Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Triều đại nào dài nhất lịch sử phong kiến Việt Nam?

Kéo dài 355 năm, trải qua nhiều đời vua nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều đại này đã mở rộng lãnh thổ, đạt nhiều thành tựu còn lưu dấu ấn tới ngày nay.

5-cau-hoi-ve-trieu-dai-keo-dai-nhat-trong-lich-su-viet-nam
Tranh minh họa Lê Lợi (Lê Thái Tổ), người lập ra triều đại Hậu Lê.
Triều Hậu Lê được chia làm hai giai đoạn: Lê sơ và Lê trung hưng. Nhà Lê sơ kéo dài 99 năm, từ 1428 đến 1527. Nhà Lê trung hưng kéo dài 256 năm, từ năm 1533 đến năm 1789. Đây là triều đại phong kiến “từ tay trắng dựng nên nghiệp lớn”, tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. 
Triều Hậu Lê được thành lập sau khi Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh, gạt bỏ vua bù nhìn Trần Cảo và lên làm vua; kết thúc vào năm 1789 khi nhà Thanh phát binh đánh Đại Việt theo sự cầu viện của Lê Chiêu Thống. 
Có tài liệu ghi triều đại này là nhà Lê, có tài liệu ghi là Hậu Lê để phân biệt vớinhà Tiền Lê (980-1009) do Lê Đại Hành lập ra.
Triều đại Hậu Lê có tổng cộng 26 vua. Trong đó, nhà Lê sơ có 10 vua (có tài liệu chép 11 vua) và nhà Lê trung hưng có 16 vua. Đây là triều đại phong kiến trải qua nhiều đời vua nhất trong sử Việt. 
10 vị vua nhà Lê sơ thuộc 6 thế hệ bao gồm: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng. Đây là thời kỳ các vua nhà Lê nắm trọn quyền hành, cũng là thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. 
Một số tài liệu chép nhà Lê sơ trải qua 11 đời vua. Vị vua còn lại được nhắc đến là Lê Nghi Dân, lên ngôi sau khi lật đổ Lê Nhân Tông. Nhưng chưa tròn một năm, ông đã bị các đại thần lật đổ vì cho rằng không có tài cán và mang tội phản nghịch. Sau khi bị lật đổ, ông bị giáng làm Lệ Đức hầu và sử sách thường không coi ông là vị quân chủ chính thống của nhà Hậu Lê. 
16 vị vua nhà Lê trung hưng bao gồm: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, Lê Thế Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông, Lê Đế Duy Phương, Lê Thuần Tông, Lê Ý Tông, Lê Hiển Tông và Lê Mẫn Đế (Lê Chiêu Thống).
Năm 1527, Mạc Đăng Dung sau khi dẹp các bè phái trong cung đình đã ép vua Lê Cung Hoàng của nhà Hậu Lê nhường ngôi. Chính sử ghi lại sự kiện đó diễn ra vào tháng 6/1527. Nhà Mạc thực sự nắm toàn bộ quyền lực trong 6 năm.
Từ năm 1533, Lê Trang Tông với sự phò tá của cự thần nhà Lê sơ là Nguyễn Kim lấy lại được chính quyền, giai đoạn nhà Lê trung hưng bắt đầu. Lúc này, nhà Mạc vẫn có quyền lực từ Ninh Bình trở ra và nhà Lê nắm giữ từ Thanh Hóa trở vào. Việc này diễn ra đến năm 1592 và lịch sử gọi là thời kỳ Nam - Bắc triều.
Trái ngược với thời hoàng kim của nhà Lê sơ, giai đoạn nhà Lê trung hưng có nhiều biến động lớn. Ngoài thời kỳ Nam - Bắc triều, chiến tranh Trịnh - Nguyễn và các phong trào nông dân cũng diễn ra. 
Đại Việt sử ký toàn thư viết ngày 15/3/1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (tức thành Thăng Long vì ở Thanh Hóa có Tây Đô cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh).
Đại Việt là quốc hiệu của Việt Nam từ thời trị vì của vua Lý Thánh Tông, vua thứ ba nhà Lý và kéo dài đến hết nhà Trần. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly, người lật đổ nhà Trần lập ra nhà Hồ, đổi quốc hiệu thành Đại Ngu. Năm 1407, nhà Minh xâm lược Đại Ngu và cai trị cho đến năm 1427. Năm 1428, sau khi giành độc lập, Lê Lợi đã lại lấy tên Đại Việt làm quốc hiệu.
Quốc hiệu Đại Việt tồn tại hết triều Hậu Lê và được giữ tới đời vua Gia Long nhà Nguyễn khi ông đổi tên nước thành Việt Nam vào năm 1804.
Lê Thánh Tông trị vì từ năm 1460 đến năm 1497, là vua trị vì lâu nhất nhà Lê sơ. Dưới thời kỳ Lê Thánh Tông, nhà nước Đại Việt đạt được nhiều thành tựu, phát triển thịnh vượng ở mọi phương diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến giáo dục, quân sự, lãnh thổ Đại Việt cũng được mở rộng đáng kể. Thời kỳ này thường được gọi là Hồng Đức thịnh trị.
Trong sách Các triều đại Việt Nam, tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng đánh giá, Lê Thánh Tông là "ông vua ở ngôi gần như lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng điều đáng nhớ không phải vì ông ở ngôi lâu mà vì những đóng góp của triều vua này vào đời sống mọi mặt của quốc gia Đại Việt cường thịnh thời đó”.
Lê Thánh Tông luôn được các nhà sử học và người dân xem là vị hiền đế tài đức hiếm có trong lịch sử dân tộc.
dung-duoi-thoi-vua-le-thanh-tong-dai-viet-phat-trien-cuc-ky-thinh-vuong
Tượng vua Lê Thánh Tông ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lê Thần Tông là vị vua thứ sáu của nhà Lê trung hưng. Ông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh. Năm 1619, Lê Thần Tông được đưa lên làm vua sau khi Lê Kính Tông mất, khi đó ông mới 12 tuổi.
dung-vua-len-ngoi-2-lan-la-le-than-tong
Tượng vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn (Thanh Hóa).
Thần Tông làm vua 24 năm thì nhường ngôi cho con trai 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông) và trở thành thái thượng hoàng. Tuy nhiên, ở ngôi chỉ được 7 năm thì Lê Chân Tông ốm, qua đời nên thái thượng hoàng Lê Thần Tông trở lại làm vua lần thứ 2 cho đến năm 1662.
Theo một số nhà nghiên cứu, Lê Thần Tông là người duy nhất trong số 108 vị vua chúa của 15 triều đại phong kiến Việt Nam có hai lần lên ngai vàng.

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét