Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Đừng lãng quên Hổ Quyền - Voi Ré, 'đấu trường La Mã' của Việt Nam

(Emdep.vn) - Bạn có biết ở kinh thành Huế gần 200 năm qua có tồn tại một đấu trường được ví là "Colosseum phiên bản Việt"?
Huế từ trước tới nay luôn nổi tiếng bởi hệ thống quần thể di tích cố đô, từ kinh thành, đại nội, lăng tẩm... cho đến hệ thống chùa chiền, đền đài, miếu... Có những di tích thu hút rất đông du khách, nhưng cũng có nơi hoàn toàn vắng bóng người, trầm mặc theo thời gian để dần dần trở thành phế tích bị quên lãng. Cụm di tích đặc biệt Hổ Quyền - Voi Ré chính là tiêu biểu.
 Đấu trường Hổ Quyền và điện Voi Ré (còn có tên gọi Long Châu Miếu) là cụm di tích trong quần thể di tích cố đô Huế, ngày nay tọa lạc trên đường Bùi Thị Xuân, thuộc vùng đồi Long Thọ, địa phận thôn Trường Đá phường Thủy Biều. Từ trung tâm Đại Nội, Chùa Đông Ba hay trục chính đường Lê Lợi, đi về tay phải hướng về cầu (cồn) Dã Viên chừng 5km là đến.
Theo lịch sử Hổ Quyền là một trường nuôi hổ, cũng là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa hổ và voi, nhằm mục đích luyện quân, tế lễ cũng như phục vụ nhu cầu giải trí của vua quan triều Nguyễn. (Nguồn ảnh tư liệu từ internet).
Trước khi Hổ Quyền được xây dựng, những trận đấu giữa voi và hổ thường được tổ chức ở đảo Dã Viên trên sông Hương. Về sau này có nhiều sự cố đe dọa an toàn, năm 1830 vua Minh Mạng đã quyết định chọn thôn Trường Đá nằm phía Tây kinh thành để xây dựng một đấu trường kiên cố, tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Được thiết kế đơn giản nhưng vô cùng vững chắc, Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên có dáng hình vành khăn, với vòng trong cao 5,8m, vòng ngoài 4,75m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế; chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng chảo là 44m.
Đấu trường có khán đài dành riêng cho vua cao hơn hẳn các khán đài khác, nằm quay mặt hướng Nam và đối diện 5 chuồng cọp. Bên trái khán đài gồm 24 bậc cấp dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính.
Cửa vòm lớn dành cho voi ra vào để chiến đấu. Trận chiến cuối cùng được ghi nhận tại Hổ Quyền diễn ra vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái.
Phần tường thành phía trong của Hổ Quyền.
Hổ Quyền được xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt. Nhưng trải qua gần 200 năm mưa nắng, dâu bể, ngày nay đấu trường đã xuống cấp nghiêm trọng, gạch đá bị nứt vỡ, lối lên khán đài bị rào lại với cảnh báo nguy hiểm.
Hổ Quyền có giá trị văn hóa rất cao, được coi là công trình "độc nhất vô nhị" không những ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trừ đấu trường La Mã cổ đại, khó tìm được một đấu trường nào khác độc đáo hơn thế. Tuy vậy ngày nay chỉ có du khách quốc tế là thích thú đến thăm, di tích dần hoang vắng không mấy người Việt tìm đến nữa.​
Nếu như Hổ Quyền là đấu trường của voi và hổ, thì điện Voi Ré hay còn gọi với tên Long Châu Miếu, là nơi thờ những chú voi chiến xông pha trận mạc, là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn. Đây là một di tích độc đáo thuộc quần thể di tích cố đô Huế, được công nhận Di tích cấp quốc gia vào năm 1998.
Điện Voi Ré có diện tích chừng 2000m2, nằm trên một khu đất rộng phía Đông Nam của đồi Thọ Cương, ngày nay cách đấu trường Hổ Quyền chừng 400m.
Truyền thuyết kể lại rằng trong một trận giao tranh dưới thời Trịnh - Nguyễn, dũng tướng Đàng Trong đã hy sinh giữa trận tiền, quá đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của viên dũng tướng đã chạy hàng trăm dặm về Phú Xuân, đến đồi Thọ Cương nó đã rống vang trời, đau thương cùng cực rồi trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước sự trung thành đó, người dân trong vùng đã làm lễ an táng, xây mộ và đặt tên là mộ Voi Ré.
Vua Gia Long sau khi lên ngôi, đã cho xây dựng bên cạnh mộ Voi Ré một ngôi điện thờ tên gọi Long Châu Miếu, để thờ các vị thần bảo vệ voi và bốn con voi dũng cảm nhất trong chiến trận dưới triều Nguyễn. Từ đó dân gian quen gọi ngôi miếu này là điện Voi Ré.
Điện Voi Ré là một công trình tiêu biểu của nền kiến trúc tôn giáo sơ khai của Việt Nam, cùng với Hổ Quyền - một phần di sản văn hóa thế giới - là những di tích vô cùng quan trọng tạo nên sự đa dạng cho quần thể di tích cố đô Huế, nên cần phải được đặc biệt chú ý bảo tồn cũng như quảng bá sâu rộng hơn nữa tới mọi người, không chỉ Việt Nam mà còn với du khách quốc tế.
Nam Chấy

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét