Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Tìm hiểu danh tướng đánh bại quân Chiêm Thành

Từ năm 1380, vua Chiêm liên tiếp đem quân đánh phá Đại Việt khiến vua tôi nhà Trần bỏ chạy, dân chúng khốn khổ. Hầu hết tướng ra trận đều không hy vọng trở về, ngoại trừ Trần Khát Chân.

tim-hieu-danh-tuong-danh-bai-quan-chiem-thanh
Đình Tương Mai (Hà Nội) thờ danh tướng Trần Khát Chân. Ảnh: Panoramio
Trần Khát Chân sinh năm 1370, là người thuộc dòng dõi của Trần Bình Trọng, quê ở Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh, nay thuộc xã Hà Lương, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi dòng dõi nhà Trần Khát Chân "ba đời làm thượng tướng quân".
Thời Trần Khát Chân là thời suy vi của triều Trần. Sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần ghi "Vào cuối thế kỉ XIV, triều Trần không còn giữ được dũng khí chiến thắng oanh liệt giặc Mông - Nguyên trước kia, mà đi vào con đường suy thoái. Các vua Trần thời này đều bất tài, chỉ lo ăn chơi, sống trụy lạc. Ví dụ như vua Trần Dụ Tông bắt dân làm vườn để thả chim muông, đào hồ lấy nước mặn vào để nuôi đồi mồi. Đêm đêm còn trốn khỏi hoàng cung đi đánh bạc, uống rượu, đến mức bị bọn vô lại cướp mất cả ấn tín, gươm báu. Vua Trần Nghệ Tông, giặc chưa đến đã lo khuân của cải châu báu vào núi cất giấu, xuống thuyền trốn chạy, bỏ mặc việc triều chính cho kẻ dưới lo liệu".
Theo sách Danh tướng Việt Nam, các vua cuối đời Trần phần lớn là bất tài và bị quyền thần lấn át, thậm chí là bị bức tử. Vua Trần Duệ Tông chết trận, vua Trần Phế Đế và Trần Thuận Tông bị bức tử, vua Trần Thiếu Đế bị cướp ngôi. Quyền thần khét tiếng nhất là Hồ Quý Ly và chính ông cướp ngôi nhà Trần năm 1400
Lợi dụng tình hình nhà Trần suy yếu, Chiêm Thành liên tiếp kéo quân đánh phá, cướp bóc. Theo sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần, năm 1376, chúng quấy rối biên giới phía nam. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đem quân tiến vào đất Chiêm hỏi tội chúng, bị quân Chiêm phục kích giết chết. Giữa năm đó, giặc lại kéo quân sang đánh chiếm Thăng Long, tàn phá dã man rồi rút về.
Từ năm 1380 trở đi, vua Chiêm là Chế Bồng Nga liên tiếp đem quân sang đánh phá khiến vua tôi nhà Trần bỏ chạy tán loạn, dân chúng lâm vào cảnh khốn khổ. Bấy giờ, nhà Trần sai hầu hết tướng dốc toàn lực lượng đánh trả nhưng không sao đánh bại được quân Chiêm Thành. Hễ tướng nào bị sai ra trận cũng kể như hết hy vọng sống sót trở về.
Mùa đông năm 1389, quân Chiêm do đích thân Chế Bồng Nga chỉ huy lại kéo đại binh tiến đánh. Thượng hoàng nhà Trần là Trần Nghệ Tông sai Trần Khát Chân cầm quân đi đánh trả. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Tháng 11/1389, Thượng hoàng sai Trần Khát Chân chỉ huy quân Long Tiệp đi đánh giặc. Khát Chân vâng mệnh, khảng khái nhỏ nước mắt, lạy tạ rồi ra đi. Thượng hoàng cũng khóc, lau nước mắt tiễn đưa".
Nhận lệnh của thượng hoàng Trần Duệ Tông, Trần Khát Chân đưa quân xuất phát. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Quân ta xuất phát từ sông Lô, mới đến Hoàng Giang đã gặp giặc. Khát Chân quan sát, thấy nơi đó khó lòng tổ chức đánh trả, bèn lui về giữ sông Hải Triều (tức sông Luộc, thuộc Thái Bình ngày nay)".
Cùng chỉ huy với Khát Chân khi đó còn có Trần Nguyên Diệu, em trai của vua Trần Phế Đế. Diệu nuôi ý đồ báo thù cho Phế Đế vì vua này bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông bức tử theo sự xúi giục của Hồ Quý Ly, nên đem quân đi đầu hàng giặc.
Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Năm 1390, đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều. Khi ấy, Chế Bồng Nga cùng Nguyên Diệu dẫn hơn 100 chiến thuyền đến dò xét cách bài binh bố trận của quân Đại Việt. Chiến thuyền giặc chưa kịp ổn định hàng ngũ thì có tên bề tôi nhỏ của Bồng Nga là Ba Lậu Kê, vì bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, đã chạy sang trại quân của ta, chỉ vào chiến thuyền sơn màu xanh, nói rằng đó là thuyền của vua nước hắn.
Khát Chân hạ lệnh cho quân sĩ, nhất tề nhả đạn. Thuyền của Bồng Nga bị lủng ván và Bồng Nga trúng đạn mà chết. Người trong thuyền hắn kêu khóc ầm ĩ. Nguyên Diệu vội cắt lấy đầu của Bồng Nga chạy về quan quân (để mong được tha tội theo giặc), nhưng bị tướng Phạm Nhữ Lặc và Dương Ngang giết, chiếm lấy đầu của Bồng Nga. Quân giặc liền tan vỡ.
Khát Chân liền sai viên Giám quân là Lê Khắc Khiêm bỏ đầu giặc vào hòm, chạy thuyền gấp về Bình Than để báo tin thắng trận. Bấy giờ, đồng hồ đã điểm canh ba, thượng hoàng đang ngủ say, giật mình tỉnh giấc, cứ ngỡ là quân giặc đã đánh vào tận ngự doanh. Đến khi nghe tin thắng trận, lại lấy được cả đầu của Bồng Nga, thì rất vui mừng, liền cho gọi các quan đến để xem cho kỹ. Các quan mặc triều phục, đến và hô Vạn tuế".
Chiến thắng của Trần Khát Chân khiến cho quân Chiêm Thành phải ngưng các cuộc tấn công vào Đại Việt.
Sau khi lập được công lớn trong việc đánh Chiêm Thành, Trần Khát Chân được phong là Long Tiệp Phụng Thần Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu.
Năm 1394, thượng hoàng Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly bắt vua Thuận Tông nhường ngôi cho con trai mới 3 tuổi, rồi sai người giết chết Thuận Tông (năm 1399). Kể từ năm 1397, Hồ Quý Ly bắt đầu cho xây dựng kinh đô mới ở Thanh Hóa (nay vẫn thường được gọi là thành nhà Hồ).
Những việc làm của Hồ Quý Ly khiến một số quan lại trung thành với họ Trần càng thêm bất mãn. Sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần viết một số đại thần, trong đó có Trần Khát Chân đã cùng nhau bàn nhân hội thề Đốn Sơn (Thanh Hóa), nơi Hồ Quý Ly và tất cả quan triều đình đều có mặt, họ sẽ sai thích khách là Phạm Ngưu Tất và Phạm Tổ Thu giết Quý Ly.
Tuy nhiên, kế hoạch mưu sát này bị thất bại. Nguyễn Khắc Thuần bình trong Danh tướng Việt Nam: "Rất tiếc, Khát Chân đủ tài năng và dũng khí để giết Chế Bồng Nga nhưng lại không sao có thể bảo toàn được tấm thân trước những biến cố phức tạp của triều Trần diễn ra sau đó chẳng bao lâu".
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, "Hôm Quý Ly họp hội thề ở Đốn Sơn (năm 1399), bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem, y như lệ thiên tử ngự đến miếu đến chùa. Phạm Tổ Thu và thích khách Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Khát Chân trừng mắt ngăn lại nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu. Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói Chết uổng cả lũ thôi".
Sách Danh tướng Việt Nam cho rằng chính vì sự chần chừ của Trần Khát Chân mà Hồ Quý Ly biết được mưu kế của bá quan văn võ.
Sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần viết rằng: "Người đời sau giải thích nguyên nhân cuộc mưu sát Hồ Quý Ly không thành, đã cho rằng Trần Khát Chân là bậc quân tử, trọng đạo nghĩa, nên chưa giết Quý Ly giữa lúc còn yến tiệc vì trời đánh tránh miếng ăn".
dung-ke-hoach-that-bai-do-su-chan-chu-cua-tran-khat-chan
Đền thờ Trần Khát Chân ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ảnh: Mapio
Sau khi âm mưu giết Hồ Quý Ly bị phát giác, nhiều đại thần trong đó có tướng quân Trần Khát Chân, thích khách Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích bị Hồ Quý Ly giết hại.
Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ một tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Lùng bắt mấy năm không ngớt. Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu, không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ thì phải báo người láng giềng, cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lý, lý do đi qua để làm chứng cứ bảo lãnh. Các xã đều đặt điểm tuần, ngày đêm tuần tra, canh giữ".
Về cái chết của Trần Khát Chân, Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Người đời truyền Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng, chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau có hạn hán, cầu mưa thì ứng nghiệm ngay".
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Trần Khát Chân, nhiều nơi đặt đền thờ ông. Tên của ông được đặt làm tên phố và tên trường học.

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét