Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Di tích Lịch sử – Văn hóa Nhà lưu niệm Cơ sở Tỉnh ủy Tây Ninh

 đặt tại nhà ông Nguyễn Văn Thương (Hai Thương) ấp Thái Hòa, nay thuộc khu phố 1, phường II, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Cách trung tâm thị xã 1km đi về hướng cầu Thái Hòa. Nơi đây đã được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 142/QĐ-CT ngày 27/9/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Nhà lưu niệm Cơ sở Tỉnh ủy Tây Ninh
Là người con ưu tú của vùng đất Tây Ninh, đồng chí Hoàng Lê Kha tên thật là Hoàng Lê Cẩn, sinh ngày 17/02/1917 tại làng Chang Tác, tổng Ngọ Xá, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo hiếu học, cùng với sự giáo huấn của cha, ông ngày càng trưởng thành và sớm giác ngộ cách mạng.
Năm 1931: Ông tham gia cách mạng và được phân công ra học ở Hà Nội để vận động phong trào của học sinh.
Năm 1936: Ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Hà Đông và vinh dự gia nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1940: Ông được Đảng điều vào hoạt động ở Nam Kì.
Năm 1945: Với tư cách là Ủy viên mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định, Ông đã thể hiện được khả năng sâu sắc về chiến lược quân sự.
Năm 1947: Ông được giao nhiệm vụ làm Tỉnh đội trưởng Dân quân.
Năm 1948: Ông được bầu làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Gia Định, sau đó làm Trưởng ty Kinh tế Canh nông.
Năm 1951: Ông làm bí thư Huyện ủy Châu Thành.
Từ năm 1952 – 1954: Ông làm Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu.
Từ năm 1955 – 1959: Ông làm Thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng phân ban chỉ đạo 2 huyện Châu Thành – Thị xã Tây Ninh.
Ngày 16/08/1959, theo sự chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Hoàng Lê Kha đến dự Hội nghị Thị xã ủy. Trong cuộc họp này, đồng chí đã phân tích diễn biến tình hình, âm mưu thâm độc của Mỹ – Diệm sẽ đẩy mạnh “tố cộng diệt cộng” bằng những biện pháp phát xít trắng trợn hòng tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, đồng chí đã chỉ đạo một số chủ trương vận động nhân dân chống lại âm mưu đen tối của địch, bảo toàn lực lượng cách mạng.
Theo kế hoạch sau hội nghị, đồng chí Hoàng Lê Kha sẽ đến dự và phổ biến chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy cho Huyện ủy Châu Thành. Nhưng kế hoạch không thành, vì bị bọn mật vụ phát hiện và vây bắt. Đồng chí đã đánh lạc hướng và tập trung sự chú ý của địch để bảo vệ đồng đội và một số cán bộ nòng cốt của Thị xã ủy. Đồng chí bị địch bắt và đưa đi giam giữ ở khám lớn Chí Hòa.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 12/03/1960, Chính quyền Ngô Đình Diệm đưa đồng chí Hoàng Lê Kha ra xử chém bằng máy chém của Luật 10/59 tại ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Địa điểm đồng chí Hoàng Lê Kha dự Hội nghị Thị xã ủy và bị địch bắt là cơ sở Tỉnh ủy Tây Ninh đặt tại nhà của ông Nguyễn Văn Thương, thuộc ấp Thái Hòa, nay thuộc khu phố 1, phường II, Thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây đã gắn bó, lưu niệm một thời kỳ oanh liệt của đồng chí Hoàng Lê Kha.
Cơ sở Tỉnh ủy Tây Ninh là một hệ thống cơ sở cách mạng tồn tại trong lòng địch, trong lòng nhân dân, trong những năm tháng chiến đấu ngoan cường được nhân dân đùm bọc che chở. Đồng thời còn là nhân chứng của lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước, tình đoàn kết dân tộc đấu tranh chống lại kẻ thù.
Trải qua năm tháng thăng trầm và biến cố lịch sử, ngôi nhà gỗ xưa kia đã không còn nguyên vẹn. Năm 1986, Ủy ban nhân dân Thị xã Tây Ninh đã xây dựng ngay trên nền nhà cũ một ngôi nhà mới khang trang kiên cố hơn với tổng diện tích khoanh vùng là 600m2 mang dòng chữ  “Nhà Lưu niệm cơ sở Tỉnh ủy Tây Ninh”.
Theo Bảo tàng tỉnh Tây Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét