Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Tinh hoa nghề mộc Chợ Thủ

Được mệnh danh là “Đệ nhất nghề mộc và chạm khắc gỗ vùng Tây Nam bộ”, làng mộc Chợ Thủ ở huyện Chợ Mới (An Giang) đã tồn tại và phát triển hơn 200 năm với những sản phẩm vang danh, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng.
Theo những cứ liệu lịch sử, đình Chợ Thủ được xây dựng vào năm 1786. Trong đình còn lưu giữ nhiều dấu tích khắc gỗ tinh xảo qua các bao lam, hoành phi, cột, kèo, điều đó cho thấy, nghề mộc nơi đây cũng có tuổi đời hơn 200 năm.

Hàng năm, làng mộc Chợ Thủ tổ chức cúng tế 2 lần vào ngày 13/ 6 và 20 tháng Chạp Âm lịch thờ tam vị thánh tổ là: Lịch Đại tổ sư, Lỗ Ban tiên sư và Cửu Thiên Huyền Nữ.
Nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ có nguồn gốc từ miền Bắc theo hành trang của người Việt trên đường khai phá Nam Bộ, nghề này đã sớm được hình thành ở vùng Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Khi thực dân Pháp chiếm Cao Lãnh thì các nghệ nhân tản cư về vùng Chợ Thủ. Từ đó, cứ cha truyền con nối, dần dần nhiều thanh niên đến học nghề và phát triển nghề ra một vùng rộng lớn.

Trải qua gần 2 thế kỷ với biết bao thăng trầm, những tiếng đục gỗ, tiếng mài, cưa và mùi thơm của gỗ…vẫn là âm thanh và hương vị đặc trưng lên dọc tuyến đường tỉnh lộ chạy qua huyện Chợ Mới. Hai bên đường là những cửa hàng trưng bày đủ mọi sản phẩm từ gỗ. Chỉ cần nhìn vậy đã thấy được sự hưng thịnh của của nghề mộc Chợ Thủ.



Người thợ làng mộc Chợ Thủ miệt mài trong công đoạn bào láng cho các thớ gỗ được trơn và mịn.


Công đoạn vẽ bản thô cho bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát  trước khi được chạm khắc. Công đoạn này
đòi hỏi người thợ mộc phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết, nếu vẽ sai một chi tiết đến khi đục, khắc
cũng có thể làm hỏng cả bức tượng.


Công đoạn giũa sản phẩm trước khi được quét dầu bóng.


Thợ mộc Chợ Thủ nổi tiếng vùng Tây Nam bộ bởi nghề khắc gỗ, đẹp, tinh xảo đến từng chi tiết.


 Các đề tài khắc gỗ ở làng mộc Chợ Thủ thường là do khách hàng yêu cầu hoặc do thợ mộc sáng tạo. Các mô típ hoa văn thường theo mẫu có nội dung truyền thống nhưng vẫn pha thêm cảm hứng sáng tạo của  người thợ.


Để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ cần đến rất nhiều dụng cụ chuyên dụng.
Trong đó các loại đục giữ vai trò cực kì quan trọng của nghề mộc. 



Để làm ra một sản phẩm, người làm mộc ở Chợ Thủ phải qua rất nhiều công đoạn,
gồm có sự tham gia của cả thợ mộc lẫn thợ chạm. Mộc Chợ Thủ nổi tiếng với sự đa dạng về mẫu mã và kiểu dáng. 

Để cho ra đời một sản phẩm, người làm mộc Chợ Thủ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp như: cưa xẻ gỗ, cắt theo quy cách sản phẩm, bào láng, lấy kích thước, vào khung từng loại, đồ mực trên gỗ, vẽ, chạm, lắp ráp, sơn, gắn khóa…Anh Kiều (43 tuổi), một nghệ nhân làm ở cơ sở mộc Thanh Tím tại ấp Thị 2, thị trấn Mỹ Luông, huyện CHợ Mới đã có thâm niên làm nghề mộc gần 30 năm nay chia sẻ : “Từ đôi bàn tay khéo léo, chúng tôi thổi hồn của những nét văn hóa truyền thống, những hình ảnh cuộc sống sông nước miền Tây… vào từng thớ gỗ qua những nét chạm trổ công phu, tỉ mẩn. Nhờ thế, mộc Chợ Thủ ngày càng nổi tiếng và khẳng định được thương hiệu”.

Anh Trần Phước Trí, 42 tuổi, chủ cơ sở mộc Thanh Tím cho biết thêm: “Chúng tôi còn cho thợ đi đến các làng mộc nổi tiếng ngoài Bắc, miền Trung để học hỏi thêm kinh nghiệm, năng cao tay nghề. Hiện nay, xưởng tôi có 45 người làm việc, Tùy từng công đoạn làm việc, mỗi người sẽ được trả lương từ 150 ngàn đến 350 ngàn đồng/ngày”.

Mộc Chợ Thủ nổi tiếng với sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và đề tài trang trí. Tùy vào yêu cầu của khách hàng hay sự sáng tạo của những người thợ mà cho ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao như: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, đi-văng, kệ, giường hộp cho đến các loại ban công, cầu thang lầu, bao lam, câu đối, các loại tượng, phù điêu... Hơn nữa, sản phẩm mộc Chợ Thủ có chất lượng gỗ tốt, sử dụng bền, đẹp theo thời gian nên tạo được uy tín rất cao với khách hàng. Nhiều sản phẩm của làng nghề đã tham gia các cuộc hội chợ đi khắp mọi miền đất nước.

Mộc Chợ Thủ có những sản phẩm có giá lên tới hàng trăm triệu đồng như các bộ bàn ghế gỗ hưng, cẩm lai… Hiện nay, huyện Chợ Mới có khoảng 1.900 hộ tham gia nghề mộc với trên 200 cơ sở lớn, nhỏ tập trung nhiều nhất ở thị trấn Mỹ Luông và xã Long Điền A. Nghề mộc đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 3.500 lao động, góp phần tạo việc làm, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống ở An Giang./.


Một số các mặt hàng, sản phẩm đặc sắc của làng mộc Chợ Thủ:




 











Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét