Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

"Thót tim" lần đầu đi săn đặc sản U Minh Hạ

Chúc Ly Thứ Sáu, ngày 17/03/2017 06:30 AM (GMT+7)

(Dân Việt) Nghe danh tiếng của tập đoàn lấy mật (tiếng địa phương là ăn ong) Phong Ngạn (nay là hợp tác xã 19.5) xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã lâu, nhưng trực tiếp gặp gỡ những người thợ ăn ong ở đây mới thấy hết tâm huyết với nghề của họ và những điều thú vị về nghề.

   

Clip: "Thót tim" lần đầu đi săn đặc sản U Minh Hạ
“Thót tim” lần đầu đi ăn ong
Hầu như dân trong vùng ai cũng biết đến Tập đoàn Phong Ngạn và ông Trần Văn Nhì (Út Nhì), bởi ông đã có hơn 41 năm trong nghề ăn ong. Mỗi năm, ông tiếp hàng trăm vị khách tò mò về nghề ăn ong trong và ngoài nước, và được ví như “đệ nhất tay kèo” ở đất rừng U Minh Hạ này.
 "thot tim" lan dau di san dac san u minh ha hinh anh 1
Những người thợ ăn ong với kỹ thuật điêu luyện. Ảnh: C.L
Việc lấy mật của các thợ ăn ong tuân thủ quy chế rất chặt chẽ, các tổ viên, nếu phát hiện có sự gian lận chất lượng mật hay làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sinh trưởng của bầy ong sẽ bị loại ra khỏi hợp tác xã. Nhờ vậy mà mấy chục năm nay mật ong ở đây luôn được đảm bảo. Trung bình mỗi thợ gác kèo ong ở hợp tác xã thu từ 200 lít mật/mùa”.
Ông Nguyễn Văn Vững –
 Giám đốc hợp tác xã 19.5 

Tiếp chúng tôi bên ấm trà nóng, ông Út Nhì cho hay: “Lúc này là ngay thời điểm đi ăn ong, lấy mật. Mùa mật này tôi có trên 300 kèo ong và có khoảng 100 kèo đã có ong đến làm tổ. Trung bình mỗi năm có 2 mùa mật chính, tôi thu hoạch khoảng 500 lít mật/năm”.
Khi nghe một đứa con gái lại không phải người ở vùng này ngỏ lời muốn đi ăn ong cùng, ông Út Nhì cười cười rồi nói: “Bây nhắm đi nổi không, không phải chuyện giỡn chơi à. Có đứa tôi dẫn tới tổ ong, thấy ong bay ra nó chạy thục mạng”. Sau nhiều lần thuyết phục, ông cũng chấp nhận dẫn tôi theo. Thế là 2 chú cháu cùng 2 người nữa khăn gói vào rừng ăn ong.
Nói là khăn gói vậy chứ nhìn chú chuẩn bị dụng cụ tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi quá là đơn giản. Hành trang đi ăn ong chỉ gồm vài bó đuốc con cúi làm bằng sơ dừa được bó chặt lại để hun khói; một chiếc xô nhựa đựng tàn ong, một  hột quẹt; một vài bao lưới chùm đầu và một con dao nhỏ…
Khi đã sẵn sàng mọi thứ, chúng tôi bước xuống một chiếc xuồng máy nhỏ (phương tiện di chuyển trên sông nước thông dụng ở Cà Mau) để len theo các con kênh đi vào rừng. Cập bến bìa rừng, mọi người cùng lội băng qua những tán rừng tràm, nước ngập tới đầu gối để tiến vào khu vực gác kèo ong. Trước khi dẫn đoàn vào sẽ có một người đi “tiền trạm”, xem ong đã xuống làm tổ chưa, có đủ mật để lấy hay không.
Khi đã xác định được tổ ong cần lấy, mọi người sẽ chùm lên đầu một mảnh lưới dày để bảo vệ mình, còn chú Út Nhì không thèm chùm vì nói rằng mình quen rồi.
Ông Út Nhì đi trước, trên tay cầm theo bó đuốc con cúi. Khi đến gần tổ ong thì nhẹ nhàng hun khói, di chuyển sát vào tổ ong để hun xung quanh tổ, cho ong say khói bay ra. Tiếp đó có thêm một người khác tiến vào tổ ong, tay không phủi nhẹ những con ong còn bám trên tổ để dùng dao cắt tàn ong chứa đầy mật. Tất cả quy trình ấy khiến những người lần đầu đi ăn ong phải nín thở đứng xem khi đàn ong bắt đầu túa ra ngày càng nhiều. Từ lúc đến tổ ong đến khi lấy xong mật chỉ mất vài phút, nhanh đến nỗi tôi chưa hết sợ ông Út Nhì đã bảo đi ra. Vậy là ăn xong một tổ ong.
Đến tổ thứ 2, tôi đã bớt bỡ ngỡ, lần này tiến đến gần tổ ong hơn, khi hun khói tôi còn cảm nhận được những con ong chạm vào mặt mình giấu đằng sau tấm lưới che đầu, rồi nhiều con còn bu khắp người. Nhưng nhớ kỹ lời chú Út Nhì, tôi không làm chết một con ong nào.
Chăm chú với công việc của mình, trong lúc vừa cắt một đoạn tàn ong no mật, ông Út Nhì chia sẻ: “Đối với những tổ ong mới xuống tổ, mình lựa chọn những đoạn mật no để lấy, rồi chừa lại một ít tàn ong trên kèo để dưỡng cho đợt ăn ong sau”.
Khi đã “an toàn” ra đến bìa rừng, ông Út Nhì lúc này mới dặn dò: “Ăn ong phải nhẹ nhàng, nhanh chóng và dứt khoát, tuyệt đối không được làm kinh động đàn ong. Nếu lỡ ong có đốt cũng phải phủi nhẹ cho nó đi chớ không được đập chết, vì nếu như vậy sẽ bị các con khác đốt nhiều hơn. Khi quay phim, chụp hình tuyệt đối không bật đèn vì chỉ cần bật lên ong sẽ nhào vào đốt, chạy không kịp”.
Đặc sản U Minh Hạ
 "thot tim" lan dau di san dac san u minh ha hinh anh 2
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi.  Ảnh: C.L
Mật ong rừng tràm U Minh Hạ hiện đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2011. Với hương vị đặc biệt và nhiều công dụng trong y học, mật ong rừng tràm U Minh Hạ đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi.

Cũng theo ông Út Nhì, việc gác kèo ong đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, không phải ai gác ong cũng đến làm tổ. Kèo được làm đơn giản, có thể làm bằng cây tràm thẳng, to cỡ bắp chân người lớn, dài chừng 2-3m, phơi khô. Người ăn ong phải chọn vị trí gác kèo sao cho có ánh mặt trời rọi vào cả hai bên của kèo, nghĩa là ở buổi nào cũng phải có ánh mặt trời chiếu vào, kèo được gác chếch cỡ tầm đầu người.
Thường sau 15-20 ngày kể từ khi ong xuống làm tổ sẽ cho đợt mật đầu tiên, sau đó, cứ khoảng 10 ngày lấy được 1 đợt mật. Mật ong rừng U Minh Hạ có 2 mùa, mùa mưa và mùa hạn. Mật mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 đến khoảng tháng 8 âm lịch; mùa hạn bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch.
Chỉ tay về một tổ ong lớn, ông Út Nhì cho hay: “Mùa hạn này đi lấy mật là đỡ rồi, chứ mùa mưa đàn ong sẽ hung hăng hơn, lượng mật cũng ít hơn so với mùa hạn. Mùa mưa, đàn ong phải tích lũy phấn hoa trong những ngày mưa dầm cho đàn ong non, phần tích lũy này được gọi là ké, phần ké thường chiếm khoảng 30-40% lượng mật và mật cũng loãng hơn. Trong khi mùa hạn, ong không tích lũy ké này và chất lượng mật cũng ngon nhất trong năm. Bởi vì mùa này trời ít mưa, nước mưa trên nhuỵ bông tràm ít, khi ong lấy mật sẽ cho mật đặc sánh và mùi thơm nồng”.
Mỗi chuyến ăn ong những người thợ thường thu được rất nhiều mật vì có rất nhiều kèo được gác trong rừng. Tại rừng U Minh Hạ điều kiện sinh trưởng tốt nên các tổ ong thường rất to, có tổ dài hơn 1m (mỗi tổ ong trung bình sẽ có từ 3-5 lít mật, tổ lớn có đến 10 lít). Thành quả sau một chuyến đi ăn ong là những thùng mật nặng trĩu và niềm vui trên gương mặt của những người thợ.
Vác trên vai một thùng tàn ong chứa đầy mật, anh Trần Văn Chơn, một thợ ăn ong tại rừng U Minh Hạ chia sẻ: “Nghề ăn ong này có từ rất lâu rồi, những người còn trẻ như tôi ban đầu cũng phải học hỏi rất nhiều. Nghề dạy nghề thôi vì đây là nghề truyền thống ở đây rồi. Hơn nữa, từ lúc cha sanh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa thấy ai đi ăn ong ở cái xứ U Minh này biết pha loãng mật ong cả”.
Tiếp lời anh Chơn, ông Út Nhì bộc bạch: “Ai mà nói dân ở đây pha mật ong là bậy lắm. Lấy ong về là vắt mật rồi cho vào chai bán liền. 41 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi dám có ý nghĩ đó. Chúng tôi sống nhờ cánh rừng ở đây, sản vật trời cho này chúng tôi phải lưu giữ, thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ phải được bảo vệ. Khi bán ra thành phố rồi người ta có pha hay không thì không biết nhưng ở đây tụi tui tuyệt đối không làm như vậy”.
Nhiều thợ ăn ong trong vùng cũng cho biết, mật ong rừng U Minh Hạ có tiếng từ lâu, cả nước ai cũng thích nên lượng mật lấy không đủ bán và bán được giá khá cao, trong khi đó mật ong pha thì có giá rẻ hơn rất nhiều nên họ không cần thiết phải pha loãng mật để bán.
Với giá bán dao động từ 300.000-350.000 đồng/lít (mùa mưa); 400.000 đồng (mùa khô), mỗi năm thu nhập từ nghề ăn ong khoảng trên 100 triệu đồng/hộ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét