Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Những chiếc máy bay đầu tiên ở Việt Nam

Vào những năm đầu thế kỷ XX, máy bay là thứ cực kỳ lạ lẫm đối với người dân Việt Nam. Ấy vậy mà nhiều người đã mua, thậm chí là chế tạo được nó

Sáng 10-12-1910, chiếc máy bay Farman cánh đôi đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn. Phi công Van Den Borg đã cố tình trình diễn lượn mấy vòng để dân chúng chiêm ngưỡng rồi mới hạ cánh xuống bãi đất phẳng ở trường đua Sài Gòn.
Nông dân làm... sân bay
Như vậy, chiếc máy bay xuất hiện đầu tiên trên bầu trời Việt Nam là năm 1910. Thế nhưng ở Bình Định, phải 14 năm sau, người dân mới được trông thấy nó. Trong hồi ký "Khúc tiêu đồng" của ông Hà Ngại - một vị quan triều Nguyễn - ông đã dành nhiều trang kể lại việc máy bay xuất hiện ở làng Hòa Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định:
"Năm 1924, ngày kia, ông Commandant (trung tá, hồi đó gọi là quan tư) Glaise ở ngành tàu bay Pháp đến huyện tự giới thiệu và nói với tôi rằng có việc quân sự khẩn cấp ở miền thượng du Trung Kỳ, ông ấy phải đem 5 chiếc tàu bay vào để làm việc gấp lắm. Ông ấy cần một sân bay tạm ở làng Hòa Hội thuộc hạt Phù Cát để hạ cánh. Ông nhờ tôi huy động sức dân làm giúp cho. Nếu sân bay tạm ấy làm xong, tuần sau tàu bay đến đây được thì ông và các tướng lãnh sẽ cảm ơn lắm".
Những chiếc máy bay đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 1.
Mẫu máy bay của Henry Mignet được ông Hồ Đắc Cung mô phỏng chế lại
Ông Hà Ngại đã huy động dân trong làng Hòa Hội làm xong sân bay tạm trong 5 ngày, kịp cho 5 chiếc máy bay đáp xuống vào chiều hôm sau. Lúc ấy, máy bay là thứ rất lạ lẫm đối với người dân quê nên ông Hà Ngại đã thông báo trong nhân dân, ai muốn xem tàu bay cất cánh thì đến sân bay Hòa Hội mà xem.
Tuy nhiên, cuộc khởi hành lại không suôn sẻ, đã gây nên tai nạn đau lòng: "Sáng sớm ngày ấy, trời mưa ít, các ông tàu bay rồ máy sắp bay, thiên hạ đến xem, bốn phía sân chật ních. Gia đình tôi cùng lính tráng đều có mặt trong nhà quan cư gần đó. Viên quan ba lên một chiếc máy bay trước hết, chạy trên mặt đất một đỗi dài, quanh quẩn mãi mà cất lên không được vì bánh lún dưới bùn. Cuối cùng, "con vật khổng lồ" ngã nhào ra, chong chóng như vũ bão đánh ào ào vào khán giả. Tai nạn sấm sét xảy tới: 4 người chết, 12 người bị thương! Phi hành đoàn cũng bị thương. Toàn dân náo loạn. Mấy người lính lệ bồng tôi và con tôi chạy như điên. Tôi la to bảo đứng lại mãi họ mới đứng. Một chiếc xe hơi của người Pháp đi qua đó, liền quay vào chở phi hành đoàn xuống nhà thương. Tôi thấy 3 chiếc xe to của các ông tàu bay chở ngập những đồ vật, liền bảo mấy tài xế lập tức bỏ đồ xuống đất, đưa những người bị tai nạn xuống nhà thương Quy Nhơn... Xuống tòa, ông Công sứ nói: Ông ở An Nam, chưa thấy những tai nạn như vậy, còn bên Pháp xảy ra luôn luôn. Ông đừng lo chi. Để rồi các ông ở hãng tàu bay sẽ đến thăm gia đình bị nạn, an ủi và bồi thường cho họ... Sau đó 4 ngày, phi hành đoàn mới bay lên Kon Tum được".
Chế tạo cả máy bay
Những năm gần đây, chúng ta nghe nói có người chế tạo máy bay nhưng ít người biết rằng từ năm 1935, Việt Nam đã có ông Hồ Đắc Cung tự chế thành công chiếc máy bay.
Tràng An Báo, một tờ báo quốc ngữ xuất bản ở Huế, đã theo rất sát sự kiện này, đưa tin khá kỹ. Trên số 19 (ngày 3-5-1935), Tràng An Báo đưa tin "Ông Hồ Đắc Cung tự chế ra một chiếc máy bay". Nội dung: "Ông Hồ Đắc Cung trước học ở Trường Nguyễn Phan Long trong Saigon, sau qua Pháp học ở Montpellier tại Trường Kỹ nghệ điện học, làm việc ở Marseille 2 năm trước rồi mới trở về nước. Từ 6 năm nay, ông Cung giúp hãng chữa ô tô của ông Didier ở Saigon. Ngoài nghề chữa ô tô, ông thích nhất nghề máy bay. Gần đây, ông đi xem chớp bóng thấy ông Henry Mignet chế ra được thứ máy bay nhỏ kêu là "rận trời" (pon du ciel), ông Cung liền phỏng theo kiểu đó mà làm một thứ máy bay mới. Hiện nay, con "rận trời" của ông đã thành hình, chỉ còn thiếu bánh xe và động cơ nữa là có thể bay được. Những thứ ấy, ông đã gửi mua ở bên Pháp. Cái động cơ 25 mã lực đó đáng giá 500$, cả tiền tàu chở về cũng tới 600$".
Do số tiền quá lớn, ông Hồ Đắc Cung đã bạo gan gửi thư cho vua Bảo Đạiđể xin hỗ trợ. Tràng An Báo số 25 (ra ngày 24-5-1935) viết: "Thơ gửi đi, ông Hồ Đắc Cung có cảm tưởng nó sẽ bị vò và liệng xuống sọt. Nhưng mới đây, ông được tin nhà băng Đông Pháp ở Saigon đòi ông. Ngạc nhiên, ông tới ngay, một tờ giấy nhỏ với mấy dòng chữ đơn sơ báo cho ông biết rằng thơ ông dâng lên Hoàng đế đã được ngài để ý đến: "Lệnh đức Hoàng đế Bảo Đại ban cho ông thợ máy Hồ Đắc Cung số tiền 300 bạc". Xiết bao mừng rỡ, sau khi lãnh số tiền kếch sù ấy, ông liền gửi ngay sang Pháp giục gửi máy thiệt mau. Khi nào được máy, ông Hồ Đắc Cung sẽ bay tới Huế để cảm ơn đức Hoàng đế".
Vài tháng sau, Tràng An Báo số 68 (ra ngày 22-10-1935) đưa tin: "Chiếc máy bay của ông Hồ Đắc Cung sắp cất cánh". Nội dung tin như sau: "Có một dạo người ta nói đến chiếc máy bay tí hon của ông Hồ Đắc Cung ở Saigon nhiều lắm. Thế rồi người ta im vì chiếc máy bay vẫn nằm trơ ra đó chờ bộ máy mua ở Tây qua. Bộ máy qua khí chậm một tí. Nhưng nay máy đã qua rồi và đã lắp xong rồi. Nay mai ông Cung sẽ cỡi máy bay thử. Ông Cung tỏ ra không tin ở sự thành công cho lắm".
Nhưng cuối cùng máy bay của ông Cung chế tạo đã bay được.Tràng An Báo số 75 (ra ngày 15-11-1935) đưa tin: "Có tin ở Saigon ra nói rằng chiếc máy bay nhỏ kêu bằng con "rận trời" của ông Hồ Đắc Cung đã do ông cầm máy bay lên tại sân Tân Sơn Nhất trong một buổi trưa mới đây. Máy lên rất cao, khi lên khi xuống đều như ý. Cũng đã trải qua mấy lần sửa chữa mới được vậy. Lần đầu hết, ông Cung đem thử tại sân Tân Sơn Nhất, chân vịt quay mà cất cánh không lên vì sợi dây buộc cánh lúc lắc. Lần giữa vào ngày 26 Octobre, máy bay lên được nhưng đương cao bỗng thình lình chúi đầu xuống làm ông Cung suýt nguy. Lần thứ ba mới bay được hoàn toàn. Nghe chừng ông sẽ bay ra Huế".
Không biết sau đó ông Hồ Đắc Cung có bay ra Huế hay không nhưng chỉ việc ông Cung thời điểm đó tự chế thành công máy bay là đã hết sức đáng kính nể lắm rồi.

HỒ HOÀNG THẢO

Công tử Bạc Liêu chơi máy bay

Sắm chiếc máy bay thuộc loại đắt tiền nhất lúc bấy giờ nhưng Công tử Bạc Liêu sử dụng chủ yếu để... đi chơi

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên sắm máy bay riêng. Chiếc máy bay này là một phần khá hấp dẫn trong chuỗi những sự kiện ăn chơi nổi tiếng của Trần Trinh Huy.
Máy bay giá 100 kg vàng
Tiếp nhận chuyện quản lý gia sản với cánh đồng cò bay thẳng cánh, Trần Trinh Huy (biệt danh Ba Huy) đã thuyết phục ông Hội đồng Trạch mua máy bay để... "đi thăm ruộng". Ba Huy đã đánh dây thép kêu tài xế chở ông Hội đồng Trạch từ Bạc Liêu lên Sài Gòn để đích thân Ba Huy lái máy bay đưa cha trở về Bạc Liêu.
Nhiều tư liệu kể lại, Ba Huy mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, như thể đi lễ hội. Nhìn Ba Huy cho máy bay chạy "như bay" trên đường băng Tân Sơn Nhất, rồi nhấc mình khỏi mặt đất, ông Hội đồng Trạch rất sợ. Đến khi máy bay lấy độ cao, thăng bằng trở lại, ông mới dám mở mắt. Lần đầu tiên được "bay", ông Hội đồng Trạch vừa mừng vừa lo, không biết thằng con có bay được về tới Bạc Liêu không. Ba Huy chưa vội trực chỉ hướng Nam, mà cho máy bay lượn một vòng quanh thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và chỉ cho ông Hội đồng Trạch đâu là sông Sài Gòn, đâu là Chợ Lớn... Từ trên mây nhìn xuống đất, ông Hội đồng Trạch không chớp mắt, ra chiều thích thú. Thường thì Ba Huy bay một mình, nói là thăm ruộng nhưng chủ yếu là để thỏa cái thú ăn chơi. Thỉnh thoảng Ba Huy cũng lái máy bay đưa ông Hội đồng Trạch đi thăm các sở ruộng ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.
Công tử Bạc Liêu chơi máy bay - Ảnh 1.
Chiếc máy bay Morane, loại mà Công tử Bạc Liêu đã mua thuộc hạng tối tân nhất trong các dòng máy bay nhỏ của Pháp thời bấy giờẢnh: TƯ LIỆU
Những người biết chuyện cho rằng chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu là loại máy bay 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được Ba Huy ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100 kg vàng.
Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, ngày 24-6-1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân Công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất: "M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau" (Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau). Hình ảnh Công tử Bạc Liêu và chiếc máy bay xuất hiện trang trọng trên trang nhất của nhiều tờ báo hồi đó.
Nhiều người kể lại, có lần Ba Huy đi thăm ruộng ở Cà Mau bằng máy bay. Cao hứng, Công tử Bạc Liêu nói anh phi công để mình lái. Do không rành đường bay cũng như các kỹ thuật lái máy bay nên Công tử Bạc Liêu bay sang tận Thái Lan. Định quay về, nhưng máy bay hết xăng đành đáp xuống nước bạn. Ba Huy cùng phi cơ bị câu lưu tại Thái Lan, buộc ông hội đồng phải chở 3 chiếc ghe loại lớn đầy lúa qua tận đất Thái chuộc Ba Huy và máy bay về. Ước tính số tiền nộp phạt khoảng vài ngàn đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10 kg vàng.
Sự ra đời của sân bay Tân Sơn Nhất
Tân Sơn Nhất trước năm 1919 vốn là tên một ngôi làng nằm trên gò đất cao ráo phía Bắc Sài Gòn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá, lập nên đất Sài Gòn - Gia Định. Làng thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và giáp các thôn Tân Sơn Nhì, Hạnh Thông Tây, Phú Nhuận... (nay đều thuộc TP HCM). Đến năm 1920, khi thành lập phi đội Nam kỳ, Pháp lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhất để xây dựng sân bay và lấy tên làng đặt luôn cho sân bay. Phần đất còn lại của làng quá hẹp nên hợp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.
Ban đầu sân bay Tân Sơn Nhất làm nền đất, có một đường băng, xung quanh trồng cỏ chỉ. Năm 1921 tuyến bay thẳng Hà Nội - Sài Gòn đầu tiên được khai trương, một lượt bay mất 8 giờ 30 phút.
Năm 1930, Sài Gòn muốn mở rộng sân bay phục vụ mục đích dân sự nhưng giá đất xung quanh sân bay đã cao vọt lên, không đủ ngân sách để bồi thường. Chính quyền lúc đó nghĩ tới việc tìm ở Cát Lái thuộc Thủ Đức một khu đất vuông mỗi chiều 1.400 m để xây sân bay khác. Song gặp lúc khủng hoảng kinh tế thế giới nên việc làm sân bay mới phải hủy bỏ, tập trung cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Cuối năm 1933, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Hãng Hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris - Sài Gòn (hồi đó không bay đêm) mất đúng một tuần mới hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Sau đó, nhiều tuyến bay quốc tế khác được mở. Đến năm 1937, toàn quyền Đông Dương cho thành lập Sở Hàng không dân dụng Đông Dương thay thế cho Sở Hàng không dân sự, để lo việc khai thác các chuyến bay.
Năm 1930, sân bay Nha Trang được khởi công xây dựng, đến năm 1935 thì hoàn tất và đem vào sử dụng với đường băng dài khoảng 1.050 m, đường lưu không có hướng bay gần Đông Bắc - Tây Nam. Trong thời gian này, loại máy bay được thực dân Pháp sử dụng nhiều là máy bay cánh quạt. Chủ yếu để chở người, các viên chức sĩ quan Pháp, vận chuyển thư từ. Nhu cầu quân sự rất ít, tuy nhiên, sân bay Nha Trang là một trong những sân bay loại lớn của người Pháp xây dựng ở Việt Nam lúc đó.
Sân bay quốc tế Phú Bài được xây dựng từ thời Pháp, sân bay này không chỉ nhằm phục vụ các công việc liên quan đến kinh thành Huế mà sau đó còn cho mục đích quân sự của Pháp. 
Trục vớt máy bay bị nạn
Ngày 26-4-2014, người dân Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) tiến hành trục vớt chiếc máy bay được cho là của Pháp bị rơi hồi đầu thế kỷ XX. Chiếc máy bay được tìm thấy ở khu vực bãi biển thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), nằm ở độ sâu từ 3 đến 6 m. Chiếc máy bay được xác định có chiều dài từ buồng lái đến đuôi là 12 m, với sải cánh rộng 15 m. Giới chuyên môn khi quan sát chi tiết càng đáp còn sót lại cho rằng đó có thể là chiếc C-47 Dakota, loại máy bay vận tải được quân đội Pháp sử dụng phổ biến trên chiến trường Đông Dương ở thời điểm bấy giờ. Mặc dù nằm dưới lòng đất đã lâu nhưng nhiều bộ phận của máy bay vẫn còn khá nguyên vẹn.
HỒ HOÀNG THẢO

Hai chiếc máy bay của vua Bảo Đại

Hai chiếc máy bay của vua Bảo Đại được chuyển cho Chính phủ Cách mạng với ý định thành lập một câu lạc bộ không quân, huấn luyện phi công

Sinh thời, vua Bảo Đại có mua 2 chiếc máy bay để dùng. Ngoài chiếc Tiger Moth, chiếc còn lại tên là Morane Saulnier.
Phục vụ cho kháng chiến
Chiếc Tiger Moth là loại máy bay một động cơ do Anh chế tạo, hai tầng cánh, hai chỗ ngồi, thân bọc vải, tốc độ chậm, có thể hạ cánh ở sân bay ngắn, hẹp, kể cả trên đồng cỏ. Chiếc Morane Saulnier do Pháp chế tạo là loại máy bay thể thao một động cơ, thân kim loại, một tầng cánh, hai chỗ ngồi.
Hai chiếc máy bay của vua Bảo Đại - Ảnh 1.
Máy bay Tiger Moth, cùng loại với chiếc máy bay vua Bảo Đại sử dụng Ảnh: TƯ LIỆU
Sau Cách mạnh Tháng Tám, vua Bảo Đại được Bác Hồ mời làm cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời. Bảo Đại đề nghị đưa 2 chiếc máy bay từ Huế ra Hà Nội. Chính phủ chấp nhận với ý định thành lập một câu lạc bộ không quân, huấn luyện phi công, đặt nền móng cho sự phát triển lực lượng không quân sau này. Ông Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giao nhiệm vụ cho ông Phan Phác, Cục trưởng Cục Quân huấn, tổ chức đưa máy bay ra bằng tàu hỏa sau khi đã tháo cánh và đưa lên Kim Đái thuộc tổng Sơn Tây.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, 2 chiếc máy bay tiếp tục được tháo rời, chuyển bằng thuyền lên Bình Ca, rồi lên Soi Đúng (Tuyên Quang). Quá trình vận chuyển máy bay từ Sơn Tây lên Tuyên Quang liên tục bị máy bay Pháp phát hiện và bắn phá. Chiếc Morane Saulnier bị mất hai mỏm đầu cánh, chiếc Tiger Moth bị thủng nhiều lỗ trên thân cánh và đuôi. Một số bộ phận khác như khung, dây cáp căng cánh... bị đứt. Hai chiếc máy bay đã được đưa vào xưởng ở khu rừng rậm thuộc thôn Soi Đúng để sửa chữa.
Ngày 9-3-1949, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân. Ban có nhiệm vụ xây dựng cơ sở nghiên cứu bước đầu về không quân, tìm hiểu hoạt động của không quân Pháp. Ban đã cử người về vùng tạm chiếm để tìm mua phụ tùng như: vải diềm bâu khổ rộng, lụa tơ tằm, sơn loại tốt, dây cáp… Toàn bộ vải cũ trên máy bay được bóc ra, thay vào đó bằng vải mới và sơn lại. Chiếc Tiger Moth được sơn phù hiệu cờ đỏ sao vàng, các đầu dây cáp bị đứt phải nối lại từng sợi rất tỉ mỉ. Sau gần nửa năm đã sửa chữa xong các bộ phận chủ yếu, còn lại dụng cụ đo độ cao và đèn bay đêm là không sửa được.
Tháng 6-1949, chiếc máy bay Tiger Moth hai tầng cánh được bay thử nghiệm. Chuyến bay đã không thành công, máy bay đâm vào bãi ngô bên cạnh đường băng. Một tháng sau, một phi công khác vốn là một hàng binh cùng với ông Nguyễn Văn Đống (người được giao nhiệm vụ trông coi, bảo dưỡng máy bay) thực hiện nhiệm vụ bay thử.
Nói thêm về ông Đống, ông từng học nghề chữa, lắp ráp máy bay tại Pháp với bằng tốt nghiệp hạng nhì cùng với sắc phong cửu phẩm của vua Bảo Đại. Ông đã có thời gian làm việc cho hãng hàng không của Pháp tại các trường bay Tân Sơn Nhất, Gia Lâm, Bạch Mai. Sau khi thực hiện bay một vòng ở độ cao 800m, phi công thực hiện động tác biểu diễn. Khi bay thử vòng thứ hai, phi công có ý hạ độ cao gần mặt sông Gâm, từ đó hạ cánh thăng bằng xuống đường băng. Khi phát hiện cánh máy bay chạm mặt nước, phi công vội kéo cần lái bay lên. Tuy nhiên, phát hiện phía trước là dãy núi cao nên ông Đống ngồi phía trước đã vội ấn cần lái cho máy bay đâm xuống sông, nhờ sức cản của nước giữ an toàn cho cả hai người.
Chiếc máy bay từ khi gặp sự cố nói trên đã không thể cất cánh được nữa và được sử dụng làm buồng tập lái dưới mặt đất, rồi tháo nhỏ ra cùng với xác máy bay Pháp bị bắn rơi làm mô hình học tập cho các học viên. Sau khi Ban Nghiên cứu Không quân giải thể, các bộ phận của hai chiếc máy bay được đưa vào gửi trong dân, các hiện vật dần bị thất lạc và hư hỏng. Năm 1994, các cựu chiến binh đã thu thập được một ít linh kiện và tư liệu của 2 chiếc máy bay này, trao lại cho Bảo tàng Hàng không dân dụng và Bảo tàng Phòng không - Không quân.
Nói thêm, lúc còn làm vua, Bảo Đại rất quan tâm các hoạt động liên quan đến máy bay, trong đó có việc hỗ trợ tiền cho ông Hồ Đắc Cung chế tạo máy bay, xem các cuộc diễn tập máy bay... Tràng An Báo số 298 (ra ngày 25-2-1938) đưa tin: "Hoàng Thượng ngự xem cuộc thao diễn phi cơ ở Phú Bài" - "Hôm thứ ba vừa rồi, Hoàng Thượng ngự xuống bến tàu bay Phú Bài xem cuộc thao diễn phi cơ. Theo chầu ngự giá, có hoàng thân Vĩnh Cẩn và ông Nguyễn Duy Quan, Bí thơ ngự tiền văn phòng".
Cũng trên Tràng An Báo số 423 (ra ngày 26-5-1939) có đưa tin "Đức Hoàng đế sẽ ngự máy bay sang Pháp. Tùy giá có ông Hoàng Tùng Đệ, Vĩnh Cẩn, ông Nguyễn Duy Quan…". Chưa rõ có phải đây là lần đầu tiên vua Bảo Đại công du sang Pháp bằng máy bay hay không. Nhưng cũng tờ báo nói trên cho biết đến ngày 30-5 "Đức Nam Phương Hoàng hậu sẽ ngự tàu (tàu thủy - người viết) Paul Doumer sang Pháp với Đức Đông cung Hoàng Thái tử Bảo Long và công chúa Phương Mai, công chúa Phương Liên…"
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-6
Kỳ tới: Công tử Bạc Liêu chơi máy bay
Bài hát của đại phi công
Trên chiếc máy bay đùa với gió
Phi công đã vượt khỏi tầng mây
Cúi mặt xem: những bể sóng rừng cây
Chỉ thoảng thoảng vết xanh, đen, vàng, đỏ
Nghĩ : "Trên mặt đất, cõi xa xăm đó
Đường chạy xuôi, chạy ngược biết bao người"
Rồi, cặp môi nhúm một nụ cười
Xa địa giới ngẫm nhân gian nhiều việc nhỏ!
Rồi ngài đổ máy, chặt mây, chém gió
Hát vài câu như riêng ngỏ với trời.
Hát rằng:
"Nhắp cánh chim bay,
Cỡi máy ta bay
Bay cao cho quá
Qua bốn tầng mây!
Tầng mây, mạo hiểm, ta bay
Ta bay, ta lánh người say mồi… tiền
Bay cao cho thỏa chí nguyền
Nào ta có muốn để tên với đời!"
Máy kêu như sấm vang trời
Hóa công song cũng hiểu lời phi công"
(Tràng An Báo số 7, ra ngày 22-3-1935
đăng bài thơ trên của nhà thơ Nam Trân).
HỒ HOÀNG THẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét