Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Thái sư Trần Thủ Độ

6-cau-hoi-ve-cong-than-lay-giang-son-ve-cho-nha-tran
Trần Thủ Độ sinh năm 1194 ở làng Lưu Xá phủ Long Hưng, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sử sách không ghi danh tính cha mẹ ông, chỉ biết Trần Thủ Độ mồ côi từ bé, phải lam lũ tìm kế sinh nhai nên ít được học hành. 
Theo cuốn Trần Thủ Độ - Con người và sự nghiệp của Viện Sử học Việt Nam, Trần Thủ Độ gia nhập hương binh khi chưa đầy 20 tuổi. Năm 21 tuổi, ông được giao chỉ huy đội thủy binh dưới trướng của người anh họ Trần Tự Khánh - quan của triều Lý. 30 tuổi, Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, toàn quyền nắm giữ quân đội trong ngoài thành. 
Dưới thời vua Lý Huệ Tông (1211-1224), giặc dã nổi lên như ong, nguy cơ cát cứ đang thành hiện thực. Trần Thủ Độ cùng nhiều danh tướng họ Trần xả thân dẹp loạn để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, triều Lý không thể tìm được minh quân để tiếp tục duy trì triều chính, vua Lý Huệ Tông lại mắc bệnh.
Trước tình thế ấy, Trần Thủ Độ đã ép vua Lý nhường ngôi cho con gái là công chúa Chiêu Thánh khi mới 6 tuổi, lấy hiệu là Chiêu Hoàng. Ông sau đó sắp xếp cho cháu trai là Trần Cảnh lấy nữ vương Lý Chiêu Hoàng. Dưới sự điều phối của Trần Thủ Độ, năm 1225, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Giang sơn Đại Việt từ đó về tay họ Trần với vị vua đầu tiên Trần Thái Tông.
"Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được người đời suy tôn. Trần Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong kháng chiến Nguyên - Mông lần thứ nhất, trước thế giặc rất mạnh, vua Trần Thái Tông đã hỏi ý kiến Trần Thủ Độ về việc đánh hay hàng. Trần Thủ Độ dõng dạc đáp lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Câu nói khảng khái, sự tự tôn dân tộc, ý chí quyêt tâm chống giặc giữ nước của Trần Thủ Độ được người đời ca tụng. 
Trước đó Trần Thủ Độ đã dẫn quân dẹp yên các sứ quân của Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng đang cát cứ bên ngoài, không quy thuận triều Trần. Ông giúp vua sắp xếp quan lại, triều chính, bày cho việc đào kênh, đắp đê để trị thủy.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Bấy giờ có kẻ vào gặp Trần Thái Tông khóc mà nói rằng: Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao? Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt người ấy đem theo và nói hết những lời này cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời Đúng như lời hắn nói, rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy".
Là công thần hàng đầu trong việc lập quốc cho nhà Trần nhưng Trần Thủ Độ không tham ngôi vị. Khi được vua phong là Quốc thượng phụ, giao cho cai trị đất nước, Trần Thủ Độ đã đề xuất tôn cha của vua Trần Thái Tông là Trần Thừa lên làm thượng hoàng, giao quyền nhiếp chính, trông coi việc nước.
"Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng, tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang (vua Trần Thái Tông)", sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại lời Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ khi làm quan rất nghiêm minh. Sử sách chép, có lần vợ ông là Linh Từ quốc mẫu ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại. Bà về dinh khóc bảo Trần Thủ Độ rằng: "Ta làm vợ của ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Trần Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng chắc phải chết. Khi Trần Thủ Độ vặn hỏi, người này cứ thành thực trả lời. "Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa, bèn lấy lụa thưởng cho rồi cho về", sách Đại Việt sử ký chép.
Lần khác, Trần Thủ Độ duyệt định sổ hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người làm câu đương (chức dịch trong xã). Ông gật đầu rồi ghi họ tên quê quán của người đó lại. Khi xét duyệt đến xã ấy, Trần Thủ Độ đã nói với người được quốc mẫu xin cho chức dịch rằng: "Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác". Người này van xin mãi mới được tha. Từ đó, không ai dám đến thăm xin việc riêng với Trần Thủ Độ nữa. 
Theo sách Đại Việt sử ký, vua Trần Thái Tông có lần đề xuất phong người anh của Trần Thủ Độ làm tể tướng. Ông trả lời: "An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin nghỉ việc. Nếu thần giỏi hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Anh em đều làm tể tướng thì việc triều đình sẽ ra sao". Vua sau đó bèn thôi. 
Suốt 71 năm cuộc đời, Trần Thủ Độ đã tận lực phò trợ vua Trần gây dựng cơ nghiệp vững mạnh, được người đời ca tụng. GS Trần Quốc Vượng gọi ông là "nhân vật lịch sử lớn của Việt Nam".
Năm 1264, Trần Thủ Độ chết, được truy tặng là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Vua Trần Thái Tông làm bài văn bia để tỏ lòng kính mến đặc biệt với ông. 
Lăng mộ của Trần Thủ Độ được đặt ở quê nhà (Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). 

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét