Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Nghi án nhà bác học Lê Quý Đôn từng khiến thần đồng Việt chết yểu?

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng vướng phải một vụ án gian lận thi cử chấn động thời bấy giờ. Sự việc sau đó đã trở thành nguyên nhân chính khiến một thần đồng Việt phải chết yểu.

Trong lịch sử dân tộc, Lê Quý Đôn là một nhà văn hóa, một trí thức vĩ đại mà người đời sau ngưỡng mộ và kính nể. Tuy nhiên trong cuộc đời mình, nhà bác học tài hoa này cũng vướng vào những scandal khiến cho hình ảnh của ông xấu đi nhiều trong mắt người đương thời và hậu thế. Một trong những tai tiếng đó là việc ông trở thành nguyên nhân chính khiến cho một thần đồng Việt dính líu tới một vụ gian lận thi cử nổi tiếng trong lịch sử.
Nghi án “cá chuối đắm đuối vì con”?
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) chép về vụ án gian lận thi cử có liên quan tới nhà bác học Lê Quý Đôn như sau: “Tháng 10, mùa đông. Mở khoa thi hội các cống sĩ. Cho bọn Ngô Thế Trị và Phan Huy Ích cùng 18 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân; xử tội Đinh (Thì) Trung đày đi viễn châu, giam Lê (Quý) Kiệt vào ngục.
Quý Kiệt là con Quý Đôn. Kỳ đệ tứ khoa thi này (tức khoa thi năm 1775 – PV), Quý Kiệt cùng Đinh (Thì) Trung đổi quyển cho nhau để làm bài. Việc bị lộ, Đinh (Thì) Trung phải tội lưu đi Yên Quảng (nay thuộc Quảng Ninh), Quý Kiệt phải trở về làm dân. Đinh (Thì) Trung nhân phát hiện bức thư riêng của Quý Kiệt và tố cáo là do Quý Đôn chủ sự.
Trịnh Sâm lấy cớ Quý Đôn là bậc đại thần, bỏ đi không xét, mà luận thêm tội Quý Kiệt, bắt giam cấm ở ngục ở Cửa Đông”. Sau khi chép những lời này, phần lời bình của cuốn sách chép tiếp: “Hai người cùng một tội mà xử phạt khác nhau, sao có thể gọi là công bằng được? Xét hành trạng của Quý Đôn, không có một điều gì đáng khen”.
Đinh Thì Trung theo các tài liệu ghi chép, quê ở làng Cổ Bôn, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông từ nhỏ vốn rất thông minh, được coi là thần đồng. Năm 14 tuổi Đinh Thì Trung đỗ hương cống (tức Cử nhân) và được đưa vào học trường Quốc Tử Giám để thi Hội. Cùng vào học đợt này còn có Lê Quý Kiệt, là con của bảng nhãn Lê Quý Đôn.
Nếu xét về địa vị xã hội thì Quý Kiệt hơn Thì Trung rất nhiều nhưng về tài năng văn học lại có vẻ không bằng. Tương truyền Lê Quý Đôn thỉnh thoảng muốn kiểm tra tài năng bằng cách hỏi sách vở, thơ phú thì Thì Trung đều tỏ ra hiểu rộng, biết nhiều. Danh tiếng của ông trên đất kinh kỳ vang dội, đến tai cả chúa Trịnh Sâm.

Gian lận thi cử bị xử rất nặng trong thời phong kiến (ảnh: Chòi canh tại trường thi Nam Định, khoa Đinh Dậu 1897)

Tháng 10 năm Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) triều đình tổ chức khoa thi Hội. Cả Quý Kiệt và Thì Trung cùng đi thi với nhau. Theo giai thoại dân gian thì lúc bấy giờ trong triều tranh luận khá sôi nổi về việc trong hai người này ai sẽ đỗ đầu, trong đó có cả vua và nhà chúa. Vua Lê cho rằng Lê Quý Kiệt sẽ đỗ trạng nguyên. Còn chúa Trịnh Sâm lại đoán là Đinh Thì Trung.
Ngày thông báo kết quả thì Quý Kiệt đỗ đầu. Chúa Trịnh không chịu bèn truyền cho khảo quan đem bài thi xét lại và phát hiện thấy bài có chữ viết của Thì Trung thì đề tên Quý Kiệt và ngược lại. Thế là việc đánh tráo bài thi bị lộ, gây xôn xao trong triều, ngoài nội. Cả hai đều bị hủy bỏ kết quả thi, tước hết bằng cấp. Đinh Thì Trung bị xử đày ra tận vùng Đông Hải (có sách chép là Yên Quảng nhưng đều thuộc vùng Quảng Ninh ngày nay – PV), còn Lê Quý Kiệt thì bị tống giam, sau đuổi về quê ở Thái Bình làm dân thường và cấm không được đi thi nữa.
Tác giả Bùi Dương Lịch (1757 – 1828) trong sách Lê quý dật sử cũng chép câu chuyện gian lận chấn động này. Tác giả này cũng chép chuyện Đinh Thì Trung tố cáo Lê Quý Đôn chủ mưu trong việc đổi quyển thi nhưng Trịnh Sâm không xét tới. Vì thế giới nho sĩ bấy giờ đã sáng tác ra hai câu thơ mỉa mai chuyện gian lận trên như sau: “Quý Kiệt hoàn dân tăng Diên Hà chi dân số, Thì Trung phát phối, chấn Đông Hải chi văn phong”. Dịch nghĩa là: “ Quý Kiệt bị đuổi về, Diên Hà tăng thêm dân số. Thì Trung lưu đày xa, Đông Hải chấn chỉnh lại văn phong”.
Số phận bi thảm của thần đồng Việt
Tác giả Quốc Chấn trong sách Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở Việt Nam viết rằng, các giai thoại địa phương chép Đinh Thì Trung từ nhỏ đã được coi là thần đồng. Khi mới lên bốn tuổi, một hôm thấy bố đọc sách, ông đòi bố dạy cho mình học đọc. Nghe vậy, người bố chưa tin nhưng cũng bày thử cho Thì Trung vài chữ xem sao.
Điều kỳ lạ là ông bố viết chữ nào ông nhớ ngay chữ đấy, nói nghĩa chữ nào là ông hiểu chữ đó. Người bố mừng lắm bèn gửi con đến một thầy đồ trong vùng vốn là thầy học cũ của mình để nhờ kèm cặp. Lúc đó thầy đang uống rượu, nhìn thấy Đinh Thì Trung bé choắt, nói đùa: “Tửu”, đối được ta sẽ dạy. Không ngờ Thì Trung đối ngay bằng chữ “Đăng”.
Nếu xét theo phép ghép chữ ngày xưa thì chữ Tửu (rượu) gồm bộ thủy ghép với chữ dậu. Còn “Đăng” (đèn) thì gồm bộ hỏa ghép với chữ đinh. Hai chữ trên đối nhau cả về can chi (Đinh với Dậu) và ý nghĩa (thủy với hỏa). Năm 14 tuổi thì ông đỗ Hương Cống và được vào học trường Quốc Tử Giám với con cái của nhiều bậc công hầu, danh sĩ.

Lê Quý Đôn là nguyên nhân khiến thần đồng Đinh Thì Trung chết yểu?

Sử sách chép rằng tính tình Thì Trung vốn rộng rãi với bạn bè và cũng có mối quan hệ thân thiết với gia đình Lê Quý Đôn. Không biết có phải vì mối quan hệ thân thiết đó mà ông chấp nhận đổi quyển thi với con trai của Lê Quý Đôn hay không? Và cũng từ đó mà gây nên bi kịch nổi tiếng cho một tài năng văn chương sớm nở tối tàn.
Hiện nay có nhiều thuyết nói về cái chết của Đinh Thì Trung. Giai thoại địa phương được sách Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở Việt Nam dẫn lại rằng, sau khi bị đi đày mấy năm, vì ưu ái tài năng văn chương của ông nên chúa Trịnh đã tha cho Thì Trung. Tuy nhiên khi ông đang trên đường về thì chẳng may đã bị bọn cướp biển bắt giết. Khi đó Đinh Thì Trung mới 16 tuổi. Thuyết khác thì nói rằng ông bị cướp biển bắt nhưng không chịu khuất phục chúng nên đã nhảy xuống biển tự vẫn.
Trong khi đó số phận của Lê Quý Kiệt tươi sáng hơn nhiều. Sau khi nhà Nguyễn lập, Quý Kiệt vì có công dâng sách quý của cha lên vua Gia Long nên đã được bổ nhiệm làm quan, cho giữ chức Thị trung Trực học sĩ và giao cho việc dạy dỗ các Hoàng tử.
Sau này vua Gia Long cũng rất quý và tin tưởng ông. Sách Quốc sử di biên do Thám hoa Phan Thúc Trực (làm quan thời vua Tự Đức) có chép sự kiện như sau: “Trước đây sai Thị trung trực học sĩ Lê Quý Kiệt sửa sơn lăng; Quý Kiệt nói đào đến huyệt tất có đất ngũ sắc, rồi quả nhiên đúng, vua cho là lạ ngày càng khen thưởng”.
Vậy là hai người cùng phạm tội như nhau nhưng số phận mỗi người lại quá khác nhau. Việc này không khỏi gây ra những nỗi bi cảm cho hậu thế sau này.

Luật thi cử hiện nay chưa chắc bằng ngày xưa
Nhà khảo cứu sử học hải ngoại Nguyễn Thị Chân Quỳnh (nguyên giảng viên đại học Paris IV) đã từng nhận xét: “Gian lận thi cử thì thời nào cũng có, song khoa cử ba năm mới tổ chức một lần, tỉ lệ số người đỗ mỗi khoa lại rất ít, người đỗ danh vọng cao, quyền uy nhiều cho nên người học trò đi thi rất dễ bị cám dỗ, miễn sao chóng được thi đỗ để ra làm quan. Song vì một số người gian lận mà chê khoa cử tổ chức thiếu nghiêm mật e không đúng. Quả thật cha ông ta đã nghĩ hết cách để phòng ngừa, thiết tưởng đời nay chưa chắc đã bằng”.
Phạm Thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét