Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Vua Gia Long và người Pháp

Vua Gia Long qua ghi chép của người Pháp

Hình ảnh chiến thuyền thời Nguyễn khắc trên Cửu đỉnhẢNH: TƯ LIỆU
Để có những hình ảnh đáng tin cậy về vị vua sáng lập lại nhà Nguyễn, chúng ta cần nhiều ống kính khác nhau, từ những nguồn khác nhau
Giáo sĩ Pierre-Marie Le Labousse, sinh ngày 22.1.1759 tại Pluneret (Morbihan, Pháp), đi truyền giáo từ ngày 20.9.1787, có thể ông đã mất ở Chợ Mới, tỉnh Khánh Hòa, ngày 25.4.1801. Le Labousse là một trong những phụ tá thân cận nhất của giám mục Bá Đa Lộc; ông đã đưa thi thể vị giám mục từ Quy Nhơn về Gia Định và ghi lại chúc thư của vị giám mục. Ông còn để lại nhiều thông tin đáng tin cậy khác về giai đoạn ông phục vụ Hội Truyền giáo ở VN. Trong số đó có chân dung vua Gia Long trong lá thư ông viết ở miền Nam Nam Hà gửi các vị giám đốc Viện Thừa sai. Lá thư này rất dài, đề ngày 1.5.1800, được in đầy đủ trong bộ Les Nouvelles Lettres Edifiantes (Tân huấn thư).
Đoạn ông viết về chân dung vua Gia Long, như sau:
“Ông hoàng này có lẽ là người sắc sảo nhất và sôi động nhất trong vương quốc ông, nhưng như tôi đã nói ở trên, những lời can gián của Đức giám mục Bá Đa Lộc cũng làm giảm bớt bầu nhiệt huyết này.
Ông không còn là ông vua chỉ biết cai trị bằng roi, kiếm và nói chuyện chết chóc nữa. Bây giờ ông là một vị đế vương, biết mình là cha của thần dân, chứ không phải là nhà độc tài của họ. Ngày trước, ông vẫn được lòng dân, nhưng không phải lúc nào ông cũng biết cư xử khéo léo mềm dẻo với các quan và quân lính. Họ sợ ông nhưng họ không thích ông. Ngày nay, ông đối đãi với họ khác hẳn, nếu trước đây họ chẳng bao giờ nghe được một lời êm tai, nay ông đã tìm được bí quyết thu phục lòng người. Ông cứng rắn nhưng không tàn ác; ông nghiêm trị nhưng theo đúng nguyên tắc pháp luật.
Ông có đủ tất cả các đức tính của lương tâm lẫn trí tuệ. Ông có lòng tri ân, hào hiệp, tinh tế về điểm danh dự; anh hùng trong nghịch cảnh, chịu đựng thất bại với lòng can đảm xứng đáng với vị hiền nhân đã rèn luyện ông (chỉ Bá Đa Lộc).
Thời trẻ, ông có say mê rượu chè, nhưng từ khi thấy mình phải cầm đầu sự nghiệp, ông đã hoàn toàn tự sửa, không nhấp một hớp rượu. Ông đã ra những huấn lệnh rất nghiêm khắc cấm say rượu.
Những đức tính trí tuệ nơi ông không làm giảm đức của lòng thương yêu; linh lợi, sâu sắc, thẳng thắn, nhìn thoáng qua là nắm bắt được trọng tâm của những sự thể phức tạp nhất. Nhờ có trí nhớ hơn người khiến ông ghi nhớ tất cả, cũng như sự dễ dàng thiên bẩm bắt chước được tất cả. Những công binh xưởng và những bến tàu chiến của ông làm cho người ngoại quốc thán phục và con mắt cả châu Âu sẽ khen ngợi nếu châu Âu có thể đến đây chứng kiến. Một bên, người ta thấy súng ống, đại bác đủ kiểu, đại bác dã chiến (pièces de campagne), giá súng đại bác (affuts), đạn đại bác... Một bên là thuyền tàu không đếm xuể, những chiến hạm lớn, đủ loại hình thái, kiên cố đến độ làm cho ta kính nể.
Tất cả đều là sản phẩm của nhà vua, một người vừa năng động vừa khéo léo. Mặt trời vừa ló dạng, ông đã ra khỏi cung điện, đến bến tàu, ông chỉ rời khỏi đây vào giờ ăn; chưa kể ông còn thường hay ở lại cả ngày để điều động các quan, mỗi người một chức, một việc; khi ấy ông ngồi chung một bàn với họ. Không có gì đập vào mắt hơn, khi ta thấy hàng ngàn người say mê làm việc dưới con mắt của nhà vua. Ông trông coi tất cả, điều khiển tất cả, có khi ông còn chỉ định cả các kích thước.
Ông đã làm được những chiến hạm Âu châu, chỉ với toàn người Việt. Ông bắt đầu bằng cách mua một chiếc tàu, tháo tung ra từng mảnh, rồi cho lắp lại, khéo đến mức đẹp hơn nguyên bản. Sự thành công đầu tiên này đã khuyến khích ông làm một tàu mới hẳn, và ông đã làm được; từ đó ông làm thêm hai chiếc nữa. Bốn chiếc tàu này là niềm vinh hạnh của ông. Ông đã làm rất mau chóng: chỉ mất ba tháng ở xưởng đóng tàu, có khi còn ít hơn; thế mà tàu rất lớn, chiếc thì chuyên chở được 26 đại bác, chiếc thì 36 đại bác. Mỗi chiếc có thể chở được hơn 300 thủy thủ. Ba chiếc trong số này mỗi chiếc được một sĩ quan Pháp điều khiển, chiếc thứ tư vừa xuống nước, sẽ do chính nhà vua điều khiển. Các ông sẽ ngạc nhiên khi nghe nói vua nước Nam có thể lái một chiếc tàu (do ông) làm và có cả các thuyền cụ theo lối Âu châu; các ông sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa, nếu các ông thấy tất cả những gì nhà vua làm ở đây. Ông có kiến thức về tất cả mọi sự và có năng khiếu làm tất cả; ông có cái tài, có thể nói là độc nhất vô nhị, về chi tiết. Tất cả những gì tôi tả lại ở đây chưa thể giúp các ông có một ý niệm đúng mức được.
Ông cực kỳ siêng năng. Ban đêm ông ngủ ít, đọc nhiều. Ông có tính hiếu kỳ và thích học hỏi. Trong cung của ông có nhiều sách Pháp viết về kiến trúc, thành đài. Ông thường giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước. Mỗi ngày, ông có một bước tiến mới. Nói tóm lại, ông là vị vua lớn nhất tới nay chưa bao giờ có ở nước Nam”.
Bức chân dung Gia Long của Le Labousse có những điểm đồng quy với Sử Ký Đại Nam Việt về tính tình vua Gia Long: sự sáng dạ, giỏi bắt chước, ham học. Tóm lại, Le Labousse và tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, đều không nói gì đến việc Bá Đa Lộc dịch sách chiến lược và xây dựng thành đài cho Nguyễn Ánh, bởi nếu Bá có dịch thì nhà vua đã không phải giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước.
Thụy Khuê 
(Trích từ Vua Gia Long và người Pháp, NXB Hồng Đức và Saigon Books ấn hành tháng 1.2017)

Những ân nhân của nhà vua

Hình minh họa vua Gia Long trên trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử (1875 - 1955) /// Ảnh: Tư liệu
Hình minh họa vua Gia Long trên trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử (1875 - 1955)ẢNH: TƯ LIỆU
Nhiều bằng chứng xác thực của giáo sĩ Julien Faulet chứng minh Bá Đa Lộc không phải là người đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ.
Julien Faulet sinh ngày 21.11.1741 ở Guilliers (Pháp), đi truyền giáo từ ngày 29.11.1773, được chuyển đến Cao Miên tháng 6.1775, làm trợ tá cho giám mục Bá Đa Lộc. Trong suốt thời gian truyền giáo ở khu vực này, ông và giáo dân sống trong tình trạng cực kỳ khốn khổ vì chiến tranh và cướp bóc, cái chết luôn luôn gần kề. Cuối cùng ông bị bệnh tâm thần, phải trở về Bretagne, Pháp.
Giáo sĩ Faulet viết nhiều thư mô tả tình hình chiến sự, giáo xứ và giáo dân ở Cao Miên và Hà Tiên, trong đó có hai tài liệu quan trọng: 1/ Bản ký sự dài, thuật việc giám mục Bá Đa Lộc phải tẩu thoát khỏi tu viện Cay-Quao (tu viện do giám mục xây dựng ở phía nam Hà Tiên, dưới sự bảo trợ của quan trấn thủ Mạc Thiên Tứ). Sau đó, qua những gì được ghi trong Sử Ký Đại Nam Việt, thì lại biết thêm rằng: giám mục chạy sang Cao Miên. Tóm lại: Bá Đa Lộc bỏ Hà Tiên ngày 29.7.1777 chạy sang Cao Miên. Như vậy, giám mục không thể nào “cứu” Nguyễn Ánh trong tháng 9 - 10.1777 được.
2/ Trong một bức thư khác, giáo sĩ Faulet cho biết ai cứu thoát Nguyễn Ánh tháng 9 - 10.1777. Đó là lá thư ông viết ở Cao Miên ngày 25.4.1780, gửi giáo sĩ Descouvrières, bề trên của ông, kể tình trạng cực kỳ khốn khổ của họ đạo ở Hà Tiên, giữa cướp bóc và giặc giã, đoạn chót có câu: “Chính cha Paul (Paul Nghị) đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông và báo cho Đức thánh cha (Bá Đa Lộc) biết”. Lá thư này là một tư liệu quý, bởi vì linh mục Faulet lúc đó ở Hà Tiên, có lẽ ông đang ở trong nhà giám mục Bá Đa Lộc, cho nên biết rõ chuyện cha Nghị giấu Nguyễn Ánh trong thuyền của mình.
Câu văn ngắn ngủi của Faulet hết sức quan trọng, đây là lần đầu tiên và duy nhất, có một chứng nhân tại chỗ, người Pháp, là giáo sĩ Faulet, xác định: cha Nghị là người cứu sống Nguyễn Ánh. Lời cha Faulet lại trùng hợp với lời một người Việt, là tác giả Sử Ký Đại Nam Việt.
Vua Gia Long và người Pháp: Những ân nhân của nhà vua - ảnh 1
Trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử mô tả về quá trình trốn chạy của Nguyễn Ánh
Về người mẹ của Nguyễn Ánh, Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau: “Con thứ hai của ông Vũ Vương (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), tên là Chưởng Vũ (Nguyễn Phúc Luân), chẳng khác tính cha là bao nhiêu (tức là cũng ăn chơi như cha). Trong các vợ ông Nguyễn Phúc Luân có một con hát sinh đặng nhiều con trai; trong những con trai ấy, thì con thứ hai tên là Đức Hoàng Nguyễn Ánh, có danh tiếng, vì đến sau được nối dòng cùng tôn lên làm vua, gọi là Gia Long”.
Sử Ký Đại Nam Việt viết trong đoạn Nguyễn Ánh trốn giặc như sau: “Ấy vậy mà tông tộc nhà Nguyễn đã gần tuyệt, còn lại một ông Nguyễn Ánh cùng ba anh em mà thôi. Chẳng khỏi bao lâu thì ba ông này lại phải sự khốn khó mà chết hết. Vậy còn một ông Nguyễn Ánh mới lên mười bốn hay mười lăm tuổi mà thôi. Ông ấy tuy khỏi chết, song đã phải túng cực lắm vì chẳng còn của gì, chẳng còn ai giúp cũng chẳng biết tin ai nữa. May còn một đứa nhà trò có lòng trung tín, ban đêm đã kiếm đặng một chiếc thuyền nhỏ, thì hai thầy tớ liền đem nhau tìm nơi mà ẩn trong rừng lau lách. Tình cờ lại gặp thuyền ông Phaolồ (Paul Nghị), là thầy cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn Ánh, tuy chưa quen biết thầy Phaolồ, song đã biết là thầy cả bổn quốc, cũng biết là thầy đạo, thì xưng danh mình ra, xin thầy Phaolồ cứu. Thầy Phaolồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng qua Hà Tiên, mà giấu trong nhà đức thầy Vêrô (Bá Đa Lộc). Khi ấy đức thầy Vêrô đã sang bên Cao Miên, cho nên thầy cả Phaolồ vội vàng gửi tin cho người biết sự ấy cho kịp. Ông Phaolồ có ý giấu ông Nguyễn Ánh trong nhà đức thầy Vêrô cho kỹ, nên chẳng cho ai biết. Song cũng khó lắm, vì quân Tây Sơn đã biết tỏ ông ấy đã trốn sang Hà Tiên, nên đã truyền tìm bắt người mà nộp. Vậy qua một tháng thì chẳng còn lẽ nào mà giấu trong nhà nữa, nên ông Phaolồ phải đưa ông Nguyễn Ánh lên rừng nơi vắng vẻ. Đoạn hoặc ông Phaolồ, hoặc thầy giảng kia, tên là ông Toán, thỉnh thoảng lén chở đồ ăn đến cho mà thôi. Vậy ông Phaolồ chịu khó mà liệu cách khôn ngoan thể ấy đặng hai ba tháng, thì có công với ông Nguyễn Ánh cả thể lắm. Vì chưng nếu chẳng có thầy cả ấy, thì ông Nguyễn Ánh phải bắt chẳng khỏi. Khi ấy quan phủ kia tên là Nhất Trịnh, nghe tin ông Nguyễn Ánh hãy còn, thì lấy một ít quân mạnh bạo đi tìm mà giết. Quân Tây Sơn canh giữ đồn kia áp xứ Đồng Nai và Cao Miên, ra sức tìm cho đặng ông Nguyễn Ánh. Dần dần thì nó biết đặng ông ấy còn ẩn mình trong thuyền ông Phaolồ trong Rạch Giá. Cũng một khi ấy đức thầy Vêrô ở Cao Miên mà về, tìm được ông Nguyễn Ánh; người lại đem một Langsa, tên là Gioang (Jean) có nghề võ cùng bạo dạn gan và có tài đánh giặc lắm”.
Theo tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, có ba người giúp Nguyễn Ánh thoát nạn: Một đứa nhỏ nhà trò có lòng trung tín, tức là một tiểu đồng con nhà hát, liên hệ với mẹ Nguyễn Ánh, trung tín theo hầu, chính cậu nhỏ nhà trò này đã tìm thuyền cứu chủ, giấu vào lau lách. Hồ Văn Nghị, hay Paul Nghị, thầy giảng, là người thân tín của Bá Đa Lộc, đã cứu Nguyễn Ánh giấu vào thuyền mình, chở về nhà Bá Đa Lộc ở Hà Tiên và báo tin cho Bá Đa Lộc biết, lúc ấy vị giám mục đang ở Cao Miên. Ít lâu sau sợ bị lộ, cha Nghị đem Nguyễn Ánh trốn vào rừng. Thầy giảng Toán, cũng liều mình đem đồ ăn đến cho Nguyễn Ánh.
Thụy Khuê (Trích từ cuốn Vua Gia Long và người Pháp do NXB Hồng Đức và Saigon Books ấn hành tháng 1.2017)

Ai cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ?

Giám mục Bá Đa LộcẢNH: TƯ LIỆU
Tự nhận là một “người ngoại đạo đối với nền sử học” và đã có 50 năm sống ở Pháp, nữ tác giả Thụy Khuê trong cuốn sách biên khảo Vua Gia Long và người Pháp (NXB Hồng Đức và Saigon Books ấn hành tháng 1.2017) đã trình bày những “điều tra” các tư liệu gốc tiếng Pháp, Anh, đối chiếu với sử liệu trong nước của bà với mong muốn biết sự thật lịch sử đằng sau những gì các sử gia thực dân đã che giấu hay bóp méo.
Về công trạng của giám mục Bá Đa Lộc đối với vua Gia Long, một điểm được hầu hết các sử gia thuộc địa hết sức đề cao: Bá Đa Lộc đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ, tháng 9 - 10.1777. Đây là nền tảng của lập luận: nếu giám mục Bá Đa Lộc không cứu sống Nguyễn Ánh thì không có triều Nguyễn. “Sự thực lịch sử” này, sẽ biến thành “công ơn của nước Pháp” đối với triều Nguyễn, được lặp đi lặp lại nhiều lần, đặc biệt trong các văn thư chính thức của chính phủ Pháp hoặc của các thủy sư đô đốc gửi các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, để đòi trả các giáo sĩ bị bắt hoặc xin thông thương. Vì thế, ta cần điều tra lại sự kiện này xem hư thực thế nào.
Ngày 18.10.1777, Định Vương Nguyễn Phước Thuần bị giết cùng với Tôn Thất Đồng, anh ruột Nguyễn Ánh và các tướng Trương Phước Thận, Lưu Thủ Lương, Nguyễn Danh Khoáng. Một mình Nguyễn Phước Ánh, 15 tuổi, chạy thoát. Ánh trốn tránh ở đâu? Ai nuôi ăn? Ai cho ở? Đại Nam thực lục  Đại Nam liệt truyện không viết rõ việc này.
Đại Nam thực lục viết về hoàn cảnh Nguyễn Ánh chạy trốn: “Tháng 9 (âm lịch, tức 10.1777) mùa thu, quân giặc theo ngặt, ngày Canh Thìn, Duệ Tông bị nạn băng. Một mình vua được thoát, lên thuyền đậu ở sông Khoa (thuộc Long Xuyên), định nhân ban đêm vượt biển để lánh giặc. Bỗng có con cá sấu cản ngang mũi thuyền ba lần, bèn thôi. Sớm mai dò biết đêm ấy có thuyền giặc ở phía trước. Vua bèn dời sang đóng ở đảo Thổ Châu”.
Huyền thoại này sau được viết thành truyện tiểu thuyết, vẽ lại trên các bình sứ, đĩa bát sứ cổ. Có lẽ lúc ấy Nguyễn Ánh mới 15 tuổi, khó tự mình nhân danh chúa Nguyễn đứng lên phất cờ dựng lại cơ đồ, nên phải dựa vào “điềm đế vương”, có thể do các vị đại thần chủ trương và cho truyền ra từ đầu.
Sử gia Pháp “xác định” Bá Đa Lộc cứu Nguyễn Ánh
Sau đây là sự phân tích của sử gia Maybon về vấn đề này, thể hiện trong cuốn Lịch sử hiện đại nước Nam (1592 - 1920), in tại Paris năm 1920.
Trước hết, Maybon cho rằng phải xác định thời điểm Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc lần đầu: “Nếu giám mục không gặp thiếu niên Nguyễn Ánh lúc ấy, thì có lẽ là sau khi Sài Gòn bị chiếm lần thứ nhì; bởi vì dường như dứt khoát theo những chứng nhân Tây phương thì “vào khoảng tháng 9 - 10.1777, Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện và giám mục Adran (tức Bá Đa Lộc) đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp (Ánh) trốn sang đảo Poulo Panjang (Thổ Châu) ngay khi quân Tây Sơn rút lui”.
Đến đây mới thấy sự khôn khéo của Maybon. Nếu chỉ đọc đoạn đầu mà không đọc chú thích, thì các sự kiện Maybon đối với chúng ta là một xác định có cơ sở, nhờ câu văn đi trước “bởi vì, dường như dứt khoát theo những chứng nhân Tây phương”. Nhưng nếu muốn biết thêm nguồn gốc của những chứng nhân Tây phương này thì ta sẽ phải đọc phần chú thích và thấy đó là: 1- Lời bình của M.Maitre (không biết ông này là ai, nói gì, vì ta không có sách của Maitre). 2- Chứng nhân xuất phát từ những giáo sĩ (không nói chứng nhân nào, giáo sĩ nào). 3- Của Barrow và của Bissachère (chỉ là một, vì người viết cuốn sách ký tên Bissachère (tức là Montyon) đã chép lại sách của Barrow). Tóm lại, câu “Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện và giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp (Ánh) trốn sang đảo Poulo Panjang” mà ta vừa đọc, chỉ rút ra từ một ông Barrow, vì các “ông khác” không biết là ai và họ viết gì.
Bây giờ ta thử coi xem Barrow - một nhà thám hiểm, nhà ngoại giao người Anh - viết như thế nào trong cuốn Avoyage to Cochinchina (in tại London năm 1806 và được dịch sang tiếng Pháp, in tại Paris năm 1807): “Nhà vua đã bị địch bắt, nhưng hoàng hậu, hoàng tử (chỉ Nguyễn Ánh), các con và một người chị hay em, được Adran cứu thoát. Nhờ đêm tối, họ rời xa kinh thành (Gia Định) và trốn vào rừng. Ở đấy, trong nhiều tháng, vị vua trẻ của nước Nam (...) trốn cùng với gia đình, không dưới lùm cây sồi rậm rạp mà dưới lùm đa hay bồ đề vì ở đây không ai dám xâm phạm. Một nhà tu Công giáo tên Paul (Paul Nghị) liều mình đem đồ ăn mỗi ngày, cho đến khi (quân đội đi lùng) không còn tìm kiếm nữa và sau cùng được lệnh rút về”.
Chỗ sai lầm của Barrow trong câu này là: 1- Ông tưởng Định Vương là cha của Nguyễn Ánh, nên gọi Nguyễn Ánh là hoàng tử, thực ra Định Vương là chú của Nguyễn Ánh. 2- Ông nói Nguyễn Ánh (hoàng tử) trốn với mẹ (hoàng hậu) và các con... là sai, vì lúc ấy Nguyễn Ánh chưa có vợ con gì cả, và cũng không phải do Adran cứu thoát, sẽ chứng minh ở dưới. Chỉ có câu “Một nhà tu Công giáo tên Paul (Paul Nghị) liều mình đem đồ ăn mỗi ngày” của Barrow là đúng.
Nhưng câu văn này của Barrow, đã được sử gia Maybon “biên tập” lại, theo cách sau đây: Trước hết, ông chỉ lấy một ý của Barrow: “được Adran cứu thoát” và cắt hết các ý khác, rồi thêm vào những “thông tin” sau đây:
1. Chỗ trốn của Nguyễn Ánh ngay cạnh chủng viện (không có trong lời Barrow) để thiết lập một thứ logic cho việc Bá Đa Lộc cứu sống Nguyễn Ánh.
2. Sau đó, Maybon viết thêm vào câu “Giám mục Adran đã sai Paul Nghị”. 3. Maybon còn thêm vào câu “ngài giúp (Ánh) trốn sang đảo Poulo Panjang”.
Maybon đã biến một câu có nhiều sai lầm của Barrow thành một thông tin khả tín bằng cách cắt xén và thêm thắt những điều không có trong lời của tác giả. Người đi sau, khi thấy “sử gia học giả” Maybon đã viết như thế, thì không ngần ngại gì mà không chép lại như một “sự thực hiển nhiên”.
Rất may là chúng ta tìm được những chứng nhân khác, viết về việc này.
Thụy Khuê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét