Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Triều đại nào ngắn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam?

Triều đại này chỉ kéo dài 7 năm với 2 đời vua nhưng đã để lại nhiều dấu ấn với những cải cách có giá trị thực tiễn. 



Triều đại nhà Hồ bắt đầu từ khi Hồ Quý Ly giành giang sơn từ nhà Trần và lên ngôi năm 1400. Hồ Quý Ly sinh năm 1335, quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa). Ông trị vì một năm thì trao ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương để làm thái thượng hoàng, nhưng vẫn quyết đoán mọi công việc.
Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt. Triều đại nhà Hồ diệt vong từ đây. Tuy tồn tại ngắn, nhưng nhà Hồ cũng để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là cuộc cải cách toàn diện đất nước, được đánh giá có giá trị thực tiễn và đi trước thời đại. 
Triều đại nhà Đinh chỉ có 2 đời vua nhưng kéo dài được 12 năm.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 2/1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi vua Trần Thiếu Đế, xưng là Thánh Nguyên, lập con trai tên Hán Thương làm thái tử. 
"Tháng 2 ngày 28, Quý Ly bức vua nhường ngôi và buộc người tôn thất, các quan 3 lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ cố tình từ chối nói: Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa? Rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên... Hồ Quý Ly phế vua làm Bảo Ninh Đại Vương, vì vua là cháu ngoại nên không giết", sách Đại Việt sử ký toàn thưviết.
Trước đó, Hồ Quý Ly là quan của nhà Trần, được vua Trần Nghệ Tông rất trọng dụng. Ông thao túng triều chính, xúi vua giết những người không phục tùng mình. Năm 1394, khi Nghệ Hoàng chết, Hồ Quý Ly càng tỏ rõ ham muốn tiếm ngôi. Ông ép con rể là vua Trần Thuận Tông đi tu rồi sai người giết chết. Cháu ngoại của Hồ Quý Ly là Trần Thiếu Đế được sắp xếp lên ngôi khi mới 2 tuổi, sau 2 năm thì bị họ Hồ tiếm ngôi. 
Những hành động của Hồ Quý Ly bị người đời lên án. Triều Hồ vì thế không được lòng dân và sớm bị diệt vong.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi lên ngôi vua, Hồ Quý Ly đổi quốc hiệu Đại Việt thành Đại Ngu. Chữ "Ngu" ở đây có nghĩa là yên vui, hòa bình. 
Hồ Quý Lý chọn quốc hiệu này vì nhận mình là con cháu của Ngu Thuấn - một trong ngũ đế nổi tiếng của Trung Quốc thời thượng cổ. Nhiều sử gia như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đều chê cười việc "bắt quàng làm họ" này của ông.
"Không phải mả nhà mình mà cúng là siểm nịnh", "... họ hàng xa xôi, các đời biến đổi, khó mà tin được. Quý Ly lại nhận là dòng dõi xa của Hồ Công Mãn, tế Ngu Thuấn làm thủy tổ, thì cái tội dối đời để tiếm ngôi thực không gì to bằng", các tác gia nhận xét trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1397 Hồ Quý Ly khi ấy là thái sư của nhà Trần đã cho xây dựng một thành trì ở An Tôn (Thanh Hóa), đặt tên là Tây Đô(hay Tây Giai). Cách gọi này là để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội).
Tháng 11 năm đó, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông dời kinh đô đến nơi này. Khi nhà Hồ tiếm ngôi, Tây Đô được chọn là kinh đô của nước Đại Ngu.
"Thành nhà Hồ", tên gọi khác của Tây Đô, là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo, quy mô lớn, có một không hai ở Việt Nam và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao quanh.
Thành nội có toàn bộ mặt ngoài tường thành và 4 cổng chính xây bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6 m, ước nặng 20 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu. Trong thành có nhiều công trình như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu... rất nguy nga, tráng lệ chẳng khác gì kinh đô Thăng Long.
Kiến trúc và kỹ thuật xây dựng của thành Tây Đô được đánh giá là rất khoa học và đỉnh cao về kỹ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Các phiến đá được đục đẽo vuông vức, công phu xếp đan xen theo hình múi bưởi để tránh rung chấn lớn như động đất. Giữa các phiến đá xây thành không có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm qua dù chịu rất nhiều tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá.
Với các giá trị lịch sử, kiến trúc, năm 2011 thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là một trong những di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Về hành chínhnăm 1401 Hồ Hán Thương đã cho làm sổ hộ tịch trong cả nước. "Biên hết vào sổ những nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên và lấy số hiện tại làm số thực, không cho phép người lưu vong mà vẫn biên tên trong sổ. Yết thị cho các phiên trấn hễ có người kinh nào trú ngụ thì đuổi về nguyên quán", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết. 
Năm 1403, ông cho di dân không có ruộng đến Thăng Hoa - vùng đất mới thu được sau khi Chiêm Thành dâng nộp năm 1402 (nay thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi). Cùng năm, nhà Hồ đặt ra cơ quan trông coi y tế là Quảng tế.
Về luật pháp, cuối năm 1401, nhà Hồ cho định quan chế và hình luật nhà nước Đại Ngu. Tuy nhiên, sử sách không nói rõ việc sửa đổi như thế nào so với thời Trần.
Về kinh tế, nhà Hồ cho lưu hành tiền giấy, cấm tiền đồng. Thực chất, việc đổi tiền đã được Hồ Quý Ly khởi xướng và thực hiện từ cuối thời Trần, năm 1396. Thể thức tiền giấy là tờ 10 đồng vẽ rong, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ một quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu.
Việc đánh thuế của nhà Hồ có sự phân loại rõ ràng hơn so với trước đây. "Triều trước, mỗi mẫu thu 3 thăng thóc, nay thu 5 thăng. Bãi dâu, triều trước thu mỗi mẫu 9 quan hoặc 7 quan tiền, nay thu hạng thượng đẳng mỗi mẫu 5 quan tiền giấy, hạng trung đẳng mỗi mẫu 4 quan tiền giấy, hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy. Tiền nộp hàng năm của đinh nam trước thu 3 quan, nay chiếu theo số ruộng. Người nào chỉ có 5 sào ruộng thì thu 5 tiền giấy, từ 6 sào đến một mẫu thì thu 1 quan...", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Nhà Hồ còn lập kho thường bình dự trữ thóc để ổn định kinh tế.
Về giáo dục, nhà Hồ cho thay đổi chế độ thi cử, bỏ cách thi ám tả cổ văn chuyển sang tứ trường văn thể.
Các cải cách của nhà Hồ được đánh giá là có giá trị thực tiễn, đi trước thời đại. Tuy nhiên vì bị mất lòng dân các thủ đoạn của Hồ Quý Ly khi cướp ngôi nên các cải cách thất bại.  

Năm 1404, trước họa xâm lăng của nhà Minh, nhà Hồ đã lo củng cố quân sự, như cho đóng thuyền đinh sắt, đóng cọc ở các cửa biển và những nơi xung yếu trên sông Hồng, đặt bốn kho quân khí để phòng giặc phương Bắc. 
Trong khi đó, tháng 4/1406, nhà Minh sai Hàn Quan và Hoàng Trung đem 100 nghìn quân ở Quảng Tây sang. Qua một số trận giao tranh nhỏ, quân Hồ thắng trận, quân Minh phải rút lui. 
Tháng 9/1406, nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc đem quân đánh vào cửa ải Pha Lũy (cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay); Mộc Thạnh, Lý Bân cũng quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang ngày nay), tổng số quân khoảng 200.000.
Trước các mũi tiến công của địch, đội quân nhà Hồ chặn đánh ở một vài nơi rồi rút về giữ phòng tuyến Nam sông Hồng. Quân Minh thừa cơ hội đã tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh chiếm thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội). Tháng 1/1407, thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của quân nhà Hồ cũng tan vỡ nhanh chóng. Từ Đa Bang, quân nhà Minh tràn xuống chiếm cố đô Thăng Long.
Quân nhà Hồ lại một lần nữa rút lui xuống miền hạ lưu sông Hồng. Và sau một vài trận phản công thất bại, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo các thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Hà Tĩnh. Quân Minh tiếp tục đuổi theo, đến Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Nhà Hồ sụp đổ, sau 7 năm tồn tại.
trieu-dai-nao-ngan-nhat-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét