Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Kon K’Tu - tiềm năng du lịch của Kon Tum

Cách thành phố Kon Tum (Kon Tum) khoảng 11 km về phía đông, có một ngôi làng cổ mang tên Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa (theo tiếng Ba Na thì Kon là làng, K’Tu là xưa cũ, cổ).

Già làng A Banh, nói trong niềm phấn khởi: “Từ ngày làng được sự quan tâm của chính quyền địa phương, quy hoạch làng K'Tu thành địa điểm du lịch, cuộc sống bà con vui hơn nhiều vì được tiếp xúc với du khách các nơi đến tham quan, bà con cũng có thêm thu nhập từ dịch vụ du lịch".

Đến Kon Tum, ban ngày du khách đi các địa điểm quen thuộc như nhà thờ gỗ, tòa giám mục, ngục Kon Tum, cầu treo, nhà rông Kon K’Lor, khu du lịch sinh thái Măng-đen… thưởng thức đặc sản ẩm thực: Gỏi lá, cơm lam, gà nướng muối ớt, rượu cần… khi cần chỗ nghỉ dưỡng thì du khách sẽ được người dân hướng dẫn đến làng Kon K’Tu để tận hưởng hết những văn hóa bản địa đặc trưng của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.   

Nhà Rông làng Kon K’Tu.

Đường vào làng Kon K’Tu quanh co, uốn lượn theo dòng Đăk Bla huyền thoại (dòng sông chảy ngược về hướng tây, màu nước luôn đỏ thẫm và có loài cá quý anh vũ ngày xưa đem tiến vua). Vào mùa này, hai bên đường bồng bềnh những thảm cỏ hồng, xa xa những bãi cát bên sông được tô màu tím nhạt của bông mía, bên cạnh dòng Đăk Bla cuồn cuộn như sức trai làng là dãy núi trùng điệp xanh bạt ngàn.

Con đường từ thành phố đến làng Kon K’Tu như không gian tách hẳn làng với thế giới ồn ào bên ngoài, làng bình yên đến lạ. Tiếng trẻ con nô đùa, tiếng khung dệt lách cách, tiếng đục đẽo tượng gỗ, tiếng người dân hướng dẫn du khách mua hàng thổ cẩm… như tạo một nét rất riêng của Kon K’Tu.    

Chính giữa làng là mái nhà rông cao vút, mặc dù rất gần với thành phố Kon Tum nhưng làng Kon K’Tu vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa của đồng bào dân tộc Ba Na với mái nhà rông hình chữ nhật đặc trưng, là nơi sinh hoạt cộng đồng của 126 hộ dân, gần 700 nhân khẩu. Phía bên tay phải của nhà rông là nhà nguyện của giáo dân nơi đây.

Còn phía bên tay trái của nhà rông san sát nhau những căn nhà sàn cổ, trên đó những người phụ nữ của làng ngồi dệt thổ cẩm. Xung quanh nhà rông, trẻ em nô đùa, chơi những trò dân gian, bọn trẻ chẳng có vui chơi giải trí như trong thành phố, ấy vậy mà tiếng cười của các em làm cho mọi mệt mỏi của người lớn tan biến.    

Du khách đến với Kon K’Tu có nhiều sự lựa chọn: Đến vào chiều tối thì liên hệ với trưởng thôn A Biuh để họ sắp xếp chỗ ăn, chỗ ngủ. Ăn chiều thì du khách sẽ lựa chọn những món ăn như cơm lam chấm muối đậu, gà nướng muối ớt, măng rừng xào, rau rừng luộc, cá sông Đăk Bla cùng một ghè rượu cần đặc sản đặc quáng bên mái nhà rông… Thưởng thức ẩm thực cùng hòa mình vào điệu múa xoang của những chàng trai, cô gái Ba Na nhịp nhàng bên đống lửa trại.

Hết một bài xoang, du khách cùng người dân bản địa lại mời nhau những Căn rượu cần song sánh, để say nồng cảm giác lâng lâng với lưu luyến tình người lắng lòng nghe tiếng trầm bổng của điệu cồng chiêng hoang dại núi rừng. Tàn tiệc cũng đã quá nửa khuya, du khách có thể thuê nhà sàn với mức phí 100.000 đồng/đêm/người hoặc đăng ký trước để ngủ chung nhà với người bản địa.    

Dệt thổ cẩm, nghề truyền thống của người dân làng Kon K’Tu.

Buổi sáng du khách được đánh thức bởi tiếng gáy của những chú gà trống ò ó o vang khắp làng. Du khách có thể tìm thuê những chiếc thuyền độc mộc chu du trên dòng Đăk Rong hùng vĩ (sông Đăk Bla, đoạn qua làng Kon K’Tu được người dân nơi đây gọi là dòng Đăk Krong). Từ bên này làng qua vách núi, du khách thích mạo hiểm có thể leo núi để khám phá rừng đại ngàn Tây Nguyên.    

Trưa đến du khách sẽ về ngồi ăn chung với một gia đình bất kỳ với món lá mì xào, cà đắng, hoa chuối, canh lá giang… Qua buổi chiều du khách sẽ đi thăm thú các địa điểm như nhà nguyện Kon K’Tu, đến xem những cô gái ngồi dệt thổ cẩm, hoặc mua các loại khăn, quần áo, túi xách được may từ thổ cẩm của làng với giá một chiếc túi xách là 300.000 đồng, một chiếc áo dệt thổ cẩm khoảng 200.000 đồng hay mua cả tấm vải lớn tầm 2,5 m với giá 800.00 đồng, tấm vải thổ cẩm nhỏ 1,5 m giá 300.000 đồng.   

Du khách có thể đến bất kỳ ngôi nhà sàn nào để ngồi cùng uống rượu cần, thức uống dành để đãi khách quý của người Tây Nguyên và cảm nhận sự chân tình, hiếu khách của đồng bào.      
Bài và ảnh: Hồng Điệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét