Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Thương lắm, cầu Nhị Thiên Đường

Thương lắm, cầu Nhị Thiên Đường
(PL)- Ngày xưa tên hãng dầu được dùng để gọi tên cây cầu và ngày nay nhờ cây cầu mà người ta nhớ đến đã có một hãng dầu gió nổi tiếng ở đây. Đời thế mà hay!
Đất Sài Gòn - Chợ Lớn là vùng đất của những kênh rạch được đắp bồi. Nếu có những dòng kênh, rạch là mạch máu lưu thông từ Sài Gòn đi lục tỉnh không thể san lấp được thì phải có những cây cầu nổi tiếng bắc ngang như là một mối duyên chung thủy. Những cây cầu nổi tiếng của Sài Gòn - Chợ Lớn đều có những cái tên khá thuần phác, không mỹ miều như tính cách của người miền Nam. Những cây cầu này, theo truyền thuyết được đặt theo tên người xây dựng ra nó hay dựa theo hình dáng cây cầu như cầu Mống, Thị Nghè, Cầu Bông, Bình Lợi, chữ Y, Nhị Thiên Đường…
Cây cầu kháng Pháp
Một cây cầu bình dị nhưng cũng đã góp phần theo bước chân của nhân dân quận 8 trong thời kháng chiến chống Pháp. Theo lịch sử để lại, vào giữa tháng 11-1945, thực dân Pháp mở các đợt tấn công quy mô vào mặt trận phía Nam nhằm phá vòng vây của ta, mở rộng chiến tranh về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
 Ngày 20-11-1945, quân Pháp từ đồn Cây Mai và thành Ô Ma chia làm ba hướng: Hướng Xóm Củi từ Xóm Đình qua bến Nguyễn Duy ra khu vực kho gạo, hướng chính theo trục đường Tùng Thiện Vương tấn công qua cầu Nhị Thiên Đường, hướng từ bót Bình Đông vượt qua sông đánh từ cầu Bà Tàng đánh lên. Lực lượng ta được biết trước đã triển khai sẵn sàng từ cầu Hiệp Ân dọc theo đường Phạm Thế Hiển đến cầu Bà Tàng, đồng thời bố trí lực lượng chủ yếu và tấn công mạnh ở đầu cầu Nhị Thiên Đường và các trận địa ở xung quanh để đón đánh quân Pháp.
 Ngay từ sáng 20-11-1945, các mũi tấn công của thực dân Pháp bị chặn lại. Quân ta nổ súng vang trời ở tất cả hướng nhưng mặt trận cầu Nhị Thiên Đường chính là nơi diễn ra cuộc chiến đấu dữ dội nhất. Đến 10 giờ trưa, thực dân Pháp vẫn không thể tiến được lên cầu và khoảng hai giờ sau, chúng tập trung toàn bộ lực lượng tiến công thẳng lên cầu hòng đảo ngược tình thế, quyết vượt sang bên này cầu để đóng chốt chiếm luôn. Tuy nhiên, lực lượng ta tập trung hỏa lực và bộ binh đánh trả quyết liệt. Trước sức mạnh phòng thủ kiên cường của quân ta, thực dân Pháp phải rút lui.
Thương lắm, cầu Nhị Thiên Đường  - ảnh 1
Cầu Nhị Thiên Đường 1 tại quận 8, TP.HCM được xây dựng từ thời Pháp, có niên đại gần 100 năm. 
Hãng dầu nổi tiếng ấn định tên cây cầu
“Nhứt dương chỉ, Nhị Thiên Đường, Tam Tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tàu xá”(*) là câu “thiệu” của dân bài bạc, không phải nói về cây cầu mà ám chỉ chai dầu gió trị tứ thời cảm mạo. Trước khi có cầu Nhị Thiên Đường đã có một hãng dầu và kho gạo mang tên Nhị Thiên Đường nằm tại đây. Nhà thuốc Nhị Thiên Đường là một hiệu thuốc của người Quảng Đông có trụ sở tại Singapore, Mã Lai và Việt Nam. Bán gạo thì không nghe bà con nhắc đến nhiều nhưng chai dầu gió thì cực kỳ nổi tiếng trong thập niên đầu của thế kỷ 20. Theo lời kể từ xưa, lúc đó kênh đôi Tàu Hũ, nối liền nội đô với vùng phụ cận, với huyện Cần Đước (Long An) qua Gò Công về các tỉnh miền Tây, người dân thường phải đi đò. Ông chủ Nhị Thiên Đường thấy dân chúng khổ cực bèn bỏ tiền ra xây cầu. Nhưng cũng có ý kiến khác là ông chủ hãng dầu này “xã hội hóa” cùng chính phủ Pháp để xây cầu. Không biết thông tin nào chính xác nhưng chắc nhứt là dưới chân Cầu Mới (tên đầu tiên của cây cầu) có hãng dầu Nhị Thiên Đường. Và cây cầu này được bà con chạy qua chạy lại trên cầu thuận miệng gọi nên “chết tên”. Bỗng dưng cây cầu có cái tên quá dễ thương hơn là Cầu Mới.
Thương lắm, cầu Nhị Thiên Đường  - ảnh 2
Cận cảnh bảng đúc bằng gang ghi tên Công ty xây dựng Levallois Perret (của Pháp) và số 1925, năm hoàn thành xây dựng cầu. Ảnh: HTD 
Thương lắm, cầu Nhị Thiên Đường  - ảnh 3
Cầu đang được tháo dỡ để xây cầu mới. Ảnh: L.ĐỨC
Thiên đường của dân “cá mưa”
Trước năm 1975, cầu Nhị Thiên Đường nổi danh vì là thiên đường cho dân “cá mưa” - một loại hình đánh cá được “sáng tạo” dành cho những “nhà thiên văn học bình dân” - chỉ nhìn trời, nhìn mây mà có thể đoán được khi nào có mưa. Có lúc tôi đã đến những quán cà phê dưới chân cầu để xem mấy hảo thủ - còn hơn cơ quan khí tượng - “cá mưa”. Cứ khoảng tầm 3 đến 4 giờ hằng ngày là các tay cá mưa đến ngồi đồng ở các quán cà phê, lúc đó mấy thằng đệ tử lon ton bắc những tấm tôn lên mái nhà để hứng nước mưa. Ông A để hai cái ly “xây chừng” cá trước: “5 giờ trời mưa”. Nếu trong khoảng trước và sau 5 giờ 10 phút, nước mưa vượt qua cái ngấn trong ly “xây chừng” thì ông A thắng. Ông B: “Tui cá trời không mưa”. Những tay chầu rìa bàn bên cạnh thấy ông B bắt cá trời không mưa thì nghĩ ông B quá liều vì nhìn phía góc trời đã thấy mây vẽ một màu chì. Thế là ai cũng bắt độ theo ông A vì đã nắm chắc phần thắng. Thế mà bỗng dưng đến 5 giờ 15 phút trời lại sáng trưng vì có gió thổi đi nơi khác. Đâu có ai biết rằng ông B là “đại sư” tiên đoán thời tiết theo kinh nghiệm.
Ngày nay, dù những người cá mưa đã trở thành muôn năm cũ thì vẫn còn những ngôi nhà, những người đã sống ở dưới chân cây cầu này hàng thế kỷ. Họ vẫn nói đến tên Nhị Thiên Đường như một cái gì quen thuộc khi hãng dầu gió này không còn ở đây nữa.
Xây cầu bê tông giữa thời cầu sắt
Cầu Nhị Thiên Đường được xây từ năm 1925, dài khoảng 200 m, bắc ngang qua một nhánh của kênh đôi Tàu Hũ, chảy nối từ sông Sài Gòn (phía bắc) về huyện Bình Chánh (phía nam). Đây là cửa ngõ kết nối vùng Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây thông qua quốc lộ 50 bởi nhà thầu Vallois-Perret. Trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng không hiểu sao những người thiết kế cây cầu huyết mạch nối Chợ Lớn với miền Tây này lại nổi hứng xuất thần xây hoàn toàn bằng bê tông cốt thép. Ngoài thân cầu thì cả các cột đèn trên cầu cũng bằng bê tông, trong khi đa phần các trụ đèn đường thời xưa của thành phố đều được Pháp làm bằng thép đúc!
Một trong số các cột đèn trên cầu có màu xanh thẫm, tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa cũ với chiều cao lớn hơn và hai bên có hai “tai” dài ra. Theo những người già sống ven cầu, hai “tai” này là để treo hai đèn hộp, dạng vuông, trước đây khi chưa có đèn điện, người ta vẫn thắp bằng đèn dầu trên các cột trụ ở hai bên thành cầu. Dưới chân cầu có một dãy dài các mái vòm có hình dạng cổ xưa khiến người ta liên tưởng tới những cây cầu huyền thoại của thành Rome trong các phim cổ trang, hay các cây cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Tất cả cây cầu khác trong thành phố đều không có được điểm độc đáo, tạo nên chất nghệ thuật cho một công trình dân dụng này. Khách bộ hành hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng chi tiết mái vòm của cầu bằng cách rẽ xuống con đường đi xuyên gầm cầu hoặc ngồi trên ghe đi chui dưới gầm cầu. Khi đi qua những mái vòm này có cảm giác như vào cổng thành của mấy trăm năm trước! Năm 2005, vì nhu cầu giải tỏa số lượng xe cộ lưu thông trên cầu Nhị Thiên Đường 1 khá bức bách nên cầu có thêm một nhánh song song đó là Nhị Thiên Đường 2. Tất nhiên, cây cầu này làm sao bằng cây cầu đàn anh dù được hưởng ké cái tên.
Nhớ lắm cầu xưa…
• Hổm rày báo chí đưa tin, rồi đi lên cầu 2 thấy người ta đang phá dỡ cầu 1 mà xót lắm. TP phá bỏ cầu cũ để xây cầu mới vì cầu cũ đã xuống cấp và hư hỏng nặng, không thể sửa chữa được nữa. Vài năm trước tôi từng có ý kiến nên giữ lại cây cầu lịch sử 100 tuổi này và có thể sửa chữa, trùng tu được.
Tôi từng nêu cầu cũ chỉ nên cho xe máy và xe hơi, xe tải nhỏ, xe thô sơ có trọng tải dưới 1,5 tấn lưu thông qua cầu từ hướng phường 13, quận 8 qua phường 5, quận 8 theo chiều từ Chợ Lớn đi Long An. Với lưu lượng xe và tải trọng nhỏ thì sức chịu đựng của cầu có thể kéo dài 20-30 năm nữa nên chúng ta chỉ cần trùng tu và sửa chữa cho cây cầu này đẹp hơn.
Nhưng giờ Sở GTVT nói chỉ còn cách xây cầu mới vì vùng bên này quận 8 và Bình Chánh phát triển nhanh quá. Họ nói cũng có lý nhưng mai này tiếc, nhớ lắm một cây cầu đẹp không còn nữa.
Ông CAO XUÂN HỒNG, 75 tuổi, nhà ở phường 13, quận 8
• Cầu Nhị Thiên Đường 1 đã trở thành một biểu tượng của người Sài Gòn từ gần 100 năm qua. Khi chiều về, mấy lão già chúng tôi lại rủ nhau đi tản bộ trên hành lang cây cầu này. Nó chỉ rộng chưa quá 1 m nhưng đi riết thành quen, giờ phá bỏ đi thì buồn lắm! Chiếc cầu đã quá quen thuộc với cư dân ở khu vực này. Nó không chỉ đặc biệt với nét kiến trúc độc đáo, lâu đời mà còn là nhân chứng theo một chặng đường dài của lịch sử hình thành và phát triển của thành phố. Mất bóng cầu cũ, thấy tiếc lạ tiếc lùng.
Ông NGUYỄN VĂN MINH, 80 tuổi, nhà ở phường 5, quận 8,
ngay đầu cầu Nhị Thiên Đường 1
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN ghi
_____________________
(*) Trong ngôn ngữ bài 13 lá chỉ sáu phé chỉ nói cho vần chứ nghĩa chẳng liên quan đến nhau. Nhứt dương chỉ: Tên một võ công trong Lục Mạch thần Kiếm. Nhị Thiên Đường: Tên dầu gió. Tam Tông miếu: Tên ngôi chùa ở đường Cao Thắng. Tứ đổ tường: Rượu, bài bạc, gái, hút. Ngũ vị hương: Năm vị hỗn hợp tạo mùi thơm cho thức ăn. Lục tàu xá: Chè đậu xanh.
Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét