Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Tác giả bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam

5-cau-hoi-ve-tac-gia-bo-quoc-su-dau-tien-cua-viet-nam
Lê Văn Hưu sinh năm 1230 tại làng Phủ Lý (Đông Sơn, Thanh Hóa), nay thuộc xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ông là cháu 7 đời của Lê Lương, một hào trưởng nổi tiếng dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Theo Lê thị gia phả, ông "khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh".
Năm 1247, Đại Việt mở khoa thi chọn trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa, gọi là Tam khôi. Khoa thi này diễn ra sự kiện lạ lùng mà suốt lịch sử khoa cử của đất nước chưa lặp lại. Đó là Lê Văn Hưu 17 tuổi đỗ bảng nhãn, xếp thứ hai sau trạng nguyên Nguyễn Hiền 12 tuổi và xếp trước thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi.
Sau khi thi đỗ, Lê Văn Hưu được vua giữ trong cung làm môn khách, dạy dỗ hoàng tử Trần Quang Khải, người sau này trở thành danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.
Tiếp đó, Lê Văn Hưu giữ chức Pháp quan (trông coi việc hình luật) rồi được thăng lên làm Thượng thư bộ Binh. Đến thời vua Trần Thánh Tông, ông được bổ nhiệm là Học sĩ Viện Hàn lâm kiêm làm việc ở Viện Quốc sử. 
Lê Văn Hưu được coi là nhà sử học đầu tiên của Việt Nam. Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu biên soạn bộ Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam, ghi lại những sự việc quan trọng trong chiều dài lịch sử gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) cho tới thời Lý Chiêu Hoàng.
Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen. 
Theo sử gia Trần Trọng Kim trong tác phẩm Việt Nam sử lượcĐại Việt sử ký là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Sau khi xâm lược Đại Ngu (quốc hiệu kế tiếp sau Đại Việt), nhà Minh đã đưa sách của nước Nam về Trung Quốc, trong đó có 30 quyển Đại Việt sử ký.
Đại Việt sử ký nay không còn, nhưng vẫn có thể thấy thấp thoáng bóng dáng bộ quốc sử đầu tiên này trong Đại Việt sử ký toàn thư do sử thần thời Lê là Ngô Sĩ Liên biên soạn.
Trong bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư (Đại Việt sử ký toàn thư được chia làm hai phần là Ngoại kỷ toàn thư và Bản kỷ toàn thư), Ngô Sĩ Liên viết: "Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên (tác giả bộ Đại Việt sử ký tục biên) là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa".
Tiếp đó, Ngô Sĩ Liên nói rõ, ông đã hiệu chỉnh, biên soạn lại hai bộ sách của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Điều này cho thấy khó có thể phân định được chính xác đâu là nguyên văn Đại Việt sử ký trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư.
Tuy nhiên, Đại Việt sử ký toàn thư vẫn có 29 đoạn ghi rõ "Lê Văn Hưu viết". Qua những trích đoạn đó, có thể thấy được phần nào khuynh hướng cũng như sắc thái ngọn bút chép sử của ông. Đoạn nhận định về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cho thấy sự trân trọng của ông đối với công lao đánh giặc giữ nước của tổ tiên. Đoạn ông ca tụng Ngô Quyền cũng thấm đượm lòng tự hào trước thắng lợi huy hoàng của dân tộc.
Ngoài ra, một số đoạn Lê Văn Hưu nghiêm khắc phê phán những hành vi bạo ngược, trái đạo lý của vua chúa trong Đại Việt sử ký cũng được Ngô Sĩ Liên ghi lại. 
Lê Văn Hưu mất ngày 23/3/1322, thọ 92 tuổi. Ông được an táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm, thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay ở đó vẫn còn phần mộ với tấm bia dựng năm 1867, khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông. Ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, có nhà thờ Lê Văn Hưu.
Đền thờ Lê Văn Hưu được Nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Trước kia, đền thờ có quy mô rộng lớn, có 9 gian hậu cung và 5 gian tiền đường, phía trước có gác chuông. Nhưng theo thời gian, ngôi đền bị chiến tranh tàn phá. Năm 1990, nhân dân đóng góp, trùng tu một gian hậu cung và ba gian tiền đường, tất cả đều lợp ngói.
dung-ong-duoc-an-tang-tai-que-nha-thanh-hoa
Bàn thờ trong đền Lê Văn Hưu ở Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Những tuyến phố mang tên sử gia Lê Văn Hưu ở Hà Nội và TP HCM đều nằm ở vùng trung tâm thành phố. 
Phố Lê Văn Hưu ở Hà Nội thuộc phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng. Xưa phố này thuộc đất thôn Tràng Khánh, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương.
Tại TP HCM, đường Lê Văn Hưu thuộc phường Bến Nghé, quận 1.
dung-ca-ha-noi-va-tp-hcm-deu-co-duong-pho-le-van-huu
Chân dung Lê Văn Hưu. Tranh minh họa
Ngoài ra, rất nhiều tỉnh, thành phố có đường đặt theo tên của nhà sử học thời Trần này như Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng... Nhiều trường học cũng mang tên ông.

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét