi, khi biểu diễn 4 cái chiêng được treo lên và chỉ cần một người đánh. Sự kết hợp của Khua Luống và trống, chiêng tạo nên một không khí tưng bừng, rộn rã.
Khua Luống trong đời sống của người Thái, bản Tôm
Khua Luống tiếng Thái gọi là “Quánh Loóng” và được sử dụng trong những dịp vui được mùa, ngày tết, lễ hội, đám cưới, đón khách và cả lúc buồn báo hiệu tiễn đưa người đã mất…
Luống có hình dáng như một chiếc thuyền độc mộc, một chiếc quan tài đục bằng thân cây có nắp đậy để đưa người quá cố trở về với tổ tiên. Luống còn là công cụ để vò lúa, giã gạo hàng ngày, đặt ở dưới gầm nhà sàn, ngay gần kề lối cầu thang lên gác. Như vậy, luống vừa là công cụ dùng để giã gạo, vừa là một nhạc cụ dân tộc, gắn liền với sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng. Khua Luống tức là dùng chày gõ hay khua vào luống gỗ để tạo nên bản nhạc không lời, thể hiện tâm trạng tình cảm của con người.
Khua Luống với 12 điệu luống như: Loong ton khéch (luống đón khách) vui tươi, rạo rực; điệu Loong pạt, Loong xoỏng, Loong xảm, Loong pạc xạc: mừng được mùa, đập lúa đêm trăng. Cùng với luống còn rộn rã tiếng gõ Boong bu, tiếng cồng chiêng diễn tả đi săn, hái lượm, bắt cá, bẫy chim thú… Người ta có thể đứng chung lại và khua luống một cách ngẫu hứng, mỗi khi nhịp chày khua luống vang lên là bàn chân muốn bước, cái bụng muốn theo đến nơi có lễ hội, đến nơi vui chơi để gặp mặt ai đó lần cuối. Tuy âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống không có được cái luyến láy, bổng trầm như những loại nhạc cụ hiện đại, nhưng nó lại như thứ keo kết dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một khối cộng đồng thống nhất của tình bạn, tình thương yêu, nó mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ...
Cho dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại và ít nhiều cũng có tác động đến người dân trong bản, nhưng ý thức lưu giữ, bảo tồn, phát huy những nét đẹp của nghệ thuật Khua Luống không bị mai một, lãng quên trong đời sống cộng đồng của bà con người Thái ở bản Tôm.
Nguyễn Thị Thục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét