Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Người Mảng chọn đất lập bản, dựng nhà

Từ xa xưa, tổ tiên người Mảng chọn đất lập bản chỉ cần một khoảng đất bằng để dựng nhà, cạnh sông suối để thuận lợi lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu. Thường nơi cư trú của người Mảng ở trên núi cao và cách xa trung tâm, riêng biệt với các bản thuộc dân tộc khác. Họ sống tự cung tự cấp, riêng rẽ, biệt lập, ít giao lưu với bên ngoài.

Ổn canh, ổn cư


Dân tộc Mảng là dân tộc bản địa chỉ có ở tỉnh Lai Châu. Họ còn có tên gọi khác là Mản Ư. Người Mảng sinh sống bằng nghề làm nương rẫy. Lúa ngô là nguồn lương thực chính. Phương thức canh tác còn lạc hậu, công cụ sản xuất rất thô sơ, chủ yếu là rìu, dao, gậy chọc lỗ. Hiện nay, người Mảng đã biết làm ruộng bậc thang để canh tác lúa nước, còn chăn nuôi không phát triển, nuôi lợn và gà chủ yếu dùng trong các dịp nghi lễ, cúng bái. Một số bản đã di dời qua nhiều chỗ ở, có bản vẫn ở nguyên vị trí cũ từ xa xưa. 

Vào mỗi dịp, lễ Tết, ngày vui của gia đình, các thành viên trong bản, trong xã gặp mặt thăm hỏi và chúc phúc cho nhau.


Trước đây, bản Nậm Nghẹ ở đầu con suối Nậm Nghẹ gần biên giới. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, để an toàn cho người dân, chính quyền đã cho di dời bản xuống bản Pa Mu hiện nay (nằm trên đầu tuyến đường đi vào xã Hua Bum). Ở Pa Mu được 5 năm, do không có đất làm ăn, giữa người Mảng và người Hà Nhì có sự tranh chấp đất làm nương nên bà con tự phát chuyển về đầu suối Nậm Nghẹ để dựng bản, định cư. 20 hộ sống rải rác, mỗi cụm tập trung 5 đến 6 hộ gia đình. Khi ở Pa Mu, người dân được Nhà nước hỗ trợ gạo từng tháng, nhưng chuyển đến nơi ở mới thì không được hỗ trợ gạo nữa, vì vậy bà con tập trung khai hoang ruộng nương để trồng lúa, ngô, sắn… Tuy đời sống của người dân được cải thiện phần nào, nhưng cơ bản bà con vẫn thiếu đói triền miên. Sau 3 năm, dân số của bản ngày một tăng lên, đất không có để canh tác, bà con muốn chuyển về gần chỗ ở ngày xưa, có ruộng nương cũ, thuận lợi sinh sống và làm ăn. Vì vậy, các hộ trong bản đều chuyển về chọn đất bằng, san nền dựng nhà ổn định phát triển kinh tế như bản Nậm Nghẹ hiện nay.

Việc chọn đất lập bản, xây dựng bản định canh, định cư ổn định đời sống của người Mảng là do hai yếu tố chủ quan và khách quan. Chủ quan là từ xa xưa tổ tiên của họ đã chọn đất lập bản và con cháu cứ nối tiếp sống trên vùng đất đó cho đến ngày hôm nay. Còn khách quan là do đất sản xuất không có, nơi ở không thuận lợi để sản xuất, hay tái định cư vì thủy điện, vì sạt lở đất nên phải di dời đến nơi ở mới. Dù ở bản cũ, hay bản di dời hiện nay thì cơ bản những nét văn hóa của dân tộc Mảng vẫn còn lưu giữ, nhưng cũng mất không ít để bù vào là nếp văn hóa mới và cộng hưởng từ văn hóa của các dân tộc lân cận khác. 

Hòa nhập cộng đồng
Người Mảng có các dòng họ như: Họ Lò, họ Tào, họ Chìn, Pờ, Sìn. Theo truyền thuyết, sự tích về các hòn đá còn lưu lại hiện nay thì xưa kia người Mảng cư trú theo dòng họ, mỗi họ cư trú trong một phạm vi riêng biệt và có quy ước ranh giới nhất định. Qua sự tích, người Mảng ngày xưa sống theo dòng họ và có một cương vực nhất định. Ngày nay, các dòng họ đều hòa nhập, sống tập trung trong một bản, không phân biệt ranh giới. Khi chọn được đất lập bản thì các gia đình tự tìm một khoảnh đất bằng, thuận lợi để dựng nhà. 

Ngày vui, mọi người cùng nắm tay nhau, hô nhịp múa xòe.


Ông Tào A Sỏn, 70 tuổi, ở bản Nậm Nó 2 (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) kể về sự tích hòn 3 hòn đá kiềng kê chảo (Dê tăng lủi) như: Ngày xưa giữa dòng họ Lùng và họ Chìn họp bàn để thống nhất phân mốc đánh dấu đất của mỗi dòng họ. Do mọi người trong dòng họ đông đúc, đường phân mốc lại dài lên cả hai bản đều thống nhất mổ trâu để nấu vào một cái chảo lớn làm thức ăn. Người ta lấy 3 hòn đá to để kê làm kiềng nấu. Nấu xong thì chia nhau ăn, còn lại mang chảo thịt ấy đi dọc tuyến chia mốc để ăn khi đói bụng. Ba hòn đá này hiện nay vẫn còn ở bản Nậm Nó 2. 

Bà Lý Me Đươu, 70 tuổi, ở bản Nậm Ô (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) kể về sự tích của hòn đá Dê Đoằn: Ngày xưa, hai dòng họ Chìn và Anh họp nhau lại để chọn mốc chia ranh giới. Hai dòng họ cử người xuống tận nơi giao giữa sông Đà và sông Nậm Na để vác một hòn đá lớn. Mọi người thống nhất chọn được một hòn đá và cử một người thanh niên khỏe mạnh vác về. Hòn đá này có một quy ước, nếu bị đặt xuống đất thì sẽ không thể nhấc nổi chuyển đi nơi khác được. Đi gần về tới điểm đặt đá thì mọi người mệt quá và quyết định bỏ hòn đá xuống đất nghỉ. Nhưng khi nhấc hòn đá lên vai thì không thể nhấc nổi khỏi mặt đất. Hai dòng họ cuống cuồng dùng tay thi nhau cào đất về phía mình. Vì vậy, hiện nay trên núi Nậm Ô có một hòn đá to, lõm một mảnh đó là dấu đặt vai, và bên cạnh hòn đá vẫn còn dấu vết tay cào.

Trong mỗi bản của người Mảng gồm những gia đình sống đa thế hệ. Nhiều cặp vợ chồng ông bà, bố mẹ, con cháu sống chung trong một nhà. Ngày nay, các gia đình của người Mảng chỉ còn thể hiện với hình thức là gia đình ba thế hệ gồm cha mẹ và con, cháu. Gia đình lớn có nhiều cặp vợ chồng thuộc nhiều thế hệ chung sống ở cùng một nhà chỉ còn số ít và cũng đang dần bị phân tách thành nhiều gia đình nhỏ. Họ chọn đất để dựng nhà ở cạnh nhau. Mỗi gia đình nhỏ đều độc lập về kinh tế, về tài sản, ruộng nương, tự chủ trong lao động sản xuất, chăn nuôi, chủ động trong mọi vấn đề mưu sinh và có trách nhiệm với cộng đồng thôn bản.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Lễ lên nhà mới của người Mảng

Tộc người Mảng tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu với dân số khoảng 3.500 người, dân trí thấp, đời sống lạc hậu, nghèo đói, giao thông đến bản cách trở. Họ cho rằng đời người quan trọng là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình. Nhà dù nhỏ hay lớn, gỗ hay tranh tre nhưng dựng nhà là mối quan tâm hàng đầu rồi mới tính đến việc khác. Nhà làm xong, vào buổi sáng ngày tốt đã chọn, gia đình làm các thủ tục, nghi lễ lên nhà mới.

Vợ chồng chủ nhà đi trước vào nhà, treo chài, tên, nỏ lên cột nhà, vợ đặt hòm mây xuống đất, trải đệm, đặt chăn, gối lên giường và bem đựng tài sản của gia đình lên đầu giường.

Với người Mảng, lên nhà mới ngày đẹp nhất là ngày con ngựa sau đó đến ngày con rồng, con dê, con gà. Đặc biệt, kiêng ngày mất của bố, mẹ ông bà chủ nhà; ngày sinh, năm sinh của ông chủ nhà; ngày con hổ (nỉ nhì); tránh cả ngày mất của người vợ hoặc chồng đã qua đời của mình. Lên nhà mới cũng như các nghi lễ cầu cúng khác, người Mảng thường tiến hành vào buổi sáng. Họ cho rằng buổi sáng là dương, là sinh sôi, phát triển. Còn buổi chiều là âm, là suy thoái.
Sắp xếp đồ đạc trong gia đình xong, bà chủ nhà bắc chõ đồ xôi. Bà cũng xin khói trong chõ xôi báo cho biết sự yên ổn của ngôi nhà mới của gia đình.

Chủ nhà mổ lợn hoặc gà để cúng tổ tiên.

Vào nhà mới, hai vợ chồng chủ nhà đi đầu. Các con cháu, người mang chăn đệm, người mang dụng cụ nấu nướng và vật dụng sinh hoạt của gia đình đặt vào vị trí đã định. Chủ nhà đi đầu tay cầm tên, nỏ, vai khoác chài, vợ chủ nhà địu chiếc hòm mây đựng tài sản quý của gia đình. Họ cùng nói: Vào nhà mới mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt nhé. Đồ đạc được xếp đặt xong, bà chủ nhà nhóm lửa đồ xôi. Khi đặt chõ đồ xôi lên bếp, bà chủ nhà khấn xin ma nhà (tổ tiên, ông bà) phù hộ cho cả gia đình khỏe mạnh, đông con, nhiều cháu. Con cháu sinh ra có đủ trai, đủ gái; làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu.

Gia đình mượn người biết cúng bái, đuổi tà ma không đến quấy rối các thành viên trong gia đình.

Sau đó ông chủ nhà cùng các con trai đun nước, mổ lợn, gà để làm lễ. Trước khi cắt tiết con vật lễ, ông chủ nhà cầm dao đặt lên cổ lợn, gà khấn báo việc mổ lợn, gà làm lễ nhà mới, mời tổ tiên, ông bà (ma nhà) về ăn cỗ và phù hộ cho con, cháu những điều may mắn, tốt lành. Theo quan niệm của người Mảng, khấn mời và cầu xin lúc này là ma nhà đã về hưởng lễ từ lúc lễ sống rồi. Ma nhà sẽ báo cho biết mọi điều vào gan lợn, chân gà, đầu gà, cứ xem là biết. Họ cho rằng khi gà, lợn luộc chín mang ra chặt: Khi xôi chín đổ ra mẹt là ma nhà cũng “ăn” hơi luôn rồi. Vậy nên, người Mảng không bày mâm lễ chín để cúng một lần nữa như nhiều dân tộc khác. Việc mổ lợn phải thật cẩn thận làm sao cho lưỡi dao không được chạm vào gan. Vì bộ gan con lợn lễ này còn để xem tốt - xấu, may - rủi của gia đình.

Dù nhà gỗ hay nhà tranh tre tạm thì người Mảng cũng tổ chức lễ lên nhà mới để cúng và cầu bình an cho gia đình.

Gà luộc chín, chặt ra để riêng đầu và hai cẳng chân, đặt trên mâm, trước mặt ông chủ nhà để xem. Cũng như xem gan lợn, việc xem chân và đầu gà là để gia chủ biết điều tốt lành mà vui mừng; biết điều rủi, điều xấu mà tránh hoặc làm lễ giải hạn.

Anh em, hàng xóm, con cháu mừng gia chủ đã làm được ngôi nhà mới.

Bữa cỗ trong lễ lên nhà mới của người Mảng thường đông chật nhà. Ngoài anh em, con cháu, họ hàng thì hàng xóm bạn bè của chủ nhà cũng được mời. Sau khi nâng vài tuần rượu mừng chúc gia chủ, những người biết hát sẽ hát những bài hát mừng nhà mới, hát những bài dân ca sinh hoạt, những bài dân ca lao động sản xuất. Rượu càng ngấm hát càng say sưa, tình cảm. Đây là nét văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét