Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Di tích Lịch sử – Văn hóa Khu chứng tích Cầu Quan

Khu chứng tích  nằm cặp phía tả ngạn rạch Tây Ninh, giữa khu phố thị sầm uất thuộc khu phố 2, phường 2, Thị xã Tây Ninh. Đối diện với UBND tỉnh Tây Ninh.
Cầu Quan là một khu chứng tích lịch sử để ghi nhớ tội ác dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân ta khi Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai. Khu di tích được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 268/QĐ-CT, ngày 27/12/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Cầu Quan
Cầu Quan được cơ quan AKROF của Pháp xây cất năm 1924 với kinh phí là 8.000 đồng từ quỹ công nho xã Thái Bình thời bấy giờ chi trả. Dân chúng thường gọi là Cầu Quan.
Cách mạng tháng Tám thành công, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp. Thế nhưng nền độc lập chưa được bao lâu thì ngày 23/9/1945 Pháp theo gót chân Anh trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Ngày 8/11/1945 Pháp đưa quân tái chiếm Tây Ninh. Ngay từ buổi đầu lực lượng võ trang Tây Ninh đã tiến hành chặn đánh địch nhưng lực lượng ta còn yếu, vũ khí thô sơ, lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu nên không ngăn chặn được bước tiến công của giặc Pháp.
Sau khi thiết lập chính quyền hành chính chúng tung lực lượng quân đội viễn chinh đi càn quét lấn chiếm, mở rộng địa bàn hoạt động vào vùng nông thôn, rừng núi để khủng bố nhân dân, đánh phá cơ sở cách mạng và tiêu diệt lực lượng kháng chiến.
Trước tình hình giặc pháp ồ ạt tấn công, kháng chiến Nam bộ gặp nhiều khó khăn. Ngày 10/12/1945, tại Bình Hòa Nam thuộc tỉnh Tân An, Xứ ủy Nam bộ họp mở rộng củng cố lại bộ máy cơ quan kháng chiến và tổ chức quân sự. Hội nghị quyết định chia Nam bộ ra làm 3 khu quân sự hành chính: Khu 7 (Đông Nam bộ); Khu 8 (Trung Nam bộ); Khu 9 (Tây Nam bộ).
Trên địa bàn Tây Ninh, các bộ phận vũ trang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sát nhập vào chi đội 11 thuộc liên quan A trực thuộc khu 7 quản lý. Chịu trách nhiệm hết huyện Châu Thành (từ Bến Cầu đến hết huyện Dương Minh Châu ngày nay).
Trong thời gian này thực dân Pháp mở các cuộc càn quét vào Lò Gò, Xóm Giữa, Xóm Vịnh, xóm Phan, Suối Đá… đi đến đâu chúng đều đốt phá, bắn giết uy hiếp tinh thần đồng bào.
Nhằm đánh phủ đầu quân Pháp, ngày 22 tháng Chạp năm Bính Tuất (1946) khi đoàn quân Pháp lọt vào trận địa mai phục tại ngã ba Bàu Năng, quân ta tấn công làm cho hơn 40 xe bị hư hại, Pháp lớp bị chết, lớp bị thương phải rút lui. Bị thất bại nặng nề chúng căm tức quay lại vào xóm bắt 10 người dân. Tất cả những người này chúng đưa về Thị xã Tây Ninh, đương đêm ấy chúng giết chặt lấy đầu. Riêng chị Vân con dâu ông Trần Văn Đông thì chúng đem bêu đầu tại đầu Cầu Quan bên đường vào nhà lồng chợ. Một người đi ngang xúc động lấy tay gạt nước mắt, bị lính Tây đứng gác nhìn thấy, chúng liền bắt và chặt bêu đầu tiếp theo. Do vậy số nạn nhân bị bêu đầu lên đến 11 người. Thế nên không ai dám đến nhìn hoặc lén đến lấy đầu đó đem đi chôn cất. Còn gia đình những người bị giặc giết chúng xem là người của Việt Minh, ngày cúng giỗ người bị chết cũng lén lút trong sự phập phồng, lo sợ vì sợ địch khủng bố.
Để ghi nhớ tội ác của kẻ thù và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau chính quyền địa phương ở thị xã Tây Ninh cho tôn tạo khu tưởng niệm với tên gọi là khu chứng tích Cầu Quan.
Khu chứng tích Cầu Quan
Khu di tích Cầu Quan gồm có cầu Quan, nhà lồng chợ cũ và một tượng đài gồm 5 nhân vật với màu đồng hun rừng rực ánh nắng, trong đó chính giữa là hình tượng bà mẹ cao 330cm đang bồng đứa con bị giặc giết trên tay. Trên cánh tay buông xuống của đứa con, người ta còn thấy một đoạn xích sắt vẫn còn hằn xiết trên tay. Bên tay trái người mẹ là tượng một em bé đang ôm lấy đôi chân thả xuống của người cha đã chết. Bên phải là tượng một người phụ nữ ôm mặt khóc trên xác chồng. Nổi bật ở giữa là thân bệ là tấm danh bia tóm tắt sự kiện và tên của những người đã bị thảm sát. Hai mảng phù điêu hai bên cánh gà được bố cục cân đối với hình ảnh quen thuộc của các thế hệ dân quân, cầm gươm, ôm súng xông pha chiến đấu với kẻ thù, còn một bên là cảnh tượng niềm vui đoàn tụ của mọi gia đình trong ngày vui đại thắng. Mảng chủ đề: “mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha”. Hai mảng phù điêu hai bên mang chủ đề: “đấu tranh chính trị, binh vận và võ trang”.
Khu chứng tích Cầu Quan
Tuy bố cục đơn giản nhưng cũng nói lên ý nghĩa về một thảm cảnh đau thương của những năm về trước, trổi dậy trong lòng người dân sức mạnh căm thù, tiếp tục đứng lên. Người già, người trẻ, phụ nữ đồng loạt nổi lên đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù. Thanh niên lớp lớp lên đường tòng quân diệt giặc, xông pha ra tiền tuyến, cống hiến tuổi xuân để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do cho dân tộc thăng hoa. Hai mảng phù điêu hai bên là biểu tượng của sự nghiệp kế thừa liên tục truyền thống đấu tranh hào hùng của cha ông.
Theo Bảo tàng tỉnh Tây Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét