Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Nhà Chính Phủ giữa rừng Tân Lập

Giữa những căn nhà của các vị đứng đầu Chính phủ, với căn nhà trực ban bảo vệ chỉ khác nhau ở chỗ: nhà ở thì có thêm tấm dựng lan can bao quanh. Bên trong có thêm một, hai chiếc giường tre và bộ bàn ghế cũng bằng tre nứa.
Hội trường lớn của Chính phủ CMLT CHMN VN
Hội trường lớn của Chính phủ CMLT CHMN VN
Tháng 8.2016. Có chuyến về nguồn thăm di tích Căn cứ  – nơi đã được Nhà nước công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều người Tây Ninh và cả nước đã từng đến đây nhưng có lẽ phần nhiều chỉ thăm được Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục bên rừng Chàng Riệc, hoặc nếu cố gắng thêm thì sang được bên di tích Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Về rừng nguồn cội cơ mà! Miên man cảnh cũ, người xưa. Mái lá cột cây. Giường, bàn gỗ tre như còn ấm nóng hơi người. Lại tò mò với những dây lá trung quân biêng biếc xanh non như thế mà giờ thành mái lá chở che, ong óng màu đồng đỏ. Và vô số cây rừng nửa quen nửa lạ. Quen như kơ-nia: “bóng ngả che ngực em” và rễ cây “uống nước nguồn miền Bắc”. Hoặc cây bằng lăng thân lốm đốm từng mảnh trắng ngời lên như tranh gốm sứ. Tháng tám giữa mùa mưa, con đường mòn nào cũng óng ả rêu xanh.
Bởi thế mà những chuyến thăm, về nguồn bao giờ cũng thiếu thời gian. Và người ta đành bỏ qua di tích cuối cùng – di tích Căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thêm một lý do nữa: trái đường. Hai khu di tích Căn cứ Trung ương Cục và Căn cứ Mặt trận nằm bên rừng Chàng Riệc, còn di tích Căn cứ Chính phủ lại cách đó tới hơn 20 cây số, tận bên ấp Tân Hòa, xã Tân Lập, liền với Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát ở phía Tây quốc lộ 22B.
Lần này quyết phải tới thôi! Con đường từ quốc lộ 22B dẫn vào di tích gần 5km đã khang trang, thoải mái xe bon. Trước mắt hiện ra một lõm rừng đầy nắng. Con đường uốn cong quanh một đảo tròn cho ta thấy một lối mòn đi vào nép dưới cây rừng. Thế là biết, từ đây buộc phải đi bộ vào khu vực từng là mật cứ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam- kết quả của việc thực hiện Chỉ thị 13/CT-NT ngày 25.5.1968 của Trung ương Cục, ngay sau khi bắt đầu những cuộc tiếp xúc đầu tiên của các bên tham dự hội nghị Paris.
Chỉ thị yêu cầu: “Ra sức xây dựng chính quyền cách mạng các cấp, theo kịp sự phát triển của tình hình…”. Tình hình ấy là cách mạng đã bước sang giai đoạn vừa đánh vừa đàm. Mà đàm phán cần có một cơ quan Nhà nước làm đại diện. Vì thế, đứa con của chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta đã được ra đời.
Nhà của Chủ tịch Chính phủ - KTS Huỳnh Tấn Phát
Nhà của “Chủ tịch Chính phủ” – KTS Huỳnh Tấn Phát
Sự kiện lịch sử trọng đại ấy diễn ra ngày 6.6.1969 tại rừng Tà Nốt, nay thuộc huyện Tân Biên. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng các thành phần yêu nước khác đã tiến hành Đại hội Quốc dân miền Nam. Tại đây, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được bầu ra do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Đại hội cũng bầu ra Hội đồng Cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu.
Những con đường mòn xanh rêu rộng chừng một mét cứ vòng vèo đưa ta xuyên qua dưới bóng rừng cây rậm. Để rồi lượn sát tới các ngôi nhà của Chính phủ trong rừng. Có lẽ nhà ở, nhà trực ban bảo vệ cũng khá giống với các mái lá trung quân bên di tích Căn cứ Trung ương Cục và Mặt trận. Mỗi nhà chỉ là một mặt bằng chữ nhật khoảng 3×4 mét. Bốn dàn kèo, cột dựng lên để có ngôi nhà lá ba gian. Kèo dốc, rui mè liên kết, lớp lá trung quân dày dặn.
Từ xa trông y như mái ngói lợp trên các ngôi nhà chữ đinh, mái bánh ít của làng quê Tây Ninh lúc bấy giờ. Giữa những căn nhà của các vị đứng đầu Chính phủ, với căn nhà trực ban bảo vệ chỉ khác nhau ở chỗ: nhà ở thì có thêm tấm dựng lan can bao quanh. Bên trong có thêm một, hai chiếc giường tre và bộ bàn ghế cũng bằng tre nứa. Có cả một tòa đại sứ trong rừng. Đấy là ngôi nhà ở và làm việc của đại sứ nước Cộng hòa Cu Ba ngay từ những năm đầu tiên của Chính phủ trong rừng.
Tính ra, có lẽ đây là tòa đại sứ nhỏ bé nhất nhưng cũng kiên cường nhất trên thế giới. Dưới mưa bom bão đạn, chỉ nứa lá tranh tre trên diện tích khoảng 10 mét vuông ấy mà đại diện cho một đất nước châu Mỹ (cách ta nửa vòng trái đất) kiên cường chống Mỹ. Ngay sau ngày 6.6.1969, không chỉ Cu Ba mà có đến 23 nước ra tuyên bố công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhiều phóng viên báo phương Tây cũng đã đến đây, để tận mắt nhìn thấy những điều phi thường đang diễn ra trên chiến trường Bắc Tây Ninh.
Bếp Hoàng Cầm trong Căn cứ Chính phủ
Bếp Hoàng Cầm trong Căn cứ Chính phủ
Nhưng có lẽ còn chưa ai nói tới điều này! Rằng các ngôi nhà có trong căn cứ Chính phủ chính là những ngôi nhà đẹp nhất so với nhiều căn cứ có trong rừng chiến khu lúc ấy. Dễ hiểu thôi! Là bởi vị Chủ tịch của Chính phủ là một kiến trúc sư. Ngôi nhà đẹp nhất và cũng là lớn nhất do đích thân ông thiết kế chính là hội trường lớn, có kích thước mặt bằng 9×20 mét. Nhà có kiến trúc gần giống kiểu nhà chữ đinh Nam bộ, với ba nhịp, năm gian, hai chái. Trên phần chái là hai bộ mái quay đầu hồi ra phía trước, làm nên một mặt tiền đối xứng, kiểu như mái trụ sở UBND tỉnh Tây Ninh ngày nay.
Cây rừng được đẽo vạc thành cột vuông. Cây tròn liên kết thành kèo, rường, xiên trính nhưng buộc bằng dây rừng theo kiểu kiến trúc nhà dân gian truyền thống. Trong hành lang là vách lửng, ngoài là lan can gỗ hình chữ nhân (X). Và dưới bóng cây cao, từng vệt nắng lung linh rọi xuống mái lá trung quân óng ả màu đồng. Bạn cứ hình dung mà xem, những mái lá màu đồng ấy, với những con đường ửng màu rêu sáng xanh non kia sẽ là một bản hòa âm màu sắc tuyệt vời.
Tại vị trí di tích cơ quan Chính phủ ấy hiện có hai ngôi nhà bê tông cốt thép theo kiến trúc của thời nay, chúng được dựng lên để ghi nhớ chuyện ngày xưa. Một là ngôi nhà lớn dùng để trưng bày các hiện vật khu căn cứ xưa và đón tiếp khách tham quan. Ngôi còn lại là nhà bia kỷ niệm; kiến trúc đẹp, hiện đại mà vẫn không xa rời truyền thống, mái ngói xòe ra, đổ dốc.
Bia đá đen óng ả chữ đồng, ghi danh sách các vị lãnh đạo Chính phủ, các vị trong Hội đồng Cố vấn và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Những tấm ảnh đen trắng thời chiến tranh cho người xem hình dung về cuộc sống giữa rừng kháng chiến. Có tấm lỗ chỗ những rơi rụng thời gian nhưng vẫn bừng sáng nụ cười tươi tắn của các vị lãnh đạo trước một chuyến đi công tác. Có ảnh luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình trong một Chủ tịch Đoàn hội nghị; có ảnh Bác Hồ, Bác Tôn và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước vỗ tay trong hội nghị chào mừng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Và với những ai đã đọc tác phẩm viết về nữ liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh của cố nhà văn Vân An thì chắc sẽ cảm động trước bức ảnh gia đình của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Huỳnh Tấn Phát. Giữa rừng, trang phục giản dị là vợ chồng Chủ tịch cùng hai con Huỳnh Thiện Tùng và Huỳnh Lan Khanh. Theo truyện vừa nhắc ở trên, cô gái trẻ Huỳnh Lan Khanh đã bị địch bắt, đưa lên trực thăng Mỹ và cô đã nhảy từ máy bay xuống vì không chịu sa vào tay giặc…
Giữa vùng chiến khu xưa, lá rừng vẫn thầm thì những câu chuyện kể- những câu chuyện mà nhiều người thời nay thật khó để hình dung.
Theo Trần Vũ (Tây Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét