Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Thăng trầm làng kẹo

Nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Đô Lương (Nghệ An), làng Vịnh Đức với lịch sử hơn 200 năm làm nghề sản xuất bánh kẹo, một thời được biết đến là làng giàu nhất huyện Đô Lương. Do nhiều nguyên nhân, có thời, làng nghề này đã từng bị mai một. 

Nhưng cùng với sự quan tâm của Nhà nước và tâm huyết của các bậc cao niên, Vịnh Đức hôm nay đang từng bước tìm lại được thương hiệu của mình.

Làng nghề 200 năm tuổi

Người làng Vịnh Đức rất tự hào với lịch sử hơn 200 năm làm nghề sản xuất bánh kẹo. Ông Nguyễn Đình Trung, một cao niên trong làng kể lại: Vịnh Đức một thời được biết đến là làng giàu nhất huyện Đô Lương bởi có nghề làm bánh kẹo. 

Trước Cách mạng tháng Tám, làng có tên là Phủ Lường rất nổi tiếng với sản phẩm kẹo lưu hành rộng khắp cả nước. Nơi đây được ví như Đô Lương thu nhỏ, vì mọi hoạt động giao thương đều tập trung ở đây, ngày đêm sáng đèn tấp nập người mua kẻ bán. 

Sản xuất bánh kẹo tại cơ sở bánh kẹo Quang Thu, làng Vịnh Đức.

Người khởi tổ của nghề làm kẹo là cụ Tổng, một người quê ở Vụ Bản, Nam Định vào đây sinh sống và phát triển nghề này trên đất Đô Lương. Trước khi có nghề làm kẹo, Vịnh Đức là vùng đất nghèo, người dân sinh sống bằng nghề nông. Ngày đầu khởi nghề, chỉ vài gia đình làm, dần dần phát triển cả làng cùng làm. 

Trước đây, làng chủ yếu sản xuất những loại bánh ong, kẹo lạc. Nguyên liệu làm bánh kẹo được người dân sử dụng là: lạc, vừng, đường, mật… Đây là những nguyên liệu chủ yếu được người dân trong làng hoặc các vùng lân cận làm ra. Do đặc trưng nguyên liệu tự nhiên và kỹ thuật làm nghề riêng nên các sản phẩm kẹo Vịnh Đức có hương vị thơm ngon rất đặc trưng.

Ông Phạm Ngọc Dao, trưởng thôn Vịnh Đức cho biết, có một thời, làng nghề làm kẹo ở Vịnh Đức đã bị mai một. Nguyên nhân là do hai cuộc chiến tranh kéo dài, việc sản xuất bánh kẹo của làng bị gián đoạn.

Cũng vì chiến tranh nên việc thu mua nguyên liệu như lạc, vừng bị cầm chừng vì mọi nguồn lương thực tập trung phục vụ cuộc kháng chiến, nhiều hộ dân trong làng bỏ nghề hoặc chuyển sang làm nghề khác. Sau một thời gian không sản xuất, số người lành nghề ở Vịnh Đức đã qua đời hoặc li tán khắp nơi. Hòa bình lập lại, việc khôi phục làng nghề xưa gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo lời ông Dao, thời khó khăn trong làng chỉ có vài người sản xuất nhỏ lẻ bán ở chợ làng và tập trung vào sản phẩm độc tôn là bánh ong. Việc làm nghề dưới hình thức là nghề phụ, chủ yếu tranh thủ lúc nông nhàn và giữ nghề là chính. Hơn nữa, nghề làm kẹo ở Vịnh Đức sau phục hồi lại bị cạnh tranh bởi nhiều sản phẩm cùng loại của các nhà máy sản xuất lớn hay sản phẩm bánh, kẹo nhập khẩu từ nước ngoài.

Giữ gìn nghề và tìm lại thương hiệu

Hiện nay, làng Vịnh Đức có 263 hộ, trong đó 110 hộ làm nghề. Sản phẩm bánh kẹo của làng khá phong phú: bánh đa, kẹo lạc, kẹo cu đơ, bánh ong, kẹo dồi… Anh Nguyễn Văn Quang, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Quang Thu cho biết: Sản phẩm bánh kẹo Vịnh Đức được mọi người biết đến và lựa chọn là do sản phẩm sạch, không pha phẩm màu, phụ gia nên thơm ngon và giữ được hương vị đặc trưng.

Năm 2009, Vịnh Đức được công nhận làng nghề. Với tiêu chí sản phẩm sạch không phẩm màu, do vậy sản phẩm bánh kẹo Vịnh Đức đang dần tìm lại thương hiệu của mình. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An và huyện Đô Lương đến năm 2013, Vịnh Đức sẽ hoàn thành xong khu sản xuất tập trung. Với việc tổ chức quy hoạch sản xuất, bao tiêu sản phẩm, Vịnh Đức không còn cảnh sản xuất manh mún, với mục tiêu đưa làng nghề Vịnh Đức trở thành một làng nghề sản xuất đảm bảo tất cả các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm cũng như vệ sinh môi trường.

Khu sản xuất tập trung có diện tích rộng khoảng 1 ha bao gồm khu nhà xưởng, máy móc phục vụ sản xuất khép kín đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và khu trưng bày giới thiệu sản phẩm. Với quy mô như vậy nên các hộ sản xuất kinh doanh phải cam kết với hội làng nghề sản phẩm luôn đạt các chỉ tiêu mà hội đề ra. 

Hơn nữa với dây chuyền trang thiết bị máy móc hiện đại nhập khẩu từ một số nước như Đan Mạch, Trung Quốc… cho phép người sản xuất kiểm soát được sản phẩm ngay từ nguyên liệu đầu vào cũng như cả quy trình chế biến, đóng gói. Với quy trình khép kín như thế nên năng suất tăng gấp ba bốn lần so với hiện nay. Ngoài ra, khu trưng bày sẽ là nơi giới thiệu quảng bá sản phẩm để phục vụ nhu cầu tham quan mua sắm của du khách thập phương. Mặt khác, hội làng nghề Vịnh Đức sẽ xây dựng các văn phòng đại diện tại miền Bắc, miền Nam nhằm thuận tiện cho khách hàng trao đổi mua bán hàng hóa.

Với lợi thế là làng nghề được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, giúp đỡ, tạo chính sách thông thoáng, làng Vịnh Đức sẽ thành lập Hiệp hội làng nghề bánh kẹo, đăng ký thương hiệu nhằm bảo vệ sản phẩm tránh bị làm giả, làm nhái. Bên cạnh đó, Vịnh Đức đã có kế hoạch xây dựng chiến lược dạy nghề, truyền nghề để có thế hệ kế cận “nối nghiệp”. Với mục tiêu con em Vịnh Đức làm giàu trên chính quê hương, trong mỗi gia đình làm nghề phải có ít nhất một đến hai người theo nghề. 

Ngoài ra tuyển dụng những người trong làng có nhu cầu học nghề sẽ dạy miễn phí và hội hỗ trợ kinh phí học nghề cho mỗi lao động 500.000 đồng. Sau khi học nghề xong được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Người dân Vịnh Đức hôm nay đang hy vọng bằng những chính sách, việc làm cụ thể và tầm nhìn xa, một nghề truyền thống trên đất xứ Nghệ sẽ sớm hưng thịnh.


Bài và ảnh: Tuấn Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét