Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Dinh thự cổ trên cao nguyên đá

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Pu Péo là một trong những dân tộc có số người ít nhất. Thế nhưng trong lịch sử, người Pu Péo từng xây nên một dinh thự to lớn.
DInh-co (1)Cổng ngoài của “lâu đài Pu Péo”
Dân tộc Pu Péo ở nước ta hiện gồm khoảng 900 người và chỉ phân bố trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nơi đây, xã Phố Là (thuộc huyện Đồng Văn) có cộng đồng người Pu Péo với vài trăm nhân khẩu, được xem là nơi họ sống tập trung đông nhất.
Tại xã biên giới vùng cực bắc này, người Pu Péo còn giữ được những phong tục đặc sắc. Mỗi năm, họ tổ chức một lễ cúng thần rừng để cầu mong quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và họ còn dùng trống đồng trong những nghi lễ cổ truyền. Tiếng Pu Péo vẫn được sử dụng, trong khi họ nói tiếng phổ thông giỏi hơn rất nhiều nếu so với người Mông cùng sống trong khu vực.
DInh-co (2)Cổng thứ hai tựa vào sườn núi
DInh-co (3)Bậc thềm lên nhà vẫn còn nguyên
DInh-co (4)
DInh-co (5)Hoa mận mùa xuân nở bên những tường nhà trình bằng đất núi
Xa xưa, người Pu Péo ở nhà sàn, nhưng ngày nay bà con hầu như chỉ sống trong những ngôi nhà trình tường vốn rất phổ biến trong cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Tày ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Dinh thự mà chúng tôi muốn nói cũng nằm ở Phố Là, trong một thung lũng giữa hai sườn núi và ở ngay bên đường đi; đúng hơn, đó là một phế tích với những bức tường đá, sân đá, lối đi bằng đá và những tường nhà trình bằng đất sét nay đổ nát trong cỏ lá hoang tàn.
Một ông già quắc thước tên là Củng Díu Pháng, nguyên là thiếu tá, Phó chỉ huy trưởng phụ trách chính trị của Huyện đội Mèo Vạc, Hà Giang, nay nghỉ hưu sẽ niềm nở tiếp đón khách vào thăm nhà. Ông chính là con cháu của dòng tộc họ Củng, chủ nhân của tòa dinh thự kiên cố dựng trên diện tích khoảng 1.000m2.
Ông kể rằng đời bố và đời ông của ông đã sống ở dinh thự bằng đá này. Nó được dựng cách đây khoảng một trăm năm, do những người thợ bên Trung Quốc sang làm mướn với giá nhiều chục lạng bạc. Đó là một ngôi nhà trình tường lớn, có hai tầng, khung bằng gỗ nghiến, bên trên lợp ngói máng. Kèm theo là những công trình nhỏ hơn.
Bao quanh dinh thự là bức tường đá dày đến 50cm, ghép bằng những khối đá xanh đục đẽo rất vuông vắn, phẳng phiu. Trải qua mưa nắng và chiến tranh nên các ngôi nhà đã dần đổ nát. Tuy nhiên, nhiều đoạn của bức tường đá nay vẫn còn nguyên, trong đó có hai cổng vòm trổ qua tường, một hướng ra đường, một nhìn vào núi.
Một khoảng sân đá khá rộng với những bậc thềm lên nhà vuông vắn cũng nguyên vẹn hoàn toàn. Những bức tường trình bằng đất núi giờ đây long lở và được cơi nới thành những ngôi nhà bình thường. Lần theo những dốc đá nham nhở mọc đầy cỏ dại, ta có thể gặp mấy con nghê đá to đang lăn lóc đâu đó. Trong một góc tối tình cờ, có thể thấy một bộ bàn ghế đã hàng trăm năm tuổi, nay đen bóng, hoặc một ban thờ cũng cũ kỹ và bí ẩn như thế.
DInh-co (6)Chiếc ban thờ có tuổi hơn một trăm năm, nay vẫn còn thiêng?
DInh-co (7)Đá xếp dọc lối đi
DInh-co (8)Dấu vết văn hóa nơi cánh cửa dán tranh tết vẽ hình Quan Công đã phai màu
DInh-co (9)Con nghê đá đã qua “thời oanh liệt”…
Nằm trên một cao nguyên đá bí ẩn, nơi sắp được công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”, những dấu vết văn hóa như Dinh họ Vương ở Sà Phìn, Phố cổ Đồng Văn… đã và đang có kế hoạch tôn tạo. ngoài ra, trên cao nguyên đá còn khá nhiều những ngôi nhà cổ có tuổi hàng trăm năm cũng rất đáng được quan tâm. Đặc biệt, với dấu vết khá hoành tráng của một dinh thự gắn với một dân tộc như Pu Péo, việc phục dựng di tích này có thể là một điều hữu ích.
 Bài & ảnh: Lưu Quang Phổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét