Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Vua thứ chín của nhà Trần.

5-cau-hoi-ve-ong-vua-tu-tran-khi-danh-chiem-thanh
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Duệ Tông sinh ngày 2/6/1337, tên húy Trần Kính, là con thứ 11 của vua Trần Minh Tông và Đôn Từ Hoàng thái phi, em của vua Trần Nghệ Tông. Ông được Trần Nghệ Tông truyền ngôi cho vào tháng 11/1372.
Ngay sau khi lên làm vua, Trần Duệ Tông đã chủ trương chọn người thực tài phục vụ đất nước, không đề cao yếu tố tôn thất. Ông liên tục mở các cuộc tuyển chọn nhân tài.
Năm 1374, vua Trần Duệ Tông cho tổ chức khoa thi Đình cho các tiến sĩ. Nho sĩ Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, và Trần Đình Thám đỗ Thám hoa... Họ đều xuất thân bình dân, không trong hàng ngũ hoàng tộc. Để thể hiện tấm lòng coi trọng hiền tài, vua Duệ Tông ban cho họ yến và áo xếp, phong quan chức theo các thứ bậc, dẫn ba vị đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày.
Năm 1375, vua Duệ Tông tiếp tục xuống chiếu "chọn các quan viên biết luyện tập võ nghệ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là người tôn thất, đều cho làm tướng coi quân".
Để đối phó với sự quấy rối từ Chiêm Thành, vua Trần Duệ Tông xây dựng quân đội hùng mạnh và được tổ chức chặt chẽ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 8/1374, Duệ Tông "chọn dân đinh bổ sung quân ngũ. Hạng nhất sung vào Lan Đô rồi đến hạng nhì, hạng ba. Người thấp bé nhưng nhanh nhẹn, can đảm cũng được sung vào hạng trên".
Tháng 8/1375, vua lại hạ lệnh làm sổ quân, thải bớt người già yếu, lấy người khỏe mạnh bổ sung vào quân ngũ. "Những người làm thuê ở các hộ, các xá Thanh Hóa, Nghệ An đều phải sung vào quân ngũ".
Sau đó gần một năm, vua Duệ Tông xuống chiếu cho các quân sắm sửa khí giới, thuyền chiến để chuẩn bị đánh Chiêm Thành. Ông còn cho mở cuộc đại duyệt binh trước khi xung trận.
Đặc biệt dưới thời vua Trần Duệ Tông, ý thức dân tộc được chú trọng. Vua hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm - Lào. Bên cạnh đó, ông còn quy định cụ thể về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trướng và y phục.
Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga mang quân sang quấy rối biên giới Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội.
Theo Đại Việt sử ký toàn thưĐỗ Tử Bình đã ỉm số vàng đó đi, cướp làm của mình, nói dối vua là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh đi đánh, mặc cho mọi lời can ngăn của các đại thần.
Tháng 12/1376, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, dẫn 120 nghìn quân xuất phát từ kinh đô Thăng Long. Ông sai Quý Ly đốc thúc Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa chở lương cấp cho quân rồi dừng quân một tháng để luyện sĩ tốt.
dung-tran-due-tong-quyet-than-chinh-danh-chiem-thanh-do-bi-do-tu-binh-lua
Tranh minh họa Trần Duệ Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. 

Tháng 1/1377, quân nhà Trần tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, chuẩn bị tiến vào kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Lúc này, Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối với Duệ Tông là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn lại thành không, nên tiến quân gấp.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Duệ Tông muốn tiến quân ngay. Đại tướng Đỗ Lễ can ngăn thế nào vua cũng không nghe. Duệ Tông thúc quân tiến nhanh vào thành. "Quân lính bèn nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt. Giặc thừa thế xông ra đánh chặn".
Quân Đại Việt tan vỡ. Vua Trần Duệ Tông bị hãm trong trận mà chết. Các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hào, hành khiển Phạm Huyền Linh đều tử trận. Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không đến ứng cứu. Lê Quý Ly đốc quân chở lương, nghe tin vua tử trận thì sợ hãi, bỏ trốn về nước.
Cái chết giữa thành Đồ Bàn của Chiêm Thành khiến vua Trần Duệ Tông trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam bị giết chết trên chiến trường.
chua-day-du-tran-due-tong-that-bai-do-trung-ke-giac-voi-vang-tien-quan
Tranh minh họa quân Trần tiến sâu vào Chiêm Thành. 
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết, ngay khi vua Duệ Tông truyền lệnh tiến quân vào Đồ Bàn, đại tướng Đỗ Lễ đã can rằng:
- Nó hàng là bởi trước muốn bảo toàn đất nước. Quan quân đi vào sâu để đánh phá thành là việc bất đắc dĩ. Vậy xin hãy sai một biện sĩ mang thư đến hỏi tội, cốt xem thực hư ra sao, ấy cũng như kế của Hàn Tín phá nước Yên thuở xưa, không phải khó nhọc mà vẫn thành công vậy. Cổ nhân nói lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xem xét kỹ lại.
Vua Duệ Tông nói:
- Ta mặc áo giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi để vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu, thế là cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ kháng cự. Cổ nhân nói "Dùng binh cốt ở thần tốc", nay nếu dừng lại không tiến, thì đúng là trời cho mà không lấy, giặc lập cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà.
Nói rồi vua sai người lấy áo đàn bà cho Đỗ Lễ mặc.
Nguyễn Khắc Thuần bàn trong Việt sử giai thoại: "Đại tướng Đỗ Lễ cẩn trọng, ấy cũng là phép xử thường của kẻ quen xông pha trận mạc. Duệ Tông bất chấp lời can ngăn, lại còn coi khinh mà hạ nhục, bắt đại tướng phải mặc áo đàn bà trước mặt ba quân. Chủ quan, háo thắng mà vô mưu đến thế, bảo không thảm bại làm sao được. Cổ nhân dạy rằng dụng binh mà khinh tướng là nguy. Duệ Tông hạ nhục đại tướng Đỗ Lễ, có biết đâu là đã tự hạ nhục mình, mà xem ra, cái nhục của Duệ Tông mới thực là nỗi nhục lớn hơn cả".
Vua Trần Duệ Tông tử trận tháng 3/1377, được chôn ở Hy Lăng. Cái chết của ông là bước ngoặt lớn đối với nhà Trần. Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông vốn dựa hoàn toàn vào ông, nay ông mất lại phải dựa hoàn toàn vào Quý Ly khiến nhà Trần sụp đổ.

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét