Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Nhà Hậu Lê suy yếu từ thời vua nào?

Vua nghiện rượu, hại người trong nhà, để họ ngoại lấn át quyền hành, Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng điềm loạn nhà Hậu Lê xuất phát từ ông vua này.

nha-hau-le-suy-yeu-tu-thoi-vua-nao
Tranh minh họa vua và các quan đại thần thời xưa.
Nhà Hậu Lê (còn gọi là Lê sơ) hưng thịnh nhất dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sau khi vua Lê Thánh Tông mất ngày 30/1/1497, Lê Hiến Tông lên ngôi và trị vì 7 năm.
Lê Hiến Tông "thiên tư anh minh thông duệ, giữ vận thịnh trị, thái bình, mới trong khoảng 7 năm mà thiên hạ thái bình, xứng đáng là bậc vua giỏi giữ cơ đồ", Đại Việt sử ký toàn thư viết. Kế nghiệp vua cha, Lê Hiến Tông mến chuộng văn học, tiết kiệm chi tiêu, thận trọng hình phạt, luôn gần gũi với bề tôi. Vua thường nói "Lê Thái Tổ ta đã gây dựng nên cơ đồ, vua cha ta đã sửa sang mọi việc, ta nay chỉ nên lo giữ gìn nếp cũ và mở mang sự nhân chính ra cho sáng rõ công đức của ông cha trước".
Sau 7 năm trị vì, vua Lê Hiến Tông mắc bệnh nặng và qua đời vào cuối năm 1504. Con trai thứ ba của ông là Lê Túc Tông lên ngôi nhưng chỉ được 6 tháng thì mất. Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá vua Túc Tông là người "dốc chí hiếu học, thân người hiền, vui việc thiện, xứng đáng là vị vua giỏi giữ cơ nghiệp thái bình".
Vì vua Lê Túc Tông không có con nối dõi nên trước khi mất, ông đã mời các quan triều thần vào để chỉ định người anh thứ hai là Lê Tuấn (còn có tên húy khác là Lê Huyên), tức Lê Uy Mục lên ngôi. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua (tức Uy Mục) nghiện rượu, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy".
Lê Uy Mục là con của vua Lê Hiến Tông và bà Nguyễn thị. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, mẹ của Lê Uy Mục là người họ Nguyễn, quê ở xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (Bắc Ninh ngày nay). Thuở bé, bà mồ côi và nghèo đói, phải tự bán mình cho một gia đình ở phủ Phụng Thiên (Hà Nội ngày nay). Sau, vì gia đình ấy phạm tội, bà cũng bị đẩy vào làm nô tì trong cung, nhân đó được vào hầu Hoàng thái hậu (tức mẹ vua Hiến Tông). Lúc Hiến Tông còn làm thái tử, vào chầu Hoàng thái hậu, trông thấy bà thì lấy làm ưa mới đưa về làm thiếp.
Việc Lê Uy Mục lên ngôi khiến bà thái hoàng thái hậu (tức mẹ vua Lê Hiến Tông, bà nội của Uy Mục) không bằng lòng vì cho rằng mẹ Uy Mục là người thấp hèn thì sinh và nuôi dạy con làm sao tử tế được. Chuyện này đến tai Lê Uy Mục, cho nên vua lấy đó là mối thâm thù.
Ngày 22/3/1505, nhà vua sai người bí mật giết thái hoàng thái hậu, rồi hạ lệnh nghỉ thiết triều 7 ngày, dâng thụy hiệu cho bà tỏ lòng kính trọng. Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư và một số sách sử khác cũng ghi tương tự.
Đại Việt sử ký toàn thư viết ngày 5/6/1505, vua "biếm bọn Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ, Ngự sử đài đô Nguyễn Quang Bật vào Quảng Nam, rồi giết đi".
Nguyên là trước đây, khi Lê Hiến Tông nằm giường bệnh, bà Nguyễn thị, mẹ đẻ của vua là tỳ thiếp được Hiến Tông yêu, sinh ra vua nhưng mất sớm. Mẹ thứ là Kính phi không có con trai, nuôi Uy Mục làm con mình, có ý lập làm vua nhưng sợ các đại thần không theo bèn đem vàng đút lót. Văn Lễ một mực không nhận. Đến khi Hiến Tông ốm nặng, Văn Lễ và Quang Bật nhận di chiếu phụ tá hoàng thái tử là Túc Tông nối ngôi, điều này khiến Uy Mục căm giận lắm.
Sau khi lên ngôi, Lê Uy Mục liền dùng mưu của Khương Chủng, Khương Nhữ Vi mà cho hai người làm Thừa tuyên sứ Quảng Nam. Khi họ đến sông lớn huyện Chân Phúc, ông sai người đuổi theo bắt phải tự tử. Hai người khi sắp gieo mình xuống nước, ngâm thơ quốc ngữ rồi mới mất. Sau ai cũng biết là hai người chết không đáng tội, can vua, vua liền đổ tội cho Nhữ Vi rồi giết luôn người này.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết từ "khi lên ngôi, vua chỉ cùng cung nhân uống rượu vui say quá độ. Khi say, liền giết cung nhân đi. Bấy giờ, quyền bính đều về hết ở bọn ngoại thích. Mặt Đông thì có bọn ngoại thích ở Hoa Lăng. Mặt Nam thì có bọn ngoại thích ở Nhân Mục. Mặt Bắc thì có bọn ngoại thích ở Phù Chẩn. Chúng cậy quyền cậy thế ức hiếp trăm quan, tìm mánh khóe để lấy của báu trong thiên hạ, đã thế lại còn giết hại sinh dân, tước đoạt của cải trong dân gian, trăm họ oán hờn mà vua không biết".
Vua Lê Uy Mục còn thường đem lòng nghi ngờ ghen ghét bầy tôi, kẻ nào trước không chịu phụ họa cho mình (để được lên ngôi) thì bắt giết. Vua lại bí mật sai người trong cung thăm dò hết anh em, chú bác. Bởi thế mà Lê Kiện, chú của vua đã chạy trốn vì sợ hãi, Giản Tu Công Lê Oanh (có tài liệu viết Lê Oánh) là cháu nội của vua Lê Thánh Tông, là con chú con bác với vua bị giam vào ngục. Do vậy, mọi người ai ai cũng lo nguy hiểm cho tính mạng mình, chỉ rắp tâm nổi loạn.
Phó sứ thần Trung Quốc trong một lần sang Đại Việt, trông thấy Uy Mục đã làm thơ gọi Uy Mục là Quỷ vương, đại ý Vận An Nam còn dài bốn trăm năm/ Ý trời sao lại sinh ra vua Quỷ? Từ đó, biệt danh tai tiếng Quỷ vương hay vua Quỷ gắn liền với vua Lê Uy Mục.
Nhân lòng căm phẫn của quan quân, Nguyễn Văn Lang, một đại thần bị thất sủng đã dấy binh chống lại Lê Uy Mục. Một số quan quân trong triều theo Nguyễn Văn Lang, số ở lại sẵn sàng làm nội ứng. Giản Tu Công Lê Oanh, em con chú của Lê Uy Mục bị vua giam trong ngục biết quan quân nổi dậy nên đã tìm cách hối lộ cho lính canh rồi chạy thoát. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, ông được Nguyễn Văn Lang tôn làm minh chủ. 
Tháng 11/1509, Lê Oanh khởi binh tiến quân thủy bộ từ thành Tây Đô. Mặc dù mất nhiều tướng, quân khi mới vào trận chiến nhưng Lê Oanh tiếp tục tiến quân vào sát kinh thành. Vua Lê Uy Mục vì cần thêm quân để chống giữ mới đem vàng bạc, tiền của ban cho tội nhân bị giam để sai đi đánh Lê Oanh. Nhưng khi nhận được tiền, ai nấy đều không đánh mà bỏ về nhà.
Vua thấy vậy mới sợ hãi, vội sai người đi gọi quân các xứ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và An Bang. Mỗi xứ lấy 5.000 lính về bảo vệ cung thành nhưng chúng chưa về đến nơi thì quân của Lê Oanh đã áp sát kinh thành khiến nhiều tên sợ hãi bỏ chạy. "Bấy giờ, Lê Quảng Độ (tướng trấn thủ trong thành) cùng với Oanh, người trong thành, kẻ ngoại thành, ứng tiếp cho nhau, bắn pháo làm hiệu cho nhau biết", Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết.
Thấy tình thế bất lợi, vua Lê Uy Mục bỏ chạy đến phường Nhật Chiêu thì bị vệ sĩ đuổi bắt được, đem giao nộp cho Lê Oanh. Uy Mục đã phải uống thuốc độc tự tử.
Như vậy, Lê Oanh là người đã lật đổ vua Quỷ Lê Uy Mục, sau đó lên ngôi vua, hiệu là Lê Tương Dực.

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét