Xuôi theo Quốc lộ 1A đoạn đi qua trung tâm TP Ninh Bình, du khách sẽ không khó để bắt gặp một ngọn núi có hình dạng đặc biệt, bao quanh là hồ nước ngọt rộng lớn. Đó là núi Kỳ Lân, một trong những biểu tượng của thành phố. Sở dĩ núi được gọi là Kỳ Lân vì có hình giống đầu con lân nhìn về phía bắc. Núi cao hơn 50m và phía bắc sườn núi hõm vào tạo thành một cái hàm con lân. Xung quanh là những vách núi nhấp nhô, cây cối mọc xanh um tùm như bờm và râu của con lân. Trong tứ đại danh sơn của TP Ninh Bình, núi Kỳ Lân mang vẻ lãng mạn, trữ tình hơn so với núi Ngọc Mỹ Nhân, núi Non Nước hay núi Lớ. Núi Kỳ Lân soi bóng trong lòng hồ, trên đỉnh là mái chùa Kỳ Lân Sơn cong cong nổi bật trên nền trời xanh thẳm.
Núi Kỳ Lân được phủ xanh bởi cây cối và hồ nước ngọt. 
Để đến được núi Kỳ Lân, du khách phải đi qua một cây cầu vòm bằng đá gồm bảy nhịp bắc qua hồ nước. Mặt cầu rộng 2m, cao 4m và dài khoảng 30m. Các nhịp cầu được gắn với nhau bằng những phiến đá lớn trông rất chắc chắn. Bước tới chân núi Kỳ Lân, một không khí trong lành, mát mẻ nhanh chóng xâm lấn lấy cơ thể. Sự kết hợp của hồ nước ngọt, những cây cảnh lộc vừng, ruối, đa, chân chim, xanh trắng, si đỏ, đại vàng, thiên tuế, vạn tuế cùng một số loài chim, thú nhỏ quý hiếm đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thu nhỏ hiếm có giữa lòng TP Ninh Bình. Vì thế không có gì khó hiểu khi người dân địa phương và du khách tới đây đã gọi núi Kỳ Lân là “hòn ngọc xanh”.
Núi Kỳ Lân có 5 cái hang. Hang Tối dài 10m, hang Sáng dài khoảng 30m chạy xuyên qua núi theo hướng bắc-nam. Hai bên thành hang đá dựng đứng, phẳng lỳ như giao thông hào rộng có thể qua lại. Hang Ngang ở ngang núi có độ sâu 8m, trong khi hang Trung nằm ở lưng chừng núi sâu khoảng 10m, rộng mênh mông có thể chứa cả trăm người. Trên núi có rất nhiều cây cảnh, chim muông. Đặc biệt, đây còn là nơi lưu dấu đặc trưng của những đợt biển xâm thực. Ngấn sóng biển rõ nét, lộ lớp trầm tích có chứa xương động vật, vỏ nhuyễn thể biển... là cứ liệu quan trọng cho phép xác định tuổi, quá trình biển tiến lùi.
Ngồi ở Nghênh Phong Các trên đỉnh núi Kỳ Lân, du khách nhấp ngụm trà và ngắm nhìn toàn bộ TP Ninh Bình. Nhìn sang phía tây là hồ nước ngọt Kỳ Lân rộng lớn, những hàng núi đá vôi trùng trùng điệp điệp đang vây quanh Khu danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính hay cố đô Hoa Lư. Núi non, cảnh quan hùng vĩ của Ninh Bình bỗng chốc thu vào tầm mắt. Đúng là một địa điểm thích hợp để thưởng trà và cùng trải nghiệm cuộc sống của người dân cố đô Hoa Lư nhìn từ trên cao.
Bài và ảnh: YÊN HƯNG