Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Đình Tiên Canh

Kết cấu, kiểu thức kiến trúc, niên đại xây dựng đình Tiên Canh giống đình Hương Canh và Ngọc Canh, tuy diện tích lớn hơn - tiền tế 5 gian dài 23m, rộng 10m, đại đình 5 gian 2 dĩ dài 29,70m, rộng 14m, hậu cung 5 gian 2 dĩ dài 16m, rộng 7m.  



Đao - Mái đình

Trên bộ khung kiến trúc gỗ đồ sộ, vững chãi ấy, người xưa đã tính toán rồi làm đẹp thêm cho đình bằng việc chạm khắc, trang trí với kỹ thuật điêu luyện, nội dung tinh tế, tả cảnh sinh hoạt của con người, các con vật vũ trụ, tứ linh, kìm nghê và hoa lá cách điệu, như ở cửa võng hậu cung, các bức cốn nách, đầu bẩyĐiểm khác trong trang trí đình Tiên Canh với đình Hương Canh và Ngọc Canh là đề tài về con người ít (chỉ có 3 bức cốn nách tả cảnh: Luyện voi, bơi chải, người múa), chủ yếu là “tứ linh” (long - ly - quy - phượng), trong đó hình rồng xuất hiện hầu hết trong trang trí ở đây. Rồng được thể hiện ở những tư thế khác nhau: Rồng hút nước, rồng uốn, rồng cuốn cột, cá hoá rồngChẳng hạn ở cốn nách gian dĩ đại đình chạm hình rồng cách điệu, mình ẩn, đầu to, tai vểnh, răng nhe. Cốn nách ở tiền tế chạm “tứ linh” với rồng đang hút nước, lân bờm tóc dữ tợn, rùa đang bò miệng ngậm quyển sách, phượng bay cánh xoè rộng lả lướt. Bức “long cuốn thuỷ” tả cảnh một rồng mẹ đang hút cột nước, cạnh có rồng con đang ôm quả cầu. Đặc biệt trên hệ thống cửa võng - hậu cung trang trí toàn hình rồng (cửa võng hậu cung đình Tiên Canh rất độc đáo, là cửa kép, gồm 2 lần cửa). Các cạnh của 3 ô cửa ngoài chạm 7 lớp hình cá hoá rồng, các cạnh của 3 ô cửa trong chạm 8 lớp, mỗi lớp là một hình rồng dài suốt theo chiều cao của cửa (1,50m). Còn ở cột cửa (ô giữa) chạm một đôi rồng to đang cuốn chặt vào cột. Tính tổng thể ở 6 ô cửa võng có hơn 100 con rồng nằm cùng tư thế song song nhau với cả rừng vây máu trông rất uy nghi. Cùng kỹ thuật đục chạm tỉ mỉ chau chuốt, các hình rồng đều được thếp vàng lóng lánh rực rỡ. 


Cửa võng - Thế kỷ XIX


"Long cuốn thủy" - Chạm gỗ thế kỷ XIX
Có thể nói chạm trổ ở cửa võng đình Tiên Canh là kiệt tác độc đáo về chạm khắc gỗ cổ dân gian ở Vĩnh Phúc cuối thế kỷ XVIII. Và với đề tài chủ đạo - hình rồng, chạm khắc ở đình Tiên Canh đã phần nào phản ảnh nội dung tư tưởng đa dạng của xã hội Việt Nam đương thời. Có người nói hình rồng hút nước ở đình Tiên Canh là hình tượng cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Cũng có người nói hình rồng ở đình Tiên Canh với tỷ lệ cao như thế nói lên sự chuyên quyền của chế độ phong kiến Việt Nam khi ấy, luôn muốn đề cao uy quyền của mình để thống trị nông dân. Lại có người nói hình rồng ở đình Tiên Canh, nhất là hình cá hoá rồng phản ánh tình hình thi cử, ước mơ đỗ đạt của các nho sinh thuở trước như câu ca:
 Mồng ba cá đi ăn thề
Mồng bốn cá về cá vượt vũ môn.
Ở đình Tiên Canh có nhiều hình rồng và hoá rồng như thế, chứng tỏ từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đạo Nho ở nước ta đã lấn tới chi phối hệ tư tưởng trong xã hội đương thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét