Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Lễ cúng bến nước của người Mạ

Người Mạ ở Ðắk Nông có trên 7.450 người, sống tập trung chủ yếu ở xã Ðắk Nia (TX Gia Nghĩa) và các xã ở huyện Ðắk Glong (Ðắk Nông). Người Mạ ở Ðắk Nông hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như: Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng thần Rừng, thần Núi, Lễ sum họp cộng đồng…, trong đó có Lễ cúng bến nước.

Già làng thực hiện cúng bến nước, vẩy nước lên đồ cúng để xin thần nước ban mọi điều tốt lành đến với bon làng.

Sau khi thực hiện nghi lễ, người dân sum vầy bên nhau cùng ăn cơm lam, thịt heo và uống rượu cần.


Lễ cúng bến nước thường được tổ chức vào đầu mùa xuân hoặc sau mùa xuân, khi hạt lúa đã đầy bồ, cà phê đã đầy kho. Đây là lễ lớn với sự tham gia của nhiều bon làng, được tổ chức hàng năm với mục đích cúng để tạ ơn Thần Nước đã đem lại cho mọi người trong các bon làng những may mắn trong năm cũ với mong muốn xua đuổi tà ma và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau. Lễ thường được tiến hành ở bến nước của bon làng sau khi thu hoạch vụ mùa. 

Mâm đồ cúng thường được dùng trong Lễ cúng bến nước.

Già làng, người có uy tín trong bon thường là người chủ trì làm lễ cúng với mâm đồ cúng là thịt lợn, thịt gà, nải chuối, ché rượu cần và quan trọng nhất là một chậu tiết loãng. Bến nước hôm đó được trang hoàng với cổng chào bằng lá cây, cỏ lá dài, có treo đồ vật trang trí, có dựng cả cột trang trí dạng như cây nêu. Các dàn chiêng cùng nhau diễn tấu ngân vang một khoảng trời, trong hương ngây ngất của men rượu cần, cơm lam, thịt nướng… Sau khi thực hiện hiến tế cúng xong bến nước, người ta sẽ lấy nước vào các vật đựng nước thường là các quả bầu khô, bỏ vào gùi và cõng về nhà dùng.

Rất đông du khách đến xem và làm lễ cúng bến nước.

Ðàn ông, phụ nữ người Mạ cùng nhau tấu chiêng trong lễ cúng bến nước.

Nước luôn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Mạ, là biểu tượng của sự sống muôn vạn loài, cây cỏ, con người. Không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng, phong tục này giúp người dân nâng cao ý thức về tầm quan trọng của nước trong đời sống thường ngày để giữ gìn, bảo vệ.

Bài và ảnh: Sơn Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét