Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng


'Bài Tây theo điệu ta'


Bìa tờ nhạc gấp bản 'Dạ khúc' (Sérénade) và 'Chiều tà' (Serenata) do Phạm Duy soạn lời Việt
Thời kỳ thịnh hành của nhạc nước ngoài lời Việt là vào những năm cuối thập niên 1960 vì chúng luôn được phát qua làn sóng điện, đĩa hát, băng nhạc; được biểu diễn ở phòng trà, chương trình truyền hình với những giọng ca nổi tiếng.
Hiện nay, trình độ ngoại ngữ của ca sĩ và khán giả ngày càng được nâng lên cùng với những khó khăn về bản quyền nên việc chuyển ngữ phần lời ca khúc quốc tế sang tiếng Việt không còn nhiều. Tuy nhiên, hàng trăm ca khúc nhạc Anh, Pháp, Hoa, Nhật... được viết lời Việt từ những thập niên trước theo từng trào lưu vẫn còn in đậm trong ký ức người nghe.
“Đồng xanh là chốn đây thiên đàng cỏ cây, là nơi bầy thú hoang đang vui đùa trong nắng say... Đây những bờ suối vắng im phơi mình bên lùm cây, đây những giòng nước mát khẽ vươn tay về thung lũng, và những đôi nhân tình đang thả hồn dưới mây chiều...”. Ai từng nghe ban Brother Four hát Green Field rồi thả hồn theo tiếng hát ban Phượng Hoàng trong bản Đồng xanh mới thấy hết sự tài tình của nhạc sĩ Lê Hựu Hà khi đặt lời Việt cho bài hát này.
Nhạc nước ngoài lời Việt có từ khi nào?
Thật bất ngờ khi biết việc đặt lời Việt cho nhạc nước ngoài đã có từ đầu thế kỷ 20, thời kỳ chưa có “nhạc cải cách”, cụ thể hơn là chưa có nhạc Việt được viết theo ký âm Tây phương. Theo Lịch sử tân nhạc Việt Nam của Giáo sư Trần Quang Hải, lúc ấy các bài hát châu Âu, Mỹ được phổ biến mạnh mẽ ở VN với các đĩa hát 78 vòng và qua những bộ phim.
Ngạc nhiên nhất là việc đặt lời Việt cho nhạc Tây, thường được gọi là "bài Tây theo điệu ta" lại bắt nguồn từ một số nhạc sĩ cổ nhạc. Soạn giả cải lương Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung trong một vài vở cải lương đã cho hát nhạc Tây được đặt lời Việt như: Marinella trong vở Phũ phàng, Pouet Pouet trong Tiếng nói trái tim, Tango mystérieux trong Đóa hoa rừng, La Madelon trong Giọt lệ chung tình...
Cũng theo Lịch sử tân nhạc Việt Nam, trong giới thanh niên yêu nhạc cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát của Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... mà họ yêu thích. Những nghệ sĩ sân khấu như Ái Liên, Kim Thoa đã được các hãng đĩa của người Pháp như Odéon, Béka thu âm các bài ta theo điệu Tây. Khoảng thời gian từ 1935 tới 1938, rất nhiều bài hát của Pháp như Marinella, C'est à Capri, Tant qu'il y aura des étoiles, Un jour loin de toi, Celle que j'aime éperdument... mà phần lớn là sáng tác của nhạc sĩ người Pháp Vincent Scotto và của Mỹ như Goodbye Hawaii, South of The Border... đã được phổ biến mạnh mẽ với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm và bởi những tác giả vô danh khác.
Rất tiếc thời ấy chưa xuất hiện những tờ nhạc gấp nên những bản nhạc nước ngoài đặt lời Việt đã thất truyền và không chắc có người còn nhớ lại những bài nhạc ấy.
Dấu xưa trên tờ nhạc gấp
Thời kỳ thịnh hành của nhạc nước ngoài lời Việt là vào những năm cuối thập niên 1960 vì chúng luôn được phát qua làn sóng điện, đĩa hát, băng nhạc; được biểu diễn ở phòng trà, chương trình truyền hình với những giọng ca nổi tiếng. Tuy nhiên ngay từ đầu những năm 1950, nhạc nước ngoài lời Việt đã sôi động và để lại dấu tích trên những tờ nhạc gấp. Những tờ nhạc gấp được xem là phát kiến của ông Tăng Duyệt, Giám đốc NXB Tinh Hoa (sáng lập năm 1943).
Không biết tờ gấp nhạc nước ngoài lời Việt đầu tiên ra đời vào năm nào. Trong những tờ gấp nhạc nước ngoài lời Việt mà tôi còn lưu giữ thì bài Le Beau Danube Bleu mà Phạm Duy đặt là Dòng sông xanh của Johann Strauss được NXB Đón Gió ấn hành năm 1952. Một bản nhạc được viết lời Việt tuyệt hay, và đi vào lòng bao người yêu nhạc qua giọng ca Thái Thanh: “Một dòng tràn mông mênh. Một dòng nồng ý biếc. Một dòng sâu mấy kiếp…”. Năm sau, NXB Đón Gió còn in của nhạc sĩ Phạm Duy một loạt ca khúc nhạc nước ngoài lời Việt: Dạ khúc (Sérénade), Mối tình xa xưa (Celebre Valse), Chiều tà (Serenata), Trở về mái nhà xưa (Come back to Sorrento)... Đáng chú ý là trong thời gian này, tờ gấp in nhạc chỉ với lời Việt chứ không có lời bản gốc.
Không để cho NXB Đón Gió một mình một chợ, các NXB khác cũng đua nhau ấn hành tờ gấp nhạc nước ngoài lời Việt với các bài hát Mỹ, Pháp, Nhật, Ý, Trung Quốc, Cuba, Nga nổi tiếng lúc đó. Phải kể đến NXB Hoa Thủy Tiên với các tác giả Huỳnh Anh, Huyền Vân, Anh Hoa, Huyền Xuân... đã cho ra đời Vũ khúc mambo (Mambo Italiano), Bông hồng Trung Quốc (Rose de Chine), Cánh buồm lướt gió (Voyage à Cuba), Tàn nhịp liên hoan (Tabou), Tình xưa (Comédi), Cánh buồm xa xưa (La Ploma), Mối tình đầu (Bambino)... với các tác giả đặt lời việt như Thương Hoài, Tô Huyền Vân, Mộng Tiên, Vương Huyền...
Có những tác giả đặt lời Việt bám theo nội dung chính của lời gốc và cũng có những tác giả đặt theo cảm xúc của mình chứ chẳng cần theo nguyên tác. Một tác giả là Quỳnh Sơn đã dùng ý của bài thơ Hai sắc hoa ti gôn để đặt lời Việt cho bài Histoire D’un Amour với tựa đề là Một chuyện tình Hai sắc hoa ti gôn (năm 1960): “... Nhớ hôm nào khi người ấy về thăm, vuốt tóc em như bao lần. Khẽ thở dài trông em rồi bảo: Dáng hoa như tim vỡ tàn, anh e tình ta cũng sẽ vỡ tan...”.
Và thú vị là chính nhà thơ Thế Lữ đã đặt lời Việt cho bài nhạc bằng tiếng Hoa do nhạc sĩ La Hối viết nhạc (phần lời tiếng Hoa do Diệp Truyền Hoa soạn) Xuân và Tuổi trẻ (NXB Đón Gió - 1954): “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”. Đến nay, bài hát với giai điệu rộn rã và ca từ tươi sáng này vẫn luôn vang lên mỗi dịp xuân về.
Lê Văn Nghĩa

Trào lưu Việt hóa nhạc trẻ


Thanh Lan và Duy Quang (phải) - hai giọng ca hát nhạc ngoại lời Việt được yêu thíchẢNH: T.L
Thập niên 1960 - 1970, các ca khúc Pháp, Mỹ, Ý... ồ ạt du nhập vào VN, trong đó nhạc Mỹ, Pháp rất được giới trẻ Sài Gòn ưa thích. Những bài hát này có giai điệu hiện đại, nội dung gần gũi được liên tục phát trên đài phát thanh, truyền hình, đã ảnh hưởng đến cách nghe nhạc của giới trẻ Sài Gòn.
Các ca khúc The house of the rising sun, Reviens la nuit, Tous les garçons et les filles, Capri c'est fini, Bang Bang, Besame mucho, Only you, My prayer, Be bop be lu la, Love story, Yesterday, Michelle… được nghe nhiều nhất thời ấy. Các ca sĩ, nhóm nhạc thập niên 1960 - 1970 của Mỹ như The Platters, Paul Anka, Elvis Presley; của Pháp như Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Christophe, Dalida; của Anh như Cliff Richard, The Shadows, The Beatles, The Rolling Stones.... được giới trẻ Sài Gòn thần tượng, say mê.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng (người chuyển ngữ gần 100 ca khúc ngoại sang tiếng Việt) được coi là một trong những “thủ lĩnh” của phong trào chuyển ngữ nhạc ngoại tại Sài Gòn thập niên 1960 - 1970. Ông biết các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, hiện sống ở TP.HCM và là biên tập - đạo diễn cho phòng trà Tiếng Xưa. Nhắc tới thời kỳ sôi động của nhạc ngoại ở Sài Gòn, nhạc sĩ cho biết đây cũng là thời điểm hàng loạt ca sĩ, ban nhạc VN mang tên Tây ra đời như: The Enterprise, C.B.C, The Dreamers, The Uptight, The Blue Jets, The Strawberry Four (ban nhạc Việt đầu tiên và duy nhất được lên đài truyền hình Mỹ thời điểm đó), The Apple's Three, Peanuts Company, Vampires… Các ca sĩ nổi tiếng cũng lấy nghệ danh vừa Việt, vừa Mỹ như: Elvis Phương, Prosper Thắng, Julie Quang, Carol Kim, Pauline Ngọc, Cathy Huệ… Họ thường biểu diễn các ca khúc nước ngoài và nhạc Việt ở các quán bar, sân khấu, có thu nhập rất cao.
Lo ngại giới trẻ sẽ chạy theo phong trào nhạc ngoại quá mức, năm 1972 nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, nhạc sĩ Trường Kỳ, nhà văn Mai Thảo đã chủ động mời gọi các nhạc sĩ bạn bè cùng thời để thảo luận vấn đề Việt hóa nhạc trẻ tại tòa soạn tập san Kịch Ảnh. “Chúng tôi còn mời các ca sĩ nổi tiếng như Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Tùng Giang, Thanh Lan, Pauline Ngọc, Kim Anh, Thúy Hà, Anh Tú… đến dự. Chúng tôi nói với họ rằng tại sao chúng ta phải hát lời Mỹ, Tây mà không hát lời Việt được soạn cho ca khúc ngoại? Chúng ta cũng nên lấy tên VN làm nghệ danh cho mình hay ban nhạc…”, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng kể.
Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng: Trào lưu Việt hóa nhạc trẻ 1
Nhạc sĩ Vũ Xuân HùngẢNH: T.X
Sau buổi làm việc ấy, ban nhạc Phượng Hoàng ra đời, chỉ trình diễn những bản nhạc Việt do chính họ sáng tác. Một số nhóm nhạc lấy tên ngoại như The Cats Trio, The Apple three, The Golden Bells, The Blue Stars... cũng chuyển tên của mình sang tiếng Việt, lần lượt là Ba Con Mèo, Ba Trái Táo, Ba Quả Chuông, Sao Xanh...
Các ca khúc nước ngoài được nhạc sĩ VN soạn lời Việt được trình diễn rầm rộ khắp nơi và được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng: nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng có Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Chuyện phim buồn (Sad Movies), Xin em gõ 3 tiếng (Knock Three Times), Ngày xưa yêu dấu (Yesterday Once More), Nếu không có em bên đời (Et Si Tu N'existais Pas), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza), Nói sao cho em hiểu (How can I tell her) Nhạc sĩ Phạm Duy có Khi xưa ta bé (Bang Bang), Em đẹp nhất đêm nay (La Plus Belle Pour Aller Danser), Những nụ tình xanh (Tous Les Garcons Et Toutes Les Filles), Ôi! Giàn thiên lý đã xa (Chèvrefeuille Que Tu Es Loin), Tình yêu mùa đông (J'aime Bien L'Hiver), Chàng (Lui), Nàng (Elle Etait Belle); nhạc sĩ Nguyễn Duy Biên có Thôi ta xa nhau (Adieu, sois heureuse)… Các ca sĩ hát nhạc ngoại lời Việt được yêu thích nhất thời đó có thể kể đến Thanh Lan, Duy Quang, Chánh Tín, Jo Marcel…
Khi được hỏi về chuyện bản quyền ca khúc chuyển ngữ trong giai đoạn bùng nổ tại Sài Gòn trước 1975, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cho biết: “Hồi ấy tôi không phải xin phép tác giả bài hát hay trả tiền bản quyền, vì lúc đó VN chưa áp dụng Công ước Berne về bản quyền. Khi xin phép ra băng đĩa hay tờ nhạc gấp có nhạc chuyển ngữ thì phải qua cơ quan chức năng duyệt. Sau khi nghe qua, xem qua bài hát không có vấn đề gì thì họ sẽ duyệt cho mình mang đi in và phát hành”.
Dạ Ly

Bố già nhạc trẻ' Phạm Duy

Bìa tờ nhạc Đồng xanh, lời Việt của Lê Hựu HàẢNH: L.V.N
Năm 1971, sau khi phim Love Story (Chuyện tình) làm mưa làm gió tại rạp Rex ở Sài Gòn thì giai điệu bài nhạc Love Story của Francis Lai cũng trở nên “mốt”.
Lúc ấy, chỉ một số dân nghe nhạc biết ngoại ngữ mới dám ngâm nga lấy le bài Love Story: “Where do I begin to tell the story of how great a love can be...”. Nhưng một thời gian ngắn sau, lời tỏ tình bằng Anh ngữ có vẻ không hiệu nghiệm bằng tiếng Việt khi chàng cất lên: “Biết dùng lời rất khó. Để mà nói rõ. Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá...”. Lời tiếng mẹ đẻ thì dễ dàng đi vào trái tim các nàng hơn.
Người đặt lời nhạc Việt, theo sát ý của bài hát Love Story ấy, chính là nhạc sĩ Phạm Duy. Từ cuối thập niên 1960 qua đầu những năm 1970, ngoài việc sáng tác, nhạc sĩ Phạm Duy là người đặt lời Việt cho rất nhiều bài nhạc nước ngoài. Ông đặt lời Việt cho nhạc Pháp, nhạc Mỹ đang nóng sốt trên các bảng xếp hạng âm nhạc nước ngoài. Với tay nghề điêu luyện của một nhạc sĩ, tâm hồn đầy chất thơ ca nên lời nhạc Việt do ông phổ vừa rất hợp với giai điệu bài hát vừa rất thâm trầm sâu sắc. Đơn cử Cứ yên vui (Let It Be), Trong nắng trong gió (Dans Le Soleil Et Dans Le Vent), Tay trong tay (Main Dans La Main), Hai khía cạnh cuộc đời (Both Sides Now), Em đẹp nhất đêm nay (La Plus Belle Pour Aller Danser)...
Xuất hiện một đội ngũ nhạc sĩ mới đặt lời Việt
Các nhạc sĩ trẻ xuất thân từ dòng nhạc trẻ cũng đã xuất hiện trong những nhạc phẩm nước ngoài lời Việt. Một Lê Hựu Hà với Đồng xanh (Green Fields của Brothers Four) là bài hát được ưa thích nhất của anh cùng những bài khác như Hát lên đi (Sing), Nỗi đau dịu dàng (Killing Me Softly with His Song), Đêm trắng (Nights in White Satin)... Nam Lộc với Mây lang thang (A Cowboy’s Work Is Never Done), Chỉ là giấc mơ qua (Yellow Bird)... Trường Kỳ với Biệt ly (Which Way You Goin’ Billy), Mùa tình yêu (Le Temps De L’amour), Cám ơn người yêu dấu (Merci Cherie)... Sau này, Trường Kỳ còn in riêng một tuyển tập Tình ca nhạc trẻ với 13 nhạc phẩm. Vũ Xuân Hùng là Búp bê không tình yêu (Poupee De Cire, Poupee De Son), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza)... Ngoài những tác giả trên còn có Nguyễn Duy Biên, Doanh Doanh, Tuấn Dũng, Trung Thành, Thu Vân...
Trong khi một số nhạc sĩ trẻ viết lại lời cho những ca khúc nước ngoài vừa xuất hiện thì Tiến Bách lại viết lời Việt cho một dòng nhạc riêng, khó “nhằn” hơn nhiều vì thuộc loại kinh điển. Đó là đặt lời Việt cho những “tổ sư” nhạc cổ điển. Trong tuyển tập 4 Những tình khúc muôn đời của nhân loại mà tôi đang có trong tay thì thấy Tiến Bách thực hiện rất chuyên nghiệp. Không chỉ viết lời Việt, ông còn giới thiệu tiểu sử tác giả và lời nhạc gốc cũng như lời nhạc tiếng Anh. Mối tình bất diệt (I Love Thee - Ich Liebe Dich) của Ludwig van Beethoven, Tình khúc (Love Song - Minnelide) của J.Brahms và nhiều tác phẩm của Liszt, Tchaikovsky, Ciro Pinsuti...
Thời ấy, do chưa có công ước về bản quyền nên một bản nhạc nước ngoài đứng đầu các top hit hay bảng xếp hạng Billboard thường được các tác giả đặt lời Việt ngay. Việc đặt lời, dù sao cũng dễ hơn viết một ca khúc mới mà sự ăn khách của ca khúc mới thì chưa có câu trả lời chính xác. Đặt lời cho ca khúc nước ngoài đa số theo khuynh hướng là thoát ly khỏi lời nhạc của bài hát gốc. Thí dụ như bài The End of the World, tác giả Thu Vân đặt tựa là Chiều mưa thương nhớ và câu “Trong cơn mưa chiều thương nhớ một người. Cô em ngoan hiền như đóa hoa” thay thế lời nhạc gốc là: “Why does the sun go on shining? Why does the sea rush to shore?”, nếu dịch sát nghĩa là “Vì sao mặt trời lại chiếu sáng? Vì sao biển tràn vào bờ?”. Đặt lời kiểu này không cần phải theo ý chính mà chỉ làm sao phù hợp với các nốt nhạc, làm sao hát được mà không bị chỏi. Hay Nam Lộc từ Yellow Bird với câu hát đầu: “Yellow bird, up high in banana tree” (tạm dịch: Chim vàng anh, đậu trên ngọn cây chuối), ông đã chuyển thành: “Như làn mây, tình yêu thôi giờ đây lững lờ”. Hát nghe cũng êm tai nên dễ được chấp nhận. Chứ không như nhạc sĩ Phạm Duy khi đặt lời cho nhạc nước ngoài thường theo ý của lời gốc. Cụ thể như bài Love Story với điệp khúc: “She fills my heart. With very special things. With angel songs, with wild imaginings”, ông đã đặt lại là: “Lòng ta đầy kín! Là muôn ngàn chuyện yêu đương. Câu hát thần tiên và những mộng huyền mênh mang...” vừa sát âm điệu, vừa gần với nội dung bài gốc. Quả là một sự khó nhọc khi hiểu và tìm lời. Đâu phải nhạc sĩ nào cũng làm được, chỉ có Phạm Duy “bố già nhạc trẻ” thôi.
Nội dung lời Việt của những bản nhạc nước ngoài đều nói về tình yêu nam nữ, tình yêu giữa người với người và người với thiên nhiên với ca từ rất nên thơ. Dù sao cũng không thể chối bỏ dòng nhạc nước ngoài lời Việt trong lịch sử âm nhạc VN khi nó đã tồn tại một thời gian rất dài, chí ít từ những năm 1950.
Lê Văn Nghĩa

Bìa 'Chat với Mozart', album nhạc cổ điển lời Việt, của Mỹ LinhẢNH: TƯ LIỆU
Trong khi các nghệ sĩ thời bấy giờ chọn nhạc bình dân Pháp để soạn lời thì Phạm Duy chọn nhạc cổ điển Âu - Mỹ. Và ông được xem là một trong những nhạc sĩ đầu tiên soạn lời Việt cho nhạc cổ điển.
Thông qua những tư liệu mà nhạc sĩ Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy, cung cấp có thể thấy Phạm Duy đã soạn lời cho rất nhiều thể loại, từ nhạc cổ điển, dân ca cho đến nhạc tân kỳ của Âu, Mỹ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Philippines, Do Thái, Mexico...
Nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu soạn lời bằng tiếng Việt từ khi ông mới khoảng 15, 20 tuổi. Khi mà các nghệ sĩ lúc bấy giờ chọn nhạc bình dân Pháp để soạn lời thì Phạm Duy đi một hướng khác, đó là nhạc cổ điển Âu - Mỹ. Và ông bắt đầu với những tác phẩm của Johann Strauss (người Áo) mà theo ông, nhạc valse của Johann Strauss tuy là nhạc cổ điển nhưng có bài được phổ biến dưới hình thức ca khúc phổ thông. Ngoài bài valse bất hủ là Le beau Danube bleu (Dòng sông xanh), Johann Strauss có một bài valse khác cũng được nhiều người biết đến là When we were young. Bài này được Phạm Duy viết lời Việt có tựa Khúc hát thanh xuân cũng để “hát chơi trong đám bạn bè” với những ca từ tươi vui: “Ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui/Có lứa đôi yêu nhau rồi hẹn rằng còn mãi không nguôi…”.
Trong tư liệu để lại, ông cho biết mình may mắn có một người anh đi du học 7 năm ở Pháp, khi về nước, người anh mang về nhiều đĩa hát là nhạc cổ điển. Theo lời ông: “Tôi đã nghe và đã thuộc lòng nhiều bài được coi như bất tử, chẳng hạn bài Serenata (Chiều tà) của Toselli. Bản nhạc Ý này thì quá đẹp, lại có thêm lời tiếng Pháp rất hay. Tôi hát bài này từ khi mới 14, 15 tuổi nhưng mãi tới năm 1942 hay 1943 tôi mới soạn lời Việt: Lắng trầm tiếng chiều ngân/Nhạc dặt dìu ái ân/Người ôi! Nhớ mãi cung đàn/Năm tháng phai tàn/Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng…”. Phạm Duy cho biết sau này trong sáng tác, nếu ông hay nói đến những buổi chiều thì đó là vì ông bị ảnh hưởng bởi các bản mộ khúc, dạ khúc của các nhạc sĩ cổ điển.
Nhạc ngoại lời Việt thời vang bóng: Lắng trầm tiếng chiều ngân1
Bìa bản nhạc Sầu (Tristesse) do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt
“Thêm chút không khí Bồ Tùng Linh vì tôi là người Á Ðông”
Giai đoạn Phạm Duy bỏ nhà đi theo gánh hát rong (khoảng 1944 -1945), ông đánh guitare trong ban nhạc của gánh Ðức Huy - Charlot Miều. Thông thường, ban nhạc phải tấu nhạc trong lúc hạ màn và có khi phải đệm đàn cho tài tử đánh kiếm trên sân khấu... Lúc đó, ông được làm quen với loại nhạc khiêu vũ và soạn lời cho những bài như La paloma, La cumparsita... Bài La cumparsita là một bài nhạc tango không lời nổi tiếng trên thế giới của nhạc sĩ người Uruguay Gerardo Matos Rodríguez, và theo Phạm Duy: “Dù nó không phải là nhạc cổ điển nhưng tôi cũng cho vào mục này vì nó nằm trong dĩ vãng cổ điển của tôi và nó sẽ dẫn tới bài về tình kỹ nữ mà tôi soạn sau này có tên Vũ nữ thân gầy để ghi lại mối tình giang hồ giữa tôi và một vũ nữ: Ðàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi/Ðàn khóc ai hoài, cho héo hon lòng tôi/Ðàn nhớ nhung người, như sắc hương tàn phai...”.
Năm 1949, ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng. Theo lời ông: “Vì Thái Thanh (em Thái Hằng) lúc đó còn bé lắm, thích hát nhạc cổ điển cho nên tôi soạn lời cho những bài Dạ khúc - Serenade (Schubert), Dòng sông xanh (Johann Strauss), Sầu - Tristesse (Chopin)… để cho cả hai chị em hát”. Back to Sorriento (Curtiss) cũng được ông đặt lời Việt trong giai đoạn này, với tựa đề Trở về mái nhà xưa. Bài hát nói lên ước mơ được về với những điều bình thường nhất của mỗi người, và theo ông khi soạn lời Việt, bài ca nổi danh của Ý này đã được “thêm chút không khí Bồ Tùng Linh vì tôi là người Á Ðông”.
Năm 2014, nhân kỷ niệm một năm ngày mất của ông, Phương Nam Phim đã giới thiệu hai album nhạc cổ điển và dân ca quốc tế được Phạm Duy viết lời Việt, do các ca sĩ sau này, cũng là những giọng hát được ông đánh giá cao, thể hiện: Tấn Minh, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Hồng Vy, Ngọc Tuyền, Khánh Linh…
Giai điệu cổ điển pha trộn với pop, hip hop
Hơn 50 năm, kể từ khi những bản nhạc cổ điển được công chúng biết đến với lời Việt của Phạm Duy, một album nhạc cổ điển lời Việt khác được phát hành chính thức - Chat với Mozart (2005).
Album gồm những giai điệu cổ điển được nhạc sĩ Dương Thụ viết lời Việt:Intro Chat với Mozart (W.A.Mozart), Ave Maria (J.S.Bach), Gió và lá cây(E.W.Elgar), Ngày xa anh (P.I.Tchaikovsky), Mùa đông (A.Vivaldi), Sớm nay mùa xuân (A.Borodin), Mộng mơ (R.Schumann)..., do ca sĩ Mỹ Linh thể hiện. Ca từ giàu cảm xúc cộng với phần hòa âm hiện đại, trẻ trung của nhạc sĩ Huy Tuấn, Anh Quân đã khiến album tạo được sự hứng khởi với người nghe khi các giai điệu cổ điển được pha trộn với pop, R&B, hip hop.
Nguyên Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét