Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Di tích Lịch sử – Văn hóa Thiên Hậu Miếu

 () tọa lạc tại khu phố 3, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Vào khoảng cuối thế kỉ 17 đầu thế kỉ 18, một số người Hoa theo các tướng nhà Minh không chịu thuần phục Mãn Thanh đã cùng nhau chạy vào phương Nam, đến cửa Tư Dung (Quảng Nam) và cửa Đà Nẵng xin chúa Nguyễn cho làm dân Đại Việt. Sau đó họ đến sống ở Gia Định rồi ngược lên lập nghiệp ở Tân Ninh nay là Thị xã Tây Ninh. Một số người Hoa gốc Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Nam và Bắc Kinh ở Tây Ninh cùng xây dựng một ngôi miếu để thờ bà Thiên Hậu gọi là Thiên Hậu miếu.
Cúng miếu Bà Thiên Hậu
Cúng miếu Bà Thiên Hậu
Tương truyền bà Thiên Hậu tức là cô gái họ Lâm, tên Mã Châu hay còn gọi là Mi Châu, quê ở huyện Bồ Điền (Phúc Kiến). Bà sinh ngày 23 tháng Chạp Năm Giáp Thân (1044) đời Tống Nhân Tông. Mới lên 8 tuổi bà đã biết đọc chữ. Năm 11 tuổi đã đi tu. Năm 13 tuổi được Thần Vô Y truyền cho bộ “Nguyên vị bí quyết” và tìm được ở dưới giếng một bộ cổ thư, bà theo đó học đạo. Năm Canh Dần (1110) niên hiệu Đại Quan, nhà Tống sắc phong bà là “ Thiên Hậu Thánh Mẫu”. Sự hiển linh của bà đã đi sâu vào tâm thức của người Hoa, nhất là những người sinh sống bằng những nghề thường vận chuyển bằng đường thủy.
Miếu bà Thiên Hậu được xây dựng vào khoảng năm 1887, lúc đầu ngôi miếu chỉ được làm tạm bợ bằng mái tranh, tre, lá. Cho đến năm 1905 (năm Quang Tự thứ 31) thì ngôi miếu đã được làm lại bằng cột gỗ quý, lợp ngói. Đến năm 1955, miếu bà được tu sửa lớn, cột cùng các vì kéo đều bằng gỗ, mái lợp ngói ống với lợp ngói viền phủ màu xanh. Đến năm 1993 miếu được trùng tu, tái thiết và gìn giữ khang trang như ngày nay.
Kiến trúc miếu không lớn, tọa lạc trên một khuôn viên đất được khoanh vùng bảo vệ là 506m2. Bề mặt ngôi miếu quay về hướng Tây, hàng rào xây, trên hàng rào có đắp chữ nổi “Thiên Hậu Miếu” và cổng ra có hai trụ cổng hai bên. Qua cổng là sân được lót gạch tàu, sát hàng rào là bàn “Vọng thiên” đặt dưới cây bồ đề tỏa mát quanh năm. Qua khoảng sân trống thì đến miếu. Bước qua cửa chính miếu có bức phù điêu gỗ được gắn trên cột gỗ chính giữa miếu, được chạm lộng tinh xảo, thể hiện quan niệm của người Hoa về ba tầng: Thiên, địa, nhân. Hai bên gian đầu tiên là bàn thờ Thần Tài bên trái và bàn thờ ông Chánh Đức bên phải. Cấu trúc của lớp nhà đầu tiên giống như phần tiền đình của các đình, miếu của người Việt chỉ khác là phần này nhỏ hẹp. Qua khỏi gian đầu tiên ta thầy một khoảng sân trời gọi là sân Thiên Tĩnh, dưới là hồ nước, non bộ có đặp rồng bay phượng múa, có nghê đá đứng chầu xen với vài hoa kiểng đứng xòe lá vươn lên như đón gió và ánh trời. Đứng từ sân Thiên Tĩnh nhìn vào bên trong gian chính điện cặp hai bên gian chính điện có hai hành lang chạy về phía sau, gian chính điện là nơi thực hiện những nghi thức cúng tế theo tập quán của người Hoa và là nơi đặt bàn thờ Thiên Hậu.Gian chính điện có tứ trụ tròn phi bằng xi măng cột thép, phía chính diện là bàn thờ bà Thiên Hậu, bên trái và bên phải của gian chính diện là bàn thờ của bà Kim Hoa và bà Long Mẫu.
Ở đây, vào ngày 23 tháng 3 hàng năm, người Hoa trong tỉnh có cả Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số người Việt tụ tập về cúng lễ vía bà và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để nhân dân an cư lạc nghiệp.
Miếu bà Thiên Hậu là một trong những công trình kiến trúc đền miếu đặc trưng của người Hoa sinh sống tại Thị xã Tây Ninh, nơi đây lưu giữ được tập tục, tín ngưỡng của người Hoa về bà Thiên Hậu, được họ xem như vị thần hộ mệnh, tuy sống xa quê hương nhưng không quên nguồn cội, đó là đức tính tốt đẹp và cao quý của con người. Công trình kiến trúc miếu Thiên Hậu là một công trình mang đạm nét kiến trúc Trung Hoa, được lưu giữ và tồn tại bên cạnh những kiến trúc đình, đền, miếu của người Việt càng củng cố thêm tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt trên đất Tây Ninh.
Miếu bà Thiên Hậu (Thiên Hậu miếu) đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 125/QĐ-CT ngày 29/4/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Theo Bảo tàng tỉnh Tây Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét