Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Độc đáo kiến trúc đình làng La Xuyên

(LV) - Đình La Xuyên thuộc làng La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một công trình kiến trúc của làng xã. Ngôi đình thờ chính là Diêm La Thiên Tử, An Nhu Vương, Lương Bình Vương, Lão La Đại Thần (ông tổ nghề mộc). Ngôi đình cổ mang nhiều giá trị văn hóa, tâm linh gắn liền với sự ra đời và phát triển của làng nghề mộc của địa phương

Kiến trúc đình làng La Xuyên
Đình La Xuyên được làm trên nền đất theoo phong thủy gọi là “La Xuyên cầm tinh bức Thủy thần tại hàn lâm” và đằng sau đình là một con đất có tên “quần ngư hý thủy” nên đã có câu thơ ca ngợi ngày lế khánh thành đình:
“Lý ngư mà ở phương Đông
Ắt là thợ mộc múa rồng khéo tay”
Kiến trúc đình được bố trí một cách hài hòa, các đơn nguyên kiến trúc của đình tạo ra một không gian thoáng đãng, rộng rãi và đồ sộ, bề thế vừa thanh thản mà cũng rất uy nghiêm. Xét đến không gian của đình thì đình La Xuyên thực sự có một không gian cảnh quan rất thanh và hài hòa với thiên nhiên.
Ngay phía trước cổng chính của đình có trồng một cây gỗ rất to, phía sau cổng về hướng tây bắc có hai cây gỗ đã có tuổi. Việc trồng cây không phải tùy tiện được mà phải xem xét bởi cây được xem là bộ áo trang trí cho di tích tránh cho di tích sự trống trải.

Mặt bằng kiến trúc tổng thể đình làng La Xuyên
Mặt bằng kiến trúc tổng thể đình làng La Xuyên.
Sự kết hợp giữa cây cối và kiến trúc đình La Xuyên đã tạo ra không gian hài hòa cho ngôi đình, chính không gian ấy đã tạo ra sự gần gũi mà không hề mất đi tính chất thiêng.
Cũng giống như các ngôi đình khác yếu tố nước là không thể thiếu với đình La Xuyên. Theo mô tuýp quen thuộc của đình làng Việt có hồ bán nguyệt trước cửa đình, có bình phong chắn gió độc không thổi vào đình theo đúng quy chuẩn.
Nhìn chung cảnh quan của đình La Xuyên là khá hài hòa và hợp lý, đúng theo tiêu chuẩn và khuôn mẫu của đình làng cổ truyền của người Việt. Chính không gian cảnh quan ấy đã tạo cho ta cảm giác vừa thanh bình gần gũi của làng quê lại vừa uy nghiêm linh thiêng của nơi thần thánh. Chính điều đó đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cho mỗi người con quê hương.
Bố cục mặt bằng tổng thể
Nói đến các kiến trúc cổ truyền của người Việt là nói đến các kiến trúc gỗ với những nét đặc sắc mà ít khi ta bắt gặp ở quốc gia nào khác. Các kiến trúc gỗ của người Việt có nhiều nét nổi bật, đặc trưng do sự chi phối của nhiều nhân tố cũng như môi trường. Mà tiêu biểu là các kiến trúc này có xu hướng không vươn lên theo chiều cao mà lại dàn trải về mặt bằng. Bởi lẽ:
Do địa hình và khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng nóng ẩm mưa nhiều, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ nên căn bản không cho phép người Việt xây dựng các công trình phổ biến theo hình thức cao lớn. Nói thêm hầu hết các di sản văn hóa của người Việt chủ yếu ở cảnh quan nông thôn và tư duy của người Việt là tư duy nông nghiệp. vì thế kiến trúc của người Việt đa phần là kiến trúc làng xã mà kiến trúc của cộng đồng làng xã ít được phép dựng cao. Đây là đặc điểm khác với Trung Quốc bởi các kiến trúc của các nước này luôn có xu hướng vươn cao nhằm tỏ vị thế.
Thứ hai và cũng là nguyên nhân quan trọng đó là: các kiến trúc của người Việt ít nhiều coa tính chất Tôn giáo tín ngưỡng và người Việt chưa có ý thức đẩy thần linh lên cao. Chính vì tính nông nghiệp và tư duy nông nghiệp đậm đà như thế nên ước vọng của họ chỉ là ruộng đất, ruộng càng nhiều, càng mở mang thì càng chứng tỏ sự giàu có về của cải. Và ở bất kỳ một công trình kiến trúc nào đều được cấu thành từ các kiến trúc thành phần hay chính là các đơn nguyên kiến trúc. Các đơn nguyên ấy có sự gắn kết tạo nên một mặt bằng tổng thể kiến trúc.
Đình La Xuyên là ngôi đình có niên đại khởi dựng khá sớm với các đơn nguyên kiến trúc khá độc đáo. Bố cục mặt bằng ngôi đình vẫn được bảo lưu nguyên vẹn từ khi xây dựng đến nay, có chăng thay đổi là không đáng kể. Đình có hai cổng vào cổng chính hướng bắc, cổng phụ hướng đông. Phía sau cổng chính là miếu thờ vọng nhỏ làm theo kiểu tiền đao hậu đốc, hai bên phía đaèng sau xây tường, đằng trước để trống. Hệ thống vì kèo chạm khắc đơn giản, mái lợp ngói nam. Cách miếu trên một mét là bức bình phong xây gạch xung quanh khu đình và phía phủ đều được xây tường bao kéo dài nối với khu hồ bán nguyệt đằng trước tạo cho khu di tích khép kín và hoàn chỉnh.
Tiếp đó một khoảng sân rộng có cột cờ tổ quốc là nơi tập trung đông đảo nhân dân trong này hội làng hay trong làng có việc cần bàn bạc . Trước đình là hồ bán nguyệt có bình phong chắn gió, hồ rộng gần hết khoảng sân đình. Trong khuôn viên sân đình còn có 2 tượng voi rất đẹp, đường nét uyển chuyển, tỷ lệ cân đối, cũng vì đôi voi này đình La Xuyên còn được gọi là đình Ông Voi. Chính khoảng sân ấy đã tạo cho cảnh quan không gian ngôi đình rộng rãi và thoáng mát. Xung quanh đình chính có bố cục chữ đinh còn có các công trình kiến trúc khác như:
Lễ hội đình làng La Xuyên
Lễ hội đình làng La Xuyên.
Phủ thờ mẫu Liễu Hạnh bên phải phía bắc của đình, đây là phủ thờ Liễu Hạnh công chúa. Kết cấu gồm 3 tòa: tiền đường, cung đệ nhị và chính tẩm bố trí trên một mặt bằng theo kiểu tiền chữ nhất hậu chữ đinh. Những công trình này đều có dáng thấp, các đao góc uốn cong mềm mại. Hệ thống vì kèo làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Tất cả các bẩy và con rường đều được chạm tứ linh, bộ kèo mái nằm ở các góc tạo sự vững chắc cho bốn góc đao cũng được chạm khắc công phu góp phần tạo vẻ đẹp cho công trình.
Miếu thờ vọng ở cạnh cổng chính hướng mặt về phía tây cùng chiều di tích, có mặt chữ đinh có tường bao xây bằng gạch phía trước có cửa ván ghép, tiếp đến là một khoảng sân nhỏ tới bình phong xây gạch đơn giản. Nhà khách và bếp bố trí ngay bên trái sau cổng chính của đình. Giữa đình và phủ có một khoảng sân nhỏ thờ một hòn non bộ mà trong tài liệu ghi là miếu nhỏ. Với các đơn nguyên kiến trúc ăn nhập đó đã tạo cho ngôi đình La Xuyên vốn đã rất cổ kính, linh thiêng càng trở nên bề thế, uy nghi hơn. Trải qua bao giai đoạn lịch sử với những biến cố thăng trầm ngôi đình ngôi đình vẫn giữ được sự nguyên gốc trong các cấu kiện kiến trúc và có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như sinh hoạt văn hóa của dân làng.
Minh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét