Thượng Lâm không chỉ nổi tiếng bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những phong cảnh nên thơ được bao bọc bởi những dãy núi trùng trùng, điệp điệp hay là truyền thuyết về Phượng hoàng bay về mà Thượng Lâm còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
p/Núi cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) điểm nhấn trên mặt hồ thủy điện Tuyên Quang
Núi cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) điểm nhấn trên mặt hồ thủy điện Tuyên Quang
Hướng tới du lịch văn hóa, tâm linh
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, Du lịch văn hóa tâm linh là một trong những tiềm năng lớn của huyện Lâm Bình, hiện trên địa bàn còn lưu giữ được những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao trong đó phải kể đến là ngôi đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm.
Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang trở thành một vùng hồ rộng tới trên 8.000 ha với nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người, trong đó diện tích chủ yếu nằm trên đất huyện Lâm Bình. Đi dọc lòng hồ giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, với điểm nhấn là núi cọc Vài gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Đi tiếp nữa là gặp thác Nậm Mè (nghĩa là suối mẹ). Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước. Lâm Bình còn có những thắng cảnh đẹp khác như: Động Song Long, thác Mặn Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng; di tích khảo cổ Hang Phia Vài… đây là những di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia, thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa và sinh thái.
Hiện cơ sở hạ tầng du lịch của Lâm Bình chưa được đầu tư; các tuyến, điểm du lịch còn hoang sơ. Đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư vào phát triển du lịch ở Lâm Bình, tạo nên cú hích phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm, Lăng Can, Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang. Các lễ hội của Lâm Bình mang đậm màu sắc dân gian độc đáo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu xuân.
Khách du lịch đến với Lâm Bình còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày, người Dao như cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá mắm ruộng, chè Khau Mút, rượu ngô, rượu thóc men lá…
Mở rộng homestay
Những năm gần đây, du khách gần xa đã biết đến Lâm Bình, thông qua cảnh đẹp mà thiên nhiên đã ban cho mảnh đất này. Đặc biệt là du khách quốc tế khi đặt chân đến Lâm Bình, họ đã được trải nghiệm, khám phá về cảnh đẹp thiên nhiên và cuộc sống của người dân nơi đây.
Trước nhu cầu của khách du lịch đến với Lâm Bình, ngày một đông, cấp uỷ, chính quyền huyện Lâm Bình, đã định hướng cho một số hộ gia đình trên địa bàn các xã, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can đầu tư vào làm du lịch cộng đồng Homestay. Hiện nay trên địa bàn huyện có 15 hộ đã hoàn thành việc chỉnh trang nhà ở và đã sẵn sàng tiếp đón và phục vụ du khách đến ăn, nghỉ tại gia đình. Thời gian gần đây các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng Homestay ở Lâm Bình đã được tiếp đón nhiều đoàn khách du lịch, trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và đã tạo được ấn tượng rất tốt trong lòng du khách, ông Dưng cho biết thêm.