Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Sài Gòn xưa

Hình ảnh người đẹp bí ẩn trên thương hiệu xà bông nức tiếng một thời

Hình ảnh cô Ba trên cục xà bông là hình ảnh dung dị đặc trưng của con gái Nam bộ. Nét đẹp này cộng với chất lượng sản phẩm đã chinh phục được người tiêu dùng. Nhưng "lý lịch" của cô Ba không hề được đơn vị sản xuất công bố.
Xà bông, xà phòng có nguồn gốc từ chữ savon của Pháp. Điều này cho thấy, xà bông không phải là sản phẩm do người Việt phát minh ra. 
Thế nhưng, tại Việt Nam, sản phẩm xà bông do chính người Việt sản xuất đã chiếm lĩnh thị trường trong một thời gian khá dài đánh bật cả các sản phẩm ngoại nhập. Chúng tôi muốn nói đến mặt hàng xà bông Việt Nam nhãn hiệu Cô Ba.
Thương hiệu nức tiếng
Trước khi xà bông Cô Ba có mặt, xà bông Marseille do người Pháp sản xuất được đưa vào Việt Nam độc chiếm thị trường. Xà bông Marseille mang đầy đủ những đặc tính của cục xà bông thơm đã hiện diện từ nam chí bắc trong nhiều năm liền.
Năm 1930, mặt hàng xà bông do người Việt sản xuất lần đầu tiên ra đời. Ban đầu chỉ là xà bông đá dạng thô nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, thương hiệu xà bông Cô Ba xuất hiện đã làm cho xà bông Marseille bị ảnh hưởng không nhỏ.
Sài Gòn xưa, xà bông, xà bông Cô Ba, mỹ phẩm
Xà bông Cô Ba và các sản phẩm của xà bông Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Người dân Việt Nam đón nhận mặt hàng do chính người Việt sản xuất một cách nồng nhiệt bởi xà bông Cô Ba có mùi thơm vừa chân chất, gần gũi lại vừa kiêu sa, đài các. 
Bên ngoài vỏ hộp, công thức điều chế sản phẩm được ghi rất đơn giản, chỉ 72% dầu dừa, còn lại là soude (NaOH), hương liệu và vài phụ gia khác.
Nói như thế nhưng trải qua nhiều chục năm, đến nay vẫn chưa ai biết được trong vài chất phụ gia đó có chất gì khiến cho mùi thơm trong xà bông Cô Ba luôn ngào ngạt, ngất ngây và lâu dài.
Người tiêu dùng đến với xà bông cô Ba, ngoài chất lượng tốt với 72 phần dầu, giá thành rẻ còn có những chiêu quảng cáo độc đáo gây ấn tượng - nhất là biểu tượng cô Ba trên bao bì.
Loại xà bông này không có chữ nào ghi là xà bông Cô Ba. Lý do người ta gọi xà bông Cô Ba là do trên hộp giấy có in hình một người phụ nữ búi tóc. Trên cục xà bông in nổi hình một người phụ nữ nhìn nghiêng.
Hình ảnh cô Ba trên cục xà bông là hình ảnh dung dị đặc trưng của con gái Nam bộ. Nét đẹp này cộng với chất lượng sản phẩm đã chinh phục được người tiêu dùng. Nhưng "lý lịch" của cô Ba không hề được đơn vị sản xuất công bố.
Có giai thoại cho rằng cô Ba chính là cô Ba Thiệu con gái thầy Thông Chánh (tên thật Nguyễn Văn Chánh, còn gọi Nguyễn Trung Chánh) ở Trà Vinh, người đã đánh bật 100 cô gái khác dành chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp vào năm 1865 tại Sài Gòn.
Sài Gòn xưa, xà bông, xà bông Cô Ba, mỹ phẩm
Hộp và cục xà bông Cô Ba.(Ảnh tư liệu)
Trong tác phẩm Sài Gòn năm xưa của học giả Vương Hồng Sển có viết về nhan sắc của cô Ba Thiệu: "Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. 
Tóc dài chấm gót, với ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem nhà dây thép và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: xà bông Cô Ba; muốn biết danh tiếng bực nào xin ráng tìm các bà cỡ 1900 hỏi lại!".
Đến nay, xà bông Cô Ba với hình ảnh cô gái xinh đẹp vẫn là những huyền thoại trong ký ức của không ít người dân Sài Gòn.
Huyền thoại về người đẹp bí ẩn
Như đã nói, hình ảnh cô ba Thiệu vẫn được nhiều người gán ghép cho đó là hình ảnh của cô Ba trên cục xà bông. Nhiều giai thoại về người con gái hồng nhan này được truyền miệng ngợi ca nhan sắc và phẩm hạnh.
Có người kể rằng tuy đã đoạt danh hiệu hoa hậu nhưng cô ba Thiệu vẫn sống một cuộc sống bình dị của người con gái quê. Mọi cám dỗ, mọi xa hoa đều bị cô bỏ ngoài tai bởi xã hội còn nặng quan niệm con gái phải tam tòng tứ đức. Một thời gian sau, cô ba Thiệu lấy chồng rồi rơi vào lãng quên.
Một giai thoại khác kể lại, cô Ba đẹp nhờ giống mẹ. Mẹ cô tuy đã đứng tuổi nhưng vẫn mặn mà làm xiêu lòng quan biện lý người Pháp Jaboin. Viên quan người Pháp này đã thường xuyên tìm cách tán tỉnh. Sự việc đến tai cha cô là thầy Thông Chánh.
Sài Gòn xưa, xà bông, xà bông Cô Ba, mỹ phẩm
Mẫu quảng cáo xà bông Việt Nam trên đường Hàm Nghi. (Ảnh tư liệu)
Bất bình trước hành vi đó, thầy Thông Chánh đã bắn chết viên biện lý. Người Pháp bắt giam và sau đó truy tố thầy Thông Chánh ra tòa. Khi bản án xử tử được tuyên, cô Ba Thiệu đã không tiếc lời nhiếc mắng quan Pháp nên cô đã bị bắt. Không để chúng xử như cha, chính cô đã tự tìm cái chết như một sự giải thoát.
Có lẽ thương cảm trước hoàn cảnh bị đát và số phận éo le của cô Ba nên khi sản phẩm xà bông Cô Ba xuất hiện ai nấy cũng đều cho rằng hình ảnh cô Ba in trên chiếc hộp chính là cô ba Thiệu, giai nhân tuyệt sắc của miền Tây sông nước ...
Tuy nhiên tất cả chỉ là giai thoại. Thực tế, loại xà bông Việt Nam mang nhãn hiệu Cô Ba hiện diện khắp nơi trong một thời gian khá dài, ghi dấu lại sự thành công của thương nhân người Việt.

Chiêu độc giúp tỷ phú Sài Gòn đánh bật các đối thủ

Chiêu quảng cáo cao tay
Mặt hàng xà bông Việt Nam trong đó có xà bông Cô Ba là sản phẩm của ông Trương Văn Bền, một thương nhân ở Sài Gòn. Xà bông của ông Bền xuất hiện trên thị trường vào những năm đầu thập niên 1930. 
Sau khi ra đời, xà bông cô Ba, với mùi thơm ngào ngạt kéo dài rất lâu, nhanh chóng đánh bật xà bông Marseille đang độc chiếm thị trường.
thương hiệu, xà bông Cô Ba, Trương Văn Bền, hoa hậu Sài Gòn
Trụ sở công ty dầu và xà bông trước đây (Truong Van Ben & fils - huilerie et savonnerie Vietnam). Hình ảnh cô Ba vẫn còn lưu lại (trong vòng tròn)
Từ đó, khắp 3 nước Đông Dương đều có những sản phẩm xà bông Việt Nam, đặc biệt là xà bông Cô Ba. Không lâu sau đó, công ty Trương Văn Bền và các con được thành lập với mục tiêu xây dựng nhà máy chế biến xà bông lớn nhất Đông Dương.
Sự thành công đó, ngoài chất lượng sản phẩm, phải nói đến phương cách quảng cáo mà ông Bền áp dụng trong suốt thời gian tồn tại. Nhiều người cao niên kể lại, những ngày đầu hình ảnh xà bông Việt Nam và xà bông cô Ba phủ dày trên các hông xe điện, xe đò. 
Hình ảnh này cũng được in trên áo phát cho các cầu thủ cũng như cổ động viên mặc vào mỗi khi có trận đấu. Ngoài ra, ở các thể loại âm nhạc được người dân Nam bộ yêu thích là cải lương và vọng cổ, xà bông cô Ba và xà bông Việt Nam vẫn luôn được nhắc đến.
Nội dung chính của các loại hình quảng cáo trên, công ty Trương Văn Bền nhấn mạnh vào lòng yêu nước của người Việt Nam với phương châm "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".
Như thế cũng chưa đủ, vẫn chưa giúp các tiệm tạp hóa mạnh dạn lấy hàng xà bông Việt Nam và xà bông Cô Ba về bán. Ông Bền đã dùng cách thuê nhiều người đến các tiệm hỏi mua xà bông Cô Ba, dĩ nhiên là không tiệm nào có bán loại xà bông này. 
Người mua đã dặn: "Xà bông Việt Nam và xà bông Cô Ba tốt lắm. Anh/chị lấy về bán đi lần sau tôi đến mua".
Nhờ nhiều lần như vậy mà sau đó bất cứ tiệm nào cũng có các loại xà bông do công ty Trương Văn Bền sản xuất. Tiếng tăm của xà bông Việt Nam bắt đầu lan tỏa. Từ các cửa hàng sang trọng đến các tiệm tạp hóa nơi đèo heo hút gió đều có sự hiện diện của loại xà bông này.
Đến năm 1959, tiếng tăm của xà bông Việt Nam và xà bông Cô Ba vang dội khắp nơi. Lúc này trên thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều nhãn hàng xà bông khác cạnh tranh với xà bông Việt Nam. Công ty Trương Văn Bền vẫn không nao núng.
Đánh bật các đối thủ
Người có khả năng cạnh tranh với xà bông Cô Ba vào thời bấy giờ chỉ có ông Nguyễn Thành Nam. Sinh ra trong gia đình giàu có, ông Nam là người Việt đầu tiên tốt nghiệp kỹ sư hóa học tại Pháp. 
Khi về nước, Nguyễn Thành Nam nhìn thấy sự thành công vượt bậc của xà bông Cô Ba khiến ông mạnh dạn mở hãng xà bông Thiên Nam ngay tại xứ dừa Bến Tre.
thương hiệu, xà bông Cô Ba, Trương Văn Bền, hoa hậu Sài Gòn
Ông Trương Văn Bền (Ảnh tư liệu).
Nhưng sản phẩm của ông không tiêu thụ được và ông cam chịu thất bại. Rồi ông về Côn Phụng tu hành lấy pháp danh là Thích Hòa Bình hay còn gọi là ông Đạo Dừa.
Ngoài ông Đạo Dừa ra còn có bà đốc phủ Mầu với xà bông Con Cọp. Ông Balet ra xà bông Nam-Kỳ mang biểu tượng người đàn bà Việt Nam nhái theo xà bông Cô Ba và ở Cần Thơ có xà bông “3 sao” của ông Nguyễn Phú Hữu … Tất cả đều thất bại và chấp nhận thua cuộc trước sự lớn mạnh của xà bông cô Ba.
Nguyên nhân của sự thất bại đó ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm ra, việc quảng cáo đóng một vai trò rất tích cực. Không ai dám bỏ tiền ra như ông Bền để thuê đoàn võ thuật đi từ nam ra đến Bến Hải. 
Đoàn đi vào tận các chợ búa, làng mạc xa xôi để vừa biểu diễn võ thuật vừa quảng bá thương hiệu, trực tiếp bán xà bông cô Ba cho dân chúng.
Nhờ thế mà đến những năm đầu thập niên 1960, người Mỹ đến Việt Nam mang theo xà bông Lifebuoy nhưng cũng chẳng làm cho Cô Ba nao núng. Rồi tiếp đến, xà bông bột hay bột giặt Viso của ông Trương Văn Khôi tràn ngập thị trường nhưng cũng chỉ... "kề vai, sát cánh" với Cô Ba.
Ít ai nghĩ đến trong sự thành công của ông Bền có phảng phất chút nhập nhằng về nhãn hiệu Cô Ba. Hình ảnh một Cô Ba đẹp người đẹp nết hiện diện trên vỏ hộp đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng. 
Có người quả quyết rằng cô Ba trên hộp chính là vợ ông Bền. Nhưng dù là cô Ba Thiệu hay cô Ba Bền thì sự hoải nghi đó càng sâu càng làm cho người tiêu dùng ấn tượng hơn. Vì thế đến nay, cũng chưa ai có thể xác định cô Ba là ai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét