Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Tục 'trọng vợ' của người Nùng Dín

Người Nùng Dín Lào Cai phân bố chủ yếu tại ba huyện Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai. Mặc dù không thuộc chế độ mẫu hệ, song trong số cộng đồng 54 dân tộc, người Nùng vốn nổi tiếng với tập tục "trọng vợ", đề cao phụ nữ. Đây là dân tộc có nhiều phong tục tập quán đặc sắc; trong đó, việc tôn vinh người phụ nữ trong ba ngày Tết nguyên đán được coi là nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và gìn giữ.

Theo chị Sài Thị Hương, thôn Khấu Na, xã Nấm Lư (Mường Khương, Lào Cai), phụ nữ người Nùng Dín từ nhỏ đến tuổi trưởng thành luôn phải làm lụng trên nương rẫy, ruộng đồng để giúp đỡ ông bà, cha mẹ công việc đồng áng, chăn nuôi lợn gà… Khi đi xây dựng gia đình, theo bổn phận làm dâu, ngoài công việc lao động sản xuất đồng áng còn phải gánh vác nội trợ gia đình, nuôi dạy, bảo ban con cái.

Thời gian ăn tết của người Nùng Dín diễn ra tương đối dài từ ngày 28 tháng Chạp cho đến hết rằm tháng Giêng. Việc chuẩn bị phải được tiến hành trước đó nhiều ngày. Đặc biệt trong những ngày 29, 30 Tết người phụ nữ tất bật và vất vả nhất. Ngoài sửa sang bàn thờ, dán giấy đỏ, dọn dẹp nhà cửa sân vườn, lo thức ăn cho gia súc, gia cầm, từ ngày 29 đã phải gói bánh chưng, ngâm gạo giã bánh dày, nấu xôi, chuẩn bị thực phẩm ngày tết... "Tuy mệt nhưng coi đó là bổn phận của phụ nữ, người làm mẹ, người con gái nên chúng tôi vẫn vui và lấy đó làm niềm hạnh phúc", chị Hương chia sẻ.

Để ghi nhận công lao "một nắng hai sương" của người phụ nữ trong gia đình suốt một năm, các bậc tổ tiên khi xưa của người Nùng Dín đã hình thành phong tục “biến phụ nữ thành bà hoàng ăn chơi suốt ba ngày tết trọng đại của dân tộc”.

Cụ thể: Từ khi bắt đầu đón giao thừa cho đến hết ngày mồng 3 Tết, mọi công việc nội trợ, bếp núc lợn gà... đều chuyển giao cho người đàn ông thực hiện. Trong ngày Tết cổ truyền, người Nùng Dín có phong tục làm mâm lễ cúng gia tiên sáng mồng một, cúng thổ địa sáng mồng hai và sáng mồng ba hóa vàng tiễn các ông tổ bà tiên trở về nơi ở. Các buổi sáng làm lễ đều phải thức dậy từ rất sớm, trước khi trời sáng. Mặc dù công việc bếp núc vất vả nhưng người cha, người chồng, người con trai đều tự giác làm việc, người nào việc ấy để cho các bà mẹ, người vợ, người con gái được ngủ.

Khi làm mâm cúng (mổ gà, nấu cơm và chế biến các loại thức ăn…) cũng đều làm rất nhẹ nhàng, khe khẽ tránh động đến giấc ngủ các "bà hoàng". Khi làm lễ cúng xong thì đun nước nóng, pha nước vào chậu rửa mặt (hoặc rửa chân) mời họ dậy đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo mới ngồi vào mâm cỗ đã được dọn sẵn. Trong lúc ăn, kể cả có khách người phụ nữ cũng chỉ phải rót nước, rượu và gắp thức ăn mời, không phải phục vụ đứng dậy bưng bê. Sau khi ăn uống xong, người phụ nữ diện quần áo mới đi chơi thỏa thích, khi nào đến bữa người đàn ông đều tự nấu cơm rồi chờ họ về dùng bữa. Sau đó, đun nước nóng cho các bà mẹ, bà vợ, con gái (cháu gái) rửa chân tay trước khi đi ngủ. Tất cả các loại gia súc, gia cầm (trâu, ngựa, lợn, gà..) trong ba ngày tết đều do "nửa kia" đảm nhiệm hoàn toàn. Có thể nói trong ba ngày tết nguyên đán cổ truyền, phụ nữ trong gia đình được nghỉ ngơi, ăn chơi rất thoải mái, rũ bỏ mọi vất vả thường ngày.

Ông Vàng Dỉn Phà, Bí thư Đảng ủy xã Nấm Lư (Mường Khương) cho biết: "Đảm nhiệm công việc nhà thay phụ nữ dù chỉ trong ba ngày tết, khiến chúng tôi thêm thấm thía sự vất vả, hy sinh thầm lặng của những người bà, người mẹ, người em... từ đó càng yêu quý và trân trọng họ hơn".

Tập tục "trọng vợ" của người Nùng nói chung chứa đựng những quy chuẩn về các giá trị đạo đức, văn hóa tiến bộ. Tuy nhiên cũng theo ông Phà, phong tục này đã bị mai một ở nhiều địa phương đặc biệt ở các địa phương vùng thấp trên địa bàn tỉnh do sự giao lưu và pha trộn văn hóa của những tộc người khác nhau. Việc duy trì và khôi phục tập quán tốt đẹp này của người Nùng Dín sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng gia đình hạnh phúc - gia đình văn hóa ở mỗi thôn bản địa phương của tỉnh Lào Cai.

Hương Thu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét