Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Đôi nét về di sản văn hóa dân tộc Giẻ Triêng

(LV) - Giẻ Triêng là tộc người có một nền văn hóa dân gian khá đặc sắc và đa dạng, còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, mang rõ dấu ấn văn hóa của cư dân Bắc Tây Nguyên.

Kiến trúc nhà làng
Cũng giống như người Xơ Đăng, Ba Na, người Giẻ Triêng có kiến trúc nhà làng truyền thống (rông) Đây là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của cộng đồng, là nơi vui chơi, nghỉ ngơi, sinh hoạt lễ hội, tổ chức các cuộc họp dân làng, xét xử các vụ kiện, nơi lưu giữ các bộ sọ thú như là chiến tích săn bắn trong quá khứ… Về cơ bản, ngôi nhà làng giống như các ngôi nhà ở của các gia đình trong làng, nhưng được làm và dựng với đôi chút cầu kỳ hơn, đầu tư nhiều công sức hơn, to hơn và đẹp hơn.
Nhà ở truyền thống của người Tà Riềng ở thôn Đắk Ốc,
            xã La Dê, Nam Giang
Nhà ở truyền thống của người Tà Riềng ở thôn Đắk Ốc, xã La Dê, Nam Giang.
Nhà ở của người Triêng và người Ve là những ngôi nhà sàn ngắn thuộc loại hình nhà mái hình “mai rùa” hay “mu rùa”, đó là những ngôi nhà có 4 mái với hai mái chính hình chữ nhật, 2 mái phụ (chái), mỗi bên là một nửa hình chóp nón. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại hình kiến trúc nhà cổ điển, độc đáo nhất của các cư dân bản địa vùng Đông Nam Á.
Trang phục truyền thống
Đồng bào Giẻ Triêng còn bảo lưu y phục truyền thống với nhiều loại hình khác nhau như váy, áo, khố, áo khoác, khăn, mũ, xà cạp…Váy được tạo nên từ 2 tấm vải bông, khâu ghép theo chiều rộng rồi khâu nối thành hình ống. Nền váy màu chàm đen, với các hoa văn trang trí kết hợp giữa màu đỏ và màu trắng. Váy dùng trong lễ hội thường có trang trí hoa văn đẹp. Khi mặc họ thường quấn váy cao ngang nách, che kín bộ ngực, sau đó khoác tấm thổ cẩm để che và giữ ấm đôi vai.
Nghề dệt thổ cẩm của người Giẻ Triêng
Nghề dệt thổ cẩm của người Giẻ Triêng.
Nam giới mặc khố và khoác áo choàng, phần trên thắt lại trước cổ hoặc qua vai khi tham gia lễ hội, nhất là khi diễn tấu nhạc cụ đinh tút. Những dịp nhà có khách, tấm áo khoác trở thành chăn đắp, thể hiện tấm lòng hiếu khách của gia chủ. Đặc biệt, người Bnoong là nhóm tộc người sử dụng xà cạp duy nhất ở vùng núi Trường Sơn. Mép xà cạp được gấp và khâu viền cho sợi vải khỏi xổ ra, phía dưới cổ chân còn đeo thêm vòng cườm ngũ sắc. Cách phục sức này đến nay vẫn còn phổ biến vì nó vừa giữ ấm cơ thể, vừa chống côn trùng cắn. Xà cạp quấn chân làm cho thân hình phụ nữ trở nên gọn gàng, kín đáo.
Trong lễ hội, các cô gái Bnoong không quên trưng diện chiếc xà cạp để làm đẹp thêm bộ trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Người Giẻ - Triêng đeo trang sức như vòng cổ, hoa tai, vòng tay, vòng chân… Vòng ống tay là loại trang sức có giá trị nhất của đồng bào. Loại vòng này là đồ trang sức của các phụ nữ cao tuổi ở các gia đình khá giả. Họ thường đeo vòng ở cánh tay trái, khi đi dự lễ hội đâm trâu.
Phong tục cưới hỏi
Đồng bào Giẻ Triêng còn giữ những phong tục riêng trong cưới xin, mà tiêu biểu là Bó củi hứa hôn hay củi chồng vợ. Khi đến tuổi biết yêu đương, các cô gái thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó để sau này cõng về nhà chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ. Đây là củi bắt chồng hay củi cho chồng.
Tái hiện lễ cưới truyền thống của người Giẻ Triêng tại Làng
            Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, năm 2012
Tái hiện lễ cưới truyền thống của người Giẻ Triêng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, năm 2012. Ảnh: Minh Phương
Trong ngày ăn hỏi, cô gái xin ý kiến của già làng, gia đình sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Người cõng củi ngoài cô dâu còn có các phụ nữ có chồng trong làng cùng giúp. Khi bó củi cưới đã tháo ra, cô dâu phải lấy thanh củi đầu tiên đưa cho chồng rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp củi lên giàn đã chuẩn bị sẵn.
Văn hóa nghệ thuật
Nghệ thuật diễn xướng dân gian Giẻ Triêng khá phong phú với nhiều loại nhạc cụ khác nhau mà tiêu biểu là cồng chiêng và đinh tút. Đinh tút của người Giẻ Triêng gồm có sáu ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau được làm từ thân cây trúc. Các ống theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi cây đinh tút có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên tạo cho ống có dáng hình phễu để thổi.
Diễn tấu nhạc đinh tút
Diễn tấu nhạc đinh tút. Ảnh: Tấn Vịnh
Đinh tút là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất, khi mùa xuân về, trong các dịp lễ hội của cộng đồng như: lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, cưới hỏi... và đặc biệt nó luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống, thường gọi là ngày hội đinh tút của người Giẻ Triêng.
Di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng vừa mang dấu ấn của cư dân Tây Nguyên vừa in đậm sắc thái Trường Sơn. Đó là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và các nhóm địa phương của người Giẻ Triêng. Các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào đang được các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam khai thác và phát huy, nhất là thông qua các hoạt động lễ hội của tỉnh và khu vực.
Tấn Vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét