Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Tục thờ “thần rắn cụt đuôi” và chuyện cầu mưa kỳ lạ

Kỳ lạ hơn là trong vùng còn xuất hiện không ít đồn thổi về “thần rắn” cụt đuôi giúp Nam Thôn được bình yên, an cư lạc nghiệp.

Cho đến nay, ở làng Nam Thôn, xã Công Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn lưu truyền tập tục kì lạ mang tên Cầu đảo hàng năm nhằm “mượn” nước trời.
Kỳ lạ hơn là trong vùng còn xuất hiện không ít đồn thổi về “thần rắn” cụt đuôi giúp Nam Thôn được bình yên, an cư lạc nghiệp.
Những chuyện lạ kỳ quanh đền Hạ
Theo các cao niên trong vùng kể lại, đền Hạ ở làng Nam Thôn là nơi chuyên thờ phụng thần Long Sơn Thủy Quốc (thần Cao Sơn và các thần Núi - PV). Nguyên trước đây đền được xây trên ngọn núi Bồ Lĩnh cao gần 250m, nằm giữa địa giới hai huyện Yên Thành và Đô Lương.
Do núi khá cao lại quanh co đèo dốc khiến việc lên xuống, hương khói ở đền rất vất vả. Để việc thờ tự được thuận lợi, các làng ở phía bắc chân núi đã xin rước chân hương xuống và lập nên đền Hạ.
Tuc tho “than ran cut duoi” va chuyen cau mua ky la
 Một góc đền Hạ, nơi có nhiều huyền tích lạ quanh tục Cầu đảo và “thần rắn”
Cũng theo phản ánh, từ khi đền Hạ được lập, nhờ sự linh thiêng nên người dân trong vùng được hưởng không ít “lộc”. Nhiều trường hợp sa cơ lỡ vận hoặc những người phụ nữ trong làng mang thai... tất thảy họ đều đến đền cầu bình an. Đáng nói, dù những người đến đền gặp trắc trở như thế nào nhưng nếu thành tâm khấn nguyện thì lời cầu vẫn ít nhiều linh ứng.
Thậm chí, khi nhắc đến chuyện này, không ít người còn quả quyết rằng từ trước đến nay chưa có trường hợp nào đến đền dâng lễ khấn mà nguyện cầu không được đáp lại.
Tuy nhiên, quanh đền Hạ có lẽ nổi tiếng hơn cả là chuyện cầu mưa, hay nói theo tiếng của người địa phương là tục Cầu đảo. Theo đó, trước năm 1937, khi cả vùng còn chưa xây dựng hệ thống thủy nông Đô Lương thì nhu cầu về nước của người dân nam Yên Thành rất lớn. Nhưng nghịch lý là tất cả đều chỉ trông chờ vào mưa.
Nhiều năm quay quắt vì nắng hạn, người làng bèn hội nhau lập lễ Cầu Đảo để “mượn” nước trời từ thần Long Sơn Thủy Quốc. Lạ ở chỗ, cứ hễ hạn hán dài ngày mà lập đàn trong đền để xin nước, y như rằng mưa lại ngập trắng trời. Theo tìm hiểu, trong một lễ Cầu đảo, ban lễ thường gồm 9 người là một chủ tế, hai bồi tế và những người hành lễ, tấu nhạc.
Ban hành lễ nhất thiết phải là số lẻ, kể cả lễ vật cũng là lẻ. Riêng chủ tế và bồi tế phải là người được hưởng niên lộc, tức là tuổi trên 70. Ngoài ra, chủ tế cũng phải đáp ứng thêm các yêu cầu là dòng họ không có tang, gia đình có vợ chồng song tuyền, sống có đạo đức.
Ngày tiến hành lễ Cầu đảo, tất cả dân làng đều ăn mặc đẹp và có mặt đầy đủ. Đến giờ lành, dân làng sẽ cùng nhau cúng ở đền Hạ cũ trước. Tới khi hoàn thiện họ mới dùng kiệu rước thần từ đền xuống Cầu đảo. Lễ vật để cúng gồm: hương, rượu, hoa quả, một cỗ xôi, gà, thủ lợn.
Sau khi chủ tế vái ba lần trước bàn thờ thần, một người trong ban hành lễ có giọng tốt sẽ quỳ bên trái để đọc văn cúng. Đọc xong, chủ lễ gieo quẻ. Nếu cả hai mặt đồng tiền đều âm hay dương là thần chưa chịu cho mưa. Ngược lại, khi gieo một sấp, một ngửa, âm dương giao hòa thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Tiếp đó, đàn bà cầm giữa bó tre vuốt thanh nhỏ, vẩy vào không khí để tạo âm thanh của gió, đàn ông thì gõ trống tạo nên âm thanh của sấm.
Cuối cùng, người ta múc nước ở vực Vàng (một vực nước sâu của một nhánh khe Hạc – PV), để trong lễ Cầu đảo hất tung lên trời thể hiện ước mơ có mưa xuống. Theo kinh nghiệm thì sau khi “thụ lộc”, các vật phẩm như hạt nổ (bỏng ngô – PV) sẽ đem ném xuống ao. Nếu có hai con cá vàng ra ăn hạt nổ thì khả năng thành công của lễ Cầu đảo là rất lớn và coi như được thần thánh chấp nhận.
Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, lễ Cầu đảo không còn nữa. Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây, lễ Cầu đảo luôn là một sinh hoạt tâm linh có tác dụng giáo dục con người biết quý trọng nước.
Tuc tho “than ran cut duoi” va chuyen cau mua ky la-Hinh-2
Bà Đặng Thị Thường và ông Đặng Văn Mạo (80 tuổi) cho rằng mỗi khi “thần rắn” xuất hiện là thời điểm ấy mùa màng thuận lợi 
“Thần rắn cụt đuôi” án ngữ cửa đền
Dân gian quanh vùng luôn truyền tụng câu chuyện kỳ lạ về “thần rắn” quẩn quanh trên đền Hạ. Liên quan đến chuyện này, chúng tôi tìm gặp những cao niên lớn tuổi nhất nơi đây để hỏi thực, hư. Tôi may mắn gặp được vợ chồng ông bà Đặng Thị Thường, Đặng Văn Mạo (80 tuổi), ngụ tại xóm 11 Cao Sơn, xã Công Thành.
Nhớ lại câu chuyện “thần rắn” ở đền, bà Thường và ông Mạo kể: “Một hôm đi chăn bò thấy dấu của con rắn nằm như một đôi trai gái làm tình ngay giữa đền”. Khi ấy, ông Mạo ngạc nhiên đến độ buột miệng thét lớn: “Giữa cái đất đền này sao lại có chuyện bậy bạ như thế”. Nói xong, ông Mạo vội vã chạy về báo cho vợ.
Quả thật, khi vợ chồng ông Mạo lần tìm đến thì phát hiện ra một con rắn to, đuôi bị cụt, nặng không dưới 30kg. Bà Đặng Thị Thường miêu tả: “Trên đầu nó màu đen có hình chữ thọ. Do bám rất sát con rắn nên tôi nhìn thấy cả lúc nó há miệng ra, miệng nó lại không có lưỡi”.
Bà cứ nghĩ con rắn như linh hồn của thần linh hiện về nên bà Thường đã làm lễ cúng tế. Và chuyện rắn “khủng” xuất hiện ở đền Hạ đã nhanh chóng lan ra khắp vùng chỉ sau chưa đầy một ngày.
Chuyện phát hiện ra rắn lớn chỉ khiến vợ chồng bà Thường và người dân sống quanh đền Hạ kinh hãi ít ngày. Bởi sau khi thấy con vật hình dáng to lớn nhưng quá đỗi hiền lành nên ai nấy đều thấy an tâm.
“Có người đi đốn củi có dẫm phải rắn mà bị ngã sưng giò. Nhưng quả thật dẫm phải người nó, nhưng nó cũng không đe dọa gì tới tính mạng” – bà Thường thuật lại.
Bà Thường dẫn tôi thăm đền Hạ. Bà nói: “Ngoài cổng đền có hai cột lớn, tuổi đời cả trăm năm. Trong thời chiến, đền bị dỡ nhưng vợ chồng tôi vẫn giữ được cột để sau này phục dựng đền. Và rất vui vì hai cây cột hiện vẫn còn vững chãi đến hôm nay”.
Tuc tho “than ran cut duoi” va chuyen cau mua ky la-Hinh-3
Nghe kể, từ sau khi biết có chuyện “thần rắn” về làng, số lượng người đến cúng tế ở đền ngày càng đông. Người ta truyền tai nhau rằng đền thiêng là nhờ “rắn thần” linh ứng xuất hiện. Chị Nguyễn Thị Mậu cho biết: “Tôi là người làng khác nhưng thường xuyên đến đây để cúng tế. Tôi mang thai con được đúng 9 tháng rồi, gần đến ngày sinh nên tôi đến đây xin cho mẹ con đều bình an, khỏe mạnh”.
Sau khi xuất hiện thần rắn, dân làng ở đây ai nấy đều rất an tâm vì họ nghĩ rằng mình luôn có thánh phù hộ, cuộc sống của họ đẹp tươi hơn. Ai nấy đều tăng gia sản xuất, thu hái được những thành tựu cho gia đình cũng như xã hội. Ông Đặng Văn Nam, người trông coi đền khi nghe đến câu chuyện “rắn thần” chia sẻ, bản thân cũng rất thường thấy rắn xuất hiện trong khuôn viên đền.
Ông Nam kể: “Lần đầu gặp “cụ rắn” tôi cũng rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, dần thấy cụ không có làm gì mà rất hiền lành. Đặc biệt, cụ chỉ xuất hiện trong từ đường vào những lúc giỗ hay các ngày mười lăm, mùng một. Tôi trông thấy “cụ” riết rồi tôi cũng quen, lần nào “cụ” đến mọi người đều cúng những bữa thịnh soạn”.
Cái tên “cụ rắn” đã được bà con nơi đây gọi rất thân thuộc. Nhiều người quả quyết rằng, mỗi khi có “cụ rắn” xuất hiện là y như rằng bà con nơi đây làm ăn được mùa. Và thực tế là nơi đây nhà nhà mọc lên sầm uất, xã Công Thành còn được công nhận là thị tứ của huyện, ai nấy đều an cư lạc nghiệp.
Nếu nhìn nhận “rắn thần” ở đền Hạ trên khía cạnh tích cực thì đây là một trong những minh chứng sống động cho thấy rắn là một linh vật có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần. Và tục Cầu đảo, “mượn” nước lạ lùng ở đền Hạ đã và đang chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc về thái độ, cách ứng xử của con người với thiên nhiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét