Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Về thăm nơi mẹ con anh Kim Đồng yên nghỉ

Về thăm nơi mẹ con anh Kim Đồng yên nghỉ
(PLO)- Khu di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Khu di tích gồm có mộ anh Kim Đồng và tượng anh khang trang tại chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc, luôn tỏa bóng mát.
Người anh hùng gan dạ, mưu trí
Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ghi nhận ngày 15-5-1941 mãi mãi sáng chói trong trang vàng lịch sử truyền thống của Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh.
Về thăm nơi mẹ con anh Kim Đồng yên nghỉ - ảnh 1
Nhà trưng bày lưu niệm…
Ngày ấy ở gần hang Cốc Bó, xuôi dòng suối Lênin, dưới chân núi Thoong Mạ (ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng), năm thiếu niên gồm: Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng), Nông Văn Thàn (Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (Thanh Minh), Lý Thị Nì (Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (Thanh Thủy) được anh Đức Thanh và các anh cán bộ cách mạng giác ngộ, thử thách, tập hợp để lập thành Đội Nhi đồng cứu quốc theo quyết định của Đảng.
Trong đó, Nông Văn Dền được bầu làm Đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc có mục đích tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà với nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác các cuộc họp của Đảng...
Từ sau tháng 5-1941, các đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở mọi nơi để tham gia cách mạng, nhiều đội thiếu niên đã lập công xuất sắc làm sáng ngời trang sử vàng của Đội Thiếu nhi, góp phần vào thắng lợi của Cách Mạng Tháng Tám năm 1945.
Tháng 8-1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi Đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm.
Bác khuyên Kim Đồng cùng các đội viên hãy giúp đỡ, tích cực bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động vừa học văn hóa, chính trị để sau này nước nhà giành được độc lập, góp phần xây dựng đất nước.
5 giờ sáng 15-2-1943, trong lúc đang làm nhiệm vụ canh gác cuộc họp của ban Việt Minh, khi phát hiện giặc lùng sục đến gần, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng để bảo vệ cán bộ cách mạng. Địch nổ súng, Kim Đồng bị trúng đạn và đã hy sinh, khi đó anh vừa tròn 14 tuổi.
Năm 1997, Kim Đồng được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Khu di tích anh hùng liệt sĩ Kim Đồng
Khu di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng).
Khu di tích gồm có mộ anh Kim Đồng và tượng anh khang trang tại chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc, luôn tỏa bóng mát.
Tượng anh Kim Đồng với bộ quần áo Nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư. Nơi đây có một khoảng sân rộng, hằng năm thiếu niên và nhi đồng của tỉnh và cả nước thường tụ hội về đây tổ chức kết nạp đội viên mới, cắm trại, vui chơi, các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lênin, núi Các Mác và hang Pác Bó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam.
Mới đây khu di tích mới được mở rộng với diện tích 12 ha, chia làm hai khu: khu A 7 ha, khu B 5 ha với các hạng mục như nâng cấp, tôn tạo khu mộ anh Kim Đồng và mộ mẹ anh Kim Đồng, xây dựng mới các hạng mục nhà trưng bày, khối quảng trường, nhà tưởng niệm, nhóm tượng các anh hùng tuổi thiếu niên, khu thành lập Đội, nhà sàn Kim Đồng, bãi đỗ xe… với tổng kinh phí trên 100 tỉ đồng.
Dự án được chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành gồm làm mới tượng anh Kim Đồng bằng chất liệu đá trắng (có ở Nghệ An), tôn tạo mộ anh Kim Đồng, mộ bà Lân Thị Hò (mẹ anh Kim Đồng) đều được điêu khắc bằng đá hoa cương màu trắng. 
Các hạng mục sân vườn, bồn hoa, cổng đá được ốp lát bằng đá xanh Thanh Hóa… với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng.
Trong đó, 8,1 tỉ đồng được lấy từ Quỹ kế hoạch nhỏ do thanh thiếu nhi cả nước đóng góp để tôn tạo khu di tích. Nơi đây còn có Nhà bia tưởng niệm nơi thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Nơi đây lưu dấu hình ảnh và hành động hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sĩ Kim Đồng, người đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; ghi dấu địa danh nơi thành lập tổ chức Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay). Đây là một di tích lịch sử có giá trị giáo dục truyền thống đối với thanh thiếu nhi cả nước.
Về tổng thể kiến trúc, các hạng mục tại khu di tích được bố trí hợp lý, hài hòa với không gian tự nhiên. Công trình mang tính chất nghệ thuật cao, mộ được thiết kế và thi công theo phong tục của người miền núi. Công trình mang tính tâm linh và có ý nghĩa giáo dục đối với thê hệ trẻ. Hiện nay Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã trình Ban Bí thư Trung ương Đoàn cho chủ trương chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2.
Một số hình ảnh về toàn cảnh núi rừng Pác Bó, mộ mẹ anh Kim Đồng:
Về thăm nơi mẹ con anh Kim Đồng yên nghỉ - ảnh 2
Về thăm nơi mẹ con anh Kim Đồng yên nghỉ - ảnh 3
Về thăm nơi mẹ con anh Kim Đồng yên nghỉ - ảnh 4
Về thăm nơi mẹ con anh Kim Đồng yên nghỉ - ảnh 5
Về thăm nơi mẹ con anh Kim Đồng yên nghỉ - ảnh 6
CÔNG THI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét