Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Về một nữ khai quốc công thần thời Chúa Nguyễn

Trong đợt khảo sát làng xã ven biển - đầm phá tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa qua, chúng tôi có duyên tiếp cận nhiều di sản văn hóa độc đáo qua hệ thống đình chùa miếu vũ, lăng mộ, lễ nghi tế tự và văn bản Hán Nôm. Đặc biệt ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu về một nữ khai quốc công thần thời chúa Nguyễn ở làng Diêm Trường (Vinh Hưng, Phú Lộc).
Chúng tôi bị hấp dẫn từ lời kể của các vị bô lão (Trưởng làng Bùi Ngọc, thủ bộ Đoàn Văn Hưu, Trần Đình Thăng...) về vai trò của Bà Trà - Trà Quận công phu nhân. Dân gian truyền khẩu dù tình tiết, bối cảnh có khác nhau nhưng thống nhất về công lao đánh giặc, bắt cướp của Bà, lúc bán hàng ăn, hoặc đánh cá trên đầm phá. Tất cả được thể hiện rõ nét dần qua di tích Am Bà Trà, nghi lễ cúng tế và nhất là văn bản Hán Nôm từ đầu đời Gia Long, văn bản tự điền của Bà ở Lương Văn trước năm 1975 ... giúp phác họa rõ nét thân thế sự nghiệp một bậc nữ lưu đặc biệt hiếm hoi được xếp vào hàng khai quốc công thần thời chúa Nguyễn.

Am Bà Trà ở trước Nhà thờ làng, làng Diêm Trường
Am Bà Trà vốn tọa lạc tại vị trí nay đã bị ủi thành hồ, làm lò vôi, thuộc địa giới làng Phụng Chánh. Do xuống cấp nghiêm trọng nên từ năm 1963, dân làng cung thỉnh Bà về để thiết trí ngôi miếu nhỏ phía trước nhà thờ làng. Bài vị ghi rõ: “Phụng vị bổn thổ Vũ thụy Trà quận công phu nhân tôn thần”.
Lăng mộ Ông, Bà nằm xa nhau, trên đất của làng Phụng Chánh, được tái thiết năm 2013, theo dạng lục giác, bằng xi măng kiên cố và vẫn giữ lại hai tấm bia cổ mang phong cách Nguyễn, nổi bật họa tiết trang trí long, phụng trên trán bia. Văn bia cho biết toàn thể chức sắc, thân hào, binh lính và dân chúng xã Diêm Trường kính ghi vào ngày tốt tháng 10 Đinh Hợi (1827 hay 1887, thuộc Hoàng triều - triều Nguyễn), cho Ông là “Hoàng triều cáo thụ Chỉ huy sứ Thanh Hà quận Trương quý công, thụy Trung Lương” và Bà là “Hoàng triều cáo thụ Chỉ huy sứ Kinh Triệu quận Trà quận công phu nhân, thụy Trinh Uyển”.
Theo các bậc cao niên, làng từng có 6 mẫu tự điền của Bà ở Lương Văn (Thủy Lương, Hương Thủy), để làng lo cúng tế trọng thể. Từ cuối những năm 1970, bởi khó khăn nên lễ nghi có phần giản tiện, thường hiệp tế vào đại lễ thu tế và đông chí tảo mộ. Rõ ràng với phẩm tước đó, được triều đình thiết trí tự điền thì Trà quận công phu nhân phải là bậc đại công thần lưu danh sử sách, triều đình phong tặng. Nhiều truyền khẩu, giai thoại dân gian về công lao của Bà Trà được làm rõ qua cả nghìn trang tư liệu Hán Nôm, đặc biệt là chiếu của vua Gia Long, kiểu của Bộ Hộ đương thời.
Ngày 02/10, Gia Long 4 (tức 22/11/1805), vua đặc biệt ban chiếu khẳng định Trà quận công phu nhân là bậc nữ lưu, gánh vác chí lớn của kẻ trượng phu, đem thân lâm trận, bắn giết quân giặc rất cừ. Công lao to lớn vĩnh viễn lưu truyền, danh thơm chẳng mất. Đến ngày thống nhất hải vũ, triều đình khảo cứu những sự tốt lành của các bậc thạc đức xưa, ghi vào điển chế các bậc anh tài có công trạng. Chuẩn theo Hội nghị Công đồng định lệ cho Bà được dự tòng Khai quốc Công thần đệ nhị cấp, cho 1 hậu duệ chánh phái họ Trương giữ chức Thứ đội trưởng, cấp cho sái phu, ruộng thờ cúng theo cấp bậc. Nhờ đó, chuẩn cho Trương Văn Chuột (xã Diêm Trường, tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong) được làm Thứ đội trưởng, tước Thuật Tài bá, coi sóc thờ tự Bà, được miễn nạp thuế, quy tập 3 suất dân ở ngoài làng làm sái phu (miễn việc tòng quân). Hằng năm, chỉnh sửa sổ bộ gia đình gửi lên quan có thẩm quyền để lãnh nhận bằng cấp. Lại cấp cho 6 mẫu ruộng thờ, gồm 2 mẫu nhất đẳng điền, 2 mẫu nhị đẳng điền, 2 mẫu tam đẳng điền. Theo lệ, hậu duệ phải gửi đơn trình bẩm lên quan Hộ bộ để được xét cấp theo thứ hạng. Mỗi năm đều được miễn tô thuế, và nhận cấp tiền, vật hạng để cúng tế thờ phụng. Lại được đời đời nối tiếp tập ấm, ghi vào điển chế thờ tự vĩnh viễn.
Từ đó, theo kiểu của Hộ bộ về việc thi hành chiếu ban cấp cho Trà quận công phu nhân ngày 13/12.Gia Long 4 (tức 02/01/1806), Bà là bậc Khai quốc công thần của Tiền triều, được dự tòng làm Khai quốc công thần đệ nhị cấp, Thuật Tài bá có đơn xin cấp 6 mẫu quan điền (ruộng quan), trang điền (ruộng nhà) ở xã Lương Văn làm tự điền. Bộ Hộ phụng mệnh ban Kiểu cấp tại xã Lương Văn 6 mẫu quan điền làm tự điền cho Trà quận công phu nhân, từ năm Bính Dần (1806) trở về sau được chuẩn miễn thuế lệ, lấy đó lo việc thờ tự (Võ Vinh Quang dịch).
Lần tìm trong sử liệu, mới thấy rõ công lao rỡ ràng của ông bà Trà quận công. Trong sự biến tháng 7 Tân Mùi (1571), anh em Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn ở Khang Lộc (Quảng Bình) cấu kết với họ Trịnh nổi loạn, định đánh úp Vũ Xương nên cho quân mai phục ở Minh Linh và Cầu Ngói (Hải Lăng). Chúa Tiên Nguyễn Hoàng biết được, thân chinh ngầm đánh Mỹ Lương ở Cầu Ngói, sai phó tướng Trương Trà đánh Minh Linh. Giao tranh ác liệt, Mỹ Lương trốn chạy bị chém; Trương Trà tiến quân đến Phúc Thị, đánh nhau với giặc, bị Nghĩa Sơn bắn chết. “Vợ Trà là Trần thị (người xã Diêm Trường) nghe tin nổi giận, mặc quần áo đàn ông thúc quân đánh, bắn chết Nghĩa Sơn tại trận. Quân Văn Lan thua, trốn về với Trịnh. [Thế là] dẹp hết đảng giặc. Chúa đem quân về. Phong Trần thị làm quận phu nhân” (Thực lục tiền biên, QSQ triều Nguyễn, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, 2002, tập I, tr. 29-30).
Nhờ công lao to lớn trong trận thắng chiến lược đầu tiên (năm sau 1572 mới thắng Lập Bạo trên sông Ái Tử), Bà được ân điển huân công. Từ tháng 8. Ất Sửu (1805), triều đình ban cấp mộ phu, tự điền cho công thần thời quốc sơ, phân định thành 4 bậc: thượng đẳng (Tổng trấn Tôn Thất Khê, Thiếu úy Tôn Thất Hiệp, Nội tán Đào Duy Từ, Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính - con cháu được ấm thụ đội trưởng 1 người, mộ phu 6 người, tự điền 15 mẫu), nhất đẳng (Khám lí Trần Đức Hòa - con cháu được ấm thụ đội trưởng 1 người, mộ phu 4 người, tự điền 9 mẫu), nhị đẳng (Chưởng cơ Nguyễn Hữu Hào, Trấn phủ Tống Phước Trị, Chưởng dinh Tống Hữu Thanh, Thái giám Nguyễn Đình Quý, Trà quận công phu nhân Trần thị - con cháu được ấm thụ thứ đội trưởng 1 người, mộ phu 3 người, tự điền 6 mẫu), tam đẳng (Thiếu sư Tôn Thất Diễn, Chưởng dinh Tôn Thất Tráng, Chưởng cơ Tống Phước Đào - con cháu được ấm thụ thứ đội trưởng 1 người, mộ phu 2 người, tự điền 3 mẫu) (Tiền biên, Tlđd, tr. 638-639).
Công trạng của Bà Trà, ngoài chiến thắng trên xa trường, còn có ý nghĩa phò giá Chúa Tiên buổi đầu đầy gian nan, nên mới được hiếm hoi ân điển dự hàng Khai quốc công thần tiền triều. Trên sinh lộ về Nam sau sự kiện Mậu Ngọ 1558, chúa Nguyễn Hoàng chính thức mở ra trang sử mới cho quốc gia dân tộc, với sự giúp rập của nhiều nữ thần, nữ ân nhân: từ Bà Trão Trão (sông Ái Tử) đến Bà Thiên Mụ (sông Hương); từ Bà Trà cho đến Bà Tơ ở An Mô (Ái Tử), ở Bác Vọng (Quảng Điền). Để ghi nhớ công ơn tiền nhân và giáo dục hậu thế, quốc gia dân tộc nói chung và Thừa Thiên Huế, huyện Phú Lộc, xã Vinh Hưng, làng Diêm Trường nói riêng cần có phương thức vinh danh công lao đặc biệt của Bà Trà một cách xứng đáng.
Theo TS Trần Đình Hằng (TTH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét