Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Lễ mừng thọ của người Tày

(HBĐT) - Lễ mừng thọ của người Tày nhằm thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng và cầu cho ông bà, bố mẹ khỏe mạnh…
 

Lễ mừng thọ của người Tày thể hiện chữ hiếu của con cháu đối với các bậc sinh thành.
Người Tày từ rất lâu đời đã hình thành một nền văn hóa riêng với những bản sắc đặc trưng. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, xã hội, thời gian…nhưng những bản sắc văn hoá của người dân tộc Tày đến nay vẫn còn lưu giữ và bảo tồn.

Theo phong tục của người Tày, khi bố mẹ ở độ tuổi 70 trở lên, con cái sẽ làm lễ mừng thọ (còn gọi là lễ thêm lương) cho bố mẹ nhằm thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng và cầu cho ông bà, bố mẹ khỏe mạnh, thêm nhiều thời gian ở bên con cháu.

Lễ mừng thọ của người Tày thường diễn ra từ đêm hôm trước tới sáng hôm sau với nhiều nghi lễ. Để chuẩn bị cho buổi lễ, người trong gia đình phải chuẩn bị ba mâm cúng dưới chân bàn thờ; trong đó có một mâm chay dành cho bà mụ sinh, một mâm mặn cúng tổ tiên và một mâm dành cho hành binh, hành kiến. Cùng với đó, một bàn thờ thánh sẽ được đặt ngay cạnh nơi bà then làm lễ cúng.

Ngoài những mâm cúng chính, nghi lễ mừng thọ của người Tày không thể thiếu một chiếc lẩu váng tượng trưng cho kho lương của người được mừng thọ, hay còn gọi là lẩu bổ lương. Đây là một khối hình lăng trụ bên ngoài được dán giấy hồng, một chiếc thang nhỏ được cắt từ miếng bìa cứng bằng giấy có 7 bậc thang nếu là đàn ông, 9 bậc thang nếu là đàn bà tượng trưng cho cây cầu mệnh, một cây chuối còn cả gốc rễ được treo tiền vàng tượng trưng cho cây mệnh của người được mừng thọ, một chiếc ô để che mưa nắng và nhiều hình nhân.

Trong nghi lễ này còn có thêm một chiếc áo của người được mừng thọ, đây được gọi là chiếc áo đón vía, bởi qua mỗi chặng đường bà then đều phải cúng then xin vía con cháu và người được mừng thọ.

Ngoài ra, vào ngày này người Tày thường làm rất nhiều món bánh màu để cúng. Đây là một loại bánh truyền thống của dân tộc Tày, được làm bằng gạo nếp có phẩm màu hoặc những loại cây lọc lấy nước có màu đỏ hoặc hồng.

Trong nghi lễ mừng thọ của người Tày, nhân vật chính giữ vai trò quan trọng nhất điều hành buổi lễ là bà Then. Thường thì mỗi gia đình khi làm lễ chỉ mời tới một bà Then nhưng nếu gia đình nào đã có người đi làm Then thì trong ngày này phải mời thêm một hoặc hai bà Then nữa. Ngoài những lời then quen thuộc được coi là vốn liếng không thể thiếu trong lễ mừng thọ, bà Then còn có những vật dụng đi kèm là một cây đàn tính, một chiếc quạt, hai thẻ âm dương, một bộ nhạc ngựa. Bên cạnh bà Then có thêm một người giúp việc thắp hương, đốt tiền vàng, rót rượu, họ làm công việc này song song với việc cúng của bà then.

Ngoài bà Then ra, trong các nghi lễ cúng mừng thọ của người Tày, người con rể đóng một vai trò khá quan trọng. Con rể sẽ tự tay quay một con lợn mang xuống làm lễ mừng thọ bố, mẹ vợ; sau khi lễ cúng xong, người con rể sẽ mang cây chuối đi trồng vào góc vườn của gia đình, từ đó việc chăm sóc cây chuối là nhiệm vụ của người con trai cả. Điều này có nghĩa con gái con rể chỉ đến thăm bố mẹ, còn người con trai mới là người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ.

Con cháu, họ hàng trong gia đình đến dự lễ mừng thọ đều phải chuẩn bị những túm gạo nhỏ. Sau khi hành lễ xong những túm gạo đó sẽ được đổ vào một chiếc thúng. Từ thúng gạo này trải một tấm vải đen tượng trưng là cầu nối từ hạ giới lên thiên đình, trên mặt vải đặt những chiếc đũa hình chữ chi cùng vàng mã, tượng trưng cho những thanh cầu và tiền hành lộ. Khi hành lễ xong, lúc mọi người đang ăn uống vui vẻ, người con rể sẽ đến giật tấm vải đen xuống, tượng trưng cho tín sứ trên thiên đình xuống nhận lễ.

Lễ mừng thọ của người Tày là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, thể hiện chữ hiếu của con cháu đối với các bậc sinh thành, là giá trị văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn, gìn giữ.


 Gia đình người Tày tại xã Yên Thổ (Bảo Lâm) đổ gạo vào “lầu váng” trong lễ mừng thọ.
Gia đình người Tày tại xã Yên Thổ (Bảo Lâm) đổ gạo vào “lầu váng” trong lễ mừng thọ.
Người Tày Cao Bằng có câu hát: Pú gia pần co lùng/Phấn nộc dùng đẩy tô/Phung pú chóc lẩu van/Đảy an khang chau ké... (Tạm dịch: Các cụ là cây đa/Phượng kết hoa làm tổ/Chúc mừng chén rượu ngọt/Trường thọ cùng con cháu...) để thể hiện lòng kính trọng người cao tuổi nói chung, đạo hiếu của con cái đối với ông bà, cha mẹ nói riêng trong lễ mừng thọ vốn có truyền thống lâu đời. Đến nay, phong tục tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ vẫn được người Tày trên địa bàn tỉnh gìn giữ, chứa đựng nhiều nét văn hóa và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Với người Tày Cao Bằng, lễ mừng thọ chính là lễ mừng sự sống, mong kéo dài sự sống cho ông bà, cha mẹ được định ra theo từng độ tuổi cách nhau một giáp: 49 tuổi làm lễ Phúc (lễ slí cẩu); 61 tuổi làm lễ Thọ (hốc ất); 73 tuổi làm lễ Khang (chất slam); 85 tuổi làm lễ Ninh (pét hả). Lễ mừng thọ thường được tổ chức vào tháng Giêng, dịp Tết hoặc một ngày trong mùa Xuân. Trong ngày mừng thọ, cha (mẹ) được tổ chức mừng thọ mặc quần áo mới, con trai, con gái, dâu rể, cháu nội, ngoại hoan hỉ vây quanh. Bạn bè, họ hàng đem theo gánh lễ mừng (gạo, rượu) và những quà tặng hợp sở thích, đầy ý nghĩa. Những bức trướng viết chữ nho đại tự “Phúc, Thọ, Khang, Ninh” được treo khắp nhà. Con cháu làm mâm lễ đặt lên bàn thờ... Người con trưởng thắp hương trình tổ tiên nói lên lòng biết ơn về công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Lễ mừng thọ người Tày nhất định phải có tục lệ “chuyển gạo vào kho” do gia đình mời thầy cúng (Pụt, then, tào...) thực hiện. Tục lệ này xuất phát từ quan niệm của người Tày cho rằng con người luôn tồn tại phần xác và phần hồn vía được gọi là “khoăn”. Con người khỏe mạnh được là do có “khoăn” hội tụ đủ trong người và bịch “gạo hồn” ở trên trời còn đầy, “cây mệnh” xanh tươi, “cầu mệnh” vững chắc. Khi tuổi ngày càng cao, bịch “gạo hồn” ở trên trời đã vơi nên phải làm lễ chúc phúc để bù gạo hồn, gọi là “Pú lương” (bù lương thực vào bịch “gạo hồn” được đầy trở lại). “Kho” để chứa “gạo hồn” ở trên trời gọi là “lầu váng”, nghĩa là lầu bổ lương, cao chừng 40 cm, đường kính chừng 25 cm hình lăng trụ bên ngoài dán giấy xanh, đỏ tượng trưng bịch gạo số mệnh. Dùng cọng lá chuối làm một chiếc thang bảy bậc nếu người mừng thọ là cha, chín bậc là mẹ, tượng trưng là cây “cầu mệnh”. Đào một gốc cây chuối cả rễ, tượng trưng là “cây mệnh”. Gạo do con cháu, họ hàng đem đến được đổ đầy vào thùng đặt bên ngoài gần cửa ra vào. Từ thùng gạo trải một tấm vải đen, trắng dẫn đến “lầu váng” tượng trưng cho chiếc cầu nối từ hạ giới lên thiên đình. Trên mặt vải đặt những chiếc đũa hình chữ “chi” cùng vàng mã tượng trưng là những thanh cầu và tiền hành lộ. Thầy cúng niệm chú vào thúng gạo rồi xúc gạo vào bát hoặc ống tre kèm theo vàng mã và ít tiền lẻ đưa cho con cháu chuyền tay nhau đổ vào “lầu váng” cho đến lúc đầy “kho”, vừa chuyền vừa hát trình các vị thần, Nam Tào, Bắc Đẩu... gia hạn thêm cho ông bà, cha mẹ sống ở trần gian lâu dài với con, cháu: Lục lan mọi cần mà pái slâu/ Slíp cần slíp thó khẩu mà tên/ Pác cần pác mâm sèn mà pố/ Lệ đạ báo thâng chỏ thâng chông/... Mạy minh tấm khăn sluôn Bắc Đẩu/... Cần ké chau siên niền mại mại... (Tạm dịch: Cháu con lễ ông bà chúc thọ/ Mười người mười gói gạo hộ mệnh/ Trăm người trăm đồng tiền hộ vía/ Lễ đã trao đến tổ đến tông...  / Cây mệnh xanh um vườn Bắc Đẩu/... Người già đắc thiên xuân trường thọ...).

Trong lễ mừng thọ, cha mẹ thường kể lại cho con, cháu nghe về cuộc đời mình, nói về tộc phả, gia phả, khuyên răn con cháu những điều thiện cần làm theo, điều ác cần xa lánh. Tại một số nơi, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hòa An..., trong Lễ chúc thọ 61 tuổi của cha mẹ, con cái thường xin phép cha mẹ được đóng sẵn một bộ quan tài vì theo tục lệ cổ truyền việc đóng sẵn một bộ quan tài gọi là “gặm mỉnh”, có ý nghĩa là để kéo dài thêm tuổi thọ cha mẹ. Việc đóng quan tài được làm rất cẩn trọng, chọn gỗ tốt, đóng xong cỗ quan tài thì phải chọn ngày lành mời thầy cúng về làm thủ tục “nối số”, thầy vừa khấn vừa nín thở đặt vào quan tài nắm thóc nếp, một ít giấy tiền âm phủ, bó hương để trừ tà. Áo quan được đặt tên là “Thọ đường”, làm như vậy người già mới yên tâm khi không may có điều xảy ra bất ngờ trong những ngày tháng tiếp theo của tuổi già. Nghi lễ mừng thọ vì vậy càng cho thấy tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Hiện nay, việc tổ chức mừng thọ tuổi 49 hầu như đã bỏ, thường chỉ tổ chức mừng thọ từ 61 tuổi trở đi. Khi tổ chức lễ, có gia đình đón thầy cúng về làm lễ, có gia đình lại không tùy theo quan niệm mỗi gia đình. Cỗ mừng to, nhỏ cũng tùy thuộc vào kinh tế. Đặc biệt, lễ mừng của họ hàng, người thân mừng bằng rượu, gạo và bức trướng nay cũng bớt đi rất nhiều... Tuy có những nét khác nhau về vùng miền, cách tổ chức nhưng điểm chung của lễ mừng thọ của người Tày vẫn luôn là nét văn hóa truyền thống đáng quý, thể hiện đạo hiếu của con cháu đối với các bậc sinh thành, là giá trị cần được bảo tồn, gìn giữ.
Theo Báo Cao Bằng





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét