Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Ngỡ ngàng miền biên viễn huyền bí xứ Thanh

Sau đỉnh núi Phà Hé lừng lững, lẩn khuất trong mây mù hiện lên một Cao Sơn trầm mặc, huyền bí, có độ cao trung bình gần 2.000m so với mực nước biển...

Nơi đây ba bản làng người Thái sống biệt lập với thế giới bên ngoài, quanh năm suốt tháng chống chọi với sự hà khắc của thiên nhiên, của nghèo đói. Nhưng giờ quá khứ đã lùi xa...  

Ký ức buồn

Biệt khu Son Bá Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, có độ cao trung bình gần 2.000m so với mực nước biển. Nơi đây khí hậu ôn hòa, quanh năm sương mù bao phủ, nhiệt độ trung bình thấp hơn bên ngoài 5oC, duy trì quanh mức 18-22o, chính vì thế mới có tên gọi khác là Cao Sơn.
07-29-50_1
Ở Son Bá Mười đồng bào sống quây quần, hòa thuận suốt bao đời nay
Nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, án ngữ hai bên là ngọn Pha Chiến và Phà Hé sừng sững, Son Bá Mười như chiếc cầu nối liền xã Lũng Vân và Lũng Cao, nơi gà cất tiếng gáy cả 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa đều nghe tiếng. Trớ trêu thay, đây lại là một thung lũng cô quạnh, hoang vắng, không điện không đường không trường không trạm, cái đói, cái nghèo đeo đẳng quanh năm không dứt.
Theo đường chim bay, tính từ trung tâm xã Lũng Cao lên ngót 7 km, di chuyển đường bộ phải trên chục cây số, đi lại vô cùng gian nan và hiểm trở. Muốn vượt đỉnh Phà Hé, chỉ còn cách xuyên qua Pu Pa Háng, vượt tiếp bản Trình, bản Tàng Khoang với những lối mòn nhỏ như chân thú, hàng loạt dốc đá vôi sắc lẹm, dựng thẳng đứng, phải băng qua những cánh rừng nguyên sinh hun hút mây mù và bóng tối.
Cuộc sống đồng bào Cao Sơn hàng trăm năm qua chồng chất khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Không cam chịu, nhiều hộ quyết chí thoát nghèo bằng cách cải tạo ruộng nương trồng ngô, sắn, rau màu, nuôi lợn cải thiện sinh kế. Sản phẩm làm thì nhiều nhưng tiêu thụ chẳng được bao nhiêu, đã thế mỗi lần mang xuống chợ phiên phố Đoàn (Cổ Lũng, Bá Thước) hoặc sang Tân Lạc (Hòa Bình) đổi nhu yếu phẩm, bà con phải oằn mình gùi hàng miết hai, ba ngày đường mới về được đến nhà. “Di chuyển không thôi đã cùng cực lắm rồi, giờ tay xách nách mang, gồng gánh trên vai đủ thứ thì con trâu, con ngựa cũng chịu thua chứ nói gì đến sức người”, Bí thư thôn Son, ông Bùi Văn Phấn chua chát.
Không có đường giao thông nên sự học ở Son Bá Mười cũng đầy rẫy chông gai. Để “cõng chữ” vượt tận mây ngàn hẳn phải là kỳ tích, có lẽ cũng bởi thế mà 9 năm qua, ngôi trường phổ thông Cao Sơn chỉ có 2 giáo viên nữ là người bản địa, còn đâu tất thảy in rõ từng dấu chân của những người thầy miền xuôi không quản ngại sương gió, đánh đổi cả tuổi thanh xuân mang ước mơ đến với trẻ em Son Bá Mười.
Phó hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hùng bùi ngùi nhớ lại: “Ngày ấy trường lớp chỉ là những căn nhà dựng tạm bằng tranh tre nứa lá, vá chằng vá đụp, giáo viên phải dồn hết lại ở chung để nhường chỗ cho các cháu học. Mùa hè còn đỡ chứ đông đến thì đúng là cực hình, có khi nền nhiệt xuống tận mức âm, ngoài trời đổ tuyết, đụng tay vào nước lạnh thấu xương. Đứng trên bục giảng, nhìn học sinh chỉ khoác lên mình manh áo mỏng tanh, tay chân run cầm cập, răng nghiến kèn kẹt vì lạnh, chúng tôi không cầm nổi nước mắt”.
Thầy Hùng kể tiếp: “Anh em giáo viên vẫn thường nói vui, xác định cắm bản là đi biệt phái, phải nếm mùi lao ải xứ sương mù. Ngày đó xuống núi khổ một thì lúc quay lên gian nan gấp mười, tay chống gậy, lưng cõng nửa tạ gạo, cá khô, muối mắm, tư trang cá nhân ì ạch ngược ngàn. Đến bây giờ, nhiều người không dám tin có thể trụ lại ở chốn thâm sơn cùng cốc lâu đến vậy”.  

Sapa xứ Thanh

Đặt chân đến Son Bá Mười khi mặt trời còn đang ngái ngủ, Cao Sơn mở ra trước mắt với sương mù giăng giăng khắp lối, xa xa những nếp nhà sàn, những vườn rau xanh mướt còn in đậm sương đêm hiện lên mờ ảo, tất cả như tô đậm thêm vẻ đẹp huyền ảo của “Sapa xứ Thanh”.
07-29-50_307-29-50_4
Cao Sơn đẹp như tranh vẽ với những nét hoang sơ, huyền bí
Được hít thở không khí và ngắm nhìn bản làng chìm đắm trong cơn ngủ vùi trên những triền đồi, sâu dưới chân núi hay nép mình bên khe suối mới thấy hết được cảm giác bình yên nơi miền biên viễn. Đón chúng tôi, anh Ngân Mạnh Hùng, Trưởng thôn Mười hồ hởi: “Cao Sơn không chỉ đẹp mà còn thân thiện, mến khách. Nơi đây luôn chứa chan, đong đầy tình người, cán bộ lên rồi sẽ không muốn quay về xuôi đâu”.
Nhâm nhi chén trà nóng, anh Hùng say sưa kể, cách đây khoảng 400 năm, vùng đất Son Bá Mười nguyên sơ, hoang vu không một bóng người. Theo truyền thuyết, thủy tổ đầu tiên là những người Mường từ Hòa Bình sang định cư tại suối Nậm Bá, nhưng nơi đây thú giữ luôn rình rập nên người Mường lại khăn gói về lại Hòa Bình. Mãi đến khoảng đầu thế kỷ 19, người Thái bên đó mới bắt đầu di cư sang sinh sống, một bộ phận khác ở Lũng Cao cũng rục rịch ngược lên. Ban đầu chỉ lác đác vài hộ, về sau dân cư tập trung đông đúc hơn, tất cả sống quây quần bên nhau, yên bình như cỏ cây, mây gió.
Trong ký ức của những người đã từng đặt chân lên đỉnh trời Cao Sơn, Son Bá Mười hệt như một bức tranh thủy mặc huyền bí, đậm chất thơ nhưng phảng phất nỗi buồn man mác. Một vùng đất đầy tiềm năng chưa thể khai phá, chung quy lại cũng vì thiếu một con đường, giấc mơ đằng đẵng hàng trăm năm vẫn chưa thành hiện thực.
Sau quãng thời gian mòn mỏi đợi chờ, cuối năm 2014 dự án đường giao thông Ban Công - Lũng Cao nối Cao Sơn với xã Nam Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) chính thức hoàn thành. Kể từ đây, Son Bá Mười thay da đổi thịt chóng mặt, cái đói, cái nghèo không còn đeo bám, cuộc sống của bà con thôn bản ngày thêm sung túc, ấm no.
07-29-50_7
Học sinh trường Cao Sơn, thế hệ tương lai của Son Bá Mười
Từ khi có đường, việc giao thương, buôn bán thuận lợi, người người, nhà nhà tự nâng cao ý thức phát triển kinh tế, chú trọng thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất và thu nhập. Do khí hậu đặc thù, cây lúa khó thích nghi, năng suất thấp lè tè, vì thế ngô lai trở thành sản phẩm chủ lực của dân bản. Vụ vừa rồi nhiều gia đình thu về cả chục tấn bắp, riêng hộ anh Bùi Văn Cư (thôn Mười) thu hoạch gấp đôi, lãi ròng 40 triệu đồng:
“Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến đồng bào vùng cao. Năm nào cũng cho gạo, mắm muối, cho quần áo, chăn màn. Tết đến cho tiền mua sắm, cho thực phẩm để ăn. Mấy năm nay, Nhà nước cho cây chuối, cây ngô, mướp đắng, su su về trồng. Công ty cho con bò, con trâu về nuôi nên chúng tôi có thể tự lo cuộc sống, không phải nhận trợ cấp nữa rồi”.
Nhu cầu lương thực không còn là nỗi lo canh cánh, các mô hình kinh tế vườn đồi bước đầu phát huy hiệu quả cao giúp cho nhiều gia đình có điều kiện sắm sửa tư trang, tậu xe máy vi vu cho sướng cái chân, cho khỏe cái đầu.
Năm 2003, già Bùi Văn Đuôn được bà con tin tưởng, bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Mười, thấm thoát đã qua 7 nhiệm kỳ. Trải qua bao thăng trầm, nhìn bản làng thay da, đổi thịt từng ngày, già vui lắm: “Với đồng bào, con đường quý hơn bạc vàng. Đi lại thuận tiện không những giúp người dân cải thiện sinh kế mà còn nâng cao nhận thức, hiểu biết để tránh xa những thói hư, tật xấu.
07-29-50_8
Già Bùi Văn Đuôn, Bí thư thôn Mười (trái) và già Bùi Văn Phấn, Bí thư thôn Son vui mừng trước sự đổi thay của vùng Cao Sơn
Du lịch cộng đồng ở xứ lạnh Cao Sơn đang được đánh thức sau quãng thời gian dài ngủ vùi, rồi đây khi hòa lưới điện quốc gia, tin rằng Son Bá Mười sẽ phát huy hết tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng”.
Trời chiều chạng vạng, từng vệt mây mỏng xà xuống như muốn níu giữ bước chân người lữ khách. Tôi lê bước mà lòng nặng trĩu…
Theo ông Lò Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, Son Bá Mười có tất thảy 187 hộ dân với gần 767 nhân khẩu, tất cả là người dân tộc Thái Đen sống quây quần bên nhau.
Tính đến năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo duy trì ở mức cao, chiếm trên 60% nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 35,8%. Công tác tuyên truyền, vận động những năm qua phát huy hiệu quả, bà con dân bản nói không với tệ nạn xã hội, trên địa bàn không có hộ trồng cây thuốc phiện, không có người nghiện hút.
VIỆT KHÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét