Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Ba ngọn lửa bất tử

Trần Quang Long với 'Thưa mẹ, trái tim'

Báo Thanh Niên trân trọng giới thiệu với bạn đọc chân dung 3 nhà thơ tiêu biểu trong phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do trong các đô thị miền Nam trước năm 1975, qua các bài viết của nhà thơ Thanh Thảo.
Đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập (1957-2017), Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định truy tặng Giải thưởng Hội Nhà văn cho một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hi sinh hoặc đã mất từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ và sau hòa bình. Báo Thanh Niên trân trọng giới thiệu với bạn đọc chân dung 3 nhà thơ tiêu biểu trong phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do trong các đô thị miền Nam trước năm 1975, qua các bài viết của nhà thơ Thanh Thảo.
Cách đây đúng 45 năm, khi đang ở chiến trường Nam bộ và đang viết cho Đài tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng, tôi đã có bài viết về bài thơ bất tử Thưa mẹ, trái tim của cố thi sĩ Trần Quang Long. Sau giải phóng, tôi ra Hà Nội và gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Ngô - một chiến hữu và người bạn của Trần Quang Long trong phong trào sinh viên Huế và Sài Gòn. Anh Ngô mời tôi đi uống cà phê và đưa lại cho tôi… bài viết của tôi về bài thơ của Trần Quang Long. Anh Ngô nói: “Mình làm biên tập ở Đài Giải phóng nên có bản thảo này. Đây là bài viết rất hay, chứng tỏ tác giả đồng cảm với thơ Trần Quang Long. Bọn mình hồi ấy đều máu lửa nhiệt huyết như vậy”.
Ba ngọn lửa bất tử - Kỳ 1: Trần Quang Long với 'Thưa mẹ, trái tim' - ảnh 1
Nhà thơ Trần Quang Long (ngồi, bên trái)ẢNH: T.L
Không phải tới lúc ấy tôi mới thấu hiểu giá trị xuyên thời gian của bài thơ Thưa mẹ, trái tim, nhưng qua nhận xét của anh Nguyễn Hữu Ngô, tôi thêm một lần khẳng định sự bất tử của bài thơ này.
Nhân kỷ niệm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam, tôi muốn một lần nữa cùng bạn đọc trở lại với bài thơ này, trở lại với không khí những tháng năm tranh đấu vì độc lập tự do ngay trong lòng các đô thị lớn miền Nam.
Thưa mẹ, trái tim
Thưa mẹ 
năm nay con hai mươi lăm tuổi đầu 
công danh gì chẳng có 
cuộc sống lại cơ cầu 

bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn 
lây lất chẳng ra sao 
mai mốt trát đòi con vào Thủ Đức 
chắc gì mẹ gặp con đâu 
anh Cả, anh Hai, chú Cường, chú Phúc 
người chết triền đồi, người chết lũng sâu 
chỉ còn tờ điện tín xanh lạnh lùng để lại 
Bây giờ con sống đây 
bên những người đã chết 
bên những người đang chết 
cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen 
con mang máng thấy mình còn sống 
khi ngồi âm thầm đếm nhịp trái tim 
Và con đếm nhịp trái tim 
trong cơn hấp hối 
những nhịp im lìm như móng chân rắn mối 
bước vào trong nỗi ăn năn 
những nhịp băn khoăn 
như những lá rơi tình đầu chờ đợi 
những nhịp giận dỗi 
thuở con thơ đòi mẹ bế bồng 
những nhịp ngoan hiền như gió thoảng bờ sông 
căn nhà mình, mẹ con cơm cá 
và con rùng mình những âm thanh lạ 
xoáy tròn trong mỗi thớ tim 
Con nghe tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm 
quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn 
oanh tạc vùng tình nghi 
Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya 
từng tràng cười ré lên như địa ngục 
những tiếng cười xen vào tiếng nấc 
thằng bé con lượm mẩu bánh mì rơi 
Con nghe tiếng người quằn quại kêu la 
những tràng súng vô nhân giữa lòng đô thị 
bắn chết trẻ em, ông lão, bà già 
rồi “bồi thường xứng đáng” 
câu chuyện sẽ dần qua 
Con nghe giữa phố phường 
lựu đạn cay và đá, chai độc thoại 
máu đổ rồi sẽ thấy mặt anh em 
Con đang nghe trái tim 
nổ tung từng mảnh vụn 
máu từng dòng im lìm 
máu từng dòng phẫn nộ 
Trên bàn tay con đó 
trên dải đất khô cằn 
trên mặt mày khốn khổ 
trên cuộc sống lầm than 
Mẹ ơi, con của mẹ 
chỉ còn có trái tim 
sẽ sống nhờ trái tim 
sẽ chết nhờ trái tim 
Là tâm hồn con đó 
là vần thơ con đây 
bài học i tờ ngày xưa mẹ dạy 
con viết thành lời đắng cay 
dòng máu anh hùng cha con kháng Pháp 
con luyện thành lời hăng say 
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông 
xuyên vào gan lũ giặc 
con sẽ mài thơ như kiếm sắc 
chặt đầu văn nghệ tay sai 
trả thù cho cha, rửa hờn cho nước 
cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai 
Nếu thơ con bất lực 
con xin nguyện trọn đời 
dùng chính quả tim mình làm trái phá 
sống chết một lần thôi 
Con sẽ chết như những người đã chết 
và những người đang chết 
nhưng trái tim con 
sẽ đời đời bất diệt 
dẫu đã nổ tan tành 
dẫu đã khô máu hết 
Vì mẹ ơi, con biết 
trái tim con là thơ 
trái tim con là rừng là núi 
là lúa là ngô là cam là bưởi 
là quá khứ, là tương lai 
là khổ đau, là hạnh phúc 
là đấu tranh, là bất khuất 
Trái tim là của con người 
viết lịch sử mình trên mặt đất 
bằng từng nét máu thắm tươi.
 (Trần Quang Long)
Theo hồi ký của anh Lê Hiếu Đằng - một người bạn thân, bạn tranh đấu của Trần Quang Long, thì bài thơ Thưa mẹ, trái tim được sáng tác trong khoảng thời gian 1966-1967. Theo anh Lê Hiếu Đằng, đó là bài thơ “có sức lay động dữ dội mà sinh viên học sinh Sài Gòn cũng như ở các thành thị miền Nam đã trích một số câu để sử dụng như là khẩu hiệu hành động, thúc giục sinh viên học sinh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại mà tiến lên...”.
Như thế, năm nay 2017 bài thơ Thưa mẹ, trái tim đã ở vào tuổi 50, cái tuổi “tri thiên mệnh” của đời người. Theo một định nghĩa về thơ từ thi hào Pháp Louis Aragon, thì bài thơ của Trần Quang Long thuộc dạng thơ “nói thẳng, nói hết, nói một lần cho tất cả”. Năm 1972, khi viết bài báo về bài thơ này của Trần Quang Long, tôi ở vào tuổi 26, đúng cái tuổi của Trần Quang Long khi công bố bài thơ. Đó là cái tuổi đầy nhiệt huyết, không một chút toan tính cho riêng mình, cái tuổi mà người ta có thể “xuống đường” như Trần Quang Long, hay xuống chiến trường đồng bằng như tôi. Vì sau khi viết bài báo về bài thơ Trần Quang Long cho chương trình binh vận của Đài phát thanh, tôi đã hăng hái đi xuống chiến trường Mỹ Tho. Hình ảnh người sinh viên-nhà thơ yêu nước Trần Quang Long luôn cổ vũ tôi trong những bước đường gian khổ nhất. Đó là bài thơ dành cho cả một thế hệ, và dành cho từng người trong thế hệ đó. Anh Lê Hiếu Đằng viết về giây phút cuối đời của Trần Quang Long: “Thật kỳ lạ, đêm trước buổi sáng oan nghiệt đó, Long nhận được thư của Quỳnh Như (vợ Trần Quang Long-con gái của GS Tôn Thất Dương Kỵ) và hình của đứa con trai đầu lòng mới được mấy tháng tuổi. Long vui như mở hội đem khoe với chúng tôi. Quỳnh Như đã đặt tên cho con là Xuân Thắng, như là một thông điệp gửi cho Long và bạn bè trong chiến khu niềm tin về một mùa xuân thắng lợi. Nhưng đau đớn và xót xa biết bao khi Long đã cùng Trần Triệu Luật ngã xuống vào buổi sáng 11-10-1968 sau một trận đánh bom ác liệt của máy bay Mỹ vào căn cứ của Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (B9). Quả bom 500kg của máy bay phản lực F105 của Mỹ đã rơi trúng ngay căn hầm của Long và Luật, đào thành một hố sâu hoắm, chỉ cách căn hầm tôi núp 15m. Trần Quang Long, Trần Triệu Luật đã hi sinh như thế đó...”.
Ba ngọn lửa bất tử - Kỳ 1: Trần Quang Long với 'Thưa mẹ, trái tim' - ảnh 2
Nhà thơ Trần Quang Long (trái) và Lê Hiếu Đằng năm 1964ẢNH: T.L
49 năm sau ngày Trần Quang Long hi sinh, tôi lại muốn trở về với bài thơ đã 50 tuổi của anh. Một bài thơ trong trẻo suốt từ câu đầu tới câu cuối. Một bài thơ hừng hực lửa mà người ta chỉ viết ra một lần, xuất ra một lần, rồi ngắt. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn còn nhớ từng đoạn thơ trong bài thơ ấy.
Người ta chỉ có thể đi lên từ chính số phận của mình. Trần Quang Long với số phận hiện lên ở phần đầu bài thơ, đã đi tới một quyết định dấn thân gần như không thể khác: “Nếu thơ con bất lực/con xin nguyện trọn đời/dùng chính quả tim mình làm trái phá/sống chết một lần thôi”. Đó là trái tim một người thanh niên yêu nước có một số phận cụ thể, một nỗi uất hận và một khát khao cụ thể, chứ không hề là kết quả của tuyên truyền. Đã có một thời như thế với những con người như thế, ngay tại các đô thị miền Nam. Với những thanh niên sinh viên học sinh yêu nước trong các vùng Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát, bài thơ Thưa mẹ, trái tim là sáng rõ từ đầu chí cuối, không cần phải bình giảng hay phân tích gì thêm. Họ đồng cảm với bài thơ không chỉ từ lời chữ trong bài thơ, mà từ trái tim từ dòng máu đỏ bật sáng trong từng câu thơ. Không phải nhà thơ nào cũng có thể viết được một bài thơ như thế. Thơ Trần Quang Long gợi tôi nhớ đến thơ của các nhà thơ Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến chống phát xít Franco, khi những nhà thơ quyết không lùi, và cũng không có đường lùi.
Trái tim là của con người/viết lịch sử mình trên mặt đất/bằng từng nét máu thắm tươi”. Trần Quang Long đã thành người phát ngôn của cả một thế hệ thanh niên yêu nước. Anh sẽ sống mãi cùng bài thơ Thưa mẹ, trái tim của anh.
​Thanh Thảo

Hữu Đạo - một hồn thơ bất khuất


Phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ hai mươiẢNH: T.L
Trong một lần ở chiến khu miền Đông Nam bộ, khi ngồi nói chuyện về thơ, mấy anh em chúng tôi đã nhắc đến tên Hữu Đạo, một nhà thơ và là thủ lĩnh tranh đấu trong phong trào học sinh Sài Gòn.
Khi ấy tôi cũng chỉ mới đọc mấy bài thơ của Hữu Đạo in trên một số tạp chí văn nghệ cấp tiến ở Sài Gòn, chứ chưa được gặp anh. Nhưng thơ Hữu Đạo hừng hực ngọn lửa yêu nước của tuổi trẻ cộng với cái nhìn trầm tĩnh về thế sự đã chinh phục tôi. Cũng không ngờ, sau đó ít lâu, trong một hoàn cảnh mà tôi không hề mong muốn, khi bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình của tôi gặp nạn, thì may mắn làm sao, tôi lại được gặp bạn. Đầu tiên là nhà thơ Chim Trắng. Anh đã từ “cứ” Văn nghệ B2 đi bộ cả ngày trời sang “cứ” tuyên truyền Binh vận B6 thăm tôi. Nhà thơ Chim Trắng vừa về, thì ít bữa sau, nhà thơ Hữu Đạo tới thăm. Hữu Đạo là nhà thơ tranh đấu nổi tiếng trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ hai mươi. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp anh. Hình như dạo đó Hữu Đạo cùng một số anh chị em khác trong phong trào đô thị lên R dự một lớp tập huấn gì đó, rồi biết chuyện bài thơ của tôi bị “đánh”. Sau khi tới nhà in xin bài thơ bị xé khỏi cuốn tạp chí Văn nghệ, Hữu Đạo đã quyết định đi bộ một ngày tới thăm tôi. Chỉ để chia sẻ.
Là một thủ lĩnh trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn, thơ rất dữ dội, nhưng Hữu Đạo (tên thật: Nguyễn Sĩ Hiền-quê Đồng Tháp) lại là người cực hiền. Anh nói năng nhỏ nhẹ, nhưng dứt khoát. Cái cách anh chia sẻ và ủng hộ bài thơ tôi, cũng ấm áp và dứt khoát, không đao to búa lớn. Mới gặp Hữu Đạo, nhưng tôi có cảm giác chúng tôi đã thân thiết với nhau từ lâu lắm. Có một sợi dây linh cảm giữa hai người bạn khiến chúng tôi mới gặp đã thân nhau, bất chấp những bài thơ gặp nạn, bất chấp các thủ trưởng quyền uy và những gì khác. Lại một đêm thức trắng bên sông Vàm Cỏ Đông cùng Hữu Đạo. Như đã thức cùng nhà thơ Chim Trắng. Cả Chim Trắng, Hữu Đạo và tôi, chúng tôi là những người tự do từ trong bản thể, và chỉ đơn giản như vậy. Thơ chúng tôi, yêu nước thương dân trong tình yêu tự do, và không chấp nhận đánh đổi tự do với bất cứ thứ gì. Suốt một đêm mắc võng nằm bên nhau, chúng tôi đã nói bao nhiêu là chuyện. Và hai chúng tôi, một người từ Hà Nội vào chiến trường, một người từ Sài Gòn lên chiến khu, chúng tôi đã chia sẻ thật ấm áp những tình cảm của người trẻ, những nghĩ suy của người trẻ, và những khát vọng của người trẻ.
Sau giải phóng, một hôm đạp chiếc xe đạp “truồng” không chắn bùn chắn xích không chuông không phanh từ chiến khu mang về (loại xe đạp khiến người dân Sài Gòn hồi đó rất… ngưỡng mộ, có lẽ vì nó lạ, nó “không giống ai”) đi nghêu ngao giữa Sài Gòn, tôi tình cờ gặp lại Hữu Đạo. Giữa Sài Gòn, hai anh em ôm nhau, rồi lập tức dìu nhau vào một quán cóc bên vỉa hè làm mấy chai bia “con Cọp” mừng hội ngộ. Tôi đâu có ngờ, đó là lần cuối cùng tôi gặp Hữu Đạo. Vì ít lâu sau, tôi lại lang thang qua nhiều tỉnh thành ở miền Nam, trước khi trở ra Hà Nội.
Ta đã lớn lên
Ta đã lớn lên bên này châu Á
Với ruộng đồng xanh lúa Cửu Long
Ta đã đi trong lửa đốt những thôn làng
Ta đã lớn bên nỗi hờn xâm lược
Ta sống gượng với nhục nhằn mất nước
Rồi hiên ngang bảo gạt lệ mà đi
Những khổ đau sẽ chẳng ích gì
Khi chẳng biết đun sôi bầu máu nóng
Ta đã lớn giữa quê hương tháng tám
Loa vang lời cách mạng một mùa thu
Ta đã vung gươm quyết vạch mây mù
Cho cả nước tiến lên đời tự chủ
Những bà mẹ suốt một đời lam lũ
Và những em thơ đói sữa khóc vùi
Hãy ngẩng đầu lên môi nở nụ cười
Vì hạnh phúc sẽ thơm đầy mật ngọt
Ta đã lớn với ba miền sôi sục
Trang sử hồng cuộc kháng chiến toàn dân
Đã xa rồi tăm tối và khóc than
Của những 80 năm chưa từng ngẩng mặt
Ta đã đi bên bạn bè son sắt
Giữa mặt trời nắng gắt, giữa mưa dầm
Đẹp vô cùng mơ ước tuổi xanh
Tuổi trẻ Việt Nam ngời ngời hy vọng
Hỡi những người vai rộng tóc xanh
Đời như hoa thắm nở trên cành
Như chim giữa khoảng trời cao rộng
Khinh những lồng son, lưới bủa quanh
Mùa thu ơi mùa thu
Quốc thù kêu kháng chiến
Mùa thu tan mây mù
Tưng bừng sôi khói biếc
Đạp cả gông tù ta bước lên
Cờ ươm máu hận thề không quên
Tầm vông chuyển động mùa sông núi
Giục lớp người đi phá xích xiềng
Ai qua rừng núi Điện Biên
Ai xuống Hưng Tuyên, Đồng Tháp
Sử hồng ta đã thơm mùi độc lập
Đã qua rồi mưa vùi gió dập
Lạc Hồng ơi một bờ cõi huy hoàng
Đất nước muôn đời hùng vĩ
Có sông Lô, núi Nhị
Có Vũ Quang bền chí
Với Hà Giang, Uông Bí, Cao - Bắc - Lạng kiên cường
Hàng vạn cánh tay, hàng vạn nẻo đường
Những con người dãi nắng dầm sương
Cơm dưa muối đã làm nên lịch sử
Máu giặc đỏ nước sông Vàm Cỏ
Xác thù trôi lửa Nhật Tảo bừng sôi
Từng bờ đê ngọn cỏ
Từng đồi núi chơi vơi
Cao như mối căm hờn giặc nước
Chân đã rộn ràng bước
Giọt mồ hôi cũng ướt
Mái tóc già tần tảo những canh khuya
Những nẻo đường xa
Những nẻo đường qua
Như rộn rã một mùa non sông mới
Mùa lúa chín đồng
Mùi cơm mới xới
Ta đã làm nên không chờ không đợi
Nghe gì trong tiếng gọi
Lửa quốc hờn vang reo
Nghe gì trong sương gieo
Ướt đầm vai nghĩa sĩ
Ta đã lớn lên rồi các anh các chị
Các em thơ trong trẻo tiếng cười giòn
Thành phố ta ơi
Ngời lịch sử trường tồn.
 (Hữu Đạo - 1968)
Bài thơ Ta đã lớn lên mở đầu bằng câu thơ thật tự hào: “Ta đã lớn bên này châu Á”, câu thơ đã thành tên một tập thơ tranh đấu của Hữu Đạo. Nhịp bài thơ đúng như bây giờ ta hay gọi là “nhịp rock”, mà là “rock nặng”, bài thơ đi một hơi can trường mãnh liệt dường như không một sức gì ngăn cản được. Đó là thơ của một người bất khuất. Khí thế tranh đấu của học sinh sinh viên Sài Gòn yêu nước ngày ấy là như thế. Và đó là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Bài thơ Hữu Đạo như một giao thoa giữa thơ yêu nước miền Nam và thơ yêu nước miền Bắc, giữa Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm và Thưa mẹ, trái tim của Trần Quang Long. Ngày ấy đất nước chưa thống nhất, nhưng thơ đã thống nhất.
Ba ngọn lửa bất tử - Kỳ 2: Hữu Đạo - một hồn thơ bất khuất - ảnh 2
Nhà thơ Hữu ĐạoẢNH: T.L
Khoảng tháng 8.1975, từ Hà Nội tôi nhận được điện tín, hình như của Tám Nhân, báo tin Hữu Đạo đang nằm bệnh viện Sài Gòn vì bị bệnh tim rất nặng. Tôi đã viết bài thơ này, như một mong ước, như lời cầu nguyện, rằng tôi sẽ còn gặp lại người bạn mà tôi yêu quí. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Hữu Đạo đã mất, còn tôi lại phải lang thang xuống tận Hải Dương, ở một trung tâm an dưỡng dành cho lính từ chiến trường B ra Bắc.
Gửi Hữu Đạo
làm sao mình quên-bạn đã đến với mình
một nửa ngày nhịn ăn một nửa ngày đi bộ
bài thơ nhỏ sẻ đôi cùng cơm nguội
câu chuyện dài
đêm ấy
nói xong đâu
tôi tin ở linh cảm mình biết bao
ngày chúng ta gặp lại
những người bạn trên đời không thể xa nhau mãi
dù đêm nay gió vật vã trên đầu
tôi tin ở linh cảm mình biết bao
như tôi tin ở tấm lòng của bạn
ở trái tim đau của bạn
ở người con gái bạn yêu và vô cùng yêu bạn
chỉ tình yêu-dưỡng khí nhiệm màu
chỉ tình yêu cứu bạn khỏi cơn đau
tôi khẩn thiết yêu cầu một tình yêu như thế
đến với bạn cùng những bình dưỡng khí!
Đạo ơi, chúng mình sẽ gặp nhau
nhất định chúng mình phải gặp nhau
tôi mãi mãi tin vào linh cảm.
 (Hà Nội 1975)
Hữu Đạo là một người bạn thơ mà tôi không bao giờ quên được. Khi gặp và chơi với Nguyễn Công Khế, tôi nghe Khế kể chuyện về những tháng ngày Hữu Đạo bị tù cùng Khế ở khám lớn Chí Hòa. Đó là những “tháng ngày ở tù trong sáng” của một lớp học sinh tranh đấu, dù ở miền Trung hay Nam bộ. Nghe chuyện càng yêu thương hơn người bạn của mình, người đã đi bộ cả ngày trong rừng để gặp và chia sẻ với một người bạn chưa từng gặp, chưa từng quen biết như mình.
Đã có một thời chúng tôi sống với nhau như thế.
Thanh Thảo

Ngô Kha - người đãng trí can trường

Phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ hai mươiẢNH: T.L
Trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí đã đưa Ngô Kha - một nhà thơ tranh đấu trong phong trào hòa bình và dân tộc ở Huế - trở thành nhà thơ Việt đầu tiên kết hợp được thơ siêu thực và thơ yêu nước.
Nếu Paul Eluard và Louis Aragon đã giã từ thơ siêu thực để đến với thơ yêu nước, thì ngược lại, Ngô Kha hòa trộn thơ yêu nước và thơ siêu thực, thơ về chiến tranh và thơ khao khát hòa bình, thơ siêu thực phương Tây và thơ đậm sắc màu dân tộc Việt. Đó là nhà thơ rất hiếm hoi trong tiến trình thơ Việt hiện đại, vừa tranh đấu với những mục tiêu cụ thể, vừa xuống đường đương đầu can trường với bạo lực đàn áp, vừa làm thơ lãng đãng như một người đãng trí - một người đãng trí hiền hậu thương con người, yêu cuộc sống và thiết tha với những hình ảnh bất chợt, những giấc mơ không bình yên và những thông điệp không phải lúc nào cũng sáng rõ. Nếu chúng ta đọc tiểu sử vắn tắt của Ngô Kha, rồi đọc từng đoạn trong Ngụ ngôn của người đãng trí của anh, chúng ta sẽ có được những mảnh ghép phối kỳ lạ giữa hình ảnh một nhà trí thức tranh đấu và hình ảnh một nhà thơ siêu thực đúng nghĩa.
“Nhà thơ Ngô Kha, sinh năm 1935 tại làng Thế Lại, TP.Huế. Tốt nghiệp thủ khoa khóa 1, Đại học Sư phạm Huế (1958-1959), cử nhân Luật (1962). Dạy văn ở các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Huế từ năm 1960-1973. Tham gia "chiến đoàn Nguyễn Đại Thức", chiến đoàn quân đội chế độ cũ ly khai chống Mỹ - Thiệu - Kỳ, 1966. Chủ trương nhóm Trí thức đấu tranh Tự Quyết, 1970 và làm Chủ tịch Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, 1972. Bị chính quyền chế độ cũ bắt 3 lần, vào các năm 1966, 1971, 1972 và bị thủ tiêu bí mật sau Hiệp định Paris, 1973. Được nhà nước truy phong liệt sĩ sau năm 1975”.
Và đây, một đoạn thơ trong trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí:
trong khu vườn tiền sử
dòng sông đen bắc cầu qua núi
với con voi ngà thời thượng cổ
hai chiếc sừng tráng lệ
mạch đất quê hương giờ lạnh rồi
sao mắt mẹ còn mở
sách trên án thư cũng ngủ khuây
nhưng hồn mẹ vẫn thao thức
con đã đi bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu.
Đây có lẽ là đoạn thơ sáng rõ nhất trong bản trường ca hơn 700 câu thơ này, bản trường ca Ngô Kha viết chính trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc đời anh, khi anh dấn thân tranh đấu và bị tù đày, khi anh vừa dạy học vừa tham gia các tổ chức đối lập với chính quyền Sài Gòn, vừa chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vừa nêu cao những bài giảng về lòng yêu nước cho học sinh của mình. Nhiều bạn hữu, nhiều đàn em, nhiều học sinh của Ngô Kha đã không bao giờ quên được dáng vẻ hiền hậu và tinh thần trí thức của anh, sự độc lập trong suy nghĩ và sự quyết liệt trong hành động yêu nước của anh. Vậy mà nhà thơ ấy, khi làm thơ, lại làm thơ… siêu thực. Như dòng sông Hương chảy qua trước nhà Ngô Kha ở 42 Bạch Đằng, Huế, vừa phẳng lặng hiền hòa vừa chất chứa những sóng ngầm những linh hồn những cổ vật những câu chuyện cổ tích từ bao đời, thơ Ngô Kha cũng giống hệt dòng sông Hương thương thiết của anh.
Ba ngọn lửa bất tử - Kỳ 3: Ngô Kha - người đãng trí can trường - ảnh 2
Nhà thơ Ngô Kha (1935 - 1973)ẢNH: T.L
Trong sáng tạo thơ ca và trong số phận Ngô Kha có gì cứ khiến tôi nhớ đến Federico Garcia Lorca - nhà thơ siêu thực và yêu nước vĩ đại của Tây Ban Nha. Lorca cũng làm thơ siêu thực, và cũng đấu tranh chống chế độ độc tài của phát xít Franco, và cuối cùng, cũng bị bọn phát xít thủ tiêu vào năm 1936, đúng như cái cách Ngô Kha đã bị thủ tiêu sau đó 37 năm, vào năm 1973. Hài cốt Lorca và Ngô Kha đều vĩnh viễn không được tìm thấy, vĩnh viễn hài hòa trong Đất Mẹ. Lorca (1898-1936) và Ngô Kha (1935-1973) đều bị thủ tiêu ở tuổi 38. Cả Lorca và Ngô Kha đều có những bài thơ như nhìn thấy trước cái chết của chính mình.
người say rượu lẩm nhẩm một mình
mùa hè có tuyết đen tuyệt đẹp
tôi vụt chạy bỏ linh hồn ở đó
không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu
chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh
người con gái đứng nhìn cánh sao lạc loài
trên nét mặt hiền hòa bất động của em
tôi thấy nốt ruồi son chói lọi
tiếng chim sành hót trong tiềm thức người say rượu
vỏ cây nứt một loài hoa vô sắc
tôi lạc vào miền vô vi
bài diễn văn cuốn theo lớp lá khô
người say rượu uống nhựa thông nằm chết tình cờ
đêm sửa soạn bài ngụ ngôn của người đãng trí
lá từ giã cành cây làm lễ đọc kinh
người con gái lặng yên xem chúc thư
bó hoa tôi mang đến dòng sông bây giờ đã héo.
Ngô Kha đã nhìn thấy trước cái chết của mình như vậy đó. Nhưng anh không lùi bước, không trốn chạy. Anh bình thản đón nhận cái chết từ những kẻ giết người hèn nhát và giấu mặt. Đúng như cách Lorca đón nhận cái chết của mình từ lũ sát nhân phát xít.
Vì sao lại là thơ siêu thực?
Có lẽ vì thơ siêu thực “đột nhập” được vào những khoảng bất chợt trong tâm hồn sâu thẳm con người, với những hình ảnh mờ chồng tự động và nhiều khi sẫm tối, nó phát hiện cho ta thấy sự phong phú nhiều khi đáng kinh ngạc của đời sống nội tâm một con người, ở đây là một thi sĩ. Thơ siêu thực không dễ làm, và dĩ nhiên, khó hay, nhưng khi đã thành công, thì nó vụt sáng. Đó cũng là phần không thể thiếu được trong thơ ca hiện đại. Khi chọn hình thức thơ siêu thực, một trí thức tranh đấu can trường như Ngô Kha đã chọn cho mình một phương thức biểu đạt không trực tiếp. Thơ Ngô Kha không làm khẩu hiệu xuống đường như thơ Trần Quang Long, nhưng nó cần thiết biết bao cho tâm hồn con người đương đại. Ngay trong cuộc chiến đấu, con người vẫn là một sinh thể vô cùng phức hợp, và thơ siêu thực cũng là một trong những nhu cầu tinh thần của con người. Trong cuộc kháng chiến vì Độc lập Tự do của dân tộc ta, đã xuất hiện nhiều dạng thơ yêu nước, và mỗi dạng thơ đều có đóng góp riêng của mình vào cuộc tranh đấu ấy. Vui mừng biết bao, khi trong dòng thơ lớn ấy, có thơ siêu thực của nhà thơ-liệt sĩ Ngô Kha. Anh chính là một F.G.Lorca của Việt Nam, với cây đàn lya và bài ca lãng đãng trên con đường đơn độc về một miền xa thẳm nào.
Tôi yêu Lorca. Tôi yêu Ngô Kha. Những nhà thơ quý hiếm như luôn sống mãi trong tâm hồn dân tộc mình, trong hành trình về tương lai của đất nước mình. Những kẻ sát nhân luôn bị quên lãng, bị lịch sử bỏ qua. Còn những nhà thơ-liệt sĩ thì luôn được tưởng nhớ bởi nhiều thế hệ.
Thanh Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét