Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Cao Bằng

Theo phong tục tập quán của người Dao Tiền ở Cao Bằng, nam giới đã có vợ con phải làm lễ cấp sắc để chứng tỏ người đó đã trưởng thành, có vị thế trong xã hội và cũng nhằm đặt tên âm cho người con trai đó. 

Điểm khác biệt của người Dao Tiền ở Cao Bằng với các nhóm người Dao khác là làm lễ cấp sắc cho người con trai từ tuổi vị thành niên trở lên và coi đây là sự trưởng thành đủ điều kiện kết hôn.

Có mặt tại xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng những ngày cuối tháng 11 rét mướt, phóng viên đã thức trắng đêm cùng gia đình ông Chu Văn Nguyên người dân tộc Dao Tiền để tận mắt chứng kiến các nghi thức làm lễ cấp sắc. 

Đêm nay, gia đình ông làm lễ cấp sắc 3 đèn (bậc cấp đầu tiên) cho ba đứa cháu trong dòng họ. 7h tối buổi lễ mới bắt đầu nhưng dường như ngôi nhà gỗ ba gian của gia chủ đã chật kín người. Người thì đến xem chia vui cùng chủ nhà, người thì đến giúp đỡ gia chủ nấu nướng, thịt gà, thịt lợn,... nói chuyện tươi cười rôm rả vang hơn cả nhà có đám cưới, đám hỏi.

Theo các cụ cao niên, lễ cấp sắc được bà con làm rất chu đáo, thường được tổ chức vào dịp cuối năm, nhưng phải chuẩn bị cho buổi lễ trước đó vài tháng như xem ngày đẹp tháng tốt, mời thầy cúng.

Cấp sắc của người Dao Tiền có nhiều cấp bậc: bậc đầu tiên là 3 đèn, bậc thứ hai được cấp 7 đèn, tham gia buổi lễ có rất nhiều thầy cúng, thầy cả và thầy hai giữ vai trò chính, thầy cả gọi là “Chềnh mềnh say”, thầy hai gọi là “Chì chiều say”, người được cấp sắc gọi là “con hương”.

Người Dao Tiền, trong thời gian 2 tháng trước và sau khi làm lễ cấp sắc, thì thầy tào, vợ chồng người thụ lễ phải giữ người trong sạch, không nói tục, không để người khác vào chạm người con hương. Trước khi hành lễ con hương phải tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục mới, vợ của người thụ lễ phải ở trong buồng riêng, muốn ra vào cần có bà hát đi trước dọn đường để tránh va chạm vào đàn ông. Tất cả người dự lễ đều phải ăn cơm chay với rau xanh không cho dầu mỡ, không sát sinh,… Những điều kiêng kỵ này rất nghiêm ngặt và khắt khe, nó làm tăng tính chất linh thiêng, mọi người đều phải thừa nhận tạo thành những quy tắc không thể thay đổi.

Lễ vật bắt buộc phải có là 2 con lợn tế thần nặng từ 80kg trở lên, gà từ 5-10 con, thịt sóc sấy khô, hương đốt, giấy bản, một đôi chiếu mới, tiền xu hay đồng bạc trắng, rượu, đồ ăn chay, tranh thờ các vị thần,... để tiến hành các nghi lễ.

Việc đầu tiên của buổi lễ là sửa soạn đồ dâng lên bàn thờ tổ tiên bữa cơm chay gồm có bát cơm, bát rau xanh, rượu. Trên bàn thờ được treo hai bộ tranh lớn gọi là Tam thanh lớn và Tam thanh nhỏ vẽ hình ảnh các vị thần thánh. Tiếp đó là các thầy ngồi trước bàn thờ đại đường cúng mời tổ tiên, Bàn Vương, thần thánh, thổ công, táo quân về dự lễ để chứng giám, phù hộ và công nhận người trong họ tộc trưởng thành được phép nhận tên âm.

Sau lễ thỉnh cầu, gia đình mời anh em, họ hàng và những người biết múa để múa những bài về tổ tiên gọi là “laap miến”. Trong khi múa, tiếng chiêng tiếng trống vang lên tạo nên không khí tưng bừng như ngày hội xuân. Đây là phần hấp dẫn được mọi người ưa thích, bất kể ai cũng có thể tham gia, thể hiện được vai trò văn hóa văn nghệ trong lễ cấp sắc và lễ cấp sắc bắt đầu.

Lễ cấp sắc được tiến hành tuần tự theo 10 nghi lễ nhỏ, bao gồm lễ ban mũ, lễ trình diện, lễ lên đèn, lễ đặt tên, lễ qua cầu, lễ trình diện Ngọc Hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình, lễ trả ơn Bàn Vương. Trong đó quan trọng nhất là lễ lên đèn, người được cấp sắc ngồi trên chiếc ghế nhỏ đặt trước bàn thờ tổ tiên và hai đàn cúng.

Hai tay giữ cây đèn được làm bằng thân cây tre hoặc nứa gắn trên các giá đỡ, thầy cả và thầy hai bắt đầu làm phép rồi đặt một đèn lên đỉnh đầu, đèn hai, đèn ba đặt lên vai con hương. Trong phần này, con hương được thầy đọc cho: mười độ, mười điều kiêng cấm, mười lời nguyện, mười lời thề, có ý nghĩa giáo dục hướng người đó làm điều hay lẽ phải, ngay thẳng, dũng cảm, không mê sắc, không vụ lợi, sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Sau đó là lễ đặt tên, nghi lễ này được xem như lễ khai sinh để con hương nhận lấy tên do thần thánh ban định, nó là điều kiện để người đó được nói chuyện với thần thánh, được đứng vào hàng ngũ những người quan trọng trong họ tộc, có trách nhiệm trong việc thờ cúng tổ tiên.

Kết thúc buổi lễ, hai con lợn tế thần được gia chủ chia lộc cho tất cả các thành viên đến dự. Người được cấp sắc được coi là người trưởng thành, có vị thế trong xã hội, đủ tư cách tham gia vào thực hiện các công việc như làm quan làng, đốt lửa vào nhà mới, khấn tổ tiên, được thánh thần công nhận, được cấp âm binh.

Ngày nay, lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Nguyên Bình có nhiều đổi mới tích cực, không còn nặng về lễ nghĩa hình thức như xưa rất tốn kém. Thời gian hành lễ được rút ngắn từ 5- 6 ngày xuống còn 2- 3 ngày, chi phí cho lễ chỉ ở mức vừa đủ, đáp ứng yêu cầu cần thiết của việc hành lễ mà không gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Nay lễ cấp sắc còn được tổ chức để cầu an, cầu tài, cầu lộc cho gia đình, vừa nhận tên thánh để khi còn sống mới được làm thầy cúng..chứ bà con không còn nặng phân biệt đối xử giữa người được cấp sắc với người chưa được cấp sắc như trước kia. Bên cạnh đó, người Dao Tiền còn có lòng tin sâu sắc rằng khi được cấp sắc làm ăn mới may mắn phát đạt, sinh hoạt mọi mặt thuận lợi, dòng họ mới thịnh vượng.


Quân Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét