Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Vịt nấu chao - đậm đà hương vị miền Tây

(LV) - Nếu như Hà Nội có món vịt om sấu nổi tiếng, thì ở miền Tây lại có món vịt nấu chao thơm ngon, đó là sự kết hợp giữa thịt vịt và chao hòa quyện vào nhau tạo ra hương vị độc đáo, hấp dẫn du khách khi đến với nơi đây.

Món ngon dễ làm
Để có món vịt nấu chao ngon thì khâu chọn vịt là quan trọng nhất. Vịt nấu chao nên chọn vịt xiêm hay vịt cỏ (thịt nhiều, ít mỡ), vịt nuôi thịt thường mềm và nhiều mỡ. Khi chọn vịt, bạn hãy dùng tay đặt vào ức vịt, ức đầy, vịt nhìn khỏe mạnh, không ủ rũ thì mua. Với vịt đã làm sẵn, để ý thêm lớp da bên ngoài, con nào da vàng, ức đầy là vịt ngon.
Sau khi đã chọn được con vịt vừa ý thì nên rửa sạch vịt, chặt nhỏ, chà hỗn hợp gừng và rượu trắng lên khắp thân vịt, để khoảng 20 phút, sau đó rửa lại cho thật sạch, để vịt lên rổ cho ráo nước. Phần thịt vịt sau khi chặt thành miếng cho ra âu lớn, thêm hành khô và tỏi đã giã nhỏ, thêm chao trắng, chao đỏ, một thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, nửa thìa nhỏ hạt nêm, hạt tiêu, trộn đều, ướp khoảng 2 - 3 tiếng.
Đun nóng dầu ăn, phi tỏi thơm, cho hỗn hợp thịt vịt đã ướp vào nồi, đun lửa lớn đến khi sôi bùng lên thì hạ nhỏ lửa, đun tiếp khoảng 20 phút. Sau đó cho thêm nước dừa tươi hay nước sôi nóng vào ngang với mặt thịt và cho khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa ăn vào đun cùng. Đun lửa nhỏ đến khi khoai mềm, nêm nếm lại gia vị, tắt bếp, thêm hành lá đã thái nhỏ vào rồi đem ra mọi người cùng thưởng thức.
Dư vị khó quên
Món vịt nấu chao có ngon hay không, phần nhiều cũng do nước chấm nữa. Bạn pha nước chấm theo công thức sau: cho 5 miếng chao trắng, 2 thìa nước cốt chanh, 2 thìa đường vào bát. Trộn đều hỗn hợp này lên, cho thêm ớt, tỏi, gừng băm nhuyễn vào trộn cùng. Phần nước chấm sền sệt ăn kèm với vịt nấu chao, bún trắng sẽ rất ngon.
Thịt vịt chín mềm hòa quyện với vị đậm đà của rượu, gừng, chao trắng, chao đỏ cùng với sự dẻo thơm của khoai môn tím đã làm nên món vịt nấu chao bổ dưỡng và thơm ngon đậm đà. Mỗi miếng thịt để lại cho người thưởng thức dư vị ngọt, bùi, thơm, ngậy của chao, nước cốt dừa, vị nồng cay của gừng, tiêu, ớt, tỏi, vị dịu mát của các loại rau.
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt vịt thuộc khí âm (lạnh) được thêm vào các vị khí dương (nóng) của rượu, tiêu, tỏi, chao, ớt làm trung hòa tạo ra sự cân bằng âm dương rất có lợi cho sức khỏe.
Vịt nấu chao ăn kèm với bún, rau và ăn nóng như ăn lẩu là ngon nhất phù hợp cho những bữa ăn gia đình, họp mặt bạn bè,người thân và món ăn này bạn có thể ăn kèm với bánh mì cũng rất ngon.
Huyền Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét