Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Bún thang Cầu Gỗ gợi nhớ về một quá khứ vàng son, chậm rãi

(Emdep.vn) - Thưởng thức hương vị bát bún thang bốc khói nghi ngút giữa tiết trời mùa xuân se lạnh chắc hẳn sẽ làm bạn thêm yêu, thêm thích thú về nét đẹp ẩm thực của người Hà Nội xưa.
Nhắc đến bún thang là nhắc đến Hà Nội. Chỉ có ở đây, người ta mới có thể thưởng thức vị bún thang ngon chuẩn nhất. Bún thang được đánh giá là một trong những món đặc sản lâu đời, cầu kì và tinh tế nhất của người dân thủ đô.
Bún thang Cầu Gỗ gợi nhớ về một quá khứ vàng son, chậm rãi
Bún thang là sự hòa quyện đầy khéo léo giữa hương vị và mỹ quan trong khiếu ẩm thực của người Hà Thành. 
Ngày xưa, bún thang là món ăn chỉ xuất hiện ở những dịp lễ Tết, thuộc hạng "món ăn vương giả" khi có đến 20 nguyên liệu kèm theo. Bát bún trắng tinh, phủ thật nhiều gà xé phay, trứng tráng mỏng, giò lụa, nấm hương, tôm bông, rau răm, mùi tàu, hành hoa..vv.., ở giữa là lòng đỏ trứng muối, sau cùng là nước dùng gà được chan nóng hổi vào bát, có thể thưởng thức ngay. 
Đã từng có một thời, người Hà Nội ăn uống thật cầu kỳ, và bún thang chính là sự tinh tế trong nét đẹp ẩm thực nơi đây. Tuy nhiên, giờ đây các món ăn Hà Nội đã bị giản lược và biến thể đi nhiều. Nếu bạn muốn thưởng thức một bát bún thang đúng vị cũng phải lựa quán mới có thể tìm được địa chỉ ngon.
Bún thang Bà Đức hàng chục năm nay vẫn luôn gắn bó với biết bao thế hệ người dân Hà Thành. Không biển bảng cầu kì hay không gian sang trọng, bún thang Bà Đức nằm gọn ở phố Cầu Gỗ, khiến bất cứ ai đi qua cũng phải nán lại dừng chân.   
Bún thang Cầu Gỗ gợi nhớ về một quá khứ vàng son, chậm rãi

Vẫn biết để làm món bún thang là một quá trình khá cầu kỳ, từ phần chuẩn bị nguyên liệu đến cách chế biến. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm lâu năm và sự khéo léo của mình, bún thang bà Đức luôn làm hài lòng thực khách gần xa.
"Linh hồn" của bát bún thang trước hết phải kể đến thứ nước dùng thơm ngon thanh khiết vô cùng, thường được chế từ nước luộc gà. Khi ninh nước dùng phải chú ý kiểm soát ngọn lửa luôn ở mức độ vừa phải, khi sôi rồi thì hạ lửa liu riu, không được đun to lửa mà làm hỏng cả một bát bún cầu kỳ.
Bún thang ngày nay có thể không còn đủ đến 20 nguyên liệu, nhưng bún thang bà Đức vẫn cố gắng để có được hương vị bún thang Hà Thành cổ xưa và tròn vị nhất. Một suất bún thang tại đây khá đầy đặn với thịt gà, giò lụa, tôm khô, trứng non, nấm hương, hành rau, mùi tàu… tất cả đều hòa quyện vào với nhau vô cùng thơm ngon và đậm đà. Thịt gà rất mềm, thơm và dai, giò lụa, trứng tráng thái mỏng rất vừa ăn, tôm bông quyện với nấm hương, hòa cùng nước dùng thanh ngọt đầy hợp lý. 
Bún thang được ăn kèm các gia vị khác như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu. Và  cũng sẽ vô cùng thiếu sót nếu viết về bún thang Hà Nội mà không nhắc đến phần đặc biệt nhất của nó chính là tinh dầu cà cuống. Chỉ cần một chút đầu tăm điểm vào bát bún thang sẽ dậy một hương thơm đặc biệt. Tiếc là hiện nay, cà cuống đã không còn nhiều nữa, ngay tại quán bún thang bà Đức, chủ quán cũng chia sẻ là rất khó để kiếm được thứ nguyên liệu này. 
Bún thang Cầu Gỗ gợi nhớ về một quá khứ vàng son, chậm rãi
Thứ "tuyệt chiêu" để giữ chân khách hàng tại bún thang bà Đức, đó chính là nhờ hương vị đặc trưng Hà Thành trong từng bát bún nơi đây.
Một bát bún thang đầy đủ sẽ không thể thiếu củ cải ngâm, hay còn được biết dưới cái tên gốc Tàu là ca-la-thầu. Củ cải dầm để ăn được cắt khúc năm phân, chẻ gióng mía, phơi héo, bóp muối, rửa sạch, để ráo, cho vào lọ với gừng và ớt thái chỉ. Pha một muôi dấm, một muôi đường, ba phần tư muôi nước mắm, đun sôi, để nguội rồi đổ vào lọ củ cải ngâm trước một tiếng, nên khi thưởng thức củ cải vẫn giữ được độ giòn và sự thanh mát.
Bún thang Cầu Gỗ gợi nhớ về một quá khứ vàng son, chậm rãi
Bún thang khô - một biến thể khác của bún thang nước. 
Bún thang Cầu Gỗ gợi nhớ về một quá khứ vàng son, chậm rãi
Quán phục vụ từ sáng đến tận khuya vì thế những thực khách nào yêu thích món bún thang này thì có thể ghé quán để thưởng thức bất cứ lúc nào.
Nếu bỗng một ngày bạn muốn tìm kiếm hương vị ẩm thực của người Hà Nội xưa thì hãy ghé Cầu Gỗ để thưởng thức hương vị bún thang nhé! Một món ăn thanh nhã, tinh tế bậc nhất của ẩm thực Hà Thành, gợi nhớ về một thời quá khứ vàng son, chậm rãi.
Tâm Hồn Ăn Uống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét